(VTC News) - Một ngôi nhà mang nhiều số, một con đường có nhiều tên là chuyện lạ có thật tại TP.HCM.
Sau gần 30 phút hỏi han và mò mẫm, người nhân viên giao hàng mới tìm được đúng địa chỉ. Còn những người lái taxi mỗi khi nghe thông báo có khách trong khu vực này thì đều lắc đầu ngần ngại...
Tất cả bởi sự khó của tên đường, số nhà ở một số khu vực, mà điển hình là quận Gò Vấp, TP.HCM.
Số mới chồng số cũ, số cũ thay số cũ hơn
Có lẽ tình trạng một ngôi nhà có đến 3 biển số nhà không có mấy xa lạ với những người dân quận Gò Vấp. Ví như chỉ một ngôi nhà mà cõng trên mình 3 con số: 134 đường số 10 – số cũ 38B; và ngay dưới đó thêm một tấm biển: 38B đường số 10, P.9 và lại được bổ sung thêm một dòng: số cũ 30 đường Cây Trâm.
Điều đáng nói là trong quá trình thay đổi số nhà sẽ có ghi chú nhỏ hơn số nhà cũ để thuận lợi cho việc tìm kiếm. Sau một thời gian thông tin số cũ sẽ được bỏ đi để người dân thống nhất chỉ sử dụng địa chỉ số nhà mới. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, số cũ vẫn chưa được gỡ bỏ thì ngôi nhà đã có thêm một địa chỉ mới.
Và người dân ở đây thì ngầm tự phân chia việc sử dụng các con số như sau: số cũ dùng cho giấy tờ, bởi do hầu hết các giấy tờ quan trọng đều theo địa chỉ cũ; còn số mới dùng để quan hệ và giao dịch.
Lẽ nào, địa chỉ nhà cũng phân chia thành số chính, số phụ?
Tình trạng nhiều căn nhà số chồng số tại quận Gò Vấp
Ngay chính với những người dân sinh ra và lớn lên tại khu vực này việc tìm được một địa chỉ nhà ai đó hoàn toàn phải dựa vào: nhà đó là quán gì, bán gì.
Không chỉ nỗi khổ, nhà nhiều số mà dọc theo đường Quang Trung, sự "nhảy cóc" giữa các số nhà cũng là chuyện thường thấy. Ngay bên cạnh nhà số 159 Quang Trung là nhà 245 Quang Trung, với sự lộn xộn như thế này thì việc tìm kiếm được một địa chỉ chính xác rõ ràng là một thử thách.
Một đường nhiều tên
Từ nhiều năm việc thay đổi tên đường cho phù hợp hoặc đặt mới các tên đường đã được UBND Thành phố thực hiện. Sự điều chỉnh này không chỉ là để hỗ trợ cho công tác quản lý mà còn góp phần thuận tiện hơn cho cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, thực tế lại đang tồn tại nhiều vấn đề bức xúc khó xử xung quanh câu chuyện tên đường này. Ví dụ như một con đường nhưng lại được biết đến với 5 tên: Cây Trâm – Lê Văn Thọ - Đường số 10 – Phạm Văn Chiêu và cuối cùng là Quang Trung.
Vì cùng một lúc tồn tại nhiều tên đường, người dân thì cứ nhớ và quen với tên nào dùng tên đó. Thậm chí ngay trên biển hiệu của các cửa hàng tại đây cũng xảy ra tình trạng. Một cửa hàng mang địa chỉ: 104/1H Lê Văn Thọ, p.11, Q.Gò Vấp nhưng cách đó không xa một cửa hàng khác lại mang địa chỉ: 204 Đường số 10
Không chỉ vậy, câu chuyện về những cái tên "dân đặt" dần dần trở thành cái tên "phổ biến" của con đường, rồi sau đó được thay thế bằng một cái tên "chính thống" do nhà nước đặt lại.
Tuy nhiên, việc xóa bỏ hoàn toàn các biển báo, địa chỉ liên quan tên đường cũ dường như vẫn chưa được tiến hành đồng bộ. Do vậy, dẫn đến tình trạng: một nhà mang địa chỉ 44 Đường Điện cao thế nhưng nhà gần đó lại có địa chỉ 123 đường Nguyễn Thế Truyện.
Tình trạng loạn số loạn đường như thế này không chỉ gây khó khăn trong cuộc sống của người dân mà đôi khi cũng là một phần nguyên nhân gây ra những bất cập trong quản lí hành chính tại địa phương, khi chính quyền dùng số nhà và tên đường mới, còn người dân thì vẫn theo thói quen dùng số và tên cũ.
Khán giả sẽ được nghe nhiều hơn những chia sẻ của chính những người dân trong khu vực về nỗi khổ đi tìm nhà và tìm đường trong chương trình Camera Cận cảnh phát sóng 20h30 chủ nhật ngày 2/6 trên kênh HTV9.
H.A
Bình luận