Khu di tích A Sào - vang vọng lời thề bên sông Hóa.
A Sào - khu di tích thuộc xã An Thái (Quỳnh Phụ, Thái Bình) là vùng đất đặc biệt. Nằm ven sông Hoá, tiếp giáp với Hải Phòng, Hải Dương; hội tụ khí thiêng sông biển, địa thế hiểm yếu, nơi đây từng là thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mà người Việt vẫn quen gọi Đức Thánh Trần - danh xưng ngắn gọn, nhưng hết sức tôn kính.
Nơi đây còn được xác định là kho quân lương phục vụ 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1285, 1288) của quân dân nhà Trần, trực tiếp liên quan đến Trần Hưng Đạo. Câu ca dao: “Dẫu rằng ông nảo ông nào/ Qua đền A Sào cũng phải xuống ngựa” cho thấy sự tôn nghiêm, linh thiêng của ngôi đền cũng như vùng đất này.
Tương truyền, vào năm 18 tuổi, Trần Quốc Tuấn được phong tước Thượng vị hầu và được Triều đình giao về trấn thủ đất A Sào.
Theo các cụ cao niên ở đây, A Sào có nghĩa là “cái ổ, cái tổ” của nhà Trần. Trong đó “A” là Đông A - theo lối chiết tự có nghĩa là “họ Trần”, trong khi “Sào” là cái ổ, tổ. Khi nhà Trần giành chiến thắng liên tiếp trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khí thế chiến đấu của quân dân nhà Trần ngày càng hừng hực khí thế và được gọi là hào khí Đông A.
Nhà báo Lã Quý Hưng, người có nhiều nghiên cứu về nhà Trần ở Thái Bình cho rằng, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng lực lượng quân sự cùng hệ thống kho tàng tích trữ binh lương. Nhân dân khắp vùng ùn ùn mang thóc gạo mong được góp công, góp của cùng Triều đình đánh giặc.
Các kho ở Mễ Thương, kho nào, kho nấy đầy ắp, phải làm thêm nhiều kho khác. “Thực túc binh cường”, hệ thống kho lương thảo, vũ khí ở A Sào đã trở thành hậu cứ vững chắc cùng với Long Hưng (Hưng Hà) tạo nên tiềm lực hậu cần to lớn cho đại binh nhà Trần đủ sức kháng chiến đánh tan giặc Nguyên - Mông.
Sau hơn 700 năm, nơi này vẫn còn khắc ghi các dấu tích kho lương gắn liền với các làng xã xung quanh (thuộc huyện Quỳnh Phụ), như làng Mễ Thương (kho gạo), A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần), Đại Nẫm (kho thóc lớn), làng Am Qua (kho gươm), Gò Đóng Yên (nơi đóng yên ngựa)…
A Sào còn có Bến Tượng gắn với chuyện con voi bị sa lầy khi đưa Trần Hưng Đạo dẫn đại quân qua sông Hoá đến Lục Đầu Giang quyết chiến với quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống giặc lần thứ 3 năm 1288.
Khi voi chiến bị sa lầy, nhân dân đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt tháo cả nhà gỗ lim cùng bè mảng tìm cách cứu voi, nhưng không kéo lên được. Trong khi đó, thế trận quá khẩn trương, nên chủ tướng Trần Quốc Tuấn đành nuốt nước mắt lên thuyền vượt sông đánh giặc.
Voi chiến ứa nước mắt nhìn chủ tướng, kêu rống lên một hồi dài rồi từ từ chìm vào lòng phù sa. Tiếc thương Voi chiến đạo nghĩa, Hưng Đạo Đại Vương đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông, hét lên thề rằng: “Lần này đi đánh giặc Nguyên, nếu không thắng không quay gót về miền này chi”.
Hưng Đạo Đại Vương cùng quân dân nhà Trần đã thực hiện được lời thề sinh tử đó, đánh bại giặc Nguyên - Mông hung hãn, bảo vệ giang sơn gấm vóc Đại Việt. Hưng Đạo Đại Vương đã cho đắp mộ Voi nơi bến sông và nhân dân đã lập miếu thờ. Từ đó, bến sông có tên là Bến Voi, Bến Tượng. Rồi nhân dân A Sào đã tạc tượng Voi bằng đá thờ tại bến sông.
Bến Tượng nơi thờ voi chiến của Trần Hưng Đạo.
Một trong những câu hỏi liên quan đến Triều Trần nói chung và Trần Hưng Đạo nói riêng cho đến nay các sử gia vẫn đang tìm kiếm câu trả lời là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh ở đâu.
Thiên tài quân sự, nhà văn hoá kiệt xuất Trần Quốc Tuấn cùng với quan quân nhà Trần đã chặn đứng và đả bại đoàn quân kỵ binh Mông Cổ hung hãn, giữ vững bờ cõi của cha ông và đóng góp cho dân tộc một tấm gương sáng chói về bậc làm tôi tận Trung, làm con tận Hiếu.
Các sử gia cho rằng, Trần Hưng Đạo sinh vào khoảng từ 1226 đến 1231. Quê hương của ông cũng là quê hương nhà Trần, mở đầu là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông, em trai Trần Liễu - thân phụ Trần Hưng Đạo.
Theo sách Đông A liệt thánh tiểu lục, thánh phụ Trần Liễu - thân phụ Trần Hưng Đạo - là con cả của Thượng hoàng Trần Thừa, cháu đích tôn của Trần Lý, chắt của Trần Hấp, chút của Trần Kinh. Về sau họ Trần này theo dọc triền sông xuôi dòng sông Nhị làm nghề chài lưới. Đến đời Trần Kinh đánh cá trên vùng sông Tức Mặc (Nam Định).
Trần Hấp chuyển cư đánh cá đến vùng sông ở Ngự Thiên (Thái Bình), sau chuyển nghề làm ruộng. Đến đời Trần Lý thì hiển đạt ở Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình). Từ nguồn tư liệu chính sử, trong vòng trên dưới một thế kỷ với 4 đời trước của Trần Quốc Tuấn, từ kỵ nội là Trần Hấp, cụ nội Trần Lý, ông nội Trần Thừa cho đến bố là Trần Liễu đều đã sinh sống và lập nghiệp ở Lưu Xá, phủ Long Hưng, nay thuộc Hưng Hà (Thái Bình).
Nhưng những nơi trên mới chỉ là nguyên quán, còn Hưng Đạo Đại Vương sinh ở đâu? Vậy phải tìm hiểu những gì liên quan đến thân phụ của ông là Trần Liễu. Khi vợ của mình là công chúa Thuận Thiên bị đem vào cung lập làm Hoàng hậu năm 1237, Trần Liễu họp quân ở sông Cái làm loạn. Để dàn xếp vụ rắc rối này, vua Trần Thái tông lấy đất ở Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh), An Bang thuộc Yên Hưng (Quảng Ninh) cho Trần Liễu lập ấp.
Trần Liễu còn được cấp điền trang ở A Sào nằm cạnh sông Hoá. Có thể thấy hàng loạt ấp của vương hầu nhà Trần được cấp ở đây đều xuất hiện đồng thời hoặc sau khi vùng Tức Mặc được xây dựng để trở thành kinh đô thứ hai của nhà Trần từ năm 1239 đến 1262.
Trong khi chính sử cho rằng, những thái ấp của Trần Liễu, trong đó có A Sào được lập sau khi Trần Quốc Tuấn ra đời (như đã nói ở trên, chính sử xác định năm sinh của ông từ 1226 đến 1231) và chưa có tài liệu nào ghi nơi sinh, nhiều bậc cao niên họ Trần sinh sống gần A Sào lại cho rằng, Hưng Đạo Đại Vương sinh ra tại nơi đây.
Ông Trần Duy Khang - Thủ từ Đền A Sào, cho biết A Sào không chỉ gắn bó với tuổi thơ của Trần Hưng Đạo mà còn gắn bó với sự nghiệp của nhà quân sự kiệt xuất Triều Trần này.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Khang kể, theo những gì ông được các bậc cao niên trong họ truyền lại, khi chọn về lập ấp ở A Sào, phu nhân của Trần Liễu (có tên huý là bà Nguyệt) rất siêng năng hương khói, thờ phụng, trên thì kính tam bảo, dưới thì hiếu thuận gia tiên, giúp đỡ cô nhi quả phụ, tế bần cứu nạn. Đức của Trần Liễu cao, tâm của phu nhân sáng nên thấu đến cửu trùng.
Bà sinh hạ cậu bé khôi ngô tuấn tú khác thường. 100 ngày sau, Trần Liễu mang con lên kinh đô để em mình là vua Trần Thái Tông đặt tên. Nhìn đứa trẻ khôi ngô tuấn tú, cằm rộng, miệng to, mắt trong, Vua đã đặt tên là Trần Quốc Tuấn với ý nghĩa người con họ Trần tuấn tú của nước Nam.
Sau khi hết cữ 3 năm, Trần Quốc Tuấn lên kinh đô làm con nuôi của Thụy Bà Công chúa - chị gái ruột của vua Trần Thái Tông. Thụy Bà Công chúa vời các thầy uyên bác về giáo dục, đào tạo Trần Quốc Tuấn. Năm 18 tuổi, Trần Quốc Tuấn quyền biến binh pháp, văn thư yếu lược giỏi giang hơn người.
Sau chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ nhất vào năm 1258, nhà Trần xác định rằng địch sẽ tổ chức sang xâm lược tiếp nên phải thành lập một nơi để tích trữ lương thực, vũ khí và rèn luyện binh sĩ chuẩn bị cho các cuộc chiến sắp diễn ra. Trần Quốc Tuấn lúc đó được phong tước Thượng vị hầu và được Triều đình giao về trấn thủ ở A Sào.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, A Sào là địa bàn quen thuộc của Trần Hưng Đạo. Nơi đây liên quan mật thiết đến Trần Hưng Đạo ở việc ông dẫn quân đánh trận Bạch Đằng. A Sào có 2 chức năng, 1 là kho lương dự trữ qua tất cả các thời kỳ kháng chiến của nhà Trần và 2 là nằm trên con đường Trần Hưng Đạo tiến binh đánh Bạch Đằng, thậm chí cả tiến binh đánh đồn A Lỗ quân Nguyên - Mông để lại từ cuộc xâm lăng lần thứ 2 năm 1285.
Theo sự phân công chiến lược ở trận Bạch Đằng, các Vua nhà Trần đóng ở thượng lưu (hiện nay là Chí Linh), còn mạn dưới gần cửa biển là nơi phụ trách của Trần Hưng Đạo.
Trận Bạch Đằng còn có Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông chỉ huy. Khi bắt được Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng, tướng Đỗ Hành dẫn tù binh lên nộp nhưng nộp nhầm chỗ. Đỗ Hành đi ngược từ hạ du lên thượng du Bạch Đằng là khu vực hai vua Trần đang chỉ huy. Thay vì nộp Ô Mã Nhi cho vua cha là Trần Thánh Tông, Đỗ Hành lại giao nộp tướng giặc cho Trần Nhân Tông. Vậy nên mới có câu chuyện sau trận Bạch Đằng, Đỗ Hành không được thăng quan, tiến chức.
Ngày 30/2 âm lịch năm Mậu Thìn 1288, thời điểm bắt đầu chiến dịch Bạch Đằng, bộ binh Nguyên - Mông theo đường núi đi về nước, thủy quân đi theo đường sông. Lúc này, nhà Trần theo dõi rất sát và quyết định đánh vào đoàn thủy quân chứ không phải đánh vào đoàn bộ binh mà Thoát Hoan chỉ huy.
Vua nhà Trần chỉ huy những cuộc đánh chặn, đánh tỉa và đặc biệt phá thế trận song song, hộ tống của quân Nguyên - Mông. Quân ta phá cầu Đông Triều, bộ binh và kỵ binh địch không đi được để theo sát đoàn thủy quân của Ô Mã Nhi.
Trần Hưng Đạo ở phía dưới hạ lưu có nhiệm vụ tính toán giờ giấc, con đường mà thủy quân địch đi sau trận ở Đông Triều, từ Đá Bạc, Bạch Đằng, sông Giá. Muốn đến được những khu vực đó, Trần Hưng Đạo phải đi qua A Sào, thời điểm đó là kho hậu cần, dự trữ chiến lược.
Nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định, A Sào là địa điểm hậu cần dự trữ chiến lược, tương tự như Trần Thương (Hà Nam). Nhà Trần tinh ở chỗ là lập các kho hậu cần ở tất cả những địa bàn chiến lược phòng khi dùng đến, chứ không phải trong một năm, một tháng, một ngày mà lập nên kho lương A Sào.
Tranh vẽ Trần Hưng Đạo cùng chiến thắng Bạch Đằng.
GS Lê Văn Lan cho rằng, việc Trần Hưng Đạo về Vạn Kiếp đạt đến tầm thế giới, nhân loại và cả tầm lịch sử.
Đến năm 1289, 1 năm sau trận Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo được phong Đại Vương. Ông bỏ Thăng Long, xa ngay chính trường, vinh hoa, phú quý, danh tiếng mà chắc chắn là hão huyền, rồi những phức tạp của thời hậu chiến…
“Bỏ Thăng Long, Trần Hưng Đạo có hàng loạt nơi để đi, nào là “Sinh Kiếp Bạc, Thác Trần Thương, Hương Bảo Lộc” nhưng ông chọn về Vạn Kiếp, nơi ông đánh trận lớn lần thứ hai. Và Trần Hưng Đạo biết ở Lục Đầu Giang, dù bất cứ là giặc nào, từ phương Bắc đến đều phải đi qua đó. Ông coi việc mình sống ở đó như một người lính già tự nguyện canh giữ địa điểm chiến lược mà giặc mỗi lần vào và ra đều phải qua”, Nhà sử học Lê Văn Lan nói.
Mục tiêu kép của Trần Hưng Đạo tạo nên điều vĩ đại: buông bỏ những vinh hoa phú quý cùng những nguy hiểm của thời hậu chiến nhưng không phải buông bỏ tuyệt đối, hoàn toàn mà là tình nguyện làm người lính già về Vạn Kiếp canh giữ đất nước.
“Bên cạnh có vị trí về mặt chiến lược quân sự, Vạn Kiếp còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Vành đai ở đó có 2 ngọn núi Nam Tào và Bắc Đẩu, biểu tượng của thiên đình, thượng giới. Tôi đã về sân đền Kiếp Bạc, đào khảo cổ, bóc lớp đất lên 1m, ở dưới là sân lát gạch hoa cúc đúc nổi màu đỏ. Mỗi lần ánh mặt trời chiếu vào thì rất lung linh, lộng lẫy”, GS Lê Văn Lan nhận xét.
Vạn Kiếp có vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên và đặc biệt giá trị tâm linh đắc địa số 1 ở quy mô nhỏ, còn quy mô lớn thì nó lại là nơi canh giữ cả ngã 6 Lục Đầu Giang.
Trần Hưng Đạo lựa chọn Vạn Kiếp thể hiện con mắt của thầy địa lý, con mắt của pháp sư, con mắt thấu được tầm vũ trụ. Trần Hưng Đạo sống tại Vạn Kiếp 11 năm. Ông cũng phái các thuộc tướng, gia nhân giúp triều đình như Trần Thị Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão…
Tháng 8/1300, Trần Hưng Đạo hấp hối. Vua Trần Anh Tông đi thuyền từ Thăng Long qua bến Đông Bộ Đầu, vào cửa sông Đuống đến Lục Đầu Giang, trèo lên Phủ Đệ (đền Kiếp Bạc). Vua hỏi: “Nếu chẳng may Vương mất, mà giặc phương Bắc lại sang thì làm thế nào?”.
Hưng Đạo trả lời: “…giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn… Thời bình khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”.
Bình luận