Bà Hà Thị Song Sương, con gái Liệt sỹ Hà Hiếu cho biết, năm 1964, Đại uý Hà Hiếu được bổ sung vào đoàn chuyên gia quân sự sang Lào công tác. Từ ngày đó, gia đình không hề có một thông tin, một bức thư nào được gửi về của anh Hiếu.
Mãi đến năm 1967, một đồng đội cũ của Liệt sĩ Hà Hiếu ghé qua báo tin “ba của cháu hy sinh vào năm 1965 tại mặt trận phía Tây!”
Ngày ba mất, cô Hà Song Hương mới 4 tuổi, em gái 2 tuổi, em trai được 3 tháng tuổi. Suốt những năm tháng sau chiến tranh, trong ngôi nhà nhỏ, 4 mẹ con cô vẫn đau đáu câu hỏi không biết chồng mình, ba mình đang nằm nơi đâu trên nước bạn Lào.
Lần theo các thông tin của đồng đội nói về việc đơn vị đóng quân ở Sầm Nưa, gia đình phán đoán khu vực liệt sĩ Hà Hiếu hy sinh là tại Thượng Lào, và nếu được quy tập về thì sẽ nằm tại tỉnh Điện Biên.
Những kỷ vật của Liệt sĩ Hà Hiếu. |
Gia đình theo dõi sát sao thông tin các liệt sĩ được quy tập về từ Lào, gửi thư lên Cục chính sách Bộ quốc phòng, nhờ người hỏi ở chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội”… nhưng tất cả đều không có hồi âm.
Gần đây nhất, gia đình đã đăng kí chương trình “Trở về từ kí ức”, làm đơn đề nghị Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam giúp đỡ, nhưng cũng chưa tìm được.
Dù hy vọng ngày càng mong manh nhưng gia đình cô Hương chưa khi nào từ bỏ quyết tâm tìm được mộ ba. Cô tiếp tục tìm kiếm thông tin liên quan đến việc đưa hài cốt các liệt sĩ trở về từ Lào và tin tức về mối quan hệ Việt - Lào trên internet. Qua đó cô gặp ông Nguyễn Tử Lạc, nguyên đại tá đoàn 959, và qua đó gặp thêm được 3 đồng đội của liệt sĩ Hà Hiếu.
Theo lời kể của đồng đội trực tiếp chôn cất liệt sĩ Hà Hiếu thì liệt sĩ hy sinh do bị quân Phỉ Vàng Pao phục kích, đơn vị đã mai táng ở Khăng Khay – Xiêng Khoảng, dưới chân núi Phu Khe, cách khu chuyên gia ở vài trăm mét để đồng đội tiện chăm sóc phần mộ.
Ông Lạc khẳng định, 90% phần mộ liệt sĩ Hà Hiếu đã được đưa về Nghệ An, vì chỉ có đường 7 từ Xiêng Khoảng về Nghệ An là gần nhất. Gia đình tìm đến đội quy tập Nghệ An thì được biết tất cả phần mộ của quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự đã đưa về Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn). Giữa hàng nghìn ngôi mộ, mà đa số là vô danh thì cơ hội tìm thấy mộ ba mình với cô Hương thật mỏng manh.
Con gái Liệt sỹ Hà Hiếu xúc động bên phần mộ ba mình. |
Nhưng trời không phụ lòng người. Qua báo chí, cô Hương biết đến trang nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến (http://trian.go.vn).
Qua tìm kiếm, cô phát hiện trang thứ 948 có tên liệt sĩ Hà Huy Hiếu tại Nghĩa trang Quốc tế Việt Lào (Anh Sơn), tất cả các thông tin về ngày sinh, quê quán, đơn vị, ngày hy sinh đều trùng khớp, chỉ duy nhất tên đệm “Huy” là không thực khớp.
Vừa mừng vừa lo, cô gửi thông tin cho ban quản lý dự án nhờ xác minh lại thông tin. Không lâu sau, gia đình cô đã nhận được tin vui: Liệt sĩ Hà Huy Hiếu trong danh sách trên nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến đúng là liệt sĩ Hà Hiếu.
Sau 47 năm trời xa cách, những người con mới lần đầu được thắp nén hương cho ba tại nghĩa trang Quốc tế Việt – Lào vào những ngày đầu tháng 8 vừa qua.
Trong bức thư cảm ơn gửi Ban quản lý dự án Tri ân, cô Hương viết đầy xúc động “Hôm nay, trước linh hồn của cha, tôi thay mặt cả gia đình, xin được trân trọng cảm ơn Ban quản lí Dự án Tri ân, Ban quản lí Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào.
Cảm ơn các bác Cựu chiến binh đoàn 959 đã tận tình giúp đỡ, để cuối cùng chị em tôi có thể gặp được cha, gia đình tôi được đoàn tụ sau gần nửa thế kỉ cách xa, tìm kiếm và hy vọng! Sự đoàn tụ thiêng liêng này là vô giá! Việc làm của dự án Tri Ân thực sự là hi vọng mới cho các gia đình liệt sỹ chưa tìm được phần mộ của người thân”.
Thu Thủy – Nguyễn Dũng
Bình luận