Bây giờ, chuyện tặng quà đôi tân lang, tân nương bằng phong bì đã trở thành lệ, mà là lệ nước chứ chả bé như lệ làng. Cái phong bì thì nhẹ, nhưng những chuyện khóc-cười xung quanh nó thì vô khối và quả thực nó đang trở thành một gánh nặng bất đắc dĩ cho cả xã hội…
Méo mặt mùa cưới…
Tháng 10, trong tiết trời trong vắt, thanh thản và nhẹ bẫng của mùa thu còn sót lại, anh bạn tôi ngồi xoay xoay li café vừa có vẻ gì bất an đầy lo lắng. Mới chớm mùa cưới, Đức đã nhận được 10 tấm thiệp hồng. “Toàn bạn bè và đồng nghiệp ở cơ quan, không đi không được bà ạ. Đã thế lại cả ông bạn thân cũng cưới. Ngày mình cưới ông ấy tặng chỉ vàng giá 2 triệu, giờ vàng gần 5 triệu rồi, bà khuyên tôi nên làm thế nào đi?”, Đức vò đầu bứt tai. Vốn không phải người ki bo hay tính toán với bạn bè, nhưng tôi biết khoản phong bì ăn đứt nửa tháng lương là một vấn đề lớn với Đức lúc này. Tiền mua bỉm, mua sữa cho con, tiền trả osin… trăm thứ tiền. Đấy là chưa kể tiền cho khoảng chục đám cưới còn lại trong cả tháng nữa chứ…
Cùng cảnh ngộ như Đức, chị Đào Thu Hà, trưởng phòng nhân sự một công ty bảo hiểm cũng than thở: “Cứ đến mùa cưới là hai vợ chồng chóng hết cả mặt, nhức hết cả đầu”. Hai vợ chồng chị cùng làm công chức nhà nước, cùng có nhiều mối quan hệ. Nhận được thiệp là khó từ chối. Cao điểm, cả hai anh chị phải cắt cơm nhà đến cả tuần, chia nhau ra mà đi đám cưới, chẳng khác nào chạy “sô”. “Đã vậy còn phải tính toán phong bì mỏng hay dày cho tương ứng với sự “nông sâu” của mối quan hệ. Nhiều hôm, nguyên buổi sáng phải đi đến ba đám cưới, đến đám cưới thứ hai đã chẳng còn bụng mà ăn rồi. Nhưng vẫn phải đi cho có mặt, đi để còn nhét phong bì”.
Nhưng những trường hợp như chị Hà, như Đức đồng lương tương đối ổn định còn đỡ, “nhức đầu” nhất vẫn là những người mới xin được việc đã phải tới tấp nhận thiệp mời. Vừa chân ướt, chân ráo nhận việc tại một ngân hàng, Thu Trang (24 tuổi) đã nhận được 6 cái thiệp mời, trong đó có cả thiệp mời của… sếp. Lương tháng 3 triệu. Thời giá leo thang, tiền ăn, tiền nhà, tiền xăng xe đi lại đã đủ khiến cô chóng mặt. Giờ thêm khoản phong bì phong bao đám cưới khiến Trang chỉ còn cách tặc lưỡi cầu cứu mẹ. “Chưa đi làm mỗi tháng xin mẹ 2 triệu, giờ đi làm mỗi tháng xin đến 3 triệu đi cưới”, cô thở dài. Đồng nghiệp ít cũng phải 200, nhiều thì phải 500 nghìn. Mà như cưới sếp thì phải cả triệu. “Còn có tháng nữa là hết hợp đồng thử việc, không lẽ lại không đi sếp?”.
Người trẻ tuổi hoặc các gia đình chưa dựng vợ, gả chồng cho con ít ra còn có cái để an ủi: “trước người sau ta”, rồi họ sẽ phải đi cưới mình, cưới con mình. Nhưng với người già con cái đã yên bề gia thất, đã về hưu đi ăn cưới chẳng khác nào dịp “trả nợ miệng”. Lương hưu mỗi tháng gần 4 triệu, không đến nỗi quá ít ỏi, nhưng hai cụ Sự và cụ Huệ ở khu Tập thể Thành công không khỏi thấp thỏm lo mỗi khi mùa cưới về. Những năm trước, đi năm chục, một trăm là ổn, giờ ít cũng phải 200 nghìn. Lương hưu thì tăng chậm, phong bì thì “nặng” nhanh, các cụ cũng chỉ biết ngao ngán thở dài, cầu mong mình nhận được ít… tin vui.
Mời cưới ở những điểm bình dân như Cung văn hóa Việt Xô, Queen bee, Khách sạn Kim Liên, Khách sạn Công Đoàn… thì còn đỡ, phong bì 200, 300 nghìn là chấp nhận được, chứ không may nhận được thiệp mời ở khách hạng sang như Deawoo, Sofitel, Sheraton… thì ai cũng toát mồ hôi hột. Bét nhất cũng phải phong bì 500, nhiều hơn là một triệu mới đủ tiền cỗ. “Cũng muốn vào chỗ hào nhoáng đấy lắm, nhưng xót tiền. Nhiều khi nhận được thiệp mời thôi đành nhét 300 phong bì nhờ gửi chứ không dám đi. Ở nhà, đỡ phải ăn, đỡ tiền mà cũng đỡ… lỗ cho người mời”, bà Phúc (Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) giãi bày.
Không ít trường hợp chỉ vì chuyện chiếc phong bì mà cãi cọ nhau. Mới gặp mặt có hai lần, Hoàng đã nhận được thiệp cưới từ bạn của một người bạn. Không đi thì ngại với bạn, đi thấy cũng… kì kì, Hoàng đành nhắm mắt đút 200 nghìn vào phong bì nhờ bạn “đút” hộ. Vợ Hoàng biết chuyện, dỗi đến mấy ngày, trách chồng “sĩ diện hão” trong khi còn đống khoản phải lo.
Cực hơn, nhiều người còn phải hứng “quả tạ” từ việc “trốn cỗ”. Một tháng mà chị Mai (nhân viên một công ty máy tính trên phố Thái Hà) bị bạn nhờ đút phong bì đến bốn lần. Mà nhờ xong là họ mất hút luôn không thấy ý kiến gì. Có 200, 300 nghìn, đòi thì ngại, chị đành thôi cho qua và chọn cách lần sau từ chối không mang tiền, không gửi giúp. Chỉ ít lâu sau là tin đồn chị ki bo, tính toán với bạn bè, đồng nghiệp đã lan khắp công ty. “Tự dưng rước bực vào người. Đi ăn cỗ thật đấy, nhưng mà khổ lắm!”.
Phong bì cưới và câu chuyện… cuốn theo chiều gió…
Tôi nhớ ngày bé (khoảng năm 1988, 1989) người ta không mừng cưới bằng phong bì như bây giờ. Nhà tôi bán hàng tạp hóa, mỗi mùa cưới đến mẹ tôi lại đắt khách hơn bao giờ hết. Họ mua chậu, mua phích, mua chăn… rồi gói vào trong những tờ giấy bìa có thắt nơ (tự làm bằng giấy màu đỏ chứ không phải loại nơ lấp lánh trên Hàng Mã bây giờ) để tặng cô dâu, chú rể. Đám cưới ngày ấy cũng đơn giản, nhà nào có sao tổ chức vậy. Biết cưới con thì nuôi con lợn cả năm rồi đem ra mổ. Họ hàng, làng xóm đến dự đông đủ, ai cũng vui vẻ, háo hức. Và dù mang vác cồng kềnh quà tặng nhưng lòng họ rất… nhẹ nhàng.
PGS.TS Tâm lý Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng phong bì cưới xuất hiện thay quà tặng vào khoảng những năm 1990, 1991 và lúc đó nó hoàn toàn mang mục đích tốt đẹp, nhân văn. Thay vì đồng loạt tặng cô dâu, chú rể đến 10 chiếc chậu, số tiền trong phong bì sẽ giúp đôi vợ chồng trẻ có một khoản nho nhỏ, tự đi mua sắm những vật dụng cần thiết cho cuộc sống mới của mình. Điều đó cũng giúp người đi mua quà đỡ phải mất thời gian và đau đầu chọn quà. “Nếu là phong bì từ người nhà, bạn thân để hỗ trợ cặp vợ chồng trẻ thì nó hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Tây họ cũng tặng tiền, thậm chí còn dán tiền thành dây lên người cô dâu chú rể. Giá trị của phong bì hoàn toàn không phụ thuộc vào giá trị của bữa tiệc hay của người mời. Chỉ tiếc là sau này ý nghĩa tích cực ấy của phong bì đã bị thay đổi, thoái hóa cùng với sự phát triển của xã hội”.
Phú quý sinh lễ nghĩa, người ta có điều kiện nên đám cưới tổ chức cũng ngày một to hơn, hoành tráng hơn và phần nào đó mang tính… phô trương. “Dân ta thường “con gà tức nhau tiếng gáy”, trẻ thì chọi nhau, già thì chọi con. Con cái dựng vợ gả chồng là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Dần dà thành tâm lí số đông bắt chước nhau. Chả nhẽ hàng xóm làm, đồng nghiệp làm cưới con hoành tráng mà mình lại không làm được? Mà thậm chí phải làm tốt hơn để còn có cớ để gièm pha người này, chê bai người nọ không đẳng cấp bằng mình. Thành ra tổ chức đám cưới trở thành một gánh nặng, và gánh nặng đó đè lên cả những chiếc… phong bì”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa phân tích.
Từng tổ chức đám cưới cho hai con trai, ông Nguyễn Xuân Bằng (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: “Giờ cả xã hội thế, mình làm khác đi cũng khó lắm. Người ta nhìn vào danh sách khách mời mà đánh giá vị thế của gia đình mình đấy cô ạ. Hơn nữa, mình đi cưới con người ta nhiều, cũng phải mời lại họ chứ. Làm kiệm cỗ, kiệm khách mời lại bị nói là khác người”.
Ngoại trừ một số quan chức hoặc những người có vai vế trong xã hội, tổ chức đám cưới để trục lợi, để tạo điều kiện cho cấp dưới “bôi trơn các mối quan hệ” thực hiện ý đồ nhờ vả nào đó một cách không lộ liễu, còn lại theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa đa phần những người dân thường họ đều thấp thỏm lo khi làm cưới con, chỉ mong hòa không lỗ là may chứ nói gì đến lãi, đến tích cóp một chút của “hồi môn” cho con.
Vũ Anh Phan (Đống Đa – Hà Nội) bày tỏ: “Nếu gia đình tôi ít khách hơn gia đình cô dâu, làng xóm sẽ có cái để nhìn vào và đánh giá thể diện gia đình tôi”. Phan cũng không ngần ngại khẳng định: “Với chi phí bỏ ra tổ chức đám cưới, nếu không có tiền mừng sẽ trở thành một gánh nặng tài chính lớn cho vợ chồng tôi sau này”.
Rất nhiều cặp vợ chồng đã phải è cổ ra “cày kéo” để trả nợ cho tiệc cưới xa hoa của mình. Họ thậm chí còn rùng mình khi nghĩ tới món nợ “treo” một lúc nào đó sẽ phải trả cho những người đã từng dự đám cưới của họ. “Có đôi khi tôi tự hỏi mình tổ chức đám cưới để tạo ra những phút giây hạnh phúc thiêng liêng cho tình yêu hay tạo ra danh tiếng cho bố mẹ, tạo ra những món nợ và những áp lực khủng khiếp cho vợ chồng sau này?”, Anh Thư (nhân viên một công ty kinh doanh thiết bị văn phòng) thở dài.
Những đám cưới tổ chức xa hoa, tốn kém, với danh sách khách mời dài vài trang không khác nào một trào lưu mà người trong cuộc bị cuốn theo chiều gió. Để rồi, cả người nhận lẫn người đưa phong bì đều trở thành… tòng phạm và nạn nhân của nhau, trở thành những người quẩn quanh, không thoát ra được trong cái nợ đồng lần.
Một cây làm chẳng nên non…
Cách đây mấy năm, ngành văn hóa đẩy mạnh chủ trương cưới xin trang trọng, vui vẻ và tiết kiệm. Nhiều người ủng hộ nhiệt liệt và mừng thầm trước quyết tâm của ngành. Nhưng cuối cùng chủ trương ấy cũng chỉ dừng lại ở việc “hô khẩu hiệu”, đánh trống bỏ dùi, kết quả thu được còn hạn chế. Tiệc ngọt chỉ rộ lên một thời gian rồi lắng xuống, thậm chí tiệc mặn sau đấy còn ngày một sang hơn, phong bì mừng cưới vì thế cũng phải… nặng hơn. Chỉ khổ cho những người gương mẫu chấp hành. Không ít trong số họ đến giờ thở dài ngao ngán: “tiên phong thực hiện, thiệt vào thân”, món “nợ” của họ thế là xong, chẳng bao giờ còn cơ hội “đòi” lại được nữa…
Dù vậy, dẫu không được hỗ trợ nhiều lắm từ các chủ trương, chính sách nhưng vẫn có người quyết tâm tự chấm dứt “món nợ đồng lần của mình”. Như ông Nguyễn Văn Vinh (Quan Nhân – Hà Nội), điều kiện kinh tế khá giả nhưng ông chỉ tổ chức đám cưới con trai đơn giản, đầm ấm, gọn nhẹ và một mực từ chối, không nhận phong bì của bất cứ ai. Sau đám cưới nhiều người nói ông gàn dở, nói ông trên tiền, khác người… ông chả lấy thế làm buồn. “Các con tôi đã có những khoảnh khắc thực sự hạnh phúc cùng những người thân yêu nhất. Chúng không phải khoác lên mình món nợ không bao giờ kết thúc. Hạnh phúc của bọn trẻ không thể được đo bằng những mâm cỗ đầy vơi, hay sự phù phiếm xa hoa của đám cưới”, ông Vinh gật gù.
Cùng quan điểm với ông Vinh, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhiều năm nay rất ít khi đi đám cưới, trừ những đám cô cảm thấy thực sự thân thiết, gắn bó. “Bây giờ thành tiếng rồi, người ta cũng chẳng gửi thiệp mời tôi nữa”, PGS tâm lý hài hước nói. Ít nữa cưới con gái, vị PGS “lập dị” cũng chỉ dự định mời một người bạn thân của mình, một người bạn thân của chồng và một vài người bạn của con. “Ai nói tôi lập dị, khác người hay trên tiền gì gì đó tôi cũng không quan tâm. Tôi không có ý định thay đổi người khác nhưng tôi tự tạo ra cuộc sống của mình và tôi thấy mình sống rất khỏe. Mà tôi thấy bây giờ rất nhiều học trò ảnh hưởng tư tưởng của tôi đấy chứ. Một cây làm chẳng nên non nhưng cũng phải có cái cây ấy thì mới đẻ ra nhánh được”, vị PGS cười lớn.
K.T
Bình luận