• Zalo

Chuyện về vị hiệu trưởng trường dân lập đầu tiên

Giáo dụcChủ Nhật, 18/11/2012 09:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, PGS Văn Như Cương có những chia sẻ thú vị về cuộc đời dạy học của ông đến độc giả của VTC News.

(VTC News)- Nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, PGS Văn Như Cương có những chia sẻ thú vị về cuộc đời dạy học của ông đến độc giả của VTC News.

PGS Văn Như Cương năm nay đã bước sang tuổi 75 nhưng đã có 55 năm ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Cũng bằng đó năm, biết bao kỷ niệm vui buồn về nghề giáo được ông chia sẻ. Câu chuyện luôn mới mẻ qua giọng kể vô cùng hóm hỉnh của ông.



PGS Văn Như Cương đã có 55 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục

Tôi quá liều lĩnh…

Mỗi khi nhắc tới PGS Văn Như Cương, người ta lại nhắc về vị hiệu trường của trường dân lập Lương Thế Vinh – một trong những ngôi trường dân lập đầu tiên tại Hà Nội đã xây dựng được thương hiệu của mình.

Để có được một ngôi trường dân lập Lương Thế Vinh phát triển và khang trang như hiện nay, PGS Văn Như Cương đã nhớ lại quãng thời gian đầu đầy khó khăn về vật chất: “Nghĩ lại chuyện 23 năm về trước khi tôi xin phép mở trường Lương Thế Vinh tôi cảm thấy mình quá liều lĩnh”

Ngôi trường Lương Thế Vinh khang trang bậc nhất Thđô hiện nay là công sức của PGS Văn Như Cương và các đồng nghiệp trong suốt 23 năm

Ông bảo nếu mình không dám liều thì chẳng bao giờ thành công. Liều lĩnh vì một dự kiến lớn như vậy mà tất cả đều xuất phát từ số 0: không thầy giáo, không học trò, không phòng học, không bàn ghế…, và nhất là không tiền vốn.

PGS Văn Như Cương nhớ lại: “Hồi đó hai vợ chồng tôi không có sổ tiết kiệm, nghĩa là tháng nào cũng tiêu hết lương của mình và cả phần kiếm thêm do nuôi lợn. Mặc dù vậy tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi lúc bấy giờ tình hình giáo dục bi đát lắm, mọi người rất muốn có một cái gì “đổi mới”.

Nhớ lại thời điểm năm 1989, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, một không khí đổi mới mạnh mẽ đã làm thức tỉnh và chuyển biến sâu sắc mọi hoạt động kinh tế và xã hội của đất nước.

PGS Văn Như Cương luôn gần gũi với các học trò và các thầy cô giáo
Tuy nhiên, hình như làn gió đổi mới ấy chưa thổi vào lĩnh vực giáo dục đang thời kỳ trì trệ một cách đáng lo ngại.

“Tôi rất muốn thay đổi cái cung cách dạy và học từ thời bao cấp, nhưng muốn vậy, trước hết là phải thay đổi cung cách quản lý, điều hành… Phải có loại trường khác với trường công lập, tạm gọi nó là trường ngoài công lập như bây giờ ta thường gọi.

Và tôi đã làm đơn xin thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh” - PGS Văn Như Cương chia sẻ về nguyên nhân ra đời ngôi trường dân lập Lương Thế Vinh.

Bản thân ông cũng thực sự bất ngờ khi được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, được sự hưởng ứng nhiệt liệt của phụ huynh, của học sinh và của các thầy cô giáo khắp nơi.

Đợt tuyển sinh đầu tiên, nhà trường nhận được 1.600 đơn dự tuyển, trong đó có 800 đơn lớp 10, 400 đơn lớp 11 và 400 đơn lớp 12.

Ông và các cộng sự phải vật lộn, phải đôn đáo ngược xuôi để đi tìm thuê các phòng học cho 800 học sinh lúc ban đầu và sau đó tăng lên đến hơn 3.000 học sinh. Đó là một công việc khó khăn, tốn kém, nhưng đã đâm lao thì phải theo lao.

Trường học, lớp học phải di chuyển nhiều lần, nào là Đại học Quốc gia Hà Nội, rồi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lại phải chuyển đến Trường Công nhân Kỹ thuật, Nhà văn hóa thiếu nhi quận Đống Đa, Trường Sư phạm Mẫu giáo Nhà trẻ, Học viện Thanh niên, Hợp tác xã mua bán Khương Đình, Nhà máy Cao su Sao Vàng…

Trong tình trạng “trường không ra trường, lớp không ra lớp”, PGS Văn Như Cương quyết tâm tạo nên thương hiệu trường Lương Thế Vinh bằng phương châm: “Thầy ra thầy, trò ra trò”.

Nhà trường không khoa trương, không quảng cáo, cứ âm thầm dạy thật và học thật nhằm vào mục tiêu giáo dục toàn diện, chất lượng cao và có hiệu quả. Và thế là “hữu xạ tự nhiên hương”...

Một người thầy đáng kính

Là người gắn bó và tâm huyết với giáo dục, PGS Văn Như Cương nhận thấy rằng giáo viên hiện nay không thể sống bằng đồng lương, mà thực ra thì đại bộ phận công chức, cán bộ đều không thể sống bằng lương.

Ngoài lương ra họ phải kiếm thêm  bằng “bổng” bằng “lộc” bằng làm thêm ngoài giờ. Cũng phải nói rằng có một số giáo viên có thể kiếm thêm bằng dạy thêm, bằng trông trẻ ngoài giờ, nhưng tuyệt đại bộ phận thầy cô giáo đều phải bươn chải bằng những nghề trái tay.       

Tình cảm chân thành của học trò là những kỷ niệm ấn ợng nhất trong suốt cuộc đời dạy học của ông

Vì vậy, trên cương vị là một người lãnh đạo ở trường THPT Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương luôn cố gắng tạo điều kiện để những thầy cô giáo trẻ trụ lại và yêu lấy nghề.

Các thầy cô giáo của trường được trả lương xứng đáng với công lao của họ trong chừng mực có thể.

Ông cười tươi chia sẻ mục tiêu phấn đấu cho ngôi trường của mình: “Tuy thu học phí không cao, nhưng chúng tôi có kế hoạch chi tiêu một cách hợp lí để có thể làm như vậy. Một trường tư thục “phi lợi nhuận” là mục tiêu của trường Lương Thế Vinh”.

Là một nhà quản lý của một ngôi trường danh tiếng ở Thủ đô, không ít lần PGS Văn Như Cương phải từ chối những khoản tiền phong bì lên tới hàng nghìn đô la Mỹ. Trong các dịp tuyển sinh, ông thường không nghe những số điện thoại lạ hay không có mặt ở Hà Nội để tránh những “nhờ cậy” không đáng có.

Thậm chí, trong những lúc kinh tế khó khăn nhất nhưng ông vẫn giữ nguyên lập trường “Trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi luôn luôn từ chối, không chút băn khoăn”.

Ông cũng bảo thêm sẽ không từ chối nếu rồi đây có đại gia nào đó tặng khoản tiền lớn cho trường Lương Thế Vinh để xây dựng và phát triển ngôi trường, chứ không phải cho cá nhân ông.

Trong suốt quãng thời gian dài cống hiến cho ngành giáo dục, PGS Văn Như Cương luôn bằng lòng với lựa chọn theo nghề giáo của mình và luôn tự hào vì học trò và sự thành đạt của họ. Thầy cho đây là niềm vui sướng lớn của mình.  

 
Nếu rồi đây có đại gia nào đó tặng khoản tiền lớn thì hãy tặng cho trường Lương Thế Vinh để xây dựng và phát triển ngôi trường, chứ không phải cho cá nhân tôi.
PGS Văn Như Cương
 
Nói rồi ông dẫn tôi đi một vòng thăm quan ngôi trường khang trang bậc nhất ở Thủ đô. Đến với mỗi nhóm học sinh, ngay từ xa những cô cậu học trò đã cúi đầu chào thầy đầy kính trọng. Thầy tới, đám học trò vây quanh ríu rít bắt chuyện một cách rất tự nhiên như trò chuyện với người ông của mình.

Có lẽ ít có ở đâu, một vị hiệu trưởng lại nhớ được đầy đủ họ tên và hoàn cảnh của nhiều học sinh đến thế.

Đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, PGS Văn Như Cương tâm sự cũng đã sắp đến lúc tạm nghỉ công việc quản lý để thực sự an hưởng tuổi già về hưu.

Trong 55 năm công tác, PGS Văn Như Cương có rất nhiều kỷ niệm đẹp, vui buồn cùng những học trò – những đứa con thân yêu của mình.

Nhưng những kỉ niệm đó không phải là những kỉ niệm lớn lao trọng đại, thường là những kỉ niệm nhỏ nhoi, vụn vặt, đời thường, nhưng cũng đủ tạo thành những mảng sáng tối của một bức tranh …

Đó chính là ngày đứng lớp đầu tiên với bao hồi hộp, lo âu, đó là tiếng “chào thầy ạ” đầu tiên được nghe từ học sinh.

Đó là hình ảnh một nông dân đem đến mười cân gạo nộp thay cho tiền học phí của con cũng khiến ông ấm lòng mỗi lần nhớ lại.

Đó là cảm xúc tự hào khi đến thăm một trường đại học danh tiếng của Nhật có nhiều học sinh Lương Thế Vinh theo học….

Đối với ông, hơn 55 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người đơn giản vì tình cảm chân thật của học trò. “Cái nền của bức tranh kỉ niệm ấy là tình cảm chân thật của nhiều thế hệ học trò, nó cứ lóng lánh mãi trong tôi” -  PGS Văn Như Cương trầm tư chia sẻ.
Giai thoại Lợn nuôi ông Văn Như Cương

Thỉnh thoảng những người vui tính vẫn kể cho nhau câu chuyện về giai thoại vui việc PGS Văn Như Cương nuôi lợn lớn nhanh như thổi trên tầng 4 của khu tập thể và bị công an lập biên bản.

PGS Văn Như Cương bộc bạch: “Tôi có nuôi lợn thật, chính xác hơn là vợ tôi nuôi, tôi cũng có góp phần công sức, và thu nhập do nuôi lợn cũng đáng kể. Nhưng không phải nuôi ở tầng 4, và cũng không hề bị lập biên bản.

Có lần tôi nói đùa với bạn bè rằng nếu tôi bị phạt vì nuôi lợn thì tôi sẽ cãi là không phải “tôi nuôi lợn” mà “lợn nuôi tôi”.

Và thế là giai thoại trở thành: “Công an đến lập biên bản và phạt ông Văn Như Cương vì nuôi lợn ở tầng 4 làm ô nhiễm môi trường. Ông Văn Như Cương đồng ý kí biên bản với điều kiện sửa câu Ông Văn Như Cương nuôi lợn thành lợn nuôi ông Văn Như Cương”.
Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn