• Zalo

Chuyện lạ về hòn đá tự xoay ở cửa biển Quan Lạn

Thời sựThứ Ba, 20/02/2018 07:00:00 +07:00Google News

Khi thủy triều lên, những con sóng vỗ vào hốc đá, hòn đá to bằng quả bóng bỗng nhiên xoay ngược kim đồng hồ như thể được ‘lập trình’ từ trước, tạo ra một thứ âm thanh kỳ lạ.

Video: Tận thấy hòn đá Mắt Rồng tự xoay ở Quan Lạn (Vân Đồn)

Từ bến tàu xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), vượt hơn 6km trên con đường ven biển xã đảo Quan Lạn đến cuối thôn Yến Hải, PV VTC News có mặt tại khu Bể Giếng để tìm hiểu thực hư những chuyện kỳ lạ lâu nay người dân đồn đoán về hòn đá tự xoay.

Trộm đá tự xoay, người nhà lâm bệnh

Ông Nguyễn Văn Thời (SN 1967, thôn Yến Hải, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, cuối năm 2006, vợ chồng ông Thời ra khu Bể Giếng, nơi có bãi cát trắng mịn và cũng là nơi tàu thuyền ngư dân neo đậu, mở quán bán hàng cho người dân đi biển.

Dần dần, ông Thời xây căn nhà cấp 4 rồi chuyển cả nhà ra sinh sống.

IMG_1127 copy

Bãi đá Đầu Ông Phỗng, nơi có hòn đá Mắt Rồng tự xoay. 

Trong một lần đi bắt ốc ở khu bãi đá đầu ông Phỗng, ông Thời phát hiện một hòn đá tròn, màu trắng đục, pha màu nâu, tím, óng ánh, to bằng quả bóng nằm trong hốc đá ngay phía dưới tảng đá lớn đầu ông Phỗng, cách nhà ông Thời khoảng trên 150m.

Lấy làm lạ, chờ khi triều cường, sóng đánh vào hốc đá, ông Thời ra xem thì thấy hòn đá tự quay liên tục trong hốc đá như thể hòn đá được quay đều đặn bằng điện.

Năm 2008, bà Phạm Hồng Sinh (46 tuổi, người cùng xã) ra đây mở xưởng chế biến sứa cạnh bãi đá ông Phỗng, ông Thời được bà Hồng thuê làm bảo vệ trông coi xưởng.

Ông Thời kể lại cho bà Sinh cũng như những làm ở xưởng biết về chuyện hòn đá tự xoay, rồi nhanh chóng truyền tai nhau khắp xã đảo.

IMG_0950 copy

 Hòn đá tự xoay nằm trong hốc đá, khi triều cường đúng con nước lớn, hòn đá tự xoay ngược kim đồng hồ.

Kể từ đó, tiếng lành đồn xa, người dân địa phương lấy làm lạ nên kéo nhau đến xem ngày một đông, kể cả khách du lịch trong và ngoài nước khi ra tham quan, nghỉ dưỡng ở Quan Lạn, Minh Châu và đặt tên cho hòn đá là đá Mắt Rồng hoặc viên Ngọc Rồng.

Đặc biệt, vào mùa hè, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt khách ghé thăm, ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm tại bãi đá khu Bể Giếng, nơi có hòn đá kỳ lạ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, bỗng nhiên người dân phát hiện hốc đá bị đập phá, hòn đá Mắt Rồng biến mất.

Một thời gian sau, người dân lại phát hiện viên đá Mắt Rồng đã trở về nhưng bị vỡ làm đôi. Sau đó, trong nhân dân địa phương truyền tai nhau và phát hiện ra, có người đã lấy trộm hòn đá.

Tuy nhiên, kể từ khi hòn đá biến mất, gia đình của kẻ nghi lấy trộm hòn đá này liên tục xảy ra ốm đau, bệnh tật. Mặc dù đi bệnh viện nhưng các bác sỹ thăm khám không phát hiện ra bệnh gì.

Chỉ đến khi đi xem bói, một ông thầy phán rằng gia chủ lấy của ông nào đó một vật gì lạ thì nên trả lại mới mong khỏi bệnh. Quả nhiên, từ ngày hòn đá Mắt Rồng trở về chỗ cũ, gia đình này mới dần dần khỏi bệnh.

IMG_1108 copy 3

Có kẻ lấy trộm đá Mắt Rồng đem bán, rồi sau đó gặp nhiều chuyện chẳng lành. 

Lật đá trộm bị đá dè gãy chân

Ông Lưu Thành viên – Phó Bí thư Đảng ủy xã Quan Lạn (nguyên Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) cho biết, từ xưa, người dân xã đảo Quan Lạn đã truyền tai nhau về hòn đá Mắt Rồng, tuy nhiên không ai biết nó có từ bao giờ.

Đầu năm 2013, một số công nhân làm ở xưởng chế biến sứa gần đó dùng xà beng phá hốc đá nhằm lấy hòn đá Mắt Rồng bên trong. Tuy nhiên, đá không lấy được nhưng lại bị chính những hòn đá bị phá đè gãy chân.

Những đêm biển động, gió lớn, hốc đá phát ra tiếng gió hú nghe rợn người. Từ đó, người nọ truyền tai người kia nên không ai dám đụng đến hòn đá Mắt Rồng nữa.

Năm 2014, khi cơn bão Hải Yến ảnh hưởng trực tiếp khu vực Quảng Ninh, sóng biển dâng cao đập mạnh vào hốc đá, khiến hòn đá Mắt Rồng vỡ làm đôi. Biết chuyện, ông Viên dùng keo chuyên dụng gắn lại rồi để vào chỗ cũ. Tuy nhiên, một vài lần sau đó hòn đá lại tiếp tục bị vỡ.

IMG_1131 copy 4

 Người dân lập bát hương cúng lễ vào những ngày mùng 1, ngày rằm hàng tháng.

Vào những ngày giáp Tết âm lịch cuối năm 2014, bà Sinh – chủ xưởng chế biến sứa phát hiện hòn đá bị kẻ gian lấy mất nên báo cho ông Viên. Sau khi nghi vấn một đối tượng nghiện ma túy trên đảo xuất hiện nhiều lần ở khu vực hòn đá vào những buổi tối trước đó, ông Viên tìm đến nhà truy hỏi.

Đối tượng này không thừa nhận mình lấy nhưng nói có người lấy và hứa sẽ tìm lại mang về. Sau khi tìm hiểu, ông Viên mới biết, do một số người tưởng đó là đá quý, bên trong có báu vật gì nên đã mang lên Hà Nội định bán kiếm tiền.

Tuy nhiên, do xác định đá Mắt Rồng chỉ là hòn đá bình thường, không phải như những lời đồn thổi truyền tai nhau nên họ mới chịu mang về trả lại chỗ cũ, nhưng bị vỡ thành 2 mảnh. Sau đó, ông Viên tìm mua keo gắn đá loại tốt nhất về gắn lại, rồi thả hòn đá Mắt Rồng vào hốc đá cũ.

Để tránh bị kẻ gian đánh cắp, ông Viên cùng với ông Phạm Quốc Duyệt (nguyên cán bộ Văn hóa xã Quan Lạn) dùng cách lập một bát hương phía trên hòn đá, trước tảng đá Đầu Ông Phỗng.

Rồi cứ vào ngày mùng 1, ngày rằm, bà chủ xưởng chế biến sứa lại ra thắp hương, đặt lễ nên từ đó không ai dám đến lấy đá Mắt Rồng nữa.

IMG_1118 copy 6

 Khi thủy triều lên cao, sóng to, nước ngập 2/3 thì hòn đá sẽ tự xoay ngược kim đồng hồ.

Theo ông Viên, mỗi tháng chỉ có 2 con nước thủy triều lên cao, ngập đến 2/3 hòn đá Mắt Rồng, tạo nên một lực tác động làm hòn đá xoay ngược kim đồng hồ trong hốc đá. Mỗi tháng hòn đá chỉ xoay được vài phút trong 2 lần tự xoay tròn. Vì thế, hòn đá không bị bào mòn nhanh theo thời gian.

Trong những năm qua, khi mùa hè đến, khá đông khách du lịch, kể cả lãnh đạo huyện Vân Đồn cũng đã từng đến tham quan, chiêm ngưỡng hòn đá đặc biệt này.

Xác định đây là một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn và là một vật quý thiên nhiên ban tặng cho người dân xã đảo, nên ngay từ năm 2014 khi ông Viên đang làm chủ tịch xã Quan Lạn, đã chỉ đạo ông trưởng thôn và nhân dân trong làng thường xuyên kiểm tra, giám sát và bảo vệ chặt chẽ, tránh để kẻ gian đánh cắp mất hòn đá Mặt Rồng này.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn