• Zalo

Clip 'Nguyễn Du chính là ông Quang Trung' khiến dân mạng xôn xao

Giáo dụcThứ Hai, 13/07/2015 10:46:00 +07:00Google News

Chương trình Chuyển động 24 của VTV1 ngày 11/7 đưa một clip với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ

(VTC News) - Chương trình Chuyển động 24 của VTV1 ngày 11/7 đưa một clip với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?” đã khiến dân mạng xôn xao.

Nhiều người giật mình khi một cậu bé trả lời: “Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”. Ngay lập tức vấn đề này đã được bàn tán xôn xao trên các diễn đàn mạng.

Nhiều người đưa ra số liệu học sinh đăng ký môn thi Lịch sử trong các kỳ thi gần đây để thấy rằng tình trạng học sinh Việt Nam đang "quay lưng" với môn học này.
Clip: VTV
Số liệu thống kê của hai năm gần đây nhất cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 toàn quốc có 910.831 học sinh đăng ký dự thi, có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 4 môn thi tự chọn là môn lịch sử với 104.959, chiếm 11,52%.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi).

Vừa qua, báo chí cũng thông tin ngày 4/7, các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) do Hội đồng thi của Sở GD&ĐT Nghệ An chủ trì, chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi môn Lịch sử.

Trước đó, tháng 4/2013, hiện tượng hàng trăm em học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) xé đề cương ôn thi môn Sử đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Điều đó cho thấy học sinh Việt không “mặn mà” với môn học  Lịch sử. Đáng lẽ, môn Lịch sử phải là một môn học hấp dẫn, cuốn hút thì học sinh Việt Nam lại tỏ ra thờ ơ.
vua Quang Trung
Tượng vua Quang Trung ở Bình Định 
Xung quanh sự thờ ơ này, có rất nhiều nguyên nhân đã được báo chí phân tích.

Lý giải về hiện tượng học sinh không thích học Sử, GS Phan Huy Lê cho rằng: "Đối với tình hình dạy và học trong nhà trường hiện nay, kể cả SGK, vị thế môn Sử, thì việc các em chán Sử là tất yếu".

"Thẳng thắn mà nói, nếu là học sinh thì tôi cũng chán môn Sử như các em. Bởi môn Sử đáng ra rất hấp dẫn lại trở thành môn học chán ngắt, SGK nặng nề, la liệt sự kiện, đưa ra những phân tích và khái quát chung chung, trừu tượng. Có thể nói, SGK bậc phổ thông hiện nay chẳng khác gì là tóm tắt sách người lớn rồi bắt trẻ con phải học. Dạy Sử và học Sử như thế thì trẻ em chán là phải".

Các chuyên gia giáo dục cũng khẳng định việc thờ ơ với môn lịch sử không phải vì lỗi của học sinh mà đây là thực trạng để những nhà quản lý giáo dục nhìn lại cách đào tạo môn học này ở nhà trường.

Minh Đức

Bình luận
vtcnews.vn