• Zalo

Người cựu binh hơn 35 năm miệt mài hoàn thành di nguyện đồng đội trước lúc hy sinh

Thời sựThứ Bảy, 29/07/2017 07:54:00 +07:00Google News

Hơn 35 năm qua, một người lính trở về từ cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị luôn miệt mài đi tìm hài cốt liệt sĩ với hy vọng hoàn thành di nguyện của đồng đội trước lúc hy sinh.

"Còn người còn Thành cổ"

Người cựu binh mà tôi đang nói đến là ông Nguyễn Thanh Bình (64 tuổi, trú phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Căn nhà nhỏ nằm sát bên Thành cổ Quảng Trị của ông Bình luôn có nhiều thân nhân các liệt sĩ đến nhờ ông giúp đỡ tìm hài cốt người thân.

Họ tìm đến ông Bình bởi lẽ, suốt hơn 35 năm qua, ông luôn miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội với hy vọng đưa được họ trở về quê hương và được người thân nhang khói.

IMG_2229

  Ông Bình hồi tưởng lại trận chiến ác liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: LC)

Ông Bình kể, năm 1972, nghe tiếng gọi của tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đội 8 Tỉnh đội Quảng Trị (K8) và tham gia trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trước âm mưu “Bắc tiến” của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ diễn ra rất ác liệt. Có thời điểm mưa lụt, các cán bộ chiến sĩ phải ăn lương khô, uống nước lã, ngâm mình trong nước nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Nhiều chiến sĩ bị thương đến 2, 3 lần vẫn giữ vững quyết tâm “còn người còn trận địa, còn người còn Thành cổ Quảng Trị”.

Nhiệm vụ của ông Bình trong trận chiến này là làm lính trinh sát, phải nắm rõ tình hình của địch trước trận đánh và kiểm tra trận địa khi trận đánh kết thúc. Do đặc thù của nhiệm vụ, sau mỗi trận chiến, ông Bình lại làm công việc vuốt mắt và chôn cất những đồng đội của mình đã hy sinh ở Quảng Trị.

Ông Bình xúc động: “Tại Thành cổ Quảng Trị, tôi nhớ rõ từng hầm ngầm công sự, chiến hào, trận địa pháo. Nơi đó đã có rất nhiều đồng đội mãi nằm lại bởi bom đạn của quân thù”.

81 ngày đêm trong cuộc chiến là 81 ngày nằm gai nếm mật của bộ đội ta. Đó cũng là trang sử oai hùng trong lịch sử giữ nước của dân tộc.

Theo ông Bình, 81 ngày đêm chiến tranh ác liệt đó là hơn 81 câu chuyện về trận đánh và sự hy sinh của những người lính chiến đấu bảo vệ Thành cổ.

A2 (1) 4

  81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là hơn 81 câu chuyện đầy máu, nước mắt và sự hy sinh. (Ảnh: Tư liệu)

Trong số những câu chuyện thấm đẫm máu và nước nước mắt ấy, ông Bình nhớ rõ câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Văn Thành (quê Gio Linh, Quảng Trị). Trong một trận đánh ác liệt, biết mình bị thương nặng và khó qua khỏi, chiến sĩ Nguyễn Văn Thành đã gọi ông Bình đến và nói hãy để dành bông băng cứu thương cho những đồng đội khác.

“Anh Thành còn dặn tôi: Nếu sau này đồng chí còn sống, nhờ đồng chí về quê báo với mẹ tôi rằng, hôm nay tôi đã bắn chết 5, 6 tên địch, coi như tôi đã trả thù được cho cha mình. Nói xong, anh Thành trút hơi thở cuối cùng”, ông Bình nhớ lại.

Sau khi kết thúc trận đánh, ông Bình và đồng đội đã cố tìm kiếm thi thể liệt sĩ Nguyễn Văn Thành nhưng không thấy.

Trăn trở di nguyện của đồng đội

Ông Bình kể, trong lúc diễn ra trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, khi ngồi bên nhau, các đồng đội của ông vẫn nói: “Anh em mình ngồi đây nhưng lúc bước vào trận đánh không biết ai còn, ai mất. Sau này, nếu ai may mắn còn sống thì nhớ đưa anh em đã chết về với quê hương”.

Khi trận chiến bảo vệ Thành cổ kết thúc, đã có rất nhiều đồng đội của ông Bình ngã xuống và rất nhiều người đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

IMG_2277 5

 Nhiều liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. (Ảnh: LC)

Cũng vì trăn trở với lời nói của đồng đội mà ngày đất nước thống nhất, ông Bình đã về dựng căn nhà nhỏ sát Thành cổ Quảng Trị để sinh sống với mục đích làm đường dây kết nối cho thân nhân các liệt sĩ tìm về Thành cổ và nuôi tâm nguyện tìm lại hài cốt của đồng đội đưa về quê hương.

Suốt 35 năm qua, chỉ cần thân nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ là ông Bình có thể biết chính xác đơn vị liệt sĩ đó chiến đấu ở vùng nào, khoanh vùng địa điểm có thể hy sinh và đã được cất bốc hay chưa. Hễ có nguồn tin báo có dấu tích nghi mộ liệt sĩ là ông Bình lập tức đến để tìm hiểu. Tất cả công việc đó ông Bình đều làm tự nguyện mà không hưởng lương hay trợ cấp từ bất cứ đơn vị, cá nhân nào.

Video: Chiến tranh biên giới 1979 và vết thương lòng của những người ở lại

Đến nay, ông Bình đã giúp quy tập hơn 100 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trong đó, có 30 hài cốt đã xác định được thông tin rõ ràng. Ông Bình ghi chép thông tin về các hài cốt rất cẩn thận vào một cuốn sổ riêng.

Ở cái tuổi 64 cùng với di chứng từ chiến tranh khiến sức khỏe của ông Bình suy giảm. Tuy nhiên, mỗi lần có thân nhân liệt sĩ đến nhờ tìm hài cốt người thân thì ông Bình vẫn nhiệt tình giúp đỡ.

Có lần, ông bị ốm và đang nằm viện điều trị thì nghe tin có thân nhân liệt sĩ đến tìm nhờ giúp tìm hài cốt người thân nên ông đã trốn viện để về. Giúp thân nhân liệt sĩ xong xuôi, ông mới quay lại viện điều trị tiếp.

Nguyễn Vương
Bình luận
vtcnews.vn