• Zalo

Chuyện nữ anh hùng lấy thân mình chặn đứng 22 xe tăng cứu 8 chiến sĩ ẩn nấp trong bụi mía

Thời sựThứ Sáu, 27/07/2018 12:00:00 +07:00Google News

22 xe tăng lừ lừ lăn bánh và sẵn sàng băm nát đám mía nơi 8 bộ đội trọng thương đang ẩn nấp, nhưng người nữ du kích không một tấc sắt trong tay dũng cảm lấy thân mình ra ngăn cản.

Nữ du kích kiên cường ấy là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Chính (72 tuổi, thương binh 1/4, quê Quảng Nam).

Gắn đời mình với số 1

Với sự ngưỡng vọng dành cho nữ anh hùng Trần Thị Chính, đại tá Lê Anh Dũng (nhà thơ, nhà báo quân đội) từng tóm tắt những hy sinh, mất mát của “đàn chị” bằng 2 câu thơ súc tích: “Một chân, một mắt, một tay. Một mình rồi lại loay hoay một mình”.

Những vần thơ cô đọng ấy đã đi cùng năm tháng và như thể gắn chặt với cuộc đời của bà. Mà cứ hễ nhắc về nữ anh hùng này, người ta lại nghĩ ngay đến con số 1 đơn lẻ.

Anh 2

Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Chính.

Trong buổi gặp mặt của những người đồng đội, đồng chí từng tham gia cách mạng ở chiến trường Quảng Đà diễn ra vào một ngày giữa tháng 7, tôi may mắn được nghe những mẩu chuyện xoay quanh một thời máu lửa của cha anh. Và lắng lòng trong phút giây nữ anh hùng “Ba Một” hoài niệm về cuộc đời cầm súng đánh giặc của mình.

“Thuở tôi tròn năm tuổi, ba hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Lên 10 tuổi thì mẹ mất vì những đợt tra tấn dã man của bọn địch, bỏ lại 7 chị em tôi côi cút giữa đời. Theo con đường cách mạng của cha mẹ, 11 tuổi tôi đã xung phong làm công tác giao liên ở địa phương với mong muốn cống hiến sức mình vì độc lập nước nhà”, giọng hào hùng, nữ du kích Trần Thị Chính hồi tưởng.

Giữa gian phòng ấm áp tình đồng đội từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh trên mặt trận quân sự, bà kể tiếp khoảng thời gian của những ngày chập chững bước chân vào hàng ngũ đảm trách thông tin liên lạc. Nhờ sự nhanh nhẹn, thông minh và gan dạ của mình, “o du kích" Chính đã nhiều lần đưa đường dẫn lối giúp bộ đội ta thoát khỏi vòng vây kẻ địch.

Và cái ngày đầu tháng 11/1963 trở thành cột mốc thời gian không bao giờ có thể xóa nhòa trong tâm trí người con gái dũng cảm đã lấy thân mình chắn trước 22 xe tăng của quân đội Mỹ và giải cứu 8 đồng đội trọng thương thoát chết trong gang tấc.

Nhắc lại quãng thời gian này, trên gương mặt nhăn nheo vì bụi đường thời gian bỗng hừng lên hào khí kiên trung, giọng tự hào, bà kể: “Hàng trăm lính ngụy nhất quyết san bằng đám mía nơi 8 đồng chí đang bị thương ẩn nấp. Không còn cách nào khác, tôi nằm giãy giụa, khóc than rằng đám mía này là miếng cơm nuôi 7 chị em tôi, xin mấy ông đừng chà nát.

Khoảng chục tên lao tới giật tóc, đạp tới tấp vào mặt nhưng tôi đã kịp dùng hết sức bình sinh gượng dậy và tóm cổ tên chỉ huy gào thét. May mắn bọn chúng xuống nước và tôi hướng dẫn đoàn xe tăng đi lối khác nhằm đánh lạc hướng và sau đó khẩn trương đưa 8 chiến sĩ về chiến khu an toàn”.

Khi hòa bình lập lại, 1 trong 8 chiến sĩ được bà giải cứu là ông Bàn Huy Tâm đã lặn lội từ Tuyên Quang vô Quảng Nam để tìm gặp ân nhân ngày trước chưa nhìn tỏ mặt nhau. Sau mỗi dịp hạnh ngộ, cả hai lại ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào.

Những dòng lệ cảm động của người mang ơn kèm theo giọt nước mắt hạnh phúc của người con gái một thời quên thân vì đồng đội cứ thế chan hòa, đong đầy nghĩa tình người lính. Khi chúng tôi hỏi về biệt danh thân thương “Ba Một” mọi người dành cho bà, bà khua tay và tỏ ý không muốn xoáy sâu vào quá khứ.

 
Một chân đã mất, tay bại liệt và con mắt mù lòa này của tôi chỉ là một phần máu thịt được hòa quyện vào máu xương của hàng nghìn đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống để cho đất nước đứng lên.

Nữ anh hùng Trần Thị Chính

Chỉ biết rằng, mắt phải và tay phải cùng chân trái của bà chẳng khác nào thân phận “tầm gửi” trên cơ thể khiếm khuyết. Và bây giờ nếu ai đó vô tình nhắc đến, bà chỉ nhoẻn miệng cười và bảo rằng: “Nếu phải hy sinh cả mạng sống vì hòa bình của đất nước thì tôi cũng chấp nhận. Một chân đã mất, tay bại liệt và con mắt mù lòa này của tôi chỉ là một phần máu thịt được hòa quyện vào máu xương của hàng nghìn đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống để cho đất nước đứng lên”.

Gieo mầm thiện nguyện cho đời 

Căn nhà nhỏ đơn sơ nằm lặng lẽ trên con đường Nguyễn Thái Học dẫn vào chợ Hàn (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là chỗ trú nắng che mưa của nữ anh hùng “Ba Một” suốt mấy chục năm qua, nơi bà chọn cho mình một cuộc sống hết sức bình dị.

Trong gian nhà đơn sơ ấy, thứ quý giá nhất có lẽ là cái tivi đời cũ được đồng đội biếu từ sau ngày đất nước hòa bình. Và cũng chính nhờ chiếc vô tuyến truyền hình ấy là sợi dây kết nối tấm lòng hảo tâm của bà đến với những mảnh đời bất hạnh.

Nói về cơ duyên đưa đẩy đến với “nghiệp” từ thiện, bà chia sẻ: “Năm 1990, đoàn cựu chiến binh Đà Nẵng, Quảng Nam tổ chức tham quan các căn cứ cách mạng. Ở những địa phương mà chúng tôi đặt chân đến, tôi không thể cầm lòng khi chứng kiến cảnh bà con miền núi ăn uống, sinh hoạt trong điều kiện thiếu trước hụt sau.

Chính bữa cơm toàn rau rừng của đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang hay người Ca Dong ở Nam Trà My (Quảng Nam) trở thành hình ảnh ăn sâu vào suy nghĩ của tôi và thôi thúc tôi theo con đường thiện nguyện”.

Anh 1 (2) 3

Thời bình, nữ anh hùng "Ba Một" dốc sức gieo những mầm xanh thiện nguyện cho đời. 

Từ đó, không ít xã miền núi heo hút nơi đại ngàn Trường Sơn từ Nghệ An cho đến Quảng Ngãi, Bình Định hay thậm chí các tỉnh Tây Nguyên đã in đậm dấu chân tình nguyện của cô Chính từ tâm. Ròng rã 25 năm qua, người anh hùng trong thời chiến ấy không ngại gian khổ, bỏ qua khiếm khuyết về đôi chân không lành lặn để trèo non, lội suối tìm đến các địa chỉ cần giúp đỡ.

Những chuyến tiền trạm do “thủ lĩnh” từ thiện Chính khởi xướng luôn nhận được sự ủng hộ của đồng đội và các nhà hảo tâm gần xa. Chăn gối, quần áo, sách vở, gạo mắm…là những vật phẩm mà đoàn từ thiện của cô Chính mang đến trao tận tay cho người nghèo trên khắp mọi miền đất nước.

“Đó là hành trình yêu thương của mấy năm trở về trước. Còn 2 năm gần đây, sức khỏe tôi yếu đi trông thấy nên chỉ hỗ trợ vật chất để mọi người kết chuyển tận tay các mảnh đời bất hạnh”, nữ anh hùng chia sẻ.

Có lẽ, câu chuyện về cô du kích lấy thân mình chặn đứng 22 xe tăng địch vẫn sẽ còn được nhắc mãi. Nhưng chắn hẳn, trong suy nghĩ nhiều người và cả cá nhân người viết, nữ anh hùng “Ba Một” này đã sống một cuộc đời anh hùng. Anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và anh hùng trong mắt bao phận đời khốn khó, gian nan.

Hà Bình
Bình luận
vtcnews.vn