Chị Đỗ Thị Thơm sinh năm 1989, giáo viên mầm non Đông Sơn và anh Nguyễn Viết Tưởng sinh năm 1984, bộ đội Hải quân đóng tại đảo Trường Sa gặp và yêu mến nhau xuất phát từ những cảm xúc dung dị nhất.
Với chị Thơm, hình ảnh các anh bộ đội luôn khiến chị nể phục, ngưỡng mộ, "nhất lại là lính Hải quân". Anh Tưởng kể rằng, vì nhận thức rõ đặc thù công việc của mình nên anh luôn mong muốn tìm được một nửa có thể đủ cảm thông, hiểu anh, yêu anh và các con anh.
"Có như vậy thì mới có thể ở bên nhau, xây dựng mái ấm với nhau được", anh Tưởng nói.
Cũng vì lý do đặc biệt, những cuộc hẹn của họ ngoài đời chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu họ hẹn hò qua thư. Anh dùng thư để "tán" cô sinh viên mầm non 19 tuổi trong vòng 2 năm.
Cũng như những cặp đôi khác, tình yêu của họ xây dựng trên sự yêu thương, trân trọng nhau. Và, bên cạnh đó còn có sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc, bởi, nếu không thấu hiểu những công việc mang tính đặc thù của người lính đảo sẽ không thể có sự cảm thông để nuôi dưỡng một tình yêu ngọt ngào đến vậy.
"Là lính đảo, tôi luôn có cảm giác thèm khát tình cảm của đất liền. Nhất là nơi tôi công tác lại là đảo chìm, ít dân sinh sống. Quanh năm suốt tháng, hầu như chỉ có các anh em đồng đội ở cạnh. Một bức thư của người yêu lúc ấy đáng giá lắm", anh Tưởng nói.
Có lẽ vì thế, những bức thư trao đi gửi lại với chị Thơm dần dần trở thành động lực, là niềm vui của anh. Họ quyết định đến với nhau sau 2 năm trò chuyện qua thư từ.
Hồi tưởng lại "kế hoạch cầu hôn", anh Tưởng vẫn không giấu nổi sự ngượng nghịu. Đôi mắt anh lấp lánh mỗi khi nhắc đến chị khiến người nghe cảm thấy chuyện như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.
“Đi tàu thủy phải mất một tháng mới vào đến bờ. Rồi sau đó phải đi tàu hỏa từ Nha Trang ra Hà Nội. Để cầu hôn cô ấy, tôi quyết định mang một con ốc biển thật đẹp về tặng. Thực ra, trong những lá thư gửi cho nhau, chúng tôi cũng bày tỏ rất nhiều tình cảm rồi... Cầu hôn tại ga tàu, cô ấy gật đầu đồng ý luôn. 20 ngày sau, chúng tôi tổ chức đám cưới”, anh Tưởng nhớ lại.
Nhiều người nói, người lính đảo rất tình cảm, và cách thể hiện tình cảm của họ cũng rất đặc biệt. "Anh ấy không bao giờ cho tôi đi tiễn ở ngoài ga vì sợ nhìn thấy tôi khóc. Chúng tôi đều biết, cả hai sẽ không thể chịu được khi phải chia tay người kia chóng vánh như vậy. Mỗi dịp nghỉ của anh, dài nhất là 2 tháng, ngắn nhất là mấy ngày", chị Thơm chia sẻ.
Giây phút vượt cạn chỉ mong chồng ở bên
"Nhận được tin cô ấy có bầu sau 3 tuần rời nhà trở về với đơn vị, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, lúc ấy rất muốn về nhà để ở bên cạnh chăm sóc hai mẹ con", anh Tưởng, vẫn với đôi mắt lấp lánh nhìn chị Thơm, kể lại.
Chị Thơm kể bé trai đầu lòng khiến chị nhớ anh đến nhường nào vì trông rất giống bố. "Lúc vượt cạn, tôi chỉ ước chồng ở bên cạnh để tôi nắm tay anh, để nhận từ anh những lời động viên. Nhìn con trai giống bố, tôi lại càng nhớ anh hơn bao giờ hết".
Trường Sa, đó là tên đôi vợ chồng trẻ định đặt cho con, thể hiện tình cảm của người lính dành cho biển đảo quê hương, cho khoảng cách mà anh và vợ đã cùng nhau vượt qua để yêu nhau...
“Nhưng nghĩ lại Trường Sa thì lại...xa quá...”, anh Tưởng cười, nói, “Thế nên vợ chồng quyết định đặt tên cháu là Khôi Nguyên, mong muốn tương lai con trai sẽ thông minh, giỏi giang”.
Khi con trai được 8 tháng, anh Tưởng xin phép chỉ huy trở về thăm vợ con, khao khát được ôm ấp, hít hà đứa con trai mà mình mới chỉ được nghe vợ kể qua thư.
Về đến nhà, ôm chầm lấy con mà con khóc thét, anh buồn lắm. Hai vợ chồng đành phải tìm mọi cách khiến bé quen dần với bố.
"Đi xa lâu ngày quá, cháu không theo bố, chỉ dám nhìn bố từ xa, bố nhìn lại thì con lại quay đi chỗ khác", chị Thơm kể và không giấu nổi xúc động. Đến giờ Khôi Nguyên đã là cậu bé lớp 2 chững chạc, ít khóc nhè và gần gũi bố hơn.
Khó khăn của hậu phương
"Kết hôn với lính Hải quân rất khổ", đó là nhận xét mà chị Thơm nghe được từ bạn bè khi yêu anh Tưởng. Họ bảo rằng, chị sẽ phải đối mặt với những ngày tháng chăm con một mình, với những lúc tủi thân vô cùng mà chẳng có ai ở bên để an ủi. Biết khó khăn là vậy mà chị vẫn quyết tâm lấy anh.
"Mỗi người lính cần có một hậu phương vững chắc để yên tâm công tác. Tôi biết công việc của chồng là vô cùng thiêng liêng, cao cả. Nhiệm vụ mà anh gánh vác trên vai là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Niềm tự hào khi là vợ của một người lính Hải quân lớn hơn rất nhiều so với những tủi thân, nỗi trống vắng mà tôi phải trải qua. Mỗi khi nghĩ rằng mình cô đơn, tôi lại thương anh nhiều hơn khi nghĩ anh ở xa gia đình, thiếu thốn tình cảm nơi đất liền", chị Thơm trải lòng.
Vậy là ở nhà, chị Thơm vừa làm mẹ, vừa thay anh Tưởng trở thành cha của hai em bé trai thông minh, kháu khỉnh. Suốt 8 năm qua, chị Thơm chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc. Với chị, tình yêu dành cho con chính là sợi dây kết nối hai vợ chồng.
Món quà của chồng – Tâm ý của cha
“Bó hoa ốc 21 bông là bất ngờ đầu tiên anh dành tặng tôi. Chưa bao giờ tôi được thấy những cánh hoa làm bằng ốc lạ, đẹp đẽ và chứa đựng nhiều tình cảm như thế”, chị Thơm khoe chùm hoa ốc được cắm rất cẩn thận trong một chiếc lọ đẹp, để cạnh giường ngủ.
Năm nay, đợt về phép của anh Tưởng rơi đúng vào tuần có ngày Lễ Tình nhân, anh quyết định tặng vợ món quà đặc biệt – Cây vú sữa. Anh biết vợ mình rất thích trồng cây này và đặc biệt, con trai anh cũng rất thích ăn trái nữa.
Giây phút cả nhà cùng vun đất, tưới nước cho cây vú sữa non chỉ mới cao ngang đầu gối, anh Tưởng cẩn thận dặn dò cậu con trai cả, miệng cười nhưng khóe mắt cay cay: “Bố đi công tác xa, Khôi Nguyên ở nhà phải chịu khó, chiều đến phải xách nước tưới cây, chăm cây nghe chưa?
Nhớ phải trông, phải bắt sâu, không là sâu ăn mất rễ, cây không lớn được đâu. Phải chăm cho cây đến khi nào ra quả, con nhé…”.
Bình luận