• Zalo

Chuyện về những linh vật đặc biệt của SEA Games - kỳ 2

Tổng hợpThứ Hai, 02/12/2013 08:24:00 +07:00Google News

(VTC News) – Linh vật là một trong những biểu trưng không thể thiếu ở mỗi kì SEA Games. Chính vì thế, những câu chuyện về linh vật luôn là đề tài được quan tâm

(VTC News) – Linh vật là một trong những biểu trưng không thể thiếu ở mỗi kì SEA Games. Chính vì thế, những câu chuyện về linh vật luôn là đề tài được quan tâm.
Linh vật SEA Games đầu tiên xuất hiện khi nào ?
Về lịch sử ra đời của linh vật SEA Games, phần đông ý kiến vẫn lầm tưởng chú gà đá có tên Kiko Labuyo ở SEA Games 16 (Philippines, 1991) là linh vật đầu tiên xuất hiện tại SEA Games. Song, sự thật thì không phải như vậy, Kiko Labuyo chỉ là linh vật chính thức đầu tiên được công nhân. 
Theo những tài liệu hiếm hoi, linh vật đầu tiên xuất hiện tại SEA Games là hình ảnh của một chú rùa vàng đội mũ, dáng đứng khá vui nhộn cùng nụ cười tươi trên môi tại SEA Games 15 (Malaysia, 1989). 
Linh vật đầu tiên gây tranh cãi 
Có nhiều giải thiết lý giải cho việc tại sao Malaysia lại chọn rùa làm linh vật đầu tiên trong lịch sử SEA Games, nhưng hình ảnh của nó lại không được phổ biến rộng rãi. Một trong số những giả thiết được đồng tình nhiều nhất chính là việc Malaysia muốn khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo Sipadan – một trong những hoàn đảo đẹp nhất ở đất nước này, nơi được xem như  “vương quốc” dành riêng cho rùa, và cũng là nơi từng xảy ra tranh chấp quyết liệt với Indonesia. 
Chính vì thế, việc Malaysia chọn rùa làm linh vật đã đi ngược lại với mục tiêu thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước Đông Nam Á thông qua SEA Games, và hình ảnh của chú rùa vàng không được nhắc đến nhiều sau này.
Linh vật… người
Kể từ SEA Games 16 (Philippines, 1991) cho đến nay, tổng cộng đã có tất cả 12 linh vật đại diện cho các nước chủ nhà đăng cai tổ chức. Và duy nhất chỉ có Brunei ở SEA Games 20 (1999) chọn linh vật không phải là một con vật biểu trưng nào đó cho đất nước mà là một... con người.
Chú nhóc Awang Budiman ở SEA Games 20 (Brunei,1999) 
Linh vật mà Brunei chọn là một cậu bé trai có tên Awang Budiman, mặc trang phục truyền thống của người Malay với sắc màu của lá cờ Brunei. Qua hình ảnh này, Brunei muốn thể hiện quyết tâm giữ vững những bản sắc văn hóa truyền thống đạo Hồi bên cạnh những niềm tin, năng lượng mới để bước vào tương lai trước ngưỡng cửa chuyển giao thế kỉ. 
Ngoài ra, cái tên Awang Budiman của cậu bé còn mang những ý nghĩa đặc biệt. Awang là một trong những tên gọi phổ biến nhất ở Brunei, trong khi đó, Budiman trong tiếng Malay ám chỉ đến một người sáng suốt, lịch sự, thân thiện và hiếu khách.
Con vật xuất hiện nhiều nhất trong những linh vật?
Với ba lần xuất hiện, mèo chính là con vật có “dân số” đông nhất trong các linh vật. Con mèo đầu tiên xuất hiện ở SEA Games  17 (Singapore, 1993) là một con “mèo lớn” - sư tử. Sau đó, có phần nhẹ nhàng hơn, “mèo nhà” – mèo Xiêm liên tục được Thái Lan chọn làm linh vật ở các kì SEA Games 18 (1995) và 24 (2007).
Mèo có "dân số" đông nhất trong các linh vật SEA Games 
Lí do chọn những “anh em” trong dòng họ nhà mèo của Singapore và Thái Lan tương đối giống nhau. Đối với Singapore, sư tử được xem là biểu tượng chính của đảo quốc này và nó cũng gắn liền với một truyền thuyết thời khai thiên lập địa về vị hoàng tử Sang Nila Utama nhìn thấy một con sư tử, là sinh vật sống đầu tiên trên hòn đảo, nên đã đặt tên cho hòn đảo là Thành phố Sư Tử (Singapura).
Trong khi đó, mèo Xiêm là một trong những giống mèo quý, được thờ phụng ở Thái Lan. Và tên gọi của nó cũng chính là tên gọi xưa kia của đất nước và người dân nơi đây - Xiêm La, người Xiêm.
Đáng lí ra SEA Games sẽ có thêm linh vật "đông dân" thứ hai sau mèo nếu Philippines giữ nguyên linh vật chú khỉ Taiser đến khi bắt đầu Đại hội thể thao này vào năm 2005. Chú khỉ nhỏ, chuyên ăn đêm, sống chủ yếu ở vùng Bohol (miền trung Philippines) là linh vật được Philippines công bố ngay trong ngày bế mạc SEA Games 22 (Việt Nam, 2003). 
Tuy nhiên, sau đó nước chủ nhà SEA Games đổi linh vật lại thành đại bàng Filipin Gilas - một trong những loài đại bàng lớn nhất thế giới với đặc trưng là một chùm lông lớn trên đầu. Theo như giải thích của Philippines, họ chọn đại bàng là do nó sẽ tượng trưng cho sức mạnh, niềm kiêu hãnh và thể hiện được tinh thần chiến thắng của tất cả các vận động viên tham gia. Ngoài ra, cái tên Gilas còn được tổng hợp từ các từ Maliksi, Malakas, Matalino, Angat, Matalas nghĩa là “năng động”, “mạnh mẽ”, “thông minh”, “cao cả” và “sắc sảo” trong tiếng Filipino.
Cặp đôi linh vật
SEA Games  25 (Lào, 2009) là lần đầu tiên linh vật “có đôi, có cặp” với "chú voi" Champa và "cô voi" Champi. Giải thích đơn giản cho sự thay đổi mới lạ này, Ủy viên NOC Lào - ông Khammoui Keomany hóm hỉnh trả lời rằng: "Chúng tôi muốn cái gì cũng có đôi. Có chồng thì phải có vợ!”.
Cặp đôi linh vật ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân văn 
Tuy nhiên, ẩn sâu trong lời giải thích của ông Keomany còn nguyện vọng về một sự đoàn kết, gắn bó, quấn quýt nhau không rời giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc xuất hiện giới tính nữ trong hình ảnh linh vật còn mang thông điệp cổ vũ, kêu gọi “bình đẳng giới” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Chính vì những điều trên, linh vật của những kì SEA Games sau đó đều là một cặp nam-nữ, ở SEA Games 26 (Indonesia, 2011) là cặp đôi rồng komado và sắp tới đây là cặp đôi cú tại SEA Games 27 (Myanmar, 2013).
Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn