• Zalo

Chuyện những người quá cố 'ngậm cười chín suối' khi được 'hồi sinh' nhờ tinh trùng lúc ra đi

Sức khỏeThứ Năm, 08/12/2016 13:37:00 +07:00Google News

BS CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bệnh viện cũng đã thực hiện nhiều ca lấy tinh hoàn và tinh trùng của người đã chết để lưu trữ lại và nuôi cấy, sau đó sử dụng để thụ thai cho vợ người quá cố đó.

Y học ngày càng hiện đại và phát triển, có nhiều căn bệnh và thành quả trước đây không ai ngờ đến là có thể làm được nhưng ngày nay đã thực hiện thành công.

Trong những thành quả phải kể đến việc lưu giữ lại tinh hoàn, tinh trùng của người đã mất sau đó thụ thai cho người vợ để duy trì nòi giống.

Xét về mặt kỹ thuật việc lưu trữ, thụ tinh từ tinh trùng người đã chết là điều không quá phức tạp. Với trường hợp người được lấy tinh trùng không còn tỉnh táo, không thể xuất tinh được để lấy mẫu tinh trùng đem lưu trữ như bình thường thì sẽ lấy mô tinh hoàn đem lưu trữ. Khi có nhu cầu, tinh trùng sẽ được chiết ra để chích vào trong trứng của người phụ nữ để thụ tinh.

20161206_095434(0)

 Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khắc Lợi đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh Tiến Phòng.

Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kể về những câu chuyện trong “nghề” mà ông từng gặp phải cũng như những ca xử lý thành công cho người quá cố lưu giữ lại tinh trùng.

Theo bác sĩ Lợi, nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bênh viện Việt Đức… bởi vì họ không có nơi lưu giữ và nuôi mô tinh trùng nên khi bệnh nhân tử vong mà gia đình có nguyện vọng giữ lại tinh hoàn, tinh trùng của người đã mất thì các bác sĩ bên đó thường gọi cho Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thực hiện những ca phẫu thuật như thế.

Nhiều hôm mặc dù thời gian nửa đêm, có hôm không phải ca trực của mình nhưng Bệnh viện vẫn có các bác sĩ lên đường ngay để làm công việc đó để lưu giữ những gì còn lại của người đã mất, nuôi hi vọng cho gia đình họ, bởi vì những ca này không thể chậm trễ được, nếu muộn phút nào hi vọng để thành công sẽ càng giảm đi.

“Đa phần những trường hợp như vậy là do tai nạn giao thông hoặc ung thư. Khi đến bệnh viện thì bệnh nhân đã mất, có thể người mất đó đã có vợ nhưng chưa có con hoặc là vợ chồng đó mới có 1 người con thì gia đình họ đề xuất giữ lại tinh hoàn và lấy tinh trùng của người đã mất để nuôi cấy và thụ tinh cho người vợ. Thời gian ngắn trở lại đây tại bệnh viện cũng đã thực hiện 2 ca như vậy”, bác sĩ Lợi chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Lợi chia sẻ, năm 2010, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp anh Hồ Sỹ Ng. (quê quán Nghệ An) mất do tai nạn giao thông đã được gia đình và người vợ mình đề xuất xin lưu giữ tinh trùng của để cấy cho người vợ của anh Ng. là chị Hoàng Thị Kim D., giảng viên trường Đại học BK Hà Nội. Sau đó, Bệnh viện đã nuôi cấy và lưu giữ lại tinh trùng của anh Ng. trong 3 năm.

Năm 2013, chị Hoàng Thị Kim D. đã cấy tinh trùng của anh Ng. và sinh hạ được 2 bé trai sinh đôi là Hồ Sỹ Hoàng Đ. và Hồ Sỹ Hoàng H. từ tinh trùng người chồng mất. Câu chuyện được coi là chuyện cổ tích giữa đời thường, khi đó rất được dư luận quan tâm và thán phục.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lợi, không phải trường hợp nào cũng may mắn để lấy lại được tinh trùng như trường hợp anh Ng., chị D. Bởi vì, về nguyên tắc, một người sau khi chết thì những cơ quan trọng điểm trong cơ thể cũng sẽ chết trong tích tắc. Một số phần khác như tinh trùng thời gian sống sót tuy lâu hơn nhưng điều đó không có nghĩa việc lấy tinh trùng sẽ thuận lợi.

bac-sy-ke-giay-phut-lay-tinh-trung-tu-nguoi-qua-co-1

 Năm 2013, chị Hoàng Thị D. đã may mắn sinh hạ 2 cậu con trai sinh đôi khỏe mạnh từ tinh trùng của người chồng đã khuất.

Theo tìm hiểu, ngoài trường hợp bị tai nạn giao thông còn có một số trường hợp người mắc các bệnh lý đặc biệt, bệnh nhân ung thư trước khi bước vào giai đoạn xạ trị, hóa trị... cũng tìm đến bệnh viện để thực hiện nhu cầu lưu trữ tinh trùng. Vì trong quá trình chữa bệnh, việc xạ trị, hóa trị một số cơ quan trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn, đến quá trình phát triển của tinh trùng.

Trong trường hợp này, bệnh nhân khi phát hiện bệnh, trước khi bước vào giai đoạn hóa xạ trị có thể tự đến bệnh viện lấy mẫu tinh trùng để dự trữ. Sau đó người vợ đều có thể đến để bơm tinh trùng hay thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo bác sĩ Lợi khuyên rằng, nếu muốn tinh trùng tốt nhất đề thuận lợi cho việc thụ thai thì gia đình người quá cố nên gọi sớm cho các bác sĩ để can thiệp tốt nhất trong 3 tiếng đồng hồ từ khi người mất, nhưng cá biệt cách đây vài ngay có trường hợp bệnh nhân đã mất 5 tiếng nhưng Bệnh viện vẫn lấy được tinh hoàn, tinh trùng vì người này có tinh trùng rất khỏe, nhưng đó là trường hợp hiếm gặp.

Người nhà khi gặp trường hợp bất khả kháng nên gọi điện ngay tới Bệnh viện để được các bác sĩ thực hiện công việc đó sớm nhất để lưu giữ lại hi vọng cho thế hệ sau của gia đình.

Tiến Phòng
Bình luận
vtcnews.vn