• Zalo

Chuyện hồn Hoàng Sa trong lòng cư dân đảo

Thời sựThứ Tư, 14/08/2013 07:00:00 +07:00Google News

Cuộc vượt biển gắn liền với cây dâu, con ốc u hay những câu hát ru nơi biển bờ và cho đến tận bây giờ, hồn Hoàng Sa vẫn còn sống mãi trong lòng cư dân đất đảo…

Cuộc vượt biển gắn liền với cây dâu, con ốc u hay những câu hát ru nơi biển bờ và cho đến tận bây giờ, hồn Hoàng Sa vẫn còn sống mãi trong lòng cư dân đất đảo…

Khoảng hơn 300 năm về trước, trên đất đảo Lý Sơn, những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa vâng lệnh vua ban lên thuyền vượt sóng, quả cảm ra tận vùng biển xa xôi của Tổ quốc nơi Hoàng Sa và Trường Sa để cắm mốc bảo vệ chủ quyền. Cuộc vượt biển của họ luôn gắn liền với cây dâu, con ốc u hay những câu hát ru nơi biển bờ. Cho đến tận bây giờ, hồn Hoàng Sa ấy vẫn còn sống mãi trong lòng cư dân đất đảo…

Chuyện con ốc u


“Con ơi con ngủ cho mau/ để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng. Ốc u đã thổi lên rồi/ để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa…”. Lời hát ru con của người mẹ ở Lý Sơn tiễn chồng đi Hoàng Sa thuở nào giờ vẫn còn lưu dấu dẫu đã trải qua hàng trăm năm.

Con ốc u xuất hiện trong bài hát ru mà cho đến tận bây giờ khi có ai được nghe lại đều có chung nỗi niềm xúc cảm. Chuyện về con ốc u nơi đất đảo Lý Sơn vẫn được các thế hệ con, cháu trong 13 tộc họ tiền hiền, hậu hiền ở đảo am hiểu tường tận.


 Nghệ nhân Võ Chú, huyện Lý Sơn thổi ốc u.
Nghệ nhân Võ Chú, huyện Lý Sơn thổi ốc u. 

Lão ông Nguyễn Cậu, một cư dân đất đảo Lý Sơn - giải thích rằng, ngay từ khi trên đất đảo có người đi lính Hoàng Sa thì hình tượng về con ốc u đã hiển hiện. Mỗi năm khi tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tiễn đưa người của đảo dong thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa thì làng lại cử người đứng ra thổi ốc u đưa tiễn.

“Chỉ có tiếng của con ốc u vang lên thì mới có hào khí, mới lấn át được tiếng sóng biển, tiếng gió, tiếng người. Không một âm thanh nào có thể át được tiếng ốc u. Âm thanh của nó vang đi rất xa. Việc dùng con ốc u còn được xem như một biểu tượng của cư dân miền biển Lý Sơn. Đó là một nét riêng biệt ở hòn đảo này”.


Cụ Võ Hiển Đạt, người am hiểu khá rành rọt về những người lính Hoàng Sa - kể rằng, con ốc u còn được những hùng binh trong đội hùng binh Hoàng Sa dùng làm vật dụng liên lạc khi đoàn thuyền của đội lênh đênh trên biển.

“Ngày đó, con ốc u cũng giống như chiếc bộ đàm như bây giờ. Khi đi làm nhiệm vụ trên biển ở Hoàng Sa, Trường Sa, ốc u được sử dụng để liên lạc với nhau giữa các tàu khi bị thất lạc. Đặc biệt, nó được dùng để thông báo cho các tàu về tình hình trên biển.

Khi có địch hay những biến cố gì trên biển thì tiếng ốc u lại vang lên giữa biển để báo hiệu. Mỗi tiếng ốc u thổi lên đều có những thông điệp, những câu nói chứa đựng trong ấy mà mỗi một người lính Hoàng Sa năm xưa đều thấu hiểu qua từng âm hưởng”. 

Khi làm nhiệm vụ trên biển, không may có tàu nào trong đội bị nạn nằm lại với biển khơi Hoàng Sa, Trường Sa thì tiếng ốc u cũng lại vang lên với ý nghĩa gọi hồn những chiến sĩ trận vong, thậm chí trong nghi thức lễ thời nay, tiếng ốc u cũng là để gọi hồn, tế lính Hoàng Sa.


Đảo Lý Sơn, quê hương của đội Hùng binh Hoàng Sa
Đảo Lý Sơn, quê hương của đội Hùng binh Hoàng Sa. Ảnh: M.Thu 

“Nghệ nhân” Võ Chú, người đã gắn với con ốc từ thời niên thiếu xem con ốc u như vật tri kỷ của mình. Ông là người thổi chính ốc u trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm trên đất đảo. Ông Chú kể: “Thổi tiếng ốc u trong nghi thức lễ gắn với ông bà tổ tiên ngày xưa. Mỗi lần tiếng ốc u thổi lên đều mang ý nghĩa là thúc giục, tạo khí thế cho đoàn quân ra trận dù rằng bây giờ chỉ là những hình nhân thế mạng. Trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không thể không có tiếng ốc u”.

Ốc u không chỉ được ông bà tổ tiên trên đảo Lý Sơn sử dụng mà cho đến tận thời nay “hồn ốc u” vẫn sống mãi. Ngày trước giải phóng, ốc u còn được sử dụng để thông báo mọi hoạt động của quân địch trên đảo.

Cây… Hoàng Sa

Có lẽ ít ai biết đến một loại cây từng tồn tại mãi từ thời Chúa Nguyễn nơi đất đảo Lý Sơn mà cho đến tận thời nay loại cây ấy vẫn “sống” trong lòng dân. Đó là cây dâu ở đảo.

Ở Lý Sơn chẳng có ai nuôi tằm nhưng điều lạ là cây dâu vẫn được trồng rất nhiều trên đảo. Tại nơi thờ tự của dòng họ Phạm, một bờ dâu xanh tốt mơn mởn. Ông Phạm Văn Bổn, hậu duệ đời thứ 7 của dòng họ Phạm ở Lý Sơn cho biết, từ thuở ông bà tổ tiên, khi có người đi Hoàng Sa, Trường Sa thì đã thấy cây dâu.

“Cây dâu người Lý Sơn trồng không phải để nuôi tằm mà trồng cây dâu vì nó được ví như hóa xương cốt của những người lính Hoàng Sa năm xưa không may tử trận trên biển. Khi ấy, thân xác họ không được tìm thấy thì người dân trên đảo này sẽ lấy cây dâu làm xương cốt rồi dùng đất sét nhào nặn để an táng, làm mộ chiêu hồn (mộ gió), đưa người lính xấu số ấy về nơi yên nghỉ” – ông Bổn nói.

Bên dưới những ngôi mộ gió của những hùng binh Hoàng Sa tồn tại ở đảo đều là những hình nhân và thân cây dâu tượng trưng cho thi hài của người đã khuất trong cuộc vượt biển ra Hoàng Sa, Trường Sa thi hành nhiệm vụ theo lệnh vua.


Cây dâu ở đảo Lý Sơn vì thế cứ mãi tồn tại ở đảo. Cho đến ngày nay, cây dâu vẫn được cư dân đất đảo dùng làm xương cốt trong những hình nhân để chôn cất khi có hùng binh nào đó bị nạn trên biển nhưng không tìm được thi thể. Lý giải về việc này các bô lão của những dòng tộc ở Lý Sơn cho rằng, trong thân cây dâu có màu đỏ tươi như màu máu, rất linh thiêng nên được chọn làm xương cốt thế mạng cho người đã nằm lại với biển khơi.

Hát ru Hoàng Sa


“Ầu ơ…! Đến mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã mãn. Ầu ơ…! Chứ cá chuồn đã mãn sao anh chưa về. Ầu ơ…! Hoàng Sa đi có về không, chứ lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi” - giọng hát ru của bà Đỗ Thị Hảo (67 tuổi), xã An Vĩnh (Lý Sơn) cất lên trong trẻo đến lạ. Ở cái tuổi của đoạn cuối đời nhưng trong tâm thức của người đàn bà này, những câu hát ru về biển, về Hoàng Sa vẫn còn hằn sâu trong ký ức của bà.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn). Ảnh: BÁ SƠN
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn). Ảnh: BÁ SƠN 

Bà Hảo là “nghệ nhân” hát ru những câu hát về Hoàng Sa rất độc đáo còn lại trên hòn đảo này. “Tôi không biết những câu hát ru mà tôi thuộc làu về biển, về Hoàng Sa có tự bao giờ nhưng từ đời mẹ tôi, rồi đời tôi đều được truyền cho nhau những lời hát ru như thế và tôi cứ hát mãi cho đến tận bây giờ.

Lúc xưa, khi chồng đi biển thì những phụ nữ ở làng biển đều có những câu hát ru ngóng chồng ở khơi xa” – bà Hảo kể. "Nghệ nhân" Đỗ Thị Hảo - vẫn đang truyền lại những lời hát ru ấy cho thế hệ trẻ để những lời ca tiếng hát ấy sống mãi với thời gian.


Hồn Hoàng Sa chỉ đơn giản là con ốc u, bánh ít lá gai, cây dâu và những lời hát ru bình dị nhưng “hồn” ấy vẫn sống mãi theo thời gian để khẳng định một chân lý: Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.



Theo Báo Quảng Ngãi
Bình luận
vtcnews.vn