Kỳ 3: “Thanh kiếm quái dị”
Kỳ 1: Huyền thoại kiếm báu của người Dao
Kỳ 2: Những thanh kiếm bí ẩn ở Việt Nam: Thanh kiếm ma ám của người Lào
Ở Bảo tàng Hà Giang, những thanh kiếm được trưng bày trong tủ, gây ám ảnh khôn nguôi cho du khách. Con dao chỉ dài cỡ 40 cm với dòng chữ chú thích: “Dao nhọn của tên trùm phỉ Dương Văn Khoắn dùng cướp phá 39 vụ, giết 10 người”, “Dao nhọn của tên phỉ Nguyễn Pó Thiên ở Hoàng Su Phì giết 7 người”, “Con dao của tên phỉ Dì Pín Sần dùng để giết 7 người ở Xín Mần”…
Nhưng khủng khiếp nhất, hãi hùng nhất là dòng chữ chú thích dưới thanh kiếm kỳ quái, mà người Hà Giang gọi là câu liêm với cái lưỡi cong 90 độ, có chú thích: “Câu liêm của tên trùm phỉ Tráng Séo Khún ở xã Cốc Pài, huyện Xín Mần. Hắn dùng dao này giết 50 người dân vì không đi theo chúng”.
Tráng Séo Khún là ai? Chiếc câu liêm bằng thép, dày cồm cộp kia được tên Tráng Séo Khún giết người thế nào? Hắn giết những ai? Giết cán bộ hay dân thường? Trẻ con hay người già?... Có cả trăm câu hỏi mà tôi cũng như khách tham quan muốn đặt ra, nhưng câu trả lời chỉ là mấy dòng chữ ngắn ngủi ghi rõ ràng dưới vật trưng bày: “Câu liêm của tên trùm phỉ Tráng Séo Khún ở xã Cốc Pài, huyện Xín Mần. Hắn dùng dao này giết 50 người dân vì không đi theo chúng”.
Con dao giết từng ấy con người, chứ có phải giết con trâu, con ngựa đâu? Con dao trưng bày ở một chỗ trang trọng, tố cáo một thứ tội ác quá rùng rợn, quá đau thương, mà đồng bào, chiến sĩ ta đã phải trả bằng máu, mà chỉ có từng ấy thông tin thôi sao?
Lục lâm thảo khấu
Không thu thập được thêm thông tin gì về chiếc câu liêm kinh sợ, cắt cổ, moi bụng, rạch thịt 50 đồng bào nằm im lìm trong Bảo tàng Hà Giang, tôi đành phải ngược về miền tây thủ phủ Hà Giang tìm đến huyện Xín Mần để tìm hiểu.
Thị trấn Cốc Pài ngày cuối tuần họp chợ đông đúc, trai gái dập dìu chợ phiên. Ký ức về những vụ bạo loạn kinh hoàng của phỉ, giết người hàng loạt như thời Trung Cổ man rợ giờ ít người biết đến, trừ những cụ già mắt mờ răng rụng. Mảnh đất cực tây của tỉnh địa đầu này giờ yên bình quá. Đau thương dường như đã trôi theo dòng sông Chảy về mãi đâu rồi. Hỏi một số cán bộ cao tuổi, đã về hưu, thì họ cũng hầu như không nắm được thông tin gì về việc phỉ nổi loạn. Đến tên trùm phỉ Tráng Khéo Khún, cũng chỉ biết rằng hắn là trùm phỉ, giết người không ghê tay bằng chiếc câu liêm. Còn nó giết người thế nào, giết ai, thì chẳng mấy ai biết.
Ngày trước, huyện Xín Mần thuộc châu Hoàng Su Phì. Sau ngày lập nước vẫn thuộc huyện Hoàng Su Phì. Đến năm 1965 mới tách làm huyện riêng. Ngày phỉ nổi loạn, chúng hoạt động ở địa bàn rất rộng, khắp Hoàng Su Phì, mà xã Cốc Pài (giờ là thị trấn Cốc Pài của Xín Mần) chỉ là một địa bản nhỏ của chúng. Các cán bộ địa bàn, cán bộ tiễu phỉ đều từ nơi khác đến. Tiễu phỉ xong thì rút đi. Cán bộ ở lại nắm địa bàn, thì cũng về hưu, chuyển đi nơi khác cả. Một số người về huyện Hoàng Su Phì ở. Không thu thập được thông tin gì, tôi đành ngược trở ra thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì.
Tôi được người dân, rồi cán bộ địa phương giới thiệu đến các vị cao niên, gồm ông Hoàng Ngọc Trương, ông Hoàng Ngọc Lâm, ông Trịnh Xuân Dớn. Ông Trương từng là chủ tịch UBND thị trấn Vinh Quang, ông Lâm là nguyên Bí thư huyện Hoàng Su Phì, còn ông Dớn là cán bộ văn phòng của thị trấn. Cả 3 ông đều đã từng trải qua thời kỳ… sống chung với phỉ, hoặc nghiên cứu về phỉ sau này. Tuy không nắm rõ về thân nhân, gốc tích tên trùm phỉ Tráng Séo Khún, cũng như cụ thể hành vi tội ác dã man của hắn với từng đồng bào, chiến sĩ, nhưng những cuộc nổi loạn của phỉ, những cuộc tiễu phỉ, và những chuyện truyền kỳ về chúng, các ông cũng biết được một số thông tin.
Theo ông Trịnh Xuân Dớn, bọn phỉ ở vùng Hoàng Su Phì, Xín Mần nói riêng và Hà Giang nói chung, có những đặc điểm khác biệt. Chúng thực sự là bọn lục lâm thảo khấu, gồm cả bọn trong nước và tàn quân Tưởng Giới Thạch. Bọn chúng lúc ở bên này, lúc ở bên kia biên giới. Chúng thường xuyên tổ chức cướp bóc cả thổ ty lẫn nhân dân. Khi lực lượng cách mạng của ta hình thành, hoạt động mạnh mẽ, thì thực dân Pháp đã mua chuộc bọn phỉ để chống phá cách mạng.
Chúng cấp vũ khí, thành lập “vương quốc” tự trị cho bọn phỉ để chúng nổi loạn. Chúng dùng vũ khí đe dọa nhân dân, cướp bóc của cải, gây chiến giữa dân tộc này với dân tộc khác, khiến họa diệt vong có thể xảy đến với các dân tộc ít người. Bọn phỉ thực sự đã làm mưa làm gió toàn bộ vùng miền tây Hà Giang rộng lớn.
Chúng lập các đồn lũy, dựng lên các “vương quốc” riêng, trong đó, mạnh nhất là “Xứ Nùng tự trị” đặt trung tâm tại châu Hoàng Su Phì. Bọn phỉ chiếm giữ các vị trí trung tâm, lập cơ sở trong rừng sâu, trên dãy Tây Côn Lĩnh hiểm trở để đối phó với cách mạng. Thời điểm đó, đồng bào ta mù chữ 98%, lại bị phỉ tuyên truyền sai về cách mạng, nên đi theo chúng rất đông. Vả lại, nếu không theo thì chúng giết. Bọn phỉ lớn mạnh nhanh chóng, mở rộng địa bàn, tấn công ra tận Bắc Quang, nhằm cắt dứt đường liên lạc Quốc lộ 2 của ta.
Những cuộc càn quét
Trước tình hình đó, tháng 10/1948, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 quyết định mở chiến dịch tấn công vào Hoàng Su Phì. Trận mở màn chớp nhoáng của ta đã tiêu diệt 40 tên, trong đó có 8 lính Pháp. 25 tên phỉ bị thương, bị ta bắt sống. Ta có 5 chiến sĩ hy sinh, bị thương 10. Lợi dụng thế thắng như chẻ tre, ta tiếp tục tấn công các đồn, bốt nằm dọc biên giới châu Hoàng Su Phì, giết nhiều phỉ, lấy lại toàn bộ địa bàn.
Ngày đó, ông Hoàng Xuân Lâm mới 20 tuổi, tuy nhiên, ông vẫn nhớ rõ những cuộc chiến vô cùng khốc liệt giữa cách mạng và phỉ. Sau khi chiếm lại địa bàn, các đội võ trang tuyên truyền của ta đã gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng dân, tuyên truyền nhân dân chống lại bọn phỉ và thực dân Pháp. Tuy nhiên, theo ông Lâm, cách mạng ta đã chủ quan, rút đi nhanh chóng, bởi tin rằng bọn phỉ đã hoàn toàn tan rã. Không ngờ, một nỗi đau quá lớn ập đến bất ngờ với đồng bào ở châu Hoàng Su Phì.
Trong ký ức của ông Hoàng Xuân Lâm, thì cái ngày 1/12/1948 vẫn lặn sâu vào ký ức ông. Ngay khi bộ đội ta rút đi, bọn Pháp và phỉ đã điên cuồng trả thù bằng cách trút giận lên đầu nhân dân. Chúng từ phía Lào Cai và ngoài biên giới tràn sang xã Cốc Pài giết hại rất nhiều cán bộ và nhân dân. Chúng truy bắt, gom tất cả những người mà chúng cho là theo cách mạng về trung tâm xã để hành hình. Đã có 48 đồng bào, gồm nhiều dân tộc, chủ yếu là Mông, La Chí, Dao bị chúng cắt cổ, moi bụng, ăn gan ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trong tiếng khóc than, trong ánh mắt căm hờn của đồng bào.
Mặc dù không được chứng kiến, nhưng ông Trịnh Xuân Dớn được nghe các cụ già ở Cốc Pài kể lại rằng, khi đó, tên Tráng Séo Khún mới là tên giặc cỏ, chưa phải trùm phỉ, độ tàn ác của hắn thì đã nổi tiếng nhanh chóng. Hắn luôn cầm thanh kiếm kỳ quái với cái lưỡi cong trên tay. Người dân bị trói quặt tay, quỳ giữa đường. Tên Tráng Séo Khún đặt lưỡi câu liêm cong 90 độ vào họng từng người. Một cú giật mạnh khiến họng đứt, máu xối thành tia, khiến người đó chết trong giây lát. Chúng hành hình lần lượt 48 đồng bào một cách tàn khốc như thế, để rồi trong Bảo tàng Hà Giang, có những dòng chú thích đau đớn về những chiếc câu liêm, những con dao giết tới cả chục mạng người.
Quá căm phẫn với bọn “dã thú”, cách mạng ta quyết tâm trả thù cho đồng bào. Chỉ 15 ngày sau, tức ngày 16/12/1948, hai đại đội của tỉnh Hà Giang cùng Liên khu 10 dùng hỏa lực tấn công thẳng vào đồn bốt của chúng. Trong trận huyết chiến đầy căm thù ấy, ta đã tiêu diệt và làm thương 51 tên. Hàng chục tên cũng bị bộ đội địa phương, du kích của ta tiêu diệt trên đường chúng rút về Yên Bái.
Đến tháng 3-1949, thực dân Pháp đã điều 300 lính lên Hoàng Su Phì, phối hợp với 1.000 tên phỉ chiếm lại địa bàn. Tên Tráng Séo Khún nổi lên nhanh chóng. Hắn cùng với các trùm phỉ như Xếp Sần, Xếp Vần, Xếp Sinh làm mưa làm gió, tự tung tự tác, vô cùng tàn bạo. Chúng giết hại hàng trăm người dân, đốt không biết bao nhiêu nhà cửa của những người không theo chúng, hoặc chống đối chúng.
Tháng 4/1951, sau nhiều trận đánh giằng co, thiệt hại 2 bên đều nhiều, ta đã huy động lực lượng mạnh tấn công vào Hoàng Su Phì, quyết giành lại địa bàn. Ta đã bắt và diệt tổng số 300 tên. Những tên còn lại chạy tán loạn sang Trung Quốc nhập với phỉ Hạng Sào Chúng và sang Lai Châu nhập với phỉ Pha Long. Nhiều tên lẩn sâu vào rừng chờ cứu viện của thực dân Pháp.
Ký ức đau thương
Trong khi ta chưa thành công trong việc “nhổ cỏ tận gốc”, thì Mỹ đã can thiệp. Mỹ cùng Pháp tiếp tục thả gián điệp biệt kích xuống Hoàng Su Phì và Đồng Văn. Để gây thanh thế, trong 3 tháng cuối năm 1951, tên Tráng Séo Khún cùng các trùm phỉ gây ra 50 vụ cướp. Chúng giết đồng bào ta không biết bao nhiêu mà kể.
Ông Trịnh Xuân Dớn moi trong đống tài liệu cũ nát cho tôi xem mấy trang tài liệu còn ghi rõ: “Trong tháng 4 và 5 năm 1952, phỉ cướp phá tràn lan các nơi. Hầu như không có ngày nào, đêm nào không có khủng bố cướp bóc. Phỉ cướp và đốt kho thóc 56 tấn của ta ở Nậm Dịch. Chúng khủng bố, giết hại thân nhân các gia đình theo cách mạng, treo trẻ em lên cây cho đến chết. Chúng bẻ răng, rút lưỡi dân lành, chúng hãm hiếp phụ nữ trước thanh thiên bạch nhật, chúng mổ bụng moi gan các cán bộ kiên trung. Có gia đình bị giết từ già đến trẻ. Có cụ già 90 tuổi bị chúng chặt làm 9 mảnh vì không khai báo”.
Nhưng câu chuyện đau thương và bi tráng nhất do tên trùm phỉ Tráng Séo Khún cùng đồng bọn gây ra, ám ảnh ký ức ông Trịnh Xuân Dớn cũng như người dân châu Hoàng Su Phì xưa là vụ chúng sát hại Đoàn văn công Trung đoàn 148 Khu Việt Bắc, khi đi biểu diễn phục vụ đồng bào.
Tháng 5/1952, đoàn phục vụ đồng bào theo hướng Hoàng Su Phì, qua Cốc Pài sang Si Ma Cai (Lào Cai). Đoàn đi đến đâu, phục vụ đồng bào đến đó. Ngày 15/5, đoàn đến thôn Nàn Ma, thuộc Xín Mần bây giờ và đã tổ chức lưu diễn, rồi qua đêm tại đây. Bản Nàn Ma (giờ là xã Nàn Ma) khi đó không có bóng người. Dân trốn hết vào rừng vì phỉ liên tục tấn công, cướp bóc, giết người. Đoàn đã ở lại nhà ông Thào Seo Xừ. Nửa đêm, tên Tráng Séo Khún đã cầm đầu một toán phỉ đã tổ chức đánh úp. Đoàn văn công đã kiêng cường đánh trả.
Đồng chí Nguyễn Thị Hảo bị chúng chặt đứt một cánh tay, chém xả chân, vẫn cầm dao xông ra đâm phỉ. Tuy nhiên, bọn phỉ quá đông, đoàn văn công lại hết đạn, nên bị chúng sát hại dã man. Nền nhà ông Thào Seo Xừ sũng máu, 7 đồng chí đã tắt thở. 4 đồng chí gồm Dương Bách Niên, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Văn Chương, Nguyễn Quang Đạo dù bị thương, nhưng vẫn dìu nhau trốn thoát. Tuy nhiên, do bị thương nặng, địa hình rừng núi hiểm trở, nên cuối cùng đã bị chúng bắt được.
Để khủng bố tinh thần người dân, trưa hôm sau, tên Tráng Séo Khún cùng toán phỉ kéo 4 đồng chí đến bờ suối Nàn Ma, rồi cưỡng ép nhân dân đến xem chúng xử tử. Tên trùm phỉ Tráng Séo Khún đã đe dọa, cưỡng bức những văn công này phải ký giấy đầu hàng và theo chúng biểu diễn văn nghệ chống phá cách mạng. Đe đọa, cưỡng ép các văn công không được, đích thân tên Tráng Séo Khún cầm chiếc câu liêm cứa cổ từng người. Chúng mổ bụng, moi gan các văn công để đe đọa dân bản.
Hành động của bọn phỉ quá dã ma, khiến nhân dân và chính quyền ta vô cùng tức giận. Quá xót thương các văn công, bộ đội ta đã bất chấp nguy hiểm, thọc thẳng vào Xín Mần săn lùng, tiêu diệt và tóm được tới 152 tên, quét sạch phỉ ở vùng Xín Mần. Tuy nhiên, tên Tráng Séo Khún vẫn tẩu thoát vào rừng sâu.
Sau những trận đánh khốc liệt, thứ mà ta thu được chỉ là cây đàn phong cầm nhuốm máu chi chít vết đạn. Giờ cây đàn ấy ở đâu cũng không ai rõ. Chỉ còn những con dao, những khẩu súng của phỉ vẫn nằm im lìm trong Bảo tàng Hà Giang. Câu chuyện đau thương này, những lứa lớn tuổi như ông Dớn, ông Lâm, ông Trương đều nắm rõ, nhưng lịch sử hầu như chưa nhắc đến họ.
Trong khi ta còn chưa tóm hết được những tên phỉ đang lẩn trốn trong rừng để đòi nợ máu cho đồng bào, cho các văn công, thì Pháp tiếp tục tăng cường cho bọn phỉ, nhằm tạo động lực để chúng quấy rối, hòng làm giảm áp lực của ta ở Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp đã thả 117 gián điệp biệt kích cùng vô số đạn dược xuống Nàn Ma, Cốc Pài. Bọn gián điệp biệt kích đã tập hợp tàn quân phỉ.
Như cá gặp nước, tên Tráng Séo Khún lại trở thành bạo chúa của châu Hoàng Su Phì rộng lớn. Chúng vác súng và câu liêm càn quét các bản làng khắp Hoàng Su Phì, giết hại vô số sinh linh. Trong một báo cáo của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, trong giai đoạn bọn phỉ nổi loạn, dân số của châu Hoàng Su Phì (khi đó gồm cả Xín Mần) suy giảm nghiêm trọng. Chúng cắt cổ, mổ bụng, moi gan cán bộ, người già, trẻ em. Chúng kích động các dân tộc tàn sát lẫn nhau, khiến máu đỏ sông Chảy. Tên phỉ Tráng Séo Khún nêu cao khẩu hiệu: “Giết cán bộ làm thuế” để báo cáo thành tích với thực dân Pháp.
Tuy nhiên, Điện Biên Phủ thất thủ, Pháp không ứng cứu được nữa, nên chúng rơi vào trạng thái hoang mang. Tuy nhiên, với tội ác gây ra, không còn đường lùi nữa, nên tên Tráng Séo Khún càng điên cuồng chống trả. Hắn cài mìn dọc sông Chảy đến tận Trung Quốc. Hắn cho người phá đường, đốn đổ cây để cản bước tiến của quân ta. Chúng tăng cường giết người, cướp bóc để trữ lương thực. Tuy nhiên, khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ khiến nhân dân tin tưởng vào Đảng, nên đã tích cực đứng lên. Trong huyện du kích nổi lên, bên ngoài bộ đội tấn công vào. Suốt từ ngày 10 tháng 10 đến cuối tháng 11/1954, ta tấn công giải phóng hàng loạt xã, diệt hàng trăm tên phỉ. Tên Tráng Séo Khún gom tàn quân gồm vài trăm tên kéo về xã Chế Là, Nấm Dẩn (thuộc Xín Mần bây giờ) cố thủ. Bọn chúng có rất nhiều súng ống, đạn dược, bộc phá, mìn, cùng lượng đạn đủ bắn vung vãi.
Bị quân đội ta tấn công dữ dội, giết hàng trăm tên, nên “tập đoàn thú dữ” Tráng Séo Khún rất hoang mang. Tuy nhiên, là kẻ đứng đầu, hắn đem uy lực và sự tàn ác ra thể hiện để kích động đồng bọn. Hắn giết bất kỳ tên phỉ nào hoang mang, sợ hãi, có ý ra hàng. Hắn cũng bắt người dân vô tội để giết một cách man rợ để tăng thêm bản lĩnh cho đồng bọn. Dù dùng súng, nhưng lúc nào chiếc câu liêm cũng kè kè bên người hắn, sẵn sàng lấy máu của bất kỳ ai. Hắn ra yêu sách bộ đội ta phải rút lui, tôn trọng địa bàn của hắn.
Đầu tháng 12/1954, ta điều thêm một đại đội ở Bắc Mê đánh thọc mạnh vào sào huyệt cuối cùng của chúng. Cuộc tấn công thọc mạnh đó đã làm tan rã toàn bộ “tập đoàn phỉ”, bắn thương tên Xếp Vần. Ta đã tiêu diệt 63 tên, làm bị thương 87 tên, bắt sống 103 tên và kêu gọi 700 tên trở về gia đình, không theo phỉ nữa. Riêng tên Tráng Séo Khún cùng 20 tên phỉ vẫn mất tăm mất tích trong rừng.
Đồng bào châu Hoàng Su Phì vui mừng với chiến thắng, nhưng vẫn không an lòng khi tên Tráng Séo Khún vẫn chưa phải đền mạng. Hắn vẫn như bóng ma phủ lên đời sống đồng bào nơi đây. Khuôn mặt dã thú của hắn, ánh mắt lạnh lùng, với cây câu liêm trên tay nhuốm máu đồng bào vẫn cứ ám ảnh cuộc sống người dân.
Còn tiếp…
Video: Thanh kiếm nạm đá quý của vua Khải Định
Bình luận