(VTC News) - Trở thành góa phụ khi mới 24 tuổi, bố mẹ chồng già yếu, con thơ dại, gánh nặng gia đình đổ lên vai người phụ nữ trẻ. Ba năm chăm sóc bố chồng bại liệt, sau này tìm được hành phúc mới vẫn đưa mẹ chồng về phụng dưỡng chăm sóc, câu chuyện về một nàng dâu hiếu thảo đã khiến rất nhiều người cảm động và khâm phục.
Gánh nặng trên vai người vợ trẻ
Dưới tán cây mát dịu che đi những oi nồng của cái nắng tháng 5, hai người phụ nữ một tóc bạc phơ, một đang xuân sắc dìu nhau đi về phía khu tập thể gia đình cảnh sát giao thông huyện Ngũ Hoa, Quảng Đông. Thoạt nhìn sự thân thiện, săn sóc thương yêu của hai người phụ nữ dành cho nhau, người ta cứ ngỡ mẹ và con gái thật hạnh phúc.
Hai mẹ con đi chợ.
Người phụ nữ trẻ có vẻ đẹp mặn mà và thánh thiện ấy đang cùng mẹ chồng đi dạo, cứ đến cuối tuần, hai vợ chồng lại tranh thủ đưa bà cụ về quê thăm nom họ hàng hoặc chị đưa cụ ra công viên, hai mẹ con vừa đi vừa nói chuyện với ánh mắt đầm ấm, thân thương. Chỉ có điều, bà cụ ấy không phải người sinh ra chồng chị hiện nay, bà là mẹ người chồng cũ đã mất cách nay 14 năm của chị.
Ngày 14/3/1996, khi truy đuổi một chiếc xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn, một cảnh sát giao thông đã hi sinh. Đó chính là anh Trương Dụ Quyền, người chồng mà chị yêu thương. Sự ra đi quá đột ngột của chồng khiến Trương Thu Mị bỗng chốc trở thành góa phụ khi mới 24 tuổi.
Chị không tin vào những gì vừa xảy ra trước mắt, nhưng rồi thực tại nghiệt ngã vẫn kéo chị trở lại. Đôi vai gầy của người vợ trẻ run lên bần bật trước linh cữu người chồng.
Anh Quyền ra đi, để lại cho người vợ trẻ bố mẹ già và cậu con trai còn quá nhỏ. Gạt nước mắt lo hậu sự cho chồng xong xuôi, người vợ ấy lại tần tảo hôm sớm chăm lo cho bố mẹ chồng và nuôi dậy con nhỏ. Từ khi mất đứa con trai duy nhất đang độ tuổi thanh xuân, người cha cơm nuốt không trôi, đêm không chợp mắt, chỉ sau có mấy ngày mà mái đầu ông bạc trắng.
Năm sau, một cơn đột quỵ đã đánh gục ông lão, may mà chị phát hiện và đưa ông đi cấp cứu kịp thời, tính mạng giữ được nhưng từ đó đến lúc cuối đời ông chỉ nằm một chỗ, toàn thân bại liệt. Khó khăn lại thêm khó khăn, vất vả ngày càng vất vả, nhưng không ai nghe thấy người con dâu ca thán nửa lời. Chị vẫn ngày ngày tất tả, đi làm về là lao vào cơm nước, giặt giũ và chăm sóc cho bố mẹ chồng.
Vốn quen lao động nay phải nằm một chỗ, ngay cả việc ăn uống hay vệ sinh cá nhân cũng không tự làm được khiến nhiều lúc ông cụ cáu gắt, Mị vẫn dịu dàng chăm sóc, cơm nước, thuốc thang, tắm giặt cho ông cụ mà không hề khó chịu, phiền lòng.
Biết bố chồng nằm một chỗ rất khó chịu, chị tìm tới các bác sĩ, thầy thuốc học cách chăm sóc, mát xa cho bệnh nhân bại liệt với một niềm mong mỏi làm dịu những cơn đau của ông. Ông nằm đó mà rơi nước mắt, xót xa cho nghịch cảnh thì ít mà thương con dâu thì nhiều, đêm nằm nghĩ mà thắt từng khúc ruột.
Ba năm nằm liệt một chỗ, lưng, mông ông lão đã có chỗ hoại tử, chị đành xin nghỉ việc một thời gian ở nhà chăm sóc bố. Giúp ông cụ giở mình, xoa bóp chân tay, thuốc thang chăm sóc cho ông cụ chu đáo hơn cả con gái chăm cha mẹ đẻ. Ngày xưa Mị rất sợ tiêm, nhưng bây giờ chị tự mua thuốc về điều trị cho ông lão một cách thành thục.
Nhìn chị ân cần, nhẫn nại bao nhiêu thì ông lão xót xa, thương con dâu bấy nhiêu. Năm 1999, sức khỏe ông lão đã sa sút nhiều, trước lúc nhắm mắt, một tay ông nắm chặt tay bà lão, tay kia nắm chặt tay con dâu mà không sao nhắm mắt.
Hiểu được tâm sự của bố chồng lo cho người bạn đời đã cùng ông đi suốt 40 năm qua bao nhiêu gian khổ, cay đắng cuộc đời sẽ ra sao sau khi mình mất, chị ghé tai bố nói: “Ba, con sẽ chăm sóc má chu đáo và nuôi dạy cháu nên người, ba yên tâm nghe ba!”.
Chỉ nói được đến đó, mọi người trong phòng đều òa khóc nức nở, đó cũng là giây phút ông lão trút hơi thở cuối cùng, ông ra đi thanh thản vì biết chắc rằng bà lão ở lại sẽ được con chăm lo như những gì đã chăm lo cho ông suốt 3 năm qua.
Hạnh phúc mới vẫn hiếu lễ với mẹ chồng
Trương Thu Mị mát xa chân cho mẹ chồng.
Nghịch cảnh có thể kéo con người ta xuống bùn lầy, cũng có thể tôi luyện họ thành người sống bản lĩnh. Những vất vả, khó nhọc thường ngày mà một phụ nữ trẻ phải cáng đáng một mình sau khi chồng mất đã bị đức hiếu thảo, lòng vị tha của người con dâu ấy khuất phục. Hoàn cảnh khó khăn không khiến cho chị tiều tụy mà càng tô thêm vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm và thánh thiện cho người phụ nữ ấy.
Theo di nguyện của chồng, Mị xin vào ngành cảnh sát giao thông, vừa học vừa làm, vừa chăm lo cho bố mẹ già và con thơ dại. Tất cả những điều tốt đẹp của người phụ nữ ấy đã lọt vào mắt một chàng trai, anh thực sự bị cô chinh phục bởi cái đẹp của tâm hồn, lòng hiếu thảo và đức hi sinh.
Tình yêu mà Hùng, tên người con trai ấy, dành cho Mị xuất phát từ sự cảm phục một người phụ nữ đã chiến thắng nghịch cảnh, một người phụ nữ có trái tim nhân hậu, vị tha. Nhưng chính anh cũng phải trải qua những khó khăn không nhỏ để có thể đến gần hơn người phụ nữ ấy. Cuối cùng, cô cũng chấp nhận tình cảm chân thành của người con trai ấy dành cho mình.
Ba năm nhìn con dâu tận tụy chăm sóc bố chồng bại liệt, nuôi dạy con thơ và quán xuyến mọi việc trong nhà, bà Hoàng xúc động và cứ nghĩ rằng Mị là con gái bà. “Con ạ, Quyền nó xấu số thiệt phận đã đành một nhẽ, con cũng đã vất vả chăm sóc bố mẹ suốt mấy năm nay. Con còn trẻ, tương lai còn dài. Nếu có ai thực sự thương yêu, tử tế thì con cũng nên nghĩ cho mình, đừng lo cho mẹ!” Nói những lời đó với con, bà Hoàng cũng như đứt từng khúc ruột. Chỉ trong ba năm, bà mất đi đứa con trai duy nhất, rồi ông cũng bỏ bà ra đi.
Sức khỏe bà Hoàng ngày một yếu đi do ngày trước quá lam lũ, vất vả, lại thêm chứng phong thấp hành hạ nên chẳng mấy đêm được tròn giấc. Mị yêu Hùng, nhưng thương mẹ chồng, thương con nhỏ. Hùng cũng hiểu điều đó, anh bàn với Mị sẽ đón cụ về phụng dưỡng coi như mẹ đẻ của mình. Chính bố mẹ Hùng cũng rất khâm phục người con dâu hiếu thảo nhất vùng ấy, ông bà hoàn toàn ủng hộ.
Nói như vậy, nhưng đặt mình vào cương vị của mẹ chồng, Mị thấy không ổn. Đón bà về ở cùng, rồi bà cụ sẽ phải suy nghĩ mà thêm ốm, hai người bàn nhau và quyết định, Hùng đến ở rể ngay trong chính ngôi nhà của ông bà.
Sau khi cưới, việc nhỏ việc lớn trong nhà hai vợ chồng đều bàn bạc với nhau, công việc thường ngày có khi còn tranh nhau làm. Họ quấn quýt bên nhau cùng chăm lo cho mẹ già, con nhỏ. Thi thoảng được nghỉ, Hùng lại đưa cả nhà về quê để bà Hoàng được thăm nom thân quyến. Họ hàng, làng xóm ai cũng khen ông bà tốt phúc.
Tìm được hạnh phúc mới vẫn chăm sóc mẹ chồng cũ như mẹ đẻ.
Xuân hạ thu đông, mùa nào thức nấy, hai vợ chồng mua quần áo phù hợp cho bà Hoàng. Dịp lễ tết hay sinh nhật bà, họ đều mua quà tặng bà lão để bà vui vẻ sống nốt quãng đời còn lại. Người già răng yếu, bữa ăn chẳng được bao nhiêu, Mị ân cần nấu nhừ một chút để mẹ dễ ăn, bữa cơm gia đình họ vẫn tràn ngập tiếng cười của người già, con trẻ.
Năm ngoái, bà Hoàng phải nằm viện 7 ngày, Hùng và Mị thay nhau chăm sóc còn hơn cả con đẻ. Những người cùng phòng bệnh với bà phải thốt lên, bà thật hạnh phúc. “Con trai bác đấy à, chăm mẹ khéo thế!”, bà chỉ cười, cái cười mãn nguyện.
Hàng ngày hai vợ chồng thay nhau thuốc thang, cơm nước, chải đầu, rửa mặt, rửa chân, đổ bô cho mẹ. Chưa ai thấy họ tỏ ra mệt mỏi hay khó chịu, ngược lại lúc nào hai người cũng vui vẻ và động viên bà yên tâm dưỡng bệnh.
Xuất viện rồi, hai vợ chồng cứ hễ nghe đâu có thầy hay thuốc tốt trị khỏi bệnh cho bà là họ tìm đến. Có lẽ gặp thầy gặp thuốc một phần, nhưng sự hạnh phúc, mãn nguyện khi được sống trong tình cảm thương yêu, đùm bọc của hai con đã giúp bà mau bình phục. Hàng ngày, người ta lại thấy bóng hai người phụ nữ một già, một trẻ dưới hàng cây râm mát trong cái nắng gay gắt mùa hè.
Hồng Vũ(Theo Quảng Châu nhật báo)
Bình luận