• Zalo

CNC là công ty bí mật của Tổng Cục Cảnh sát mà sao ai cũng biết?

Pháp luậtThứ Hai, 03/12/2018 07:32:00 +07:00Google News

Các đối tác, đại lý của CNC đều biết doanh nghiệp này có "thế lực lớn chống lưng" nên yên tâm phát triển game đánh bạc.

Trong bản án tuyên ngày 30/11 khi xét xử cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 bị cáo, TAND tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị Bộ Công an có cơ chế tuyển chọn, quản lý chặt chẽ các hoạt động của các công ty nghiệp vụ, tránh lợi dụng ưu thế này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Kiến nghị trên bắt nguồn từ việc nhóm bị cáo chủ mưu Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC), Phan Sào Nam đã lợi dụng là công ty bình phong để gây dựng đường dây đánh bạc trực tuyến có doanh thu chục nghìn tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm nhận định, Dương có vai trò quan trọng nhất, là chủ mưu, cầm đầu. Phan Sào Nam trong quá trình thẩm vấn đã thừa nhận giá trị lớn nhất khi hợp tác với của Dương là bởi CNC có mác công ty bình phong của C50.

Xuyên suốt quá trình vận hành đường dây, cũng như 13 ngày xét xử tại TAND tỉnh Phú Thọ, CNC nổi bật lên như “con át chủ bài” quyết định sự sống còn của tổ chức tội phạm này.

Cũng chính vì “mác” công ty nghiệp vụ mà cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cùng cựu cục trưởng C50 đã có cớ ngăn cản nhiều cơ quan điều tra dấu hiệu sai phạm của CNC.

Cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương. Ảnh: Giang Huy.

Cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương. (Ảnh: Giang Huy)

Sự hình thành của đơn vị nghiệp vụ này xuất phát từ quyết định của Bộ Công an từ năm 2010 khi cho phép C50 lập công ty bình phong phục vụ mục đích thâm nhập, nghiên cứu về tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Cuối năm 2011, qua sự giới thiệu của một lãnh đạo Bộ Công an, Dương lập công ty CNC. Dương khi đó được cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ, ủy quyền cho đại diện 20% vốn của cục này ở CNC.

Tại phiên toà, người từng ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong của C50, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh khai công ty nghiệp vụ của ngành công an luôn phải giữ bí mật vì thế không muốn khai cụ thể. Ngoài tổng cục trưởng, chỉ hai người biết đến công ty này gồm: Cục trưởng C50, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phụ trách C50.

Song thực tế lại trái ngược. Hàng chục lời khai của các bị cáo, nhân chứng cho thấy Dương luôn công khai “thân thế bình phong bí mật”. Đó là chỗ dựa vững chắc để Nam và nhiều người “yên tâm phạm tội”.

Cựu chủ tịch CNC đối chất với cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: Phạm Dự.

Cựu chủ tịch CNC đối chất với cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa. (Ảnh: Phạm Dự) 

Trước toà, nhiều bị cáo là đại lý cấp một phát hành game bài khai đã được Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn) cho biết CNC là công ty bình phong của C50. Vì vậy, 25 đại lý cấp một đều trấn an các “chân rết” của mình rằng yên tâm hoạt động vì đã có “thế lực lớn chống lưng”.

Phạm Tuấn Anh, cựu trưởng phòng kỹ thuật vận hành Trung tâm thanh toán – Công ty CNC, người giúp Dương xây dựng, vận hành trái phép cổng thanh toán paygate247 phục vụ việc tổ chức đánh bạc trực tuyến, cũng khai biết CNC bình phong ngay từ ngày tới nhận việc qua thông tin từ nhiều người. Tuấn Anh sau đó được Dương xác nhận điều này và dặn phải giữ bí mật.

Tại toà, nhiều cán bộ công an ở các đơn vị khác cũng khẳng định biết CNC là công ty nghiệp vụ từ lâu bởi thông tin này đã truyền đi như “bùa hộ mệnh”.

Công ty bí mật nhưng ra mắt công khai

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nguyên trưởng phòng 4 C50, một trong những nhân chứng tại phiên tòa, cho hay cuối năm 2011 bà được lãnh đạo C50 cử dự lễ ra mắt công ty bình phong CNC tại một khách sạn cao cấp ở Hà Nội. Hôm đó, bà Hằng nhớ nhiều lãnh đạo cục dự, còn có biển treo lễ ra mắt công ty bình phong.

Không chỉ công khai thành lập, CNC còn được đặt trụ sở ở căn nhà của Tổng cục Cảnh sát – số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội.

Cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh khi bị tòa truy vấn nhiều lần về việc này đã thanh minh địa điểm số 10 Hồ Giám được Bộ Công an giao cho Tổng cục quản lý. Thấy là căn nhà nhỏ lẻ có thể cho thuê nên khi C50 và CNC đề nghị được thuê, bị cáo Vĩnh cho rằng đó là giải pháp hợp lý nên chấp nhận.

Không ai kiểm tra CNC

Trước câu hỏi của chủ toạ, vì sao khi tổ chức game bài, có nhiều cơ quan vào kiểm tra không bị xử lý? Phan Sao Nam nói không biết lý do, song có thực tế mỗi lần như vậy đều nói với Dương và được trả lời: “Anh sẽ xử lý và làm việc với các cơ quan đó”.

Phan Sào Nam. Ảnh: Giang Huy.

Phan Sào Nam. (Ảnh: Giang Huy)

Trong khi đó Dương khẳng định “không nhờ ai can thiệp”. Trước việc chủ tọa dẫn lời khai của Dương ở cơ quan điều tra thể hiện có gọi điện cho cựu thiếu tướng Hóa, bị cáo này mới nói: “Có lẽ thời gian lâu không nhớ, nhưng những gì tôi khai đúng sự thật”.

Lời khai của Dương cho thấy khi nghe “mách” công ty đối tác bị kiểm tra, cựu cục trưởng C50 đã nói “để tao gọi điện” và sau đó công ty này không bị kiểm tra nữa.

Bị cáo Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung (cựu giám đốc công ty Nam Việt, đang bỏ trốn), Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch công ty bình phong của công an – CNC) đã kết nối, hợp tác lập, vận hành tổ chức đánh bạc trực tuyến qua các cổng game bài: Rikvip/Tipclub, 23zdo, Zon/Pen… 

27 tháng vận hành, đường dây thu hút gần 43 triệu tài khoản người chơi ở khắp 24 tỉnh, thành phố. Tổng doanh thu gần 10.000 tỷ đồng. 

Do bảo kê đường dây này, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù, cùng về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 

Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phải nhận mức án lần lượt 10, 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 3 năm 6 tháng tù về các tội: Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn