Động thái trên của Kiev được cho là để xua tan những nghi ngờ mới đây cho rằng quốc gia Đông Âu này cung cấp công nghệ tên lửa cho Triều Tiên, CNN nhận định.
Theo hãng tin này, những thước phim được ghi lại vào tháng 7/2011 trong chiến dịch bắt giữ điệp viên Triều Tiên của lực lượng an ninh Ukraine.
Trong đoạn video, hai người đàn ông được cho là điệp viên Triều Tiên đột nhập vào một gara ô tô để chụp ảnh một số tài liệu quan trọng. Ít phút sau đó, một nhóm người mặc thường phục được xác định là lực lượng an ninh Ukraine xông vào bắt giữ hai người này.
Video: Điệp viên Triều Tiên đánh cắp bí mật tên lửa ở Ukraine
"Những hình ảnh này tuy không được rõ nét, nhưng bằng chút ít ánh áng trong nhà để xe đầy bụi bặm, bạn có thể nhận thấy 2 điệp viên Triều Tiên đã sốt sắng thế nào khi chụp lại những hình ảnh mà họ cho các thiết kế tên lửa bí mật", CNN viết.
Kết luận từ phiên tòa xét xử 2 công dân Triều Tiên năm 2012 nêu rõ thời điểm trước khi bắt giữ, 2 điệp viên tới từ Bình Nhưỡng đang tìm kiếm các thông tin liên quan tới tên lửa đạn đạo, hệ thống tên lửa, động cơ tàu vũ trụ, pin mặt trời, bồn nhiên liệu mau cạn, bệ phóng di động, bộ tích điện cùng các tiêu chuẩn quân sự khác để đưa về Bình Nhưỡng.
2 người này khi đó cho rằng họ đang thu thập được tài liệu về tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-24 Scalpel có khả năng mang 10 đầu đạn mà không hề hay biết đó là các tài liệu giả mạo và đây chỉ là cái bẫy mà Ukraine giăng ra để bắt điệp viên.
Bình Nhưỡng khi đó được cho là đang rất cần các thông tin này cho chương trình chế tạo ICBM, CNN cho biết thêm.
Một nhân viên thuộc cơ quan an ninh của Ukraine từng tham gia vào vụ việc này cũng khẳng định Bình Nhưỡng không thể thu được bất cứ công nghệ tên lửa nào từ Kiev bởi các nỗ lực điệp viên của họ đều bị ngăn chặn.
Người này cũng cho biết thêm, trong năm 2011, 2 công dân Triều Tiên khác bị trục xuất sau khi bị phát hiện tìm cách đánh cắp các bộ phận của tên lửa không đối không. Một người Triều Tiên thứ ba cũng buộc phải trở về Bình Nhưỡng sau khi bị bắt quả tang đưa các thiết bị này ra khỏi Ukraine.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2015, 5 người Triều Tiên phải về nước vì tiếp tay cho mạng lưới tình báo của Triều Tiên ở Ukraine. Hiện tại, ngoài 2 điệp viên bị giam giữ, không còn công dân nào của Triều Tiên sinh sống và làm việc ở Ukraine.
Các điệp viên Triều Tiên khai gì?
Nguồn tin của CNN khẳng định, 2 điệp viên Triều Tiên bị kết án 8 năm tù giam và đang thụ án trong trại giam ở Zhitomir, cách thủ đô Kiev 140 km về phía tây, hai người này mang bí danh X5 và X32.
Trong quá trình giam giữ, X5 khai mình là đại diện thương mại Triều Tiên tại Belarus với nhiệm vụ chuyển giao công nghệ cho các chuyên gia tại Bình Nhưỡng.
"Tôi đang chấp hành bản án của mình. Họ cho chúng tôi ăn đầy đủ và công việc để làm mỗi ngày. Nhưng tôi không muốn phỏng vấn để bảo đảm an toàn người thân ở quê nhà", X5 cho hay.
Khác với X5, X32 kiên quyết không nhận tội. Người này trước đó đã nhận lời phỏng vấn của CNN, nhưng đổi ý và lấy tay che màn hình rồi rời đi.
Bình luận