• Zalo

Chuyện lạ ở 'cây thị ăn thề' 700 năm rỗng gốc

Thời sựThứ Sáu, 12/02/2016 06:21:00 +07:00Google News

Cây thị ăn thề" 700 năm tuổi ở xã Sơn Phúc (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cao gần 50m, dưới gốc có chỗ được khoét rỗng ruột, người có thể ẩn nấp bên trong.

Cây thị ăn thề" 700 năm tuổi ở xã Sơn Phúc (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cao gần 50m, dưới gốc có chỗ được khoét rỗng ruột, người có thể ẩn nấp bên trong.

Cây thị cổ trong khu vườn của một gia đình ở xóm Kim Sơn 2, xã Sơn Phúc (Hương Sơn, Hà Tĩnh) được xác định đã hơn 700 năm tuổi.
Cây thị cổ thụ rỗng gốc kỳ lạ ở Hà Tĩnh.
Cây thị cổ thụ rỗng gốc kỳ lạ ở Hà Tĩnh.
Theo ông Lê Bá Hạnh, Phó GĐ bảo tàng Hà Tĩnh, cây thị cổ này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết về một thời khai sinh lập quốc của vua Lê Lợi. Vào năm 1424, trong quá trình đánh giặc Minh, Lê Lợi phải chuyển nghĩa quân vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để chờ thời cơ.

Trong một lần bị giặc truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi huyện Hương Sơn và ẩn nấp vào trong hốc của gốc thị này. Đàn chó săn của quân Minh liên tục sủa vang xung quanh gốc thị, quân địch dùng gươm giáo đâm vào cây khiến ông bị thương phải nén đau xé áo băng bó.

Ngay lúc đó, một con cáo trắng từ bên trong hốc cây chạy ra đánh lạc hướng đàn chó và binh lính giặc, nhờ vậy mà Lê Lợi thoát nạn và sau đó xây dựng cơ đồ.

Năm 1425, nghe danh ông Nguyễn Tuấn Thiện thủ lĩnh đội quân Cốc Sơn lãnh đạo nhân dân trong vùng đứng lên chống giặc Minh, Lê Lợi tìm đến kết nghĩa anh em. Cả hai người cùng giết ngựa trắng uống máu, cắt tóc ăn thề ngay dưới gốc cây thị cổ thụ này.

Kể từ đó, người dân trong vùng lập đền thờ, đặt tên là “cây thị ăn thề” hay “gốc thị sử tích”. Bốn câu thơ vẫn được người dân lưu truyền để ghi nhớ giai thoại này: "Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ".
Miếu thờ dưới gốc cây thị cổ thụ.
Miếu thờ dưới gốc cây thị cổ thụ.
Các bậc cao niên trong làng còn cho hay, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cây thị còn là địa điểm tụ họp, che dấu của bộ đội, du kích địa phương. Dân trong làng xem cây thị như là "bảo vật vô giá", niềm tự hào của tất cả mọi người.

Trải qua hàng trăm năm, cây thị vẫn phát triển xanh tốt, sừng sững hùng vĩ giữa đất trời, cành lá sum suê vươn cao che bóng mát quanh năm. Lúc vào mùa, cây luôn sai quả, chín vàng mọng lan tỏa mùi thơm ngào ngạt ra khắp xóm làng.

Đã có rất nhiều đoàn người ở các địa phương khác từ Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An... về đây chụp hình lưu niệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "cây thị ăn thề". Theo ông Hạnh, đền thờ "Gốc thị sử tích" đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đơn vị đang cùng với các ban ngành huyện Hương Sơn làm hồ sơ đề nghị công nhận cây thị cổ là cây di sản.

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn