Chuyên gia cho rằng nên bỏ dần việc hạn chế khuyến mãi để tăng quyền lợi của người dân.
Đến thời điểm này, cả ba nhà mạng lớn tham gia chương trình chuyển mạng giữ số là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều đã thực hiện kiểm tra kỹ thuật với Trung tâm chuyển mạng quốc gia, theo đúng lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hứa hẹn cạnh tranh mạnh hơn
Việc chuyển mạng nhưng vẫn được giữ số cho phép các thuê bao di động có thể chuyển từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất này đến một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất khác và giữ nguyên số thuê bao.
Điều này sẽ giúp người tiêu dùng linh động hơn. Việc cả ba nhà mạng đều tuyên bố sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cũng đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt sắp tới - có thể thêm hoặc mất khách.
Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà mạng có thể phải tung ra những chương trình khuyến mãi mới, những gói cước hấp dẫn, những dịch vụ mới thật sự thu hút người dùng...
Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel, công nhận với báo chí: "Các nhà mạng đều phải nâng cao chất lượng mạng lưới, tạo ra vùng phủ rộng lớn và có chất lượng tốt, cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích mới tiện dụng, chăm sóc khách hàng tốt nhất để lôi kéo người dùng".
Thăm dò ý kiến: Bạn sẽ chuyển sang mạng nào?
Lãnh đạo một nhà mạng khác thừa nhận nguy cơ mất thị phần, đặc biệt thị phần khách hàng trung thành, là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ví dụ như việc khách hàng có thể chuyển sang các mạng khác... tại các khu vực nhà mạng đó ưu thế về chất lượng mạng lưới, chăm sóc khách hàng.
Đại diện VinaPhone cho biết song song với việc triển khai hệ thống kỹ thuật, nhà mạng này đang xây dựng các quy trình, quy định cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ chuyển mạng.
Chẳng hạn như các quy định cơ bản về tiếp nhận và thực hiện thủ tục chuyển mạng với mức phí hợp lý, kể cả điều chỉnh quy trình, hệ thống tính cước...
Nên bỏ trần khuyến mãi
Trước bước phát triển mới của thị trường, một nhà mạng cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông nên bỏ giới hạn về mặt thời gian (chẳng hạn hiện nay là 90 ngày khuyến mãi nạp thẻ mỗi năm...) để tạo điều kiện cho các nhà mạng triển khai các chương trình theo năng lực cạnh tranh của mình, và người dùng cũng được hưởng lợi nhiều hơn.
Đặc biệt, theo một chuyên gia lâu năm trong ngành viễn thông, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát việc thực hiện chuyển mạng giữ số của ba nhà mạng lớn.
Lý do là giả sử nếu có 1 hoặc 2 nhà mạng không muốn đổ tiền tốn kém cho cuộc chơi sòng phẳng này, họ hoàn toàn có thể tìm cách thỏa hiệp để "ổn định trên hết".
Theo vị chuyên gia trên, chuyển mạng giữ số sẽ khiến các nhà mạng chịu nhiều áp lực cạnh tranh, nhưng cũng đồng thời là động lực để họ tự nâng chất mình, là cơ hội để họ kiếm thêm khách hàng trong bối cảnh thị trường đã bão hòa.
Về phía người dùng, họ thực sự có quyền hơn (lựa chọn dịch vụ tốt hơn để sử dụng), chứ không bị "giam lỏng" như trước đây.
Video: Nhà mạng ''móc túi'' người dùng tinh vi thế nào?
Chuyên gia marketing Huỳnh Thanh Phi đánh giá các chương trình tiếp thị của các nhà mạng hiện nay đang khá đơn điệu, chủ yếu vẫn là các chương trình khuyến mãi như nhân đôi giá trị khi nạp tiền...
Các nhà mạng thường nâng mức khuyến mãi cao nhất theo mức quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, tất cả đều giống nhau, chỉ khác nhau về thời gian áp dụng.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của người dùng, được tặng tiền nhưng cách tính phí không minh bạch hoặc giá cước cao khiến họ không thấy được sự hấp dẫn hoặc giá trị thực từ các khuyến mãi này.
"Thời gian tới, họ sẽ phải thay đổi và sáng tạo nhiều hơn. Họ phải cho người dùng thấy rằng giá trị của các khuyến mãi này là thực, đồng thời nâng mức khuyến mãi lên hấp dẫn hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông nên loại bỏ quy định trần khuyến mãi, để các nhà cung cấp di động tự cân đối ngân sách, nguồn lực", ông Phi đề xuất.
Bình luận