UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này kiểm tra, xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin; không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp (DN) để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách.
"Bình cũ rượu mới"
Tiêu biểu cho các dự án "bình cũ rượu mới" này là dự án Công viên Văn hóa Giải trí Thể thao Nha Trang Sao (dự án Nha Trang Sao) nằm trên đường biển Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang).
Dự án do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư, khởi công đầu năm 2014 trên diện tích 103.000 m2 mặt đất và mặt nước biển, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Do lấn biển 2,3 ha trái phép, dự án bị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt 200 triệu đồng và buộc điều chỉnh thiết kế theo hướng đưa diện tích lấn biển trái phép thành công viên. Từ năm 2016 đến nay, dự án vẫn là bãi đất trống. Đến tháng 1/2018, dự án bị thu hồi thì chủ đầu tư mới 2 lần có đơn khiếu nại.
Công ty CP Nha Trang Sao trước đây do anh em Ngô Văn Dũng, Ngô Phi Hùng làm chủ. Sau khi dự án bị thu hồi, bà Hồng Kim Yến lại là người đứng ra khiếu nại với tư cách là tổng giám đốc công ty. Trong đơn, bà Hồng cho biết "… đến tháng 3/2017, dự án được triển khai bởi cổ đông mới theo thủ tục chuyển nhượng cổ phần…".
Một dự án khác tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang là Khu Du lịch Non Nước Nam Sông Lô, do DNTN Ban Mai làm chủ đầu tư, cũng đang bị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo kiểm tra để rà soát thu hồi. Dự án này sau hơn 10 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư có đến 7 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng hầu như không triển khai. Thậm chí, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng, nhân sự của ban lãnh đạo công ty cũng thay đổi…
Tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, dự án Khu Du lịch Trần Thái Cam Ranh (có tổng vốn đầu tư hơn 710 tỷ đồng trên diện tích hơn 27 ha) do Công ty CP Trần Thái Cam Ranh làm chủ đầu tư cũng đã chuyển chủ. Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012, sau 6 năm, dự án vẫn… đang thực hiện bởi chủ đầu tư mới là Công ty CP Vịnh Nha Trang.
Luật có kẽ hở
Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng việc chuyển nhượng tại dự án Nha Trang Sao là chuyển nhượng DN chứ không phải chuyển nhượng dự án đầu tư. Vấn đề ở chỗ tên công ty và tên dự án đều không thay đổi. Việc chấm dứt dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư và thu hồi dự án từ Công ty CP Nha Trang Sao.
"Dự án đã thu hồi thì Công ty CP Nha Trang Sao phải thanh lý tài sản đất và trên đất. Ở đây sẽ không có việc chờ giải quyết xong khiếu nại rồi xử lý. Theo quy định, sau 24 tháng, nếu chủ đầu tư không thanh lý thì nhà nước thu hồi mà không nhận được tiền sử dụng đất và tài sản trên đất" - ông Nam khẳng định.
Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng HĐND đã cử nhiều đoàn giám sát các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên du lịch ở Khánh Hòa.
Liên quan đến dự án Nha Trang Sao, ông Thân cho biết trong khi việc chuyển nhượng dự án qua nhiều thủ tục thì DN chỉ cần chọn thay đổi chủ DN. "Thủ tục chuyển nhượng dự án rất phức tạp, phải thông qua ý kiến của UBND tỉnh. Còn thay chủ DN là gọn nhất, chỉ cần 3 ngày là xong" - ông Thân nói và cho rằng đây là kẽ hở của luật.
Luật Đầu tư và Luật DN ban hành cùng thời điểm, theo ông Thân, việc này dẫn đến tình trạng các DN không chuyển nhượng theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai mà áp dụng Luật DN… "UBND tỉnh Khánh Hòa cần có ý kiến lên bộ, ngành, Chính phủ về kẽ hở này để có điều chỉnh" - ông Thân đề nghị.
Ngăn ngừa bán dự án
Để ngăn ngừa chuyển nhượng dự án không đúng quy định, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn ở các dự án có vốn ngoài ngân sách (do UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư) chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý về lĩnh vực đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư phải kiểm tra, lấy ý kiến sở - ngành và báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến.
Bình luận