Khoảng cách 8 điểm với đội đầu bảng không phải là bất khả thi để san lấp, nhưng lối đá và tinh thần của thầy trò HLV Chung Hae Seong không tương xứng với vị thế của một ứng viên vô địch.
CLB TP.HCM đang vỡ vụn, dù sở hữu đội hình mạnh hơn mùa trước. Tại sao?
Đông nhưng không tinh
Trong khi nhiều CLB bế tắc ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa, CLB TP.HCM mua về 5 tân binh. Bộ đôi người Costa Rica là Jose Ortiz và Ariel Rodriguez được định giá 1 triệu USD (khoảng 24 tỷ đồng), cộng với 3 cầu thủ của Sanna Khánh Hòa là Ti Phông, Trùm Tỉnh và Đình Khương, với tổng phí lót tay được đồn đoán là không dưới 10 tỷ đồng.
Đầu mùa, CLB TP.HCM mượn 3 ngôi sao của HAGL là Công Phượng, Đức Lương, Văn Sơn, chiêu mộ thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền vệ Huy Toàn, ký với 4 ngoại binh là Amido Balde, Seo Yong Duk, Pape Diakite, Alex Lima. Như vậy, số cầu thủ mới mua của CLB TP.HCM đã thừa để xếp một đội hình.
Tuy nhiên, tân binh của CLB TP.HCM đông nhưng không tinh. Sau nửa mùa giải, Alex Lima và Amido bị thải loại. Đức Lương, Văn Sơn đóng góp hạn chế. Huy Toàn đá tròn vai, nhưng vật lộn với chấn thương. Đình Khương chưa thể hiện được nhiều. Ti Phông chơi khá tốt, song vừa dính chấn thương nặng, còn Bùi Tiến Dũng thiếu chắc chắn.
Đáng thất vọng nhất phải kể đến bộ đôi ngoại binh triệu USD. Ariel Rodriguez chỉ ghi vỏn vẹn 1 bàn từ sai lầm của hàng thủ Nam Định. Bàn thắng đó đã diễn ra từ một tháng trước. Jose Ortiz chỉ như "bóng ma" trên sân, hoàn toàn lạc lõng với lối chơi. Công Phượng, Pape Diakite và Seo Yong Duk là những cầu thủ hiếm hoi chứng minh được giá trị.
Núi tiền đổ vào chuyển nhượng cho thấy CLB TP.HCM rất chịu chơi. Giành ngôi á quân V-League mùa trước với một đội hình chất lượng trung bình, nên về lý thuyết, có thêm một vài cầu thủ ngôi sao nữa, CLB TP.HCM có thể nghĩ đến chức vô địch.
Dù vậy, mua và mượn 14 tân binh, mà chưa tới 25% trong số này thể hiện được năng lực, CLB TP.HCM đã có mùa chuyển nhượng thất bại.
Không thể "ăn xổi"
Tại sao CLB TP.HCM sa sút? Thứ nhất, bí quyết giúp đội bóng của HLV Chung Hae Seong đứng hạng nhì V-League mùa trước nằm ở sự ổn định. CLB TP.HCM không có ngôi sao ở V-League 2019. Nhờ vậy, đội bóng này không phụ thuộc vào cá nhân nào, thi đấu gắn kết và có bộ khung được duy trì qua từng trận.
CLB TP.HCM cũng có những tân binh giữa mùa như Ismael Akinade, nhưng nhìn chung, đội bóng có biệt danh "Chiến hạm đỏ" rất ổn định về lực lượng.
CLB TP.HCM mùa này đã mất yếu tố đó. 14 cầu thủ mới, gần bằng danh sách đăng ký thi đấu mỗi trận, khiến HLV Chung phải làm lại từ đầu. Mỗi vòng đấu, CLB TP.HCM lại trình làng một đội hình khác nhau.
Trận gặp CLB Viettel là một ví dụ, khi chỉ 4 cầu thủ CLB TP.HCM đá chính ở trận này là thi đấu tại trận lượt đi. Phải làm việc với đội hình mới, HLV khó truyền đạt hết ý tưởng và mang đến thành công tức thì.
Thứ hai, CLB TP.HCM mua người thiếu căn cứ. Thông thường, các đội bóng sẽ ổn định bộ khung, và thiếu vị trí nào thì bổ sung vị trí ấy. Cầu thủ mang về phải phù hợp với chiến thuật sẵn có và phục vụ ý đồ HLV.
Trong khi đó, CLB TP.HCM lại mua rất nhiều cầu thủ mà không có định hướng. Khi người mới không "hợp rơ" với người cũ, đội bóng áo đỏ trở thành tập thể hỗn loạn, mất phương hướng.
Nếu muốn nhìn về tấm gương chuyển nhượng, có lẽ CLB TP.HCM nên học chính đối thủ là CLB Viettel. Đội bóng áo lính từng thất bại mùa trước khi mua quá nhiều tân binh, nên đã có sự chọn lọc mùa này. Họ mang về 1 tiền vệ trung tâm, 1 tiền đạo và 1 thủ môn, tất cả đều tỏa sáng.
Rõ ràng, định hướng chuyển nhượng và việc biết mình thiếu ở đâu sẽ quyết định thành bại của các CLB. Không phải cứ mua cầu thủ giỏi là có đội bóng mạnh. HLV nên là người đóng vai trò then chốt trong việc mua cầu thủ nào. Mà công đoạn này, chưa chắc ông Chung Hae Seong đã có tiếng nói.
Cuối cùng, "ảo mộng" chơi tấn công đang đè bẹp tham vọng của CLB TP.HCM. Mùa trước, các học trò của Chung Hae Seong khuynh đảo V-League nhờ lối đá phòng ngự - phản công vô cùng khoa học. Mùa này, CLB TP.HCM lập tức phải chuyển sang đá tấn công, vừa kéo khán giả đến sân, vừa để phù hợp với đẳng cấp của đội bóng lớn.
Những tân binh mang về cũng để phục vụ ý đồ này khi có tới hai phần ba là tiền vệ, tiền đạo. Nhưng không dễ để xây dựng một lối đá đẹp.
Hà Nội FC mất tới 10 năm mới gặt thành tựu. CLB Viettel đến giờ cũng chưa hẳn tấn công đẹp mắt, nhưng biết "liệu cơm gắp mắm", đội bóng áo lính đã vào chung kết Cúp Quốc gia và đứng đầu V-League. Sài Gòn FC cũng vô địch lượt đi nhờ cách đá thực dụng và khoa học.
Còn CLB TP.HCM vẫn mông lung giữa ngã ba đường. Những ngôi sao có thể tạo nên trận đấu đáng xem, nhưng thành công của Hà Nội FC, CLB Viettel hay Sài Gòn FC cho thấy cầu thủ giỏi chưa chắc ổn định bằng cầu thủ phù hợp.
CLB TP.HCM đã hơi vội khi mơ về giấc mộng phù hoa. Có lẽ, đội bóng của Chung Hae Seong nên thi đấu một vài mùa và bổ sung dần dần, thay vì vội vã đập đi xây lại. Đội bóng của Chủ tịch Hữu Thắng có đủ tiền bạc để xây dựng một đế chế mạnh. Nhưng tiền thôi thì chưa bao giờ là đủ.
Bình luận