Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký báo cáo của Chính phủ việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn về lĩnh vực giao thông vận tải gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh
Liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên, liên tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Với lĩnh vực đường bộ, cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phân bổ ở 63 tỉnh, thành phố; 154 trung tâm sát hạch lái xe ô tô, phân bổ tại 57 tỉnh, thành. Hiện chỉ có 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch lái xe gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.
Cấp đổi giấy phép lái xe được quản lý theo 3 hình thức: Người dân đến làm thủ tục trực tiếp; đăng ký sử dụng dịch vụ công mức độ 3; hoặc sử dụng dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến nay, cả nước đã cấp hơn 12,2 triệu giấy phép lái xe ô tô và hơn 51 triệu giấy phép lái xe mô tô; cấp gần 39 nghìn giấy phép lái xe quốc tế.
Từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên phạm vi toàn quốc.
Qua kiểm tra nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của Sở Giao thông Vận tải, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.
Cụ thể như việc khai thác dữ liệu DAT (thiết bị mới hỗ trợ đào tạo lái xe) để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT.
Đáng chú ý, có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết...
Qua công tác kiểm tra, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cam kết, tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, nhằm kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đi cùng với đó là chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo.
Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là giải pháp được đưa ra.
Ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tiêu cực, gian lận
Với lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến tháng 6/2023, toàn quốc có 22 cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, với tổng số giấy chứng nhận, chứng chỉ được cấp là 476.400 chiếc.
Các cơ sở đào tạo cơ bản được trang bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trong quá trình thực hiện tuân thủ các quy định về công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện.
Qua kiểm tra, giám sát, Bộ Giao thông Vận tải phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, đào tạo, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn như: Quản lý, lưu trữ hồ sơ đào tạo tại một số cơ sở chưa thực sự chặt chẽ; việc tuân thủ đầy đủ quy định về nội dung, chương trình, thời gian đào tạo và các quy định khác của pháp luật chưa nghiêm…
Vì vậy, thời gian tới, bộ sẽ ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu để tăng cường công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, gian lận.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiêm túc quán triệt tới công chức, viên chức, người lao động không để tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, kiểm tra, cấp, đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Đồng thời Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các đơn vị có dấu hiệu tiêu cực; chủ động đề xuất các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, phù hợp yêu cầu quản lý, phù hợp thực tiễn. Từ đó hạn chế tối đa các kẽ hở, ngăn chặn nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra.
Bình luận