Mặc dù Nhà nước Hồi giáo (IS) được tuyên bố bị đánh bại ở Trung Đông, nhưng những kẻ cực đoan nhanh chóng tập hợp lại và thậm chí giành được chỗ đứng ở châu Phi, trong một khu vực được gọi là Sahel, nằm giữa Sahara và những vùng đất màu mỡ hơn ở phía nam - nhà báo Ben Wolfgang của Washington Times viết.
Các chuyên gia tin rằng, Mỹ đang có nguy cơ rất lớn để tuột mất vai trò quân sự tích cực hơn ở châu Phi trước mối đe dọa khủng bố đang gia tăng.
Vào tháng 12, 71 binh sĩ thiệt mạng ở Nigeria do một cuộc tấn công của các chiến binh vào doanh trại quân đội. Các cuộc tấn công tương tự diễn ra trước đó ở Mali, Burkina Faso và các quốc gia khác trong khu vực. Theo tác giả của bài báo, vùng châu Phi ở cận nam Sahara đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho “Nhà nước Hồi giáo”, “Al-Qaeda” và các nhóm khủng bố khác phát triển mạnh ở các nền kinh tế nghèo và chính quyền địa phương yếu.
Theo nhà báo, các cuộc tấn công gần đây của chiến binh là minh chứng cho tiềm năng quân sự đáng kể mà những kẻ khủng bố đã có được trong tay, cũng như sự bất lực của chính quyền địa phương tự mình giải quyết tình hình. Tuy nhiên, trong khi Pháp và các đối tác khác của Mỹ đang tổ chức các hoạt động chống khủng bố quy mô lớn trong khu vực, Mỹ lại chuyển hướng sang các mục tiêu thứ yếu, chủ yếu bao gồm huấn luyến lực lượng vũ trang địa phương.
Bất chấp sự gia tăng rõ rệt của mối đe dọa khủng bố, Washington thậm chí còn có kế hoạch giảm bớt số lượng binh sĩ ở châu Phi và cắt giảm tài trợ cho các hoạt động trong khu vực. Giới chuyên gia cho rằng, bước đi này cho thấy một cái nhìn toàn cầu hơn về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Donald Trump. Washington đang xếp “các lực lượng truyền thống” như Nga và Trung Quốc vào lớp “các mối đe dọa hiện hữu”, chứ không phải là “các nhóm khủng bố phi nhà nước ở châu Phi và Trung Đông”.
Đây là một chiến lược nguy hiểm, bởi nó có thể cho những kẻ cực đoan cơ hội giành lấy sức mạnh và chiếm giữ lãnh thổ. “Nếu bây giờ nhìn vào chiến lược quốc phòng an ninh của Mỹ sẽ thấy một sự chuyển dịch chiến lược an ninh quốc gia từ đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố sang cạnh trạnh với Trung Quốc và Nga... Tôi nghĩ rằng, tại thời điểm này Mỹ muốn đánh liều, đặc biệt là với các khu vực như Tây Phi. Mỹ chấp nhận rủi ro, để tình hình trở nên tệ hơn, và sau đó mới thực hiện các biện pháp thích hợp, nếu cần, khi mọi thứ trở nên quá tệ” - ông Seth Jones, Giám đốc Dự án về các mối đe dọa quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, nhận định.
Dù cho hiện tại tình hình ở châu Phi chưa gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Mỹ, nhưng theo giới phân tích, các nhóm như IS có thể tận dụng thành công của mình ở châu Phi để bổ sung thêm đội ngũ và phát triển các chiến thuật mới. Xét cho cùng, Mỹ cũng từng không quá quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Afghanistan cho đến khi “Al-Qaeda” chọn quốc gia này làm cơ sở để chuẩn bị cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Ở châu Phi, ngoài tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” nổi tiếng nhất, vẫn còn có sự hoạt động của hàng chục nhóm cực đoan nhỏ hơn - nhà báo Ben Wolfgang cảnh báo.
Bình luận