Chiều tháng 8. Cơn mưa rào bất chợt trút một hơi xối xả nặng hạt rồi ngưng. Dòng sông Hàn tự bao đời chia cắt thành phố Đà Nẵng làm hai thoáng chốc gợn sóng.
Tôi đứng sát mép bờ sông, dưới chân cầu Thuận Phước và phóng tầm nhìn hồi lâu về khoảng không vô định ở đằng xa tít vịnh Đà Nẵng mênh mông giữa muôn trùng con nước.
Bất chợt, hình ảnh lão ngư với vẻ khoan thai hiện ra. Người đàn ông râu tóc bạc phơ khua nhẹ mái chèo và lái chiếc xuồng tre bé nhỏ nhằm về hướng tôi đang đứng.
“Đừng tự tử, ở đây chết nhiều lắm rồi” – cái giọng khàn khàn, hào sảng đậm chất sông nước của lão ngư vang vọng. Tôi ngớ người trong giây lát và cũng kịp bình tĩnh để hiểu nôm na đại ý câu nói của người đàn ông lênh đênh hành nghề đánh bắt trên sông.
Thấy tôi khựng người, lão ngư vận hết sức bình sinh và giơ cao chiếc dầm đóng một phát chắc nịch xuống đoạn nước nông ven bờ. Khi chiếc thuyền đã được neo cố định, ngư phủ này tự bạch là ông Hai (78 tuổi) và có thâm niên ngót nghét 50 năm hành nghề đánh bắt tôm cá trên sông Hàn.
Hỏi ra mới hay, sự hiện diện của tôi vô tình gợi lại câu chuyện mà ông Hai từng chứng kiến trên khúc sông dưới cầu treo dây võng Thuận Phước.
Giọng trầm buồn, ông Hai bắt đầu kể. Cách đây không lâu, một thanh niên trạc tuổi tôi đã gieo mình xuống tự vẫn. Ông Hai nhớ như in, chập choạng tối của ngày đầu tháng 5, ông thấy đôi nam nữ đứng hóng gió trên cầu hồi lâu. Bất thình lình, người nam leo qua lan can cầu và lao mình xuống sông.
“Vị trí cậu thanh niên rơi xuống và chìm nghỉm chỉ cách nơi tôi giong thuyền lúc nãy chừng 100m. Tôi cố bơi thuyền tới ứng cứu nhưng không kịp. Nước sông hôm ấy chảy xiết và mọi người đành bất lực chứng kiến nạn nhân mất dạng”, ông Hai hồi tưởng.
Đau lòng hơn, người phụ nữ đứng trên cầu kêu gào thảm thiết là hôn thê sắp cưới của nam thanh niên nông nổi vừa nhảy cầu quyên sinh.
“Vậy, ngoài vụ tự tử của thanh niên trên, ở cây cầu vắt một đường vòng cung nối đôi bờ sông Hàn đã có bao nhiêu lần ông chứng kiến người ta tìm tới cái chết?”, tôi hỏi bằng giọng e ngại. Nghe xong, ông Hai xua tay lia lịa.
“Làm sao đếm cho hết. Những người thua độ đá banh, buồn chuyện tình cảm, tâm thần không ổn định…thường chọn cầu Thuận Phước để tự tử. Cây cầu đưa vào hoạt động gần 10 năm và chưa năm nào tôi không gặp cảnh nhảy cầu. Đôi ba lần các ngư dân cứu hộ kịp thời thì người nghĩ quẩn may mắn được cứu”, lão ngư gắn đời mình trên sông Hàn chia sẻ.
Con số ghi nhận các lần tự tử trên cây cầu nằm giữa 2 quận Sơn Trà và Hải Châu có lẽ ông Hai không tài nào nhớ nổi. Ấy nhưng, nếu bất kỳ ai hỏi vụ nào khiến ông ám ảnh nhất, ông Hai lập tức nhắc ngay câu chuyện 3 thanh niên chọn kết liễu đời mình trong cơn say trên cầu Thuận Phước.
“Khuya 20/11/2017, 3 nam thanh niên sau khi nhậu say bét nhè ở phòng trọ đã chạy xe ra đứng giữa cầu. Lần lượt 2 thanh niên nhảy tủm xuống sông, người còn lại trong lúc đang ở tư thế buông tay khỏi thành cầu thì được mọi người giữ lại nên thoát chết”, ông Hai kể.
Theo ông Hai, cớ sự đưa đẩy 3 thanh niên tìm đến lưỡi hái tử thần rất "vô duyên".
Cả 3 thanh niên cùng quê Quảng Nam. Lớn lên cùng nhau và khăn gói ra Đà Nẵng lập nghiệp. Ngay cái đêm xảy ra sự việc đau lòng, một thanh niên trong nhóm buồn chuyện tình cảm và xử cả bọn mượn rượu giải sầu.
Và khi “ma men” ngấm vào người, “ma quỷ” đưa đường dẫn lối, 3 thanh niên đã phóng xe lên cầu Thuận Phước, 2 người lần lượt vượt qua lan can chắn và nhảy xuống sông. Một thanh niên trước khi tự tử còn nhắn gửi người thân chăm sóc cho đứa con thơ bé bỏng của mình.
Nghe chuyện, không ít người dân ngụ cư 2 bên cầu vừa giận vừa thương.
Và cứ mỗi lần ai đó chọn cây cầu Thuận Phước quyên sinh, mặt nước sông Hàn lại một lần dậy sóng. Khi ấy, cư dân ngụ cư 2 bên cầu hay những ngư phủ như ông Hai lại thêm một lần trải qua tâm trạng thấp thỏm âu lo.
Cùng với các cây cầu: Sông Hàn, Trần Thị Lý, Rồng, Tiên Sơn nằm bắc ngang sông Hàn, sự hiện diện của cầu Thuận Phước đã góp phần kết nối giao thông TP Đà Nẵng và giúp Đà Nẵng xứng đáng với danh hiệu “Thành phố của những cây cầu”. Đây là cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam (1.856m). Vị trí của cầu Thuận Phước cũng hết sức đặc biệt khi cầu được xây dựng ở trên khoảng không của đoạn sông Hàn đổ ra cửa vịnh Đà Nẵng.
Theo một số ngư dân địa phương, thường ở khu vực cuối sông đầu biển, mực nước sẽ sâu và chảy xiết hơn. Và đó là những trở ngại không nhỏ khiến công tác cứu hộ gặp vô vàn khó khăn mỗi khi ai đó nhảy cầu Thuận Phước tự tử.
Bình luận