• Zalo

Chuyến thăm Sài Gòn 90 năm trước của đại thi hào Tagore

Giáo dụcThứ Sáu, 08/02/2019 08:29:00 +07:00Google News

Từ tàu Angers, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel đặt chân đến Sài Gòn trong sự chào đón của giới trí thức và người dân.

Cuối thập niên 1920, báo chí ở Sài Gòn dịch và đăng nhiều thơ của Rabindranath Tagore trong sự háo hức của công chúng. Các tác phẩm kinh điển của thi hào này khiến giới trí thức rất ngưỡng mộ.

Giải Nobel văn chương năm 1913 được trao cho Tagore là sự tự hào của cả châu Á lúc bấy giờ. Ông được kính trọng như nhà triết học thâm thúy với đời sống tinh thần và tôn giáo sâu xa, tượng trưng cho văn minh châu Á cổ đại của nhân loại.

thi hao 1

 Thi hào Rabindranath Tagore. (Ảnh: Indoindians).

Theo tài liệu do tác giả Nguyễn Đức Hiệp sưu tầm trong cuốn Sài Gòn - Chợ Lớn, ký ức đô thị và con người (NBX Văn hóa - Văn nghệ TP HCM 2016), cộng đồng người Ấn ở Sài Gòn rất mong chờ một ngày gần nhất được đón tiếp Tagore đến thăm viếng Nam Kỳ.

Tháng 4/1924, nghe phong thanh Tagore sẽ thăm Sài Gòn trên đường từ Trung Quốc trở về, hàng chục tờ báo khi đó tốn không ít giấy mực đưa tin, bàn luận.

Người Ấn Độ ở Sài Gòn khi đó còn lên kế hoạch đón tiếp ông với cờ hoa, nhạc công dọc các tuyến đường và các điểm viếng thăm. Song, chuyến thăm lần đó bị hoãn vì sức khỏe của Tagore không được tốt sau khi diễn thuyết ở Hong Kong. Đến 5 năm sau, Tagore chính thức ấn định đến Sài Gòn vào trung tuần tháng 6/1929, trên đường ông từ Nhật về nước.

Sáng 21/6 năm đó, tàu Angers của hãng Compagnie des Messageries Maritimes cập bến Sài Gòn. Báo Phụ nữ Tân văn miêu tả người dân thành phố cả Tây lẫn ta và đông đảo người Ấn Độ tề tựu đông đảo, nghênh tiếp nhà thơ rất trọng thể.

"Khi tàu cập bến có quan chánh văn phòng trên phủ Thống Đốc thay mặt chánh phủ và ông Béziat, Đốc lý Sài Gòn cùng nhiều quan chức nghinh đón, đều lên tàu chào mừng tiên sinh. Người mình lâu nay ước mong được chiêm ngưỡng dung nhan một nhà đại thi hào, thì hôm nay dân Sài Gòn đã toại nguyện", báo viết.

Còn tờ La Tribune Indochinoise tổ chức hẳn một cuộc míttinh để chào mừng nhà thơ đoạt giải Nobel văn chương đầu tiên của châu Á. Chương trình đón tiếp Tagore sau đó được nhiều tờ báo đưa tin cụ thể.

Ngay buổi chiều hôm ông đến, đoàn ăn trưa ở Tòa Thị sảnh thành phố Sài Gòn. Tối, buổi đón tiếp trọng thể đã diễn ra ở Nhà hát thành phố, Tagore được giới thiệu với giới trí thức.

Ông Bùi Quang Chiêu (Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ) nói: "Trên tất cả người của nhà thơ toát ra cái tâm linh này, cái thanh thản không thể định nghĩa được của hương thơm tư tưởng Ấn Độ... Thi hào Tagore không phải cấy một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ông muốn đoàn kết Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Kito giáo trong sự hoà thuận của một sự hợp tác tích cực tiến đến một tình thương vị tha giữa con người và vạn vật, đến thờ phụng cái đẹp, cái tốt và sự thật chân lý".

Trong chuyến thăm, Tagore được bố trí nghỉ ngơi tại nhà ông Diệp Văn Giáp (thành viên Hội đồng quản hạt) tại góc đường Legrand de la Liraye và rue Barbet (nay là Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn).

Sáng hôm sau 22/6, Tagore đi dạo trong thành phố Sài Gòn: vườn bách thảo, viện bảo tàng, trường nữ tiểu học cho người An Nam và Pháp, trường Trung học Pétrus Ký (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong), trường dạy nghề cơ khí, ngôi chùa người Hoa và một số ngôi chùa người Việt ở Chợ Lớn.

Buổi trưa, thi hào Ấn Độ thăm thú ngoại vi Sài Gòn: các trường nghệ thuật - mỹ thuật ở Biên Hòa và Thủ Dầu Một, mộ ông Lê Văn Duyệt, trường của ông Huỳnh Khương Ninh và công ty in của ông Nguyễn Văn Của.

Mọi thứ diễn ra khớp theo kế hoạch, trừ một số thay đổi như lúc viếng mộ ông Lê Văn Duyệt, sau khi được chào đón với nhạc Việt Nam thì Tagore ở lại không lâu do các chuyến đi trước làm ông mệt. Lúc đến nhà in của ông Nguyễn Văn Của dự tiệc rượu champagne, thi hào xin được uống nước dừa thay cho rượu.

Dự định viếng Angkor Wat của Tagore bị hoãn lại bởi thời gian hạn chế, việc đi lại tốn kém và không an toàn.

thi hao 2 3

 Hình ảnh bài về Tagore trên báo Phụ nữ Tân văn số 10. (Ảnh tư liệu).

Điểm nhấn chuyến thăm Sài Gòn của Tagore là buổi sáng chủ nhật 23/6 - ông ghé tòa soạn Phụ nữ Tân văn ở số 42 rue Catinat (nay là đường Đồng Khởi, quận 1). Đây vừa là trụ sở báo, vừa là nơi kinh doanh vải lụa cao cấp của ông bà Nguyễn Đức Nhuận - chủ báo này.

Bà Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh) bày tỏ xúc động khi gặp Tagore trong bài viết đăng trên Phụ nữ Tân văn số 10 xuất bản sau đó: "Tôi được chiêm yết cái hình dung của nhà đại thi hào thì ra những bức ảnh đã đăng trong các báo xưa rày còn kém xa cái nét tươi ở gương mặt, cái tinh thần ở đôi con mắt, dường như có hào quang sáng rực, của cái người có 'tiên phong đạo cốt ấy'".

Theo bà Nhuận, ông Tagore cao lớn, tuổi gần 70 mà quắc thước, nước da trắng mịn và ửng đỏ, mũi cao, trán rộng, rõ là trán của một nhà tư tưởng. Bàn tay ông giống như bàn tay của các bà khuê các, ngón tròn mà trắng. Ông thuộc về một dòng vọng tộc, sinh trưởng ở chốn phong lưu, hằng ngày chỉ có một việc ngâm thơ, vịnh phú, bởi thế mới có mấy cái đặc sắc ấy.

Tiếng nói của Tagore được mô tả như tiếng đờn. "Tiếc vì tôi không thể hầu chuyện được; vì ông không biết tiếng ta và tiếng Pháp; còn chúng tôi không biết Bengali và tiếng Anh. Tiếc lắm", bà viết.

Tagore sau khi hỏi han việc buôn bán của ông bà Nhuận bèn hỏi thăm hàng hóa Bắc Kỳ, sau khi xem xong thì ông có mua một cái áo gấm bông bạc. Ông bà Nhận tặng cho ông một cây lãnh của hãng dệt Lê Phát Vĩnh ở Cầu Kho để làm kỷ niệm.

Chiều hôm đó, thi hào Ấn Độ còn cho người tới mua hai cái khăn đóng. Hỏi thăm mới biết là ông có đặt may một cái áo dài An Nam, thợ làm suốt một ngày đã xong.

Ngày cuối trước khi lên đường, Tagore được mời dự buổi đàm đạo uống trà với Thống đốc Pierre Pasquier cùng tất cả ủy viên trong ủy ban Pháp, Việt và Ấn Độ. Tagore đã nói về thi văn, cảnh thanh tịnh ở các chùa Phật ở Sài Gòn mà ông đã thăm.

Chuyến viếng thăm trong bốn ngày của Tagore ở Sài Gòn để lại nhiều dư âm trong giới trí thức, người dân lao động khi đó. Báo Écho Annamite ngày 2/7 có bài xã luận với tựa "Diễn đàn tự do" đã so sánh thi hào với Phan Bội Châu và ngầm chỉ trích chính quyền Pháp. Báo Phụ nữ Tân văn thì so sánh thơ của ông với các thi hào lớn của Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Năm 1961, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tagore, nhà thơ Xuân Diệu cho biết rất xao xuyến khi biết tin thi hào đến thăm Sài Gòn. "Tôi nhớ báo lúc đó thuật lại rằng Tagore có nói chuyện ở Hội Khuyến học: Tôi tưởng tượng thành Sài Gòn của ta khi đó chứa đựng của quý của trí tuệ con người".

thi hao 3 4

 Rabindranath Tagore (trái) và Mahatma Ghandi - anh hùng dân tộc Ấn Độ. (Ảnh tư liệu). 

Rabindranath Tagore (1861-1941) là nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel. Ca khúc "Chúa là linh hồn tất cả chúng sinh" do ông sáng tác năm 1911 đã trở thành quốc ca Ấn Độ từ năm 1950.

Những tập thơ tiêu biểu của ông là Thơ Dâng, Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh. Trong chương trình phổ thông ở Việt Nam, học sinh cũng quen thuộc với nhà thơ này qua nhiều tác phẩm được trích dẫn.

Đôi mắt em băn khoăn u buồn, đôi mắt em muốn dò hỏi ý nghĩa lời anh nói, như mặt trăng muốn soi vào đáy biển.

Anh đã phơi bày trần trụi đời mình trước mắt em, anh không giấu giếm điều gì. Chính vì thế mà em chẳng biết gì về anh.

Nếu đời anh chỉ là viên ngọc quý anh sẽ đập ra làm trăm mảnh xâu thành chuỗi quàng vào cổ em.

Nếu đời anh chỉ là bông hoa nhỏ bé, tròn xinh, thơm tho, anh sẽ ngắt nó ra cài lên mái tóc em.

(Bài thơ tình số 28, bản dịch của Đào Xuân Quý)

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận