(VTC News) – Linh vật luôn là một trong những biểu tượng đáng chú ý nhất ở các kì SEA Games và những câu chuyện xung quanh nó hết sức thú vị.
Linh vật SEA Games thường sẽ là một con vật gắn bó thân thiết với người dân ở nước chủ nhà, hay chỉ đơn giản là con vật sinh sống nhiều tại quốc gia đó. Sắp tới đây, linh vật của SEA Games 27 là một đôi cú – loài vật mà tại Myanmar nó được coi là biểu tượng của sự tốt lành, đồng thời được coi như “lá bùa may mắn” trong mỗi gia đình.
Song, đôi khi, một số nước chủ nhà SEA Games còn quyết định “nâng tầm” linh vật với những sự lựa chọn vô cùng đặc biệt – mang một ý nghĩa rất lớn lao đối với cả một dân tộc cũng như nền văn hóa ở đất nước đó.
Chú mèo Xiêm có tên Sawasdee - từ chào hỏi rất thân mật của người Thái |
Mèo Xiêm Thái Lan
Đi tiên phong cho việc lấy một con vật « danh giá» làm linh vật SEA Games chính là Thái Lan – quốc gia góp công rất lớn trong việc khai sinh ra Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Ở SEA Games 18 (1995), Thái Lan đã quyết định chọn mèo Xiêm làm linh vật.
Bởi, mèo Xiêm được xem là một trong những giống mèo nổi tiếng, danh giá nhất vùng Đông Nam Á. Chúng được nuôi nhiều trên thế giới vì bản tính thông minh, dễ huấn luyện. Đối với người Thái Lan, mèo Xiêm được gọi với cái tên Wichian Mat (kim cương mặt trăng ) và được thờ như một vị thần, điều này đã được ghi chép cẩn thận trong một tác phẩm văn học mang tên "những bài thơ Mèo" (Tamra Maew) xuất hiện trong khoảng từ thế kỷ thứ 14 đến 18.
Vị thân Hanuman - linh vật của Indonesia ở SEA Games 19 |
Khỉ Hanuman trong sử thi Ramayana
Bị ảnh hưởng khá sâu sắc bởi Ấn độ giáo trong lịch sử phát triển, cho nên, linh vật mà nước chủ nhà Indonesia chọn ở kì SEA Games 19 (1997) là Hanuman - vị thần khỉ nổi tiếng, nhân vật trung tâm trong sử thi Ramayan. Hanuman được miêu tả là một vị thần luôn trừ khử những thế lực độc ác để đem lại hạnh phúc cho dân chúng.
Và qua những câu chuyện không ngừng được truyền tụng, phần đông người Indonesia đã coi Hanuman như một đức tin, hàng ngày, qua bao thế kỉ liên tục thờ phụng.
Những con vật biểu tượng cho một đất nước
Có lẽ, ít ai biết rằng, trước khi chọn linh vật cho SEA Game 22 (2003) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam,trong nội bộ nước chủ nhà khi ấy đã xảy ra một cuộc tranh cãi trong việc chọn một trong ba biểu tượng: con trâu vàng, con rồng và chú tễu.
Chú Tễu không đạt yêu cầu vì tuy thể hiện được nét văn hoá truyền thống nhưng không mang nhiều tính thể thao và tính cộng đồng. Tiếp theo, con rồng sỡ dĩ bị loại là do dù tượng trưng cho sức mạnh nhưng lại mang ý nghĩa bá quyền, không phù hợp với một giải đấu mang tính chất hữu nghị.
Trâu Vàng - biểu tượng mẫu mực nhất của Việt Nam |
Cuối cùng, nước chủ nhà Việt Nam đã quyết định chọn con trâu. Bởi, thứ nhất, con trâu tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước hàng ngàn năm của Việt Nam. Thứ hai, con trâu mang tính chất thể thao là do bắt nguồn từ hội chọi trâu Đồ Sơn đã có truyền thống lâu đời. Bên cạnh đó, con trâu lại là con trâu vàng – sự nỗ lực vươn đến thành công.
Tương tự như với lựa chọn của Việt Nam, ở những kì SEA Games được tổ chức gần nhất, lần lượt Lào, Indonesia và Myanmar đã có lựa chọn với những cặp đôi voi, rồng komodo và chim cú – tất cả đều vừa là những biểu tượng của đất nước hoặc gắn bó mật thiết với người dân sở tại.
Hoàng Tùng
Bình luận