• Zalo

Cienco 5 Land: Điều gì xảy ra khi vốn Nhà nước từ 49% xuống còn 3,3%?

Điều traThứ Ba, 17/05/2016 08:06:00 +07:00Google News

Hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước tại Cienco 5 đang đứng trước nguy cơ thất thoát do thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land.

(VTC News) - Hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước tại Cienco 5 đang đứng trước nguy cơ thất thoát do thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land.

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) vừa có văn bản “cầu cứu” Bộ Giao thông Vận tải về các vấn đề liên quan đến dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội)

Trong đó, Cienco 5 đề nghị dừng tất cả các vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và dự án hoàn vốn (khu đô thị Thanh Hà). 
Khu vực hồ điều hòa đô thị Thanh Hà B đang được triển khai. Ảnh Châu Anh
Khu vực hồ điều hòa đô thị Thanh Hà B đang được triển khai - dự án liên quan Ciencc 5 Land. Ảnh Châu Anh 

Lo mất vốn nhà nước

Theo lãnh đạo Cienco 5, doanh nghiệp này vốn trước đây là của nhà nước, trực thuộc bộ GTVT. Đầu 2016, sau khi bán đấu giá cổ phần, tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Cienco 5 còn 40% tổng vốn điều lệ.

Ngay khi nhà đầu tư mới vào tiếp quản phần vốn và nhận chuyển nhượng từ nhà nước, với vai trò lãnh đạo mới, Cienco 5 đã tiến hành xem xét lại toàn bộ các quyết định trước đây của tổng công ty liên quan tới dự án BT, dự án hoàn vốn và doanh nghiệp dự án tại dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây.

Trước đó, năm 2008, Cienco 5 là đơn vị trúng thầu dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Theo quy định, để tiếp quản và thực hiện dự án, Cienco 5 đã cùng với một số cổ đông khác thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land).

Thời điểm thành lập Cienco 5 Land là 2007, khi đó đại diện phần vốn nhà nước là Cienco 5 chiếm 49% cổ phần, còn lại là các cổ đông khác.

Theo lãnh đạo Cienco 5, mọi bất thường bắt đầu từ việc Cienco 5 không nắm quyền kiểm soát Cienco 5 Land bằng việc sở hữu cổ phần chi phối tại doanh nghiệp này (51% trở lên).

Thứ nữa, từ 2007 đến nay, Cienco 5 Land đã nhiều lần tăng vốn điều lệ, trong khi phần vốn của Cienco 5 vẫn giữ nguyên đã dẫn đến tỷ lệ nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp này bị giảm sút nghiêm trọng. 

Cụ thể, năm 2007 tỷ lệ sở hữu của Cienco 5 tại Cienco 5 Land là 24,5 tỷ đồng, tương ứng 49% vốn điều lệ; đến năm 2015, giảm xuống còn 3,3% khi Cienco 5 Land tăng vốn lên 600 tỷ đồng. 

“Việc không sở hữu cổ phần chi phối khiến Cienco 5 không kiểm soát được hoạt động của Cienco 5 Land cũng như các giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cổ đông trong doanh nghiệp dự án”, một lãnh đạo Cienco 5 nói.

Theo ông Lê Quang Vinh (Phó Tổng giám đốc Cienco 5) thì "việc thay đổi, chuyển nhượng này có dấu hiệu mất vốn nhà nước".

Trước nguy cơ này, ngày 25/4/2016, ông Vinh đã ký văn bản gửi Cienco 5 Land, trong đó nói rõ "không thừa nhận tất cả các lần tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án".

Dấu hiệu chuyển nhượng dự án trái pháp luật?

Theo đại diện Cienco 5 thì doanh nghiệp dự án (Cienco 5 Land) có dấu hiệu chuyển nhượng dự án. Cụ thể, thông qua các lần tăng vốn, tỷ lệ vốn sở hữu của Cienco 5 (vốn là nhà đầu tư) tại Cienco 5 Land giảm từ 49% vốn điều lệ xuống chỉ còn 3,3%. 

“Việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp dự án như nêu ở trên đã làm thay đổi các nội dung liên quan tới việc huy động vốn theo quy định tại hợp đồng BT đã ký và bản chất của việc chuyển nhượng vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án (vốn được thành lập để triển khai dự án) là chuyển nhượng dự án", dại diện Cienco 5 cho biết.

Điều đáng nói, theo Cienco 5, trong quá trình thực hiện các công việc trên, doanh nghiệp dự án không xin chấp thuận của cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng BT.

Theo một cổ đông sở hữu cổ phần tại Cienco 5, toàn bộ việc làm trên của Cienco 5 Land là trái pháp luật bởi theo Hợp đồng BT số 02/HDBT thì “Doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng này, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư và phải liên đới cùng với nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước bên A và pháp luật về các công việc do doanh nghiệp dự án thực hiện hợp đồng này. Trong mọi trường hợp, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước bên A và pháp luật về công việc do bên B nói chung và doanh nghiệp dự án nói riêng thực hiện hợp đồng này”.

Được biết, vào cuối tháng 4 vừa qua, Cienco 5 Land đã được thoả thuận bán lại 95% cổ phần cho Tập đoàn Mường Thanh của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản với số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng.

Thực chất câu chuyện ở đây là gì, có hay không việc rút vốn nhà nước tại Cienco 5 Land? Vì sao Cienco 5 lại mất kiểm soát tại Cienco 5 Land? Việc Tập đoàn Mường Thanh mua bán, chuyển nhượng cổ phần tại Cienco 5 Land có phù hợp các quy định pháp luật?...

VTC News sẽ tiếp tục phản ánh.

Hoàng Hưng

Bình luận
vtcnews.vn