Bức ảnh cậu học trò nhỏ "giằng co" với cô giáo trước cổng trường trong ngày khai giảng đầu năm học mới được cộng đồng mạng lan truyền nhanh chóng. Nhiều người chia sẻ, họ tìm thấy thế hệ của mình trong chính cậu bé.
Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau bức ảnh mới là điều khiến cộng đồng mạng xúc động. Em bé trong ảnh là học sinh của trường PTCS Xã Đàn - ngôi trường giảng dạy học sinh khuyết tật nghe, nói ở Hà Nội.
Có lẽ do lần đầu đến lớp, cậu học trò bỡ ngỡ, phải xa cha mẹ trong khi xung quanh toàn bạn bè mới, thầy cô giáo mới nên em hoang mang, lo sợ. Được biết sau đó, nhờ sự giúp đỡ của bố và cô giáo, cậu bé cũng vào trường dự lễ khai giảng cùng các bạn.
Một người dùng Facebook chia sẻ: "Khi nhìn bức hình này mình đã bật cười liên tưởng đến một cậu bé ham chơi chưa muốn trở lại lớp sau kì nghỉ dài. Nhưng rồi khi đọc đến phần chú thích hình chụp ở trường PTCS Xã Đàn, mình nghẹn lại".
Facebooker này cũng cho rằng, nghề giáo chưa bao giờ là nghề dễ dàng, làm cô giáo của một đứa trẻ bình thường đã khó, với những em nhỏ khuyết tật nghe, nói thì các thầy cô càng vất vả.
Tại ngôi trường này, để giúp những đứa trẻ đặc biệt, thầy cô chỉ có cách gần gũi và thuyết phục chúng, phải kiên nhẫn và thực sự có tâm với nghề, thậm chí họ còn học cả ngôn ngữ ký hiệu để có thể hiểu học sinh hơn.
"Em bị điếc bẩm sinh. Em buồn vì không trò chuyện được những người bình thường. Nhưng ở ngôi trường này, có nhiều bạn bè cùng giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu nên em cảm thấy rất vui và tự tin lên rất nhiều", em Trần Thu Phương, học sinh lớp 7B, trường PTCS Xã Đàn chia sẻ.
Cũng như các trường trên cả nước, ngày 5/9, trường PTCS Xã Đàn cũng tổ chức ngày lễ khai giảng ấm cúng cho các em, và năm nào cũng vậy, hình ảnh các em bị khuyết tật nghe, nói cũng lấy nước mắt của nhiều người.
Khi cả trường hát Quốc ca thì sẽ có những đôi bàn tay "hát" theo. Đó là cách bày tỏ tình yêu quê hương, Tổ quốc và quyết tâm học tập của các em học sinh kém may mắn hơn những đứa trẻ bình thường, có thể nghe và nói.
"Nhà trường đã chuẩn bị thật kỹ cho ngày khai giảng năm học mới vui tươi, không thả bóng bay để bảo vệ môi trường, phát biểu trang trọng nhưng ngắn gọn, súc tích và dành nhiều thời gian cho các con vui chơi. Tiết mục văn nghệ của các bạn học sinh khiếm thính thể hiện sự hòa nhập, nhân ái", thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Hoan chia sẻ.
Năm học 2019-2020, trường PTCS Xã Đàn có gần 500 học sinh. Đây là ngôi trường 40 năm tuổi, có vai trò lớn trong công tác giáo dục học sinh câm điếc tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Bình luận