Đêm 30 Tết, Xuân Mậu Tuất 2018 là thời khắc đặc biệt của Táo quân vì chương trình truyền hình này tròn 15 năm đến với khán giả. 15 năm, có thể không phải quá dài với một dự án nghìn tỷ hoặc đôi khi chỉ đủ để hoàn thành một công trình xây dựng. Nhưng với một chương trình nghệ thuật, không dễ gì để có thể chiếm được tình cảm của khán giả tới tận "tuổi trăng tròn".
Đã nhiều năm, trước lúc giao thừa, gia đình Việt lại quây quần bên nhau để đón xem Táo quân như một nếp văn hóa không thể thiếu. Khi tiếng pháo không còn, Tết cũng trở nên hối hả, nhiều khán giả thành thật rằng Táo quân trở thành một hương vị để mong chờ.
Và bên những ly trà đầu năm, ngoài những lời chúc tụng sức khỏe, bình an, người dân còn cùng nhau nói về Táo quân, "tống cựu nghinh xuân", cùng cười để "giã từ quá khứ".
'Dành cả thanh xuân để làm Táo Quân'
Năm 2017, trên mạng xã hội, cư dân mạng nói nhiều đến từ "thanh xuân" trong cấu trúc câu "Dùng thanh xuân để làm gì đó?" Có người dùng cả thanh xuân để học, có người chọn du lịch "xách ba lô lên và đi", cũng có người lại bông đùa "tôi dùng cả thanh xuân để ngủ (với người thích ngủ), để ăn (với người yêu ẩm thực) và để tìm đường (cho những người "mù" đường).
"Thanh xuân" đã "viral" cả năm trên mạng như thế, với những ý tưởng khác nhau, những hành động khác nhau. Và như lẽ thường, một câu nói được nhiều người sử dụng thì y như rằng sẽ xuất hiện trong Táo quân. Và chương trình năm nay không phải là một ngoại lệ.
Trong buổi ghi hình Táo quân năm nay, Táo Kinh tế qua diễn xuất quen thuộc của nghệ sĩ Quang Thắng làm cả khán phòng bật cười với câu nói "Chúng tôi dành cả thành xuân để làm Táo". Thanh xuân ấy với Quang Thắng - người tham gia Táo quân từ năm đầu tiên 2003 - là đúng tròn 15 năm.
"Đồng cảnh" với Quang Thắng là Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc và Vân Dung - đó cũng là 5 nghệ sĩ hài để theo Táo quân từ thuở ban đầu. Nói như Xuân Bắc, anh và những đồng nghiệp của mình đã đi một chặng đường, từ lúc còn rất trẻ với những nét diễn đầy hồn nhiên, đến hôm nay, khi ai cũng đã ngoài 40, thậm chí 50. Nét hồn nhiên năm nào nay đã được thay bằng sự chiêm nghiệm, từng trải đến từng câu thoại.
15 năm danh phận, địa vị cũng đã khác. Tự Long giờ đã là NSND, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội. Công Lý, Xuân Bắc cũng đã là NSƯT và đảm đương cương vị quản lý khác nhau tại cơ quan. Hình ảnh của các nghệ sĩ cũng trở nên đại chúng hơn, được nhiều yêu thích. Nhưng thời gian cũng đã khiến người ta nói đến tuổi tác, mà như chính Quang Thắng và Công Lý phải thừa nhận "chúng tôi không còn trẻ".
Quang Thắng chia sẻ anh ngoài 50, các nghệ sĩ khác cũng chẳng còn trẻ trung. Và một cuộc chuyển giao thế hệ cũng đã được các "Táo quân" bàn đến, nhưng người kế nhiệm sẽ là ai, cũng lại là một vấn đề không đơn giản.
Công Lý, trong cuộc trò chuyện với người viết cách đây hơn một năm cũng tâm sự thành thật rằng một trong những lý do khiến anh suy nghĩ nhiều nhất cho vai Bắc Đẩu đó là "Công Lý không còn trẻ nhưng Bắc Đẩu vẫn phải đẹp". "Cô Đẩu" từng được ví như hoa hậu thiên đình, và do vậy, trang phục, nhan sắc cũng được nhiều người chợ đợi, và chợ đợi bao nhiêu thì người nghệ sĩ lại càng áp lực bấy nhiêu.
Chí Trung, Tự Long, Công Lý, Xuân Bắc, Quang Thắng, Vân Dung và tất nhiên cả đạo diễn Đỗ Thanh Hải đều có một phần tuổi trẻ tại Táo quân. Và lần này, họ chọn chính từ "thanh xuân" để cất lên giữa sân khấu, như một lời xác tín, một lời tâm sự với khán giả.
Hỏi Xuân Bắc về tứ "thanh xuân" đó, anh cười thoải mái. Nam nghệ sĩ thừa nhận, đó chính là thanh xuân. Nhưng anh nói rộng hơn "Tôi dành cả thanh xuân để theo đuổi nghệ thuật, để chờ đợi và cả yêu đường".
Các Táo đã đối diện với khen chê như thế nào?
Chất lượng và sự đầu tư của Táo quân là không thể phủ nhận. Để có được chương trình Táo quân, ê-kíp và các nghệ sĩ đã phải tập luyện hàng tháng trời. Và lại chủ yếu là tập đêm, thậm chí xuyên đêm vì chỉ có đêm mới tập trung được đông đủ nghệ sĩ.
Phía sau hậu trường cũng có rất nhiều câu chuyện nhiều người chưa biết. Đơn cử như gần đây, tập đến 4h sáng, Công Lý nhận được tin từ Thảo Vân về việc con trai phải đi cấp cứu. Thế là "cô Đẩu" phải tức tốc vào bệnh viện, còn "các Táo" cũng đứng ngồi đến 6h sáng.
Ngoài ra, kịch bản Táo quân cũng thường phải "dựng khung" trước 3-4 tháng trời và không ngừng chỉnh sửa. Ý tưởng trang phục cũng thường được xuất hiện ngay từ bản thảo nội dung đầu tiên.
Nhà thiết kế Đức Hùng cho biết anh và đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã phải gặp nhau trước hàng mấy tháng để trao đổi về trang phục của Táo quân. "Với Táo Quân, trang phục luôn phải phù hợp với nội dung kịch bản và tính cách nhân vật", anh nói.
Là chương trình hài kịch truyền hình có "thương hiệu", được nhiều khán giả yêu thích, nhưng như một sự khó tránh, không phải chương trình Táo quân năm nào cũng hay. Có những năm, từng câu nói, bài hát chế được người người nói lại, hát lại nhưng cũng có những năm, ngay khi vừa phát sóng, chương trình bị khán giả "ném đá" thậm tệ.
Và cũng có những mùa Táo quân, chính nghệ sĩ than thở rằng chương trình bị cắt quá nhiều, lại bị cắt ngay cả những cảnh mà họ tâm đắc nhất. Và khi đó, chỉ những người có cơ hội được đi xem buổi ghi hình mới có thể đồng cảm.
Chí Trung từng chia sẻ rằng anh luôn hồi hộp mỗi khi Táo quân phát sóng vì không biết sáng mùng 1 khán giả sẽ phản hồi như thế nào. Ngay cả Táo quân 2018, khi nam nghệ sĩ tuyên bố là năm cuối cùng, anh vẫn giữ cảm giác hồi hộp ấy.
Nhưng Chí Trung cũng khuyên khán giả nên đón nhận Táo quân như một chương trình giải trí được đầu tư và có thông điệp.
"Như quả bóng đang đầy hơi, Táo quân chỉ giúp xì ra một chút. Táo quân không phải là chương trình giải quyết các vấn đề xã hội, để rồi chúng ta lại thắc mắc với nhau, vấn đề ấy đã được Táo quân nói đến rồi sao lại vẫn thế y nguyên như thế nhỉ", NSƯT nói.
Trong khi đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải từ nhiều năm trước đã nêu quan điểm "Đừng khoác cho Táo quân chiếc áo quá rộng".
“Táo Kinh tế” cho biết anh phải từ chối nhiều lời mời đóng phim hài Tết để dành thời gian, công sức và cả “khuôn mặt” cho chương trình Táo Quân.
Video: Con trai Xuân Bắc xuất hiện trong "Táo quân 2018"
Bình luận