Tối 11/7, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Sân khấu Cải lương mới Đại Việt công diễn vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đây là tác phẩm nằm trong chương trình biểu diễn các tác phẩm chất lượng cao do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nhằm thu hút khán giả đến với sân khấu sau thời gian bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19.
“Chuyện tình Khau Vai” là vở cải lương được chuyển thể từ kịch bản thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, do NSND/đạo diễn Triệu Trung Kiên dàn dựng.
Kịch bản thơ được tác giả Nguyễn Thế Kỷ phóng tác từ huyền tích về chợ tình Khau Vai, một nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo của người dân trên vùng cao nguyên đá Hà Giang. Nơi đây, hàng năm, vào ngày 27/3 (Âm lịch), những người từng yêu thương nhau nhưng không được nên duyên chồng vợ, với sự chấp thuận của cả cộng đồng, họ tìm đến chợ tình để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.
Vở diễn từng gây được tiếng vang với hai phiên bản công diễn vào năm 2013 (do Nhà hát Cải Lương Việt Nam dàn dựng) và năm 2019 (do Sân khấu Cải lương mới Đại Việt thực hiện). Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” đã đoạt giải "Vở diễn sân khấu" được yêu thích nhất tại giải Mai vàng 2019...
Lần này trở lại với khán giả Thủ đô, vở diễn “Chuyện tình Khau Vai” là phiên bản đặc biệt có sự kết hợp giữa các giọng ca cải lương hàng đầu của hai miền Nam – Bắc như NSƯT Quế Trân, NSƯT Quang Khải, NSƯT Dạ Ngọc Hương, NSƯT Thiên Hoa, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Phượng Loan, "Chuông vàng vọng cổ" Võ Minh Lâm, Như Quỳnh, Minh Hải…đã làm nên một đêm diễn với nhiều cung bậc cảm xúc. Khán giả được thưởng thức tinh hoa cải lương của hai miền đất nước.
“Chuyện tình Khau Vai” thật sự chạm đến trái tim người xem với câu chuyện tình yêu đẹp, bi ai của chàng Ba – chàng trai nghèo dân tộc Nùng nghèo khổ và nàng Út xinh đẹp, con gái của tộc trưởng người Giáy.
Không cùng sắc tộc, lại phân chia đẳng cấp sang hèn nên tình yêu của họ vấp phải sự cấm đoán từ dòng tộc. Để có thể bên nhau, đôi trai gái đã cùng nhau bỏ trốn lên đỉnh Khau Vai.
Thế nhưng trớ trêu của cuộc đời và những hủ tục đã khiến cuộc tình của họ trở nên bi thương khi hai dòng tộc xảy ra cuộc tương tàn đẫm máu. Chàng Ba, nàng Út buộc phải nén lòng trở về giải tỏa xung đột giữa hai sắc tộc và báo hiếu mẹ cha. Họ hẹn nhau hàng năm sẽ tìm lên đỉnh Khau Vai và chỉ có cái chết mới chia cách được hai người.
Một năm sau, nàng Út biết được sự thật chồng nàng là người bày mưu hãm hại Tộc trưởng - cha nàng năm xưa để được nối ngôi cao, còn chàng Ba cũng đang ấm êm hạnh phúc với vợ hiền và con trẻ sắp chào đời. Nàng quyên sinh trên đỉnh Khau Vai, nơi hẹn ước với người yêu. Chàng Ba đến Khau Vai chậm một bước.
Lúc này, khi thấy người yêu từ giã cõi đời, chàng toan quyên sinh như lời thề năm trước. Nhưng vì bổn phận với gia đình chàng vẫn phải sống. Hàng năm vào đúng ngày hẹn, chàng Ba lại tìm lên đỉnh Khau Vai nhớ về lời thề ước năm xưa.
Đôi trai gái mãi mãi chia lìa song lời hẹn thề sẽ gặp nhau mỗi năm một lần trong phiên chợ Khau Vai đã được thời gian giữ lại cho tới tận hôm nay. Người đời sau tiếp tục nối dài cuộc hò hẹn ấy, làm nên một phiên chợ tình độc đáo, có một không hai trên thế giới.
Vở diễn “Chuyện tình Khau Vai” hấp dẫn, níu giữ người xem trong gần 3 tiếng đồng hồ bởi thông điệp sâu sắc về tình yêu và tình người. Trong vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai”, ta bắt gặp một vũ trụ quan và nhân sinh quan, dù còn hết sức nguyên sơ, nhưng đong đầy ý nghĩa nhân văn cao cả. Ở đó, tình yêu thương, lòng vị tha, sự cao thượng, trách nhiệm lớn lao đối với bản thân cũng như cộng đồng được khắc họa một cách mộc mạc và lay động lòng người.
Giữa bóng tối bao trùm của những hủ tục, nghiệt ngã trái ngang cuộc đời là ánh sáng của tình yêu, một tình yêu trong sáng, thuần hậu cùng lòng chung thuỷ và đức hy sinh. Khao khát được sống hạnh phúc, được tự do yêu đương, xoá bỏ rào cản giai cấp, sắc tộc là những giá trị nhân văn cao đẹp của vở diễn.
Kịch bản được tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết bằng kịch thơ nên khi chuyển thể, vở cải lương đã có những lời hát, lời thoại đẹp, đầy hình tượng, trữ tình đẩy cảm xúc khán giả lên cao.
Với phiên bản 2020, NSND Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở cải lương đã cho thấy sự sáng tạo làm nên sức hấp dẫn riêng so với hai phiên bản trước. Đó là việc kết hợp nhiều nghệ sĩ cải lương hàng đầu của cả hai miền Nam – Bắc trong cùng một vai diễn. Vai nàng Út do nghệ sĩ Như Quỳnh (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và NSƯT Quế Trân, ngôi sao của sân khấu cải lương TP.HCM cùng đảm nhận.
Với diễn xuất hiện đại, chừng mực và tinh tế, các nghệ sĩ đã chuyển tải bi kịch tình yêu bi mà không lụy. Khán giả dường như không nhận thấy sự khác biệt, không thấy độ chênh mà thậm chí còn tạo nên sự thú vị.
Tố chất riêng của hai nghệ sĩ đã tạo dựng hình tượng nàng Út của huyền thoại vừa cao thượng vừa mãnh liệt lại bao dung trong tình yêu. Nàng Út khi nghe chàng Ba đã có vợ, có con, thì vừa tủi cho mình, nhưng lại vừa mừng cho người thương đã có một cuộc sống mới an lành.
Không chỉ nhân vật chính mà các vai diễn khác đều được đạo diễn khai thác thế mạnh của nghệ sĩ hai miền về ca và diễn, nhưng vẫn phải giữ được tiết tấu vở diễn, cũng như kết cấu chặt chẽ của kịch bản như vai bà Liểng - mẹ chàng Ba (NSƯT Phượng Loan - NSƯT Dạ Ngọc Hương diễn xuất), vợ tộc trưởng (NSƯT Thiên Hoa - Hà Như diễn xuất), vai phản diện Cố Sầu (Võ Minh Lâm và Minh Hải diễn xuất)…
Các nghệ sĩ đã khai thác tận cùng tâm lý nhân vật, truyền tải cảm xúc mạnh mẽ và thông điệp nhân văn đến người xem. Sự cộng hưởng tinh hoa của cải lương hai miền đã tạo nên nét độc đáo cho phiên bản “Chuyện tình Khau Vai” 2020.
NSƯT Quang Khải, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn thể nghiệm của Nhà hát Cải Lương Việt Nam đảm nhiệm vai chính chàng Ba trong vở diễn rất vui khi được cùng các đồng nghiệp phía Nam trình diễn trên một sân khấu lý tưởng như Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh chia sẻ: “Cá nhân tôi vô cùng hạnh phúc khi được diễn trở lại sau gần 5 tháng Nhà hát phải nghỉ bởi dịch Covid-19. Lại càng phấn chấn khi được cùng với các đồng nghiệp phía Nam đứng trên một sân khấu lý tưởng như Nhà hát Lớn Hà Nội và diễn một vở mà mình tâm đắc. Sự trở lại lần này, chúng tôi hồi hộp xem phản ứng của khán giả".
NSƯT Quế Trân đảm nhận vai nữ chính Nàng Út bày tỏ niềm vui xen lẫn áp lực khi được diễn trên sân khấu với các nghệ sĩ cải lương miền Bắc: “Chúng tôi ra Bắc với niềm vui và cả sự hồi hộp. Ngày 9/7, hai đoàn cải lương đã có sự khớp nối cùng với nhau. Vì đã từng đóng cặp với nhau trong vở này nên chúng tôi dễ dàng nhập cuộc và thăng hoa trong diễn xuất”.
Đóng góp vào sự thành công của vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” là sự tổng hợp hài hoà các yếu tố âm nhạc, cảnh trí, trang phục, múa... được đầu tư kĩ lưỡng, phác hoạ không gian văn hóa đặc sắc với những phong tục, tập quán lâu đời của các dân tộc miền núi phía Bắc.
Nhạc sĩ Trọng Đài đã khéo léo đưa âm hưởng dân gian miền núi phía Bắc vào vở cải lương một cách hài hoà, nhuần nhuyễn. Sân khấu được thiết kế sang trọng và đẹp mắt, có tính tượng hình, tượng trưng lớn. Cảnh núi rừng hùng vĩ với lối sống đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang được tái hiện sinh động trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Trang phục của mỗi diễn viên được chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ thể hiện sự nghiên cứu văn hóa kết hợp với yếu tố thẩm mỹ. Các họa tiết, hoa văn trên trang phục, trên phông nền cũng được thiết kế tạo ấn tượng riêng cho vở diễn. Cùng với đó là sự hỗ trợ của âm thanh ánh sáng tăng ấn tượng thị giác, thính giác giúp khán giả cảm nhận tốt hơn về khung cảnh cũng như diễn biến câu chuyện.
Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” đã giải toả “cơn khát” cho khán giả yêu thích cải lương sau một thời gian dài lắng lại bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi loại hình nghệ thuật truyền thống này còn thiếu vắng những vở diễn mới thì “Chuyện tình Khau Vai” với cách dàn dựng sáng tạo, cốt truyện hấp dẫn, phong cách hiện đại đã mang đến nét tươi mới, góp phần đưa khán giả trở lại với sân khấu, tiếp sức cho nghệ thuật truyền thống vượt qua khủng hoảng
Vở "Chuyện tình Khau Vai" sẽ tiếp tục được công diễn vào tối 12/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h00 trên các kênh VTC1, VTC8, VOVTV (VietnamJourney), VTC NOW.
Bình luận