Trong cuốn Vua Khải Định hình ảnh & sự kiện (1916 - 1925), từ việc tham khảo các tư liệu khả tín, đặc biệt là từ lời kể của người cha Võ Văn Lang, Nhất đẳng Thị vệ cuối cùng của triều Nguyễn, tác giả Võ Hương An (tên thật là Võ Văn Dật) đã kể lại chuyện đời của vua Khải Định qua những bài viết và hình ảnh có liên quan.
Danh tính 12 bà vợ của vua Khải Định
Tác giả cũng mô tả chi tiết các sự kiện diễn ra trong thời gian vua Khải Định ở ngôi như: chuyến “Ngự giá Bắc tuần” năm 1918; lễ tấn phong Đông cung Thái tử cho hoàng tử Vĩnh Thụy năm 1922; chuyến “Ngự giá như Tây" sang Pháp năm 1922; lễ “Tứ tuần đại khánh” năm 1924…
Bên cạnh đó, tác giả còn tiết lộ nhiều bí mật chốn cung đình cũng như chuyện đời tư của vua Khải Định. Từ chuyện những ngày vua còn ở tiềm để (trước khi làm vua), đến chuyện đường đến ngai vàng của vua, chuyện vua bị nghi là “người bất lực vô hậu”, hay chuyện đường vợ con của vua…
Nói về các bà vợ của vua Khải Định, tác giả cho biết có một thông tin rất đáng lưu ý, mà vua Bảo Đại viết trong cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam, đó là: Ngày 15/5/1922, cả 12 bà vợ của vua Khải Định, theo thứ tự cấp bậc lớn nhỏ sắp hàng quỳ tiễn đưa vua lên đường sang Pháp, mang theo thái tử Vĩnh Thụy đi du học.
Vậy 12 bà vợ trên gồm những ai? Theo tác giả chắc chắn sẽ không có bà Trương Thị Như Tịnh con gái của Thượng thư Trương Như Cương - người vợ đầu tiên, chính thức được cưới hỏi khi vua Khải Định (ông Phụng hóa) còn ở tiềm để. Bà đã giã từ ông Phụng Hóa và đi tu trước ngày ông lên ngai vàng. Điều chắc chắn là hôm đó có mặt bà Nhị giai hữu phi, thân mẫu vua Bảo Đại và bà Ân phi Hồ Thị Chỉ. Ngoài 2 bà này ra còn có 10 bà nữa.
Trong tang lễ vua Khải Định vào cuối năm 1925 đầu năm 1926, khi nói về việc việc để tang, Bộ Lễ có trình rằng 2 bà Phi và 3 bà Tân (Tần) sẽ chịu đại tang 15 tháng. Số còn lại từ cấp lục giai Tiếp dư (Tiệp dư) cho đến cửu giai Tài nhân đều chịu tang 13 tháng.
Theo Võ Hương An, 3 bà Tân đó là tam giai Diệu tân (con của quan Tham tán Nội các Phạm Hòe), Tứ giai Du tân (con của quan Thượng thư bộ Công Võ Liêm), và bà ngũ giai Điềm tân (cháu nội của quan Thượng thư hưu trí Nguyễn Đình Hòe).
Về các bà tiếp, còn có bà Tiếp du. Tác giả Trần Gia Phụng có kể thêm 3 bà khác nữa là bà Tân Diệm, bà Tiếp Táo và bà Tiếp Quý Trang.
Như vậy, trong 12 bà kể trên thì đã có 9 bà rõ danh tính, còn 3 bà còn lại thì cho đến nay vẫn chưa ai biết đó là ai. Điều này cũng dễ hiểu vì trong hậu cung nhà Nguyễn, chỉ bậc Lục giai tiếp dư (triều Nguyễn đặt ra 9 bậc cửu giai) trở lên được gọi bằng “bà”. 3 bậc còn lại là thất giai Quý nhân, bát giai Mỹ nhân, cửu giai Tài nhân chỉ được gọi bằng “chị mà thôi. Và mới ở cấp “chị” nên chẳng ai nhớ làm gì.
Con phú quý, mẹ vinh hiển
Trong 12 bà vợ của vua Khải Định kể trên, chỉ có 2 bà: số 1 (Hồ Thị Chỉ) và số 2 (Hoàng Thị Cúc) là có nhiều chuyện để nói.
Bà Hồ Thị Chỉ là ái nữ của quan Học bộ Thượng thư Hồ Đắc Trung được vua Khải Định cưới vào ngày 3/12/1917 (tức ngày 19 tháng 10 năm Khải Định thứ 2). Chỉ 5 ngày sau ngày cưới (8/12/1917), vua đã sách phong cho bà làm Nhất giai Ân phi.
Theo Võ Hương An, đám cưới vua Khải Định và bà Hồ Thị Chỉ là một cuộc hôn nhân gượng ép, nặng về nghi lễ và hình thức chứ không bắt nguồn từ tình yêu. Người ta nói Hồ tiểu thư trong tâm tư đã có một thần tượng khác vì nợ nước mà phải đi đầy đó là vua Duy Tân.
Thời điểm vua Khải Định lấy bà Hồ Thị Chỉ, hoàng tử Vĩnh Thụy con của vua với bà Hoàng Thị Cúc (vốn xuất thân bình dân, học hành không bao nhiêu, cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối và không theo nghi lễ chính thức) lên 4 tuổi.
Bà Ân phi không có con. Sau khi vua Khải Định băng hà, vị thế của bà ngày càng mờ nhạt trước bà Hoàng Thị Cúc. Càng về sau bà càng có triệu chứng tâm thần. Sau năm 1945, người ta thấy bà đi lang thang nơi này nơi khác ở Huế. Không rõ bà mất năm nào, ở đâu.
Bà Hoàng Thị Cúc, người quê Mỹ Lợi, huyện Phúc Lộc, con của ông Hoàng Văn Tích. Bà có mặt ở phủ ông Phụng Hóa từ lúc tiềm để.
Chỉ vì xuất thân hàn vi nên bà phải chịu cảnh lép vế, dù là kẻ đến trước và lại có con trai. Trong khi bà Hồ Thị Chỉ được phong là Nhất giai Ân phi ngay sau ngày cưới thì bà chỉ được lên chức từng bước.
Năm 1917 bà được phong là tam giai Huệ tân. Năm 1918 lên Nhị giai Hữu phi. Năm 1923 được phong là nhất giai Huệ phi. Trước khi thăng hà, vua Khải Định nói “Tử quý, mẫu vinh” (Con phú quý mẹ vinh hiển). Năm 1933, sau khi từ Pháp về cầm quyền, vua Bảo Đại tấn tôn bà làm Đoan huy hoàng thái hậu (cung đình thường gọi là Đức Từ Cung).
Tuy xuất thân không không thuộc dòng dõi quyền quý, nhưng bà Từ Cung thông minh, hội nhập nhanh nếp sống cung đình và nhanh chóng khẳng định mình là bậc mẫu nghi thiên hạ.
Bình luận