• Zalo

Chuyển tiền 'nhầm' rồi chiếm đoạt

Bản tin 113Thứ Hai, 07/03/2022 09:39:04 +07:00Google News

Nhiều người nhận được tiền "chuyển nhầm" vào tài khoản rồi bị chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, việc chuyển tiền được thực hiện nhanh chóng thông qua các phương thức đơn giản, thuận tiện mà người gửi tiền không phải ra tận ngân hàng, giảm được thời gian cho khách hàng cũng như sự quá tải tại các ngân hàng. Lợi dụng phương thức này, nhiều kẻ đã cố tình "chuyển nhầm" tiền vào tài khoản của người khác, sau đó dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt.

Chuyển tiền 'nhầm' rồi chiếm đoạt - 1

Chuyển tiền "nhầm" rồi chiếm đoạt. (Ảnh minh họa) 

Trung tuần tháng 6/2021, một phụ nữ tên A. (trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội) bỗng nhiên nhận được hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng.

Cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với chị A. và nói rằng, công ty tài chính đã giải ngân số tiền của chị và nói chị trở thành một người vay nợ. Tự thấy mình không thực hiện bất cứ thủ tục vay nợ nào trên mạng, chị A. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Trước đó, cũng có trường hợp giả vờ "chuyển tiền nhầm" sau đó yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền xong các thông tin, toàn bộ số tiền sẽ bị các đối tượng xấu chiếm đoạt. 

Nhìn nhận vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Việc chuyển tiền "nhầm" qua tài khoản là thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi. Nếu người nhận được tiền vội vã trả tiền lại cho người gọi đến mà không xác minh rõ số tài khoản ngân hàng, chứng từ chuyển khoản thì sẽ rất phức tạp. Nếu sau khi nhận được khoản tiền, người bị chuyển khoản không báo với ngân hàng, Công an hay các bên liên quan; thì khi chủ tài khoản đã chuyển nhầm tiền xuất hiện và yêu cầu bên nhận thanh toán thì họ cũng khó có thể từ chối vì thông tin chuyển khoản đã lưu trên điện thoại và có chứng từ ở ngân hàng.

Theo điều 228, 230, 579 Bộ luật Dân sự 2015, khi tình cờ nhận được khoản tiền lạ từ người chưa từng có mối quan hệ với mình và cũng không có bất cứ giao dịch nào với họ liên quan đến số tiền này, người nhận có thể bị xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.

Tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Thu Hà(VOV2)
Bình luận