Tôi " để ý" tới Phạm Việt Anh từ khi còn là Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân. Bởi năm 2008, tôi đã biết chuyện có một người dám "chống lại" ông Pham Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin. Đây là điều cực kỳ dũng cảm vì thời ấy, ông Bình là nhân vật quyền thế bậc nhất trong giới doanh nhân Việt.
Và đến khi làm TBT báo Năng lượng Mới, được làm việc với PVTrans, được đi công tác cùng Phạm Việt Anh ra nước ngoài nhiều chuyến thì tôi mới càng thêm hiểu để được gọi là " thuyền trưởng " phải là người thế nào?
Khi nói về PVTrans, đa số mọi người đều nghĩ đến một hành trình vượt khó ngoạn mục giai đoạn 2011 đến nay, của một doanh nghiệp vận tải biển đang bờ vực phá sản để trở thành một đơn vị vận tải hàng đấu Việt nam, có uy tín trong khu vực và nằm trong tốp các doanh nghiệp có lợi nhuận ngàn tỷ.
Tuy nhiên đối với Phạm Việt Anh, thì giai đoạn chỉ vỏn vẹn 20 tháng về làm TGĐ PVTrans từ 8/2007 đến 3/2009 mới thực sự là giai đoạn tôi cảm nhận làm được nhiều điều nhất, tạo được những nền tảng, hình hài cho Tổng công ty PVtrans sau này.
"Ăn cơm mới nói chuyện cũ", vào một buổi chiều cuối tháng 7/2007, Phạm Việt Anh được ông Trần Cảnh TGĐ PVN gọi lên gặp. Sau cuộc cuộc trao đổi ngắn và lời dặn dò: “Em về xây dựng cho anh một hạm đội tàu, để tạo sự đồng bộ cho sự phát triển của ngành dầu khí. Công ty này còn nhỏ, nhưng anh tin em sẽ làm được”.
Khác với nhiều cán bộ của PV Trans và PTSC đều trưởng thành từ những người đi biển, Phạm Việt Anh lại vào nghề từ một anh kỹ sư cơ khí chế tạo máy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trời cho anh năng khiếu nói tiếng Anh, nên khi Công ty Địa vật lý và Dịch vụ Dầu khí thông báo tuyển dụng, Phạm Việt Anh tới dự tuyển. Một người cùng đi dự tuyển với anh khi ấy là Phạm Tiến Dũng, bây giờ đang là Tổng giám đốc của PV Drilling.
Vì có khả năng tiếng Anh tốt nên anh cũng như Phạm Tiến Dũng trúng tuyển ngay. Về nhận việc được ít hôm, công ty lại chọn những người có khả năng tiếng Anh tốt đi làm thuê cho một tập đoàn dầu khí quốc tế danh tiếng là BP. Năm 1994, Việt Anh lại được phân công thực hiện một nhiệm vụ rất thú vị là đưa một đoàn chuyên gia của Mobile đi khảo sát về tình hình hoạt động dầu khí ở Việt Nam. Năm 24 tuổi, Việt Anh đã được mời làm giám sát của Mobile khi đang thăm dò ở mỏ Thanh Long.
Trong lịch sử cận đại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có rất nhiều cán bộ được đề bạt từ khi còn rất trẻ. Việt Anh là một trong số đó. 28 tuổi, anh đã được bổ phiệm làm Phó giám đốc PTSC Marine. Đến năm 35 tuổi, anh đã là Phó tổng giám đốc PTSC.
Ngày 1/8/2007, Phạm Việt Anh nhận quyết định sang làm TGĐ PVTrans, khi trong đầu chưa có khái niệm, chưa biết gì về PVTrans.
Sau khi nhậm chức, Phạm Việt Anh bị cảm giác ban đầu thật bất ngờ và hụt hẫng, bởi lẽ quy mô công ty PVTrans khá nhỏ, chỉ có 2 con tàu dầu thô và hơn 100 CBCNV. Và bi kịch nữa là toàn bộ việc quản lý tàu đều phải thuê công ty nước ngoài.
Hệ thống quản lý còn chưa có gì. Doanh thu cả năm của công ty chỉ hơn 400 tỷ và lợi nhuận chưa đến 20 tỷ. Phong cách quản lý kiểu gia đình và có gì đó hơi “quê quê”. Bù lại anh chị em PVTrans khá hiền lành và thân thiện.
Sau đó khoảng hơn 1 tháng, vì PVN chuyển đổi từ Tổng công ty thành Tập đoàn, nên có “phong trào” các công ty thuộc PVN cũng đổi tên và thay đổi quy mô thành “Tổng công ty” hết.
Phải làm gì đây để đưa công ty phát triển? Một công ty PVTrans nhỏ bé như vậy, chỉ có 2 con tàu làm mỗi vận tải dầu thô thì sao thành Tổng công ty được? Tổng công ty thì phải có công ty con này, công ty con khác, làm lĩnh vực này, lĩnh vực khác chứ? Nhưng làm lĩnh vực dịch vụ nào, trong khi các đơn vị khác trong ngành họ đã làm hết rồi? Phạm Việt Anh mày mò tìm hiểu các mô hình công ty vận tải nước ngoài để có thể phác thảo và định hướng cho một hình hài của Tổng công ty PVTrans sau này.
Sau này, khi có sự hiểu biết nhất định về PVTrans, thì tôi có thể " đếm" ra một số việc lớn mà Phạm Việt Anh đã làm được trong giai đoạn đặc biệt khó khăn và cũng rất ngắn.
Thành lập công ty vận tải LPG
Khi mới về PVTrans, Phạm Việt Anh được xem một biên bản thỏa thuận đề án thành lập công ty vận tải LPG giữa PVTrans và PVgas North, PVgas South. Đại ý các bên sẽ góp vốn để thành lập công ty và mua tàu về vận tải LPG.
Nhận thấy đề án này thiếu tính khả thi và sẽ chết trong trứng nước, vì Tổng công ty PTSC và Tổng công ty PVgas đã hợp tác đầu tư, khai thác 3 con tàu LPG, hoạt động 7 năm nay (từ năm 1999). Với nguồn hàng và hợp đồng có sẵn trong nước, thì công ty mới mà PVTrans dự kiến thành lập sẽ chết yểu. Vì CBCNV PVTrans lúc đó chưa ai biết gì về tàu gas, có đầu tư về thì không có hợp đồng, không thể cạnh tranh với đội tàu cũ của PTSC-PVgas đã chạy gần hết khấu hao.
Nên đề án đó, phải dẹp sang 1 bên. Nhưng nếu không có công ty vận tải LPG, thì chẳng lẽ “Tổng công ty PVTrans” chỉ có làm mỗi vận chuyển dầu thô.
Thế là với mối quan hệ của mình, cùng những luận chứng chặt chẽ, Phạm Việt Anh đã thuyết phục được một số lãnh đạo PVN lúc đó… ủng hộ phương án là PTSC, PVgas chuyển mảng vận tải LPG nguyên trạng về PVTrans, gồm cả tài sản, con người, hợp đồng…Từ đó công ty cổ phần vận tải khí quốc tế (Gas Shipping) do PVTrans nắm quyền chi phối đã được thành lập (ngày 24/12/2007) và trở thành một đơn vị trụ cột của Tổng công ty PVTrans non trẻ lúc đó.
Dù là đơn vị trong ngành, thì vẫn có cạnh tranh nội bộ, đặc biệt PVTrans lúc đó chỉ là anh chàng tí hon bên cạnh người khổng lồ PTSC, PVgas.
Phát triển dịch vụ FPSO/FSO cho lĩnh vực upstreams
Với sở trường của mình, nhiều năm làm trong lĩnh vực dịch vụ cho upstreams, Phạm Việt Anh nhận thấy có thế phát triển dịch vụ FPSO/FSO để tận dụng việc hoán cải đội tàu dầu thô sau này.
Nhưng muốn là một chuyện, còn làm thế nào thì khó hơn rất rất nhiều. Các dự án FSO/FPSO thường là đấu thầu quốc tế, với giá trị hợp đồng lớn, tổng mức đầu tư vài trăm triệu USD/dự án, nên khách hàng đòi hỏi rất khắt khe khi đấu thầu và có sơ tuyển nhà thầu về năng lực tài chính, kinh nghiệm đã đóng mới hoán cải và vận hành FPSo/FSO… thì mới cho vào đấu.
Trong khi đó thời điểm 2007 PVTrans chưa hề có tên tuổi, kinh nghiệm nào về tàu FSO/FSO. Toàn bộ CBCNV PVTrans cũng không ai biết gì về lĩnh vực này. Đến ngay cả tàu vận tải dầu thô lúc đó (thời 2007-2008), PVTrans cũng chưa tự quản lý được mà phải thuê nước ngoài.
Nhưng nhờ uy tín và mối quan hệ cá nhân, cũng như hiểu biết sâu về mảng dịch vụ này, Phạm Việt Anh đã lựa chọn, đàm phán và hợp tác với đối tác nước ngoài để PVTrans được tham gia đấu thầu và trúng thầu dự án FPSO cho mỏ Chim Sáo của khách hàng Premier oil (công ty dầu khí của Anh). Tổng mức đầu tư của dự án FPSO Chim Sáo lúc đó khoảng 450 triệu USD và tổng giá trị hợp đồng thuê 10 năm là khoảng 800 triệu USD.
Từ việc trúng thầu dự án này vào cuối năm 2008, PVTrans đã tiến hành thành lập công ty liên doanh PVkeez đặt tại Singapore để đồng sở hữu tàu FPSO. Và PVTrans cũng thành lập chi nhánh - công ty PVTrans OFS để vận hành bảo dưỡng con tàu này.
Cùng với việc giành được hợp đồng cung cấp FSO Kamari cho mỏ Đại Hùng vào tháng 2/2009, thì PVTrans đã mở ra được một lĩnh vực dịch vụ FPSO/FSO, trở thành một lĩnh vực trụ cột quan trọng của PVTrans trong suốt thời gian qua.
Tôi cũng đã được ra mỏ Chim Sáo, được lên con tàu chở dầu FPSO và thực sự khâm phục đội ngũ thuyền viên trên tàu cũng như những người của PVTrans đang điều hành giàn khai thác Chim Sáo. Ở đây có một nữ " thuyền trưởng" xuất sắc đó là chị Phạm Thị Hoài Hương – người mà tôi đã có nhiều bài viết về chị.
Thành lập công ty vận tải xăng dầu
Khi Phạm Việt Anh về PVTrans tháng 8/2007, thì PVoil trước đó đã thành lập Công ty Cổ phần vận tải Phương đông Việt (PĐV) từ tháng 4/2007 để vận chuyển xăng dầu, đồng nghĩa với việc PVTrans đã chậm chân trong việc phát triển dịch vụ này. Bởi nếu PVTrans có thành lập công ty mới thì sẽ không có nguồn hàng vận chuyển trong nước của Pvoil, do họ sẽ giao cho công ty con của họ là Phương Đông Việt thực hiện.
Nhưng nếu không có công ty làm lĩnh vực này, thì PVTrans sẽ đứng ngoài cuộc thị trường vận chuyển xăng dầu cho nhà máy lọc dầu Bình sơn, khi nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2009.
Trong tình thế đó, Phạm Việt Anh buộc phải suy nghĩ thành lập công ty vận chuyển xăng dầu thị trường quốc tế để có năng lực, chức năng và sau đó giành phần bao tiêu vận chuyển cho BSR sau này.
Từ suy nghĩ đó, bằng uy tín cá nhân, Phạm Việt Anh đã kéo đối tác nước ngoài gồm Scomy Marine (Malaysia) cùng Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) thành lập công ty cổ phần vận tải Phương Nam (PVtrans Petro) để đầu tư, khai thác tàu tại thị trường quốc tế.
Nhờ vậy, năm 2009 – 2010, khi Nhà máy lọc dầu Dung quất đi vào hoạt động, PVTrans được PVN giao làm đầu mối vận chuyển xăng dầu. Và cũng vì có năng lực này, năm 2010, PVN tiếp tục có nghị quyết chuyển công ty Phương Đông Việt (khi đó bị thua lỗ nặng) để về làm thành viên của PVTrans, tập trung thành 1 đầu mối.
Bây giờ ngẫm lại, chính Phạm Việt Anh cũng không hiểu được là làm thế nào mà trong khoảng thời gian chỉ có 20 tháng mà anh cùng tập thể lãnh đạo PVTrans lại làm được nhiều việc lớn đến như vây.
Ngoài 4 việc đã nói ở trên thì hàng loạt các công việc khác mà không thể kể tên cũng được triển khai đồng bộ để có thể có những nền tảng cơ bản của một Tổng công ty PVTrans còn non trẻ thuở đầu thành lập. Đó là: Xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý mới, thiết lập hệ thống quản lý ISO, lấy chứng chỉ DNV (Nauy); nhanh chóng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và thuyền viên cho phù hợp quy mô mới, bao gồm cả việc tiếp nhận tự quản lý kỹ thuật các tàu mới đầu tư (điều mà 5 năm trước đó 2002-2007, PVTrans chưa làm được và vẫn phải thuê của nước ngoài)...
Nhưng rồi đến tháng 4/2009, Phạm Việt Anh được Tập đoàn quyết định chuyển sang làm TGĐ PVGas. Và cũng ngay lập tức, PVTrans chìm vào khủng hoảng, có nguy cơ " đắm tàu". Thế là Phạm Việt Anh lại được điều về vào tháng 12/2010.
Khi ấy, tôi đã về Tập đoàn Dầu khí làm báo. Tôi cực kỳ ấn tượng với báo cáo của Phạm Việt Anh khi tổng kết năm 2010. Anh thẳng thắn xác nhận PVTrans là đơn vị "khó khăn nhất của Tập đoàn Dầu khí",
Nhưng đến năm 2011 thì anh đã bỏ được chữ "nhất". Năm 2012 thì không còn báo cáo khó khăn nữa. Và đến nay, PVTrans đã tăng trưởng đều đặn 10 năm liên tiếp, đây là điều cực kỳ hiếm có đối với một doanh nghiệp Nhà nước.
Việc Phạm Việt Anh lèo lái thế nào để con tàu PVTrans vượt qua muôn trùng sóng dữ của hơn 10 năm qua lại là một câu chuyện khác và có lẽ phải mất rất nhiều trang giấy mới kể hết được.
Bình luận