• Zalo

Chuyện tình huyền thoại của Tướng Tư Bốn

Thời sựThứ Năm, 09/05/2013 03:00:00 +07:00 Google News

Chuyện tình của ông Tư Bốn và bà Chín còn đặc biệt hơn người, như là huyền thoại trong chiến tranh.

Như bao cặp vợ chồng trong thời chiến, ông Tư Bốn và bà Phan Thị Chín cũng gặp nhau trong khói lửa đạn bom, thành chồng thành vợ, rồi xa nhau biền biệt, nhiều lúc đợi chờ trong vô vọng.





Nhưng chuyện tình của ông Tư Bốn và bà Chín còn đặc biệt hơn người, như là huyền thoại trong chiến tranh.

Chuyện tình huyền thoại của Tướng Tư Bốn Nguyễn Việt Thành
Ông Tư Bốn tặng hoa cho vợ. 

Những vết thương chằng chịt

Ông Tư Bốn quê ở Chợ Gạo, bà Chín quê ở Cai Lậy, hai đầu của tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Xã Long Tiên – huyện Cai Lậy (quê hương bà Chín) có địa thế hiểm trở nên được chọn làm căn cứ kháng chiến trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Từ sau tết Mậu Thân 1968, tỉnh Tiền Giang dần bị “bình định trắng”, dù vậy Tỉnh ủy Tiền Giang – cơ quan đầu não chỉ đạo cuộc kháng chiến của tỉnh – không “tản cư” lên biên giới như nhiều nơi khác, mà trụ lại tại địa phương, chọn xã Long Tiên làm căn cứ.

Đối phương thừa biết điều đó, liên tục bao vây càn quét, vì vậy mà nơi đây luôn diễn ra những cuộc “so găng” quyết liệt giữa các đơn vị bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho và quân đội Mỹ và Sài Gòn. Đại đội vệ binh Tỉnh ủy do ông Tư Bốn làm đại đội trưởng luôn “đứng mũi chịu sào” trong tất cả những lần bị đối phương tấn công, bao vây.

Theo số liệu của bộ phận tổng kết chiến tranh tỉnh Tiền Giang, Đại đội Vệ binh Tỉnh ủy đã đánh hơn 200 trận lớn nhỏ để bảo vệ cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của tỉnh.

Bản thân ông Tư Bốn cũng đã 7 lần bị thương trong những trận đánh ác liệt đó, để lại trên cơ thể ông nhiều thương tích, hiện ông là thương binh hạng 2/4. Chỉ có sự may mắn mới giúp ông sống sót qua chiến tranh. Bây giờ khi ông Tư Bốn mặc đồ tươm tất, không ai nhìn thấy dấu vết chiến tranh trên cơ thể của ông.

Một lần tình cờ nhìn ông mặc đồ ngắn để tát ao bắt cá, tôi thấy hàng chục vết thương tích trên cơ thể ốm nhom của ông: Trên bắp chân phải là 2 vết sẹo, hậu quả của 1 phát đạn xuyên chân; giữa bụng ông là 1 vết sẹo của mảnh pháo, bên cạnh là vết mổ rất lớn kéo dài từ trên xuống dưới, hậu quả của lần ông bị thương thủng bụng, phải mổ để khâu lại dạ dày, nối ruột; trên lưng ông là vết sẹo hết chiều ngang, hậu quả của một lần bị thương sượt sát cột sống…

Gia đình bà Chín sống suốt cuộc kháng chiến ở ngay “cái rốn” của bom đạn, không đi “tản cư” ra Cai Lậy như nhiều gia đình. Họ vừa làm ruộng vừa phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Cách gia đình bà Chín phục vụ kháng chiến là sau mỗi trận càn, nếu có chiến sĩ hi sinh thì gia đình bà lo chôn cất, rồi đón các chiến sĩ bị thương về nhà chữa trị.

Do căn cứ Long Tiên bị chia cắt và cách xa Quân y tỉnh Mỹ Tho, nên chỉ những trường hợp bị thương rất nặng mới chuyển thương binh về Quân y tỉnh, còn tại tự chữa trị tại chỗ, dựa vào nhân dân. Do yêu cầu thường xuyên chữa trị, chăm sóc thương binh, bà Chín đã tự học những kiến thức cơ bản về y tế, có thể tự chữa trị, chăm sóc những thương binh bị thương không quá nặng.

Công việc khó khăn và nguy hiểm nhất mà bà Chín phải đảm nhận là đi chợ Cai Lậy để mua thuốc tây, thuốc sát trùng, dịch truyền, bông băng…để về chữa trị cho thương binh. Đối phương ở “chi khu” Cai Lậy thừa biết chuyện người dân trong căn cứ Long Tiên ra chợ Cai Lậy mua thuốc tây về cứu chữa thương binh. Họ tổ chức đón lõng, kiểm tra, lùng bắt.

Quanh các nhà thuốc ở Cai Lậy lúc đó luôn có mật vụ theo dõi người dân từ Long Tiên ra, nhiều người không may sa vào tay giặc, bị đánh đập, tra tấn, tù đày. Nhờ khéo léo, mưu trí, bà Chín đã không ít lần thoát hiểm. Với công lao, thành tích phục vụ kháng chiến, cứu chữa thương binh, bà Chín được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng nhì sau ngay miến Nam hoàn toàn giải phóng.

Chuyện tình của đại đội trưởng và cô y tá

Một lần vào giữa năm 1971, Đại đội Vệ binh bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho của ông Tư Bốn có trận chống càn khốc liệt, kéo dài, các chiến sĩ giải phóng chịu nhiều thương vong. Vào cuối cuộc chống càn, ông Tư bốn bị đạn bắn xuyên bắp chân, được đưa đến nhà bà Chín để cứu chữa. Bà Chín nhớ lại, người chiến sĩ được giới thiệu là “đại đội trưởng” bị đạn bắn xuyên bắp chân, vết đạn vào rất nhỏ, nhưng khi ra viên đạn phá thành 1 lỗ rất lớn.

Bà Chín chùi rửa vết thương, tiêm kháng sinh, băng bó cho người chiến sĩ, rồi làm gà nấu cháo để người chiến sĩ ăn uống cho mau lại sức.

Vết thương khá nặng, không có thuốc gây tê, mỗi lần chùi rửa vết thương bà Chín phải dùng gạc tẩm cồn kéo xuyên qua bắp chân nhiều lần. Trong trường hợp tương tự nhiều thương binh đã từng kêu la rất dữ vì đau đớn, nhưng đại đội trưởng Tư Bốn chỉ cắn răn chịu đựng, không một tiếng rên la.

Bà Chín tìm hiểu và được biết, đây là người chiến sĩ thuộc loại gan lỳ nhất đơn vị, trước đó đã từng 4 lần bị thương. Bà Chín và cả gia đình bà đều cảm mến người chiến sĩ gan dạ có cái tên khá lạ Tư Bốn. Đúng một tháng rưỡi điều trị, ông Tư Bốn đã có thể tự đi lại được, được gia đình bà Chín đưa trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Nhớ ân tình cứu chữa, nên cứ mỗi lần chiến đấu chống càn thắng lợi là đại đội trưởng Tư Bốn đến thăm gia đình bà Chín để thăm và để cám ơn chuyện nuôi dưỡng ngày trước, từ đó tình cảm giữa anh đại đội trưởng giải phóng quân và cô y tá chiến trường ngày càng nảy nở.

Cuối năm 1971, sau 1 trận chống càn thắng lợi, đại đội trưởng Tư Bốn xin với gia đình và đơn vị được “mừng công” bằng lễ tuyên bố cho ông và bà Chín thành chồng thành vợ.

Chỉ sau đám cưới đúng nửa tháng, ông Tư Bốn lại chỉ huy đơn vị chống càn và lại bị thương do bị đạn bắn trúng ngang lưng, sượt sát cột sống. Ông và một đồng đội cùng tổ chiến đấu đều bị thương và bị đối phương bao vây, người đồng đội bị thương rất nặng vào phần bụng, ruột lòi ra ngoài.

Mặc cho lưng đầm đìa máu, ông Tư Bốn nương theo bờ dừa, vừa bắn chặn đối phương, vừa đẩy chiếc xuồng chở người đồng đội thoát khỏi vòng vây.
Chuyện tình huyền thoại của Tướng Tư Bốn Nguyễn Việt Thành
Bà Tư Bốn nuôi heo chuyên nghiệp. 

Vừa đẩy xuồng ông vừa nhét ruột vào bụng người bị thương, rồi lấy khăn quấn lại. Đến khi thoát khỏi khu vực nguy hiểm, ông nhìn lại thì người đồng đội thân thương của mình đã tắt thở tự bao giờ, còn mình thì máu ướt đẫm lưng và quần, toàn lưng tê buốt.

Gia đình bà Chín vừa lo chôn cất người liệt sĩ vừa đón đứa con rể Tư Bốn về chữa trị. Lần này bà Chín phải đón xe đò đi tận Sài Gòn để tìm mua những loại thuốc đặc trị về cứu chữa chồng.

Sau 2 tháng chữa trị, khi tự đi lại được, ông Tư Bốn lại chia tay vợ để “quăng mình vào khói lửa chiến tranh” và rồi lại bị thương rất nặng, tưởng như không thể qua khỏi. Ông bị mảnh đạn trúng ngay giữa bụng, đổ ruột ra ngoài tương tự như người đồng đội ngày nào, trong khi đối phương đang bao vây, đơn vị của ông phải phá vòng vây thoát hiểm.

Biết là khó qua khỏi, ông Tư Bốn từ chối không để đồng đội chuyển đi, để đỡ nguy hiểm cho anh em. Những đồng đội của ông đã không thể bỏ mặc người chỉ huy bị trọng thương lại trận địa, đưa được ông về tuyến sau, và ông đã không chết.

Nhưng vết thương vào bụng quá nặng, bà Chín không đủ khả năng và phương tiện cứu chữa cho chồng, đơn vị buộc phải đưa ông băng qua vùng địch “tạm chiếm” để về cơ quan Quân y tỉnh đóng ở huyện Châu Thành.

Đưa ông đi, bà Chín và gia đình ở nhà cứ đứng ngồi không yên, với kiến thức y tế đã có, bà Chín hiểu rằng chồng bà “lành ít dữ nhiều”, nhất là điều kiện thiếu thốn thuốc men trong chiến khu, rồi đường đi khó khăn, nguy hiểm.

Về tới Quân y tỉnh, ông Tư Bốn được chỉ định buộc phải “mổ bụng” ngay để khâu lại dạ dày và ruột bị thủng. Bàn mổ là gốc cây vú sữa trải tấm ny lon, xung quanh cũng được che chắn tạm bợ bằng lá dừa nước, chiếc đèn măng xông soi sáng “phòng mổ” cứ 15 phút phải phải dừng lại để bơm hơi một lần. Không có thuốc gây tê hay gây mê, ông bị mổ “sống”, các y sĩ trói tay chân ông lại, đề phòng ông giãy dụa, la hét.

Dù đau đớn đến vã mồ hôi, đến ngây dại khi bị mổ toang khoang bụng, răng ông luôn nghiến chặt, không một tiếng rên la, khi ca phẫu thuật chưa hoàn tất thì ông đã ngất lịm vì đau đớn và kiệt sức. Sau ca mổ, ông được “truyền dịch” bằng nước dừa hái tại chỗ vì không mua được dịch truyền.

Điều kiện y tế thiếu thốn như thế, thương tật nặng nề chừng ấy, nhưng chỉ mấy tháng sau là ông Tư Bốn lại quay về đơn vị để tiếp tục chống càn.

Năm thì mười họa vợ chồng họ mới được gặp nhau, mà gặp trong vội vã. Về sau ông Tư Bốn càng khó có điều kiện gặp vợ khi mà một phần xã Long Tiên đã bị giặc bình định, trong đó có khu vực gia đình bà Chín sinh sống. Có một lần, ông Tư Bốn không ngại hiểm nguy ghé lại thăm nhà, thăm vợ, bị đối phương phát hiện, bao vây.

Nhờ người chị của bà Chín khéo léo, dũng cảm làm tín hiệu để ông Tư Bốn biết ngay kịp thời tẩu thoát, nhờ đó mà thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Đầu năm 1974, do bị đánh phá quá dữ dội, Tỉnh ủy Mỹ Tho phải rời khỏi xã Long Tiên – huyện Cai Lậy, chuyển căn cứ đến xã Bình Trưng – huyện Châu Thành, lúc bà Chín đã mang thai đứa con đầu lòng, một mình bà ở lại quê nhà vượt cạn.

Một bé trai kháu khỉnh ra đời, bà Chín chưa vội đặt tên, mà chờ khi nào gặp cha, đứa bé sẽ được cha đặt tên.

Chiến tranh vào giai đoạn cuối càng khốc liệt. Cha và 2 anh của Tư Bốn đã lần lượt hi sinh, có lẽ vì vậy mà Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định không để Tư Bốn tiếp tục trực tiếp chiến đấu. Khi con mới được 2 tháng tuổi, bà Chín được tin chồng bà sắp chuyển công tác đi rất xa, không biết bao giờ vợ chồng, cha con mới được gặp lại.

Vì vậy mà bà quyết tâm bồng đứa con mới 2 tháng tuổi vượt đường xa vào căn cứ thăm ông, cũng là tiễn ông lên đường. Một ngày ngắn ngủi bên vợ con, ông Tư Bốn chỉ kịp đặt tên đứa bé là Nguyễn Tấn Hùng trước khi về R (căn cứ Trung ương Cục miền Nam đóng ở rừng miền Đông Nam bộ) học Trường Quân chính Trung ương. Bà Chín lại ôm con quay về quê, vừa làm ruộng vừa nuôi con.

Ngày chiến thắng 30.4.1975, cũng như bao người vợ có chồng đi kháng chiến, bà Chín ra đầu xóm đón chờ chồng chiến thắng trở về. Thế nhưng, một ngày rồi 2 ngày, một tuần rồi 2 tuần, một tháng rồi 2 tháng trôi qua mà người chồng yêu quý của bà vẫn biệt tăm.

Dù cố xua đuổi ra khỏi đầu, nhưng ý nghĩ về khả năng ông Tư Bốn đã ngã xuống trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn luôn ẩn hiện trong đầu bà Chín, nhất là khi có người đi chiến đấu về cho biết, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ông Tư Bốn chồng bà dắt một tiểu đoàn đánh vào Sài Gòn và đã đụng độ nảy lửa ở chốt chặn Bến Cát – Bình Dương, không biết sống chết ra sao.

Khi mà niềm hi vọng trùng phùng sau cuộc chiến đã sắp tắt trong bà, thì bất ngờ ông lù lù xuất hiện ở ngoài đầu đường xã Long Tiên. Do công việc bộn bề khi “tiếp quản” Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, phải hơn 2 tháng sau ông Tư Bốn mới được nghỉ phép về thăm gia đình.

Hậu phương vững chắc

Sau ngày miền Nam giải phóng, bà không vào làm công tác cơ quan Nhà nước, mà tiếp tục ở nhà làm ruộng, chăn nuôi, lo cho con, phụng dưỡng cha mẹ già. Trong khi ông đang nổi đình nổi đám ở TP.HCM với chuyên án Năm Cam thì ở quê nhà hàng ngày bà cấy lúa, bón phân, xịt sâu rầy, bảo đảm cho thửa ruộng năm nào cũng bội thu.

Không chỉ làm ruộng giỏi, bà Tư Bốn còn nổi tiếng trong nghề nuôi heo. Chính nghề chăn nuôi heo đã giúp bà có thu nhập ổn định suốt mấy chục năm qua để lo chuyện học hành cho các con, nên nhà nên cửa. Trong những năm qua dù tỉnh Tiền Giang nhiều lần bùng phát dịch heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng, làm hàng ngàn hộ chăn nuôi điêu đứnh, thì đàn heo nhà bà Tư Bốn vẫn luôn bình an.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Tư Bốn do chính công sức làm ruộng, nuôi heo, nuôi cá của bà Tư Bốn tích lũy dần mà xây dựng nên. Bà còn thay chồng nuôi con ăn học, cả 3 người con của ông bà đều được học hành đến nơi đến chốn, hai người con trai là sĩ quan công an ở Tiền Giang, 1 người con gái là bác sĩ ở TP.HCM.

Ông Tư Bốn là mẫu người chỉ quen chúi đầu vào công việc, bỏ mọi việc gia đình cho vợ. Ông thừa nhận, tiền lương hàng tháng của một vị tướng chỉ đủ chi phí cuộc sống cho riêng ông, đôi khi lãnh tiền chế độ thương binh ông mới “ngắt” ra phụ vợ, vì vậy có được mái ấm gia đình như hôm nay là nhờ công sức của vợ ông.

Khi về làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục CSND ở TP.HCM, ông Tư Bốn được lãnh đạo TP.HCM gợi ý nhận một căn nhà ở đây như những cán bộ khác, nhưng ông từ chối vì “dưới quê đã có nhà, mai này về hưu về quê sống với vợ con”.
 Vào giữa tháng 4.2013, bà Phan Thị Chín đã làm xôn xao cả xã Thanh Bình khi thu hoạch vụ lúa đông xuân trên đám ruộng gần 1 ha của gia đình bà đạt năng suất trên 9 tấn/ha. Trong khi đám ruộng của bà không phải cấy lúa lùn “cao sản” như nhiều người, mà là một loại nếp đặc sản, thường năng suất không cao. Bà bán ngay tại ruộng với giá gần 7.000đồng/kg.

Đối với bà, trồng lúa không phải chỉ lời 30 hay 50% như ngành nông nghiệp đang phấn đấu để đạt được, mà là lời gấp mấy lần chi phí bỏ ra. Thật khó hình dung, khi ngay trong giai đoạn ông Tư Bốn làm giám đốc Công an tỉnh, rồi lên đến trung tướng danh nổi như cồn, thì bà Chín luôn là một “kiện tướng” trồng lúa ở một vùng quê nghèo. Nay đã ở tuổi ngoài 60, bà vẫn tiếp tục là “kiện tướng” trồng lúa và nuôi heo.

Theo Lao Động & Đời sống

Bình luận
vtcnews.vn