• Zalo

Chuyển hồ sơ nhiều công ty đa cấp cho Bộ Công an

Kinh tếThứ Bảy, 15/04/2017 06:47:00 +07:00Google News

Nguồn tin của Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc đưa ra những kết luận về hoạt động các công ty đa cấp bị thanh tra, Bộ đã chia sẻ mọi thông tin về hoạt động và các sai phạm của các doanh nghiệp đa cấp với đại diện của Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trên toàn quốc trong năm 2016. Theo Bộ này, trong năm qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã kết thúc điều tra và xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.

Liên quan đến xử lý những sai phạm của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, họ đã ra quyết định xử phạt với số tiền rất lớn đối với 5 doanh nghiệp có nhiều vi phạm, đồng thời đã thực hiện rút giấy phép của các đơn vị này.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam bị phạt tổng cộng 979.500.000 đồng; Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam bị phạt 677.500.000 đồng; Công ty Cổ phần Nhượng Quyền Thiên Lộc bị phạt 570.000.000 đồng; Công ty Cổ phần Japan Life Việt Nam bị phạt 552.000.000 đồng và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam bị phạt 472.000.000 đồng.

Riêng về công tác kiểm tra, trong năm 2016, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương thành lập với sự tham gia của đại diện Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra hoạt động của 6 doanh nghiệp. Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra đối với 6 doanh nghiệp.

Sau khi điều tra, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử lý 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 1 tỷ 554 triệu đồng, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận của 3 doanh nghiệp có nhiều vi phạm. Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục tiến hành điều tra sâu hơn về hoạt động của một doanh nghiệp đa cấp khá nổi tiếng trên thị trường.

Bộ Công Thương cũng cho biết, 5 hành vi vi phạm phổ biến được Cục Quản lý cạnh tranh phát hiện và xử lý trong năm 2016 chủ yếu là không thực hiện thủ tục đề nghị cấp bổ sung, thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Hoạt động bán hàng đa cấp ở các địa phương mà không có xác nhận của Sở Công Thương; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp; Quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng và duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp.

Theo Bộ Công Thương, thực tế, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong năm 2016 cho thấy, vẫn còn tồn tại tình trạng hoạt động bán hàng đa cấp không đăng ký. Năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh và các Sở Công Thương đã phát hiện và xử phạt 17 tổ chức, cá nhân bán hàng theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp Giấy chứng nhận với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình đa cấp trong những lĩnh vực đã bị pháp luật nghiêm cấm như: dùng phương thức đa cấp để kinh doanh các sản phẩm không phải là hàng hóa để huy động tài chính, mời gọi đầu tư hay để tiếp thị các sản phẩm vô hình như tiền ảo.

Hinh anh

Năm 2016, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy bị xử phạt nhiều nhất trong số các công ty đa cấp trên toàn quốc mức tiền phạt hơn 1,56 tỷ đồng 

Dù liên tiếp đưa ra các quyết định thu hồi giấy phép và xử phạt với các doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng đa cấp trong thời gian gần đây, tuy nhiên, “ông trùm” kinh doanh, bán hàng đa cấp với nhiều tai tiếng, vi phạm quy định của pháp luật là Thiên Ngọc Minh Uy đến nay vẫn chưa bị xử lý.

Thiên Ngọc Minh Uy đã được Bộ Công Thương thanh tra cùng 6 đơn vị khác. Theo kết quả kiểm tra được Bộ Công Thương công bố ngày 16/1/20, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan để xử lý hoặc tiến hành điều tra để xử lý đối với những vi phạm của Thiên Ngọc Minh Uy.

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cũng cho thấy, Thiên Ngọc Minh Uy đã có 7 “sai phạm lớn” trong kinh doanh đa cấp. Trong đó, điển hình là việc, khi kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm Kang Yi Dao, công ty này còn cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe (cụ thể là cử nhân viên hướng dẫn cách sử dụng và sử dụng sản phẩm để massage cho khách hàng theo các liệu trình tại công ty hoặc một số đại lý của công ty). Đây là hành vi vi phạm quy định tại Điều 4, Nghị định 42.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, với những sai phạm của Thiên Ngọc Minh Uy thời gian qua, cơ quan chức năng sẽ làm theo đúng quy định, tinh thần là quyết liệt, sai đến đâu xử lý đến đó. “Với những sai phạm của các công ty đa cấp nói chung hay của Thiên Ngọc Minh Uy nói riêng, chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng”.

Theo thông tin của Tiền Phong, cùng với việc đưa ra những kết luận về hoạt động các công ty đa cấp bị thanh tra, trong đó có Thiên Ngọc Minh Uy, Bộ Công Thương đã chia sẻ mọi thông tin về hoạt động và các sai phạm của các doanh nghiệp đa cấp với đại diện của Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an.

Theo đó, C46 sẽ đánh giá tính chất của từng vụ việc, từng hành vi. Việc có xem xét xử lý hình sự hay không là do C46 quyết định. Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an sẽ vào cuộc xử lý.

Video: Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy có dấu hiệu lừa đảo

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận