Đằng sau phát biểu của Tổng thống Obama là một câu chuyện mà nhiều nhà sử học nhận định, có thể khiến quan hệ Việt-Mỹ hoàn toàn khác sau Thế chiến 2.
Trong bài phát biểu đầy ấn tượng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào trưa 24/5, Tổng thống Obama đã nhắc tới một chi tiết: “Trong Thế chiến thứ 2, người Mỹ đã đến giúp Việt Nam đấu tranh chống ngoại xâm. Khi máy bay của phi công Mỹ bị bắn rơi, người dân Việt Nam đã cứu giúp họ”.
Nhóm Con nai chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
18h tối 16/7/1945. Một nhóm gồm 3 đặc nhiệm Mỹ nhảy dù xuống một cánh rừng rậm thuộc địa phận Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Đây là đoàn tiền trạm của nhóm tình báo mang mật danh “Con Nai” (Deer Team) do Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ đóng tại Côn Minh (Trung Quốc) cử sang giúp huấn luyện các du kích Việt Minh chống phát xít Nhật cũng như thu thập tin tức về quân Nhật cho lực lượng đồng minh trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ 2.
Nhóm “Con Nai” gồm 7 thành viên do Thiếu tá lục quân Allison Thomas đứng đầu. Nhà sử học Marilyn Young, người có nhiều công trình nghiên cứu và từng gặp gỡ các thành viên của nhóm “Con Nai” cho biết: “Khi vừa đặt chân tới đây, nhóm quân nhân Mỹ cảm thấy rất ấn tượng, thậm chí ngạc nhiên về Việt Minh. Họ không hiểu vì sao môt lực lượng nhỏ bé với những vũ khí thô sơ lại có thể đương đầu với quân đội Nhật và Pháp”.
Trước đó chừng 2 tháng, một máy bay ném bom của Mỹ bị quân Nhật bắn rơi, buộc phi công William Shaw phải nhảy dù xuống một khu vực thuộc tỉnh Cao Bằng. Viên Trung úy Mỹ được Việt Minh cứu thoát khỏi sự truy sát của quân Nhật rồi được đích thân lãnh tụ Hồ Chí Minh đưa trở về căn cứ không quân Mỹ đặt tại Hoa Nam (Trung Quốc) sau hành trình hàng trăm cây số trèo đèo lội suối.
Cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và người đứng đầu quân đồng minh tại khu vực, tướng Mỹ Claire Chanaul tại đây đã mở ra cơ hội hợp tác quân sự đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ với việc thành lập nhóm “Con Nai” gồm các thành viên được đưa trực tiếp từ Mỹ sang để giúp Việt Minh.
Nhóm Con nai huấn luyện du kích Việt Minh |
Nhà sử học Claire Chanaul nói: “Với tôi, nhóm ‘Con Nai’ tượng trưng cho hy vọng. Họ tượng trưng cho khả năng tạo dựng những mối quan hệ hoàn toàn khác giữa Mỹ và Việt Nam, thay vì một cuộc chiến tranh toàn diện sau này”.
Hai tuần sau nhóm tiền trạm của Thomas, 4 thành viên còn lại của nhóm “Con Nai” cũng nhảy dù an toàn xuống Tân Trào, mang theo các loại vũ khí, đạn dược của Mỹ để trang bị và huấn luyện cho đội du kích Việt Minh.
Đội du kích này có nhiệm vụ tấn công các đoàn tàu nhằm chặt đứt tuyến xe lửa Hà Nội-Lạng Sơn, không cho quân Nhật vận chuyển người và hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Bên cạnh việc huấn luyện du kích, nhóm “Con Nai” còn được giao trọng trách thu thập thông tin tình báo về các mục tiêu như doanh trại, nhà kho cũng như mọi hoạt động của quân Nhật tại Việt Nam.
Ngày 7/8/1945, hơn 100 du kích xuất sắc nhất đã được nhóm “Con Nai” huấn luyện cấp tốc về sử dụng các loại vũ khí như súng carbine M-1, súng liên thanh hạng nhẹ, súng bazooka và tiểu liên Thomson do Mỹ cung cấp.
Trong những ngày ở Tân Trào, các thành viên nhóm “Con Nai” không chỉ được Việt Minh mà còn cả người dân địa phương chào đón nồng hậu. Trong nhật ký của mình, Trung tá Thomas ghi lại rằng đi bất cứ đâu ông và các đồng đội đều được người dân tiếp đãi đủ món, từ chè mật ong cho đến thịt bò, vịt, lợn…những thứ không dễ kiếm trong thời chiến.
Kết thúc khóa huấn luyện cũng là lúc nổ ra Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhóm “Con Nai” đã theo sát đoàn quân Việt Minh trong những ngày tháng 8 lịch sử, chứng kiến trận đánh ác liệt với quân Nhật tại Thái Nguyên và cuối cùng là có mặt tại Hà Nội để hòa chung niềm vui độc lập của người dân Việt Nam vào đầu tháng 9/1945. Lúc này nhiệm vụ của họ cũng chính thức kết thúc.
Video Obama trích tục ngữ VN trong bài phát biểu
Dù chỉ góp sức cùng lực lượng Việt Minh chưa đầy 2 tháng nhưng nhóm “Con Nai” đã mở ra hy vọng về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Mỹ trong thời kỳ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán là sẽ rất khó khăn đối với một nhà nước non trẻ.
Trong những năm tiếp sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho Tổng thống Henry Truman, đề nghị Mỹ hợp tác hỗ trợ cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Việt Nam nhưng tiếc rằng Mỹ đã không đáp lại. Dân tộc Việt Nam một lần nữa phải trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và sau đó là cuộc chiến tranh chống sự xâm lăng của chính người Mỹ.
Nhà sử học Marilyn Young nhìn nhận: “Đối với những người nghiên cứu lịch sử như chúng tôi, câu chuyện về nhóm ‘Con Nai’ giống như một cơ hội đáng ra đã có thể được nắm giữ và tận dụng. Nếu làm được điều này thì có thể lịch sử giữa hai nước khi đó đã hoàn toàn khác. Một cơ hội đã bị bỏ lỡ.”
Các thành viên nhóm “Con Nai” đều đã qua đời, nhưng cơ hội xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam đã không còn bị bỏ lỡ, cho dù phải mất tới nửa thế kỷ sau.
Nguồn: VOV
Bình luận