Bộ phim “Vượt qua bến Thượng Hải” được coi như phần tiếp theo của “Nguyễn Ái Quốc ở HongKong” - bộ phim đã từng dành được nhiều giải thưởng giá trị cũng như sự quan tâm của dư luận trong lĩnh vực điện ảnh.
“Vượt qua bến Thượng Hải” xoay quanh các sự kiện trong một năm kể từ khi Nguyễn Ái Quốc rời HongKong (ngày 22.1.1933), được Luật sư Lo-do-bi giúp đỡ để tìm đường sang Liên Xô qua cảng Thượng Hải. Lúc đó, mật thám Trung Hoa dân quốc và Pháp đã giăng kín Thượng Hải. Nguyễn Ái Quốc được bà Tống Khánh Linh giúp đỡ liên lạc được với các đồng chí của ông, thoát khỏi vòng vây của kẻ thù.
Vai Tống Khánh Linh do diễn viên Trương Diễm Mẫn đóng ngoài ra phía Trung Quốc còn có diễn viên nổi tiếng Tào Ngu đóng vai Chánh mật thám Lưu Mạo An. Vai nữ chính của bộ phim do diễn viên Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Duyên đảm nhiệm. Đặc biệt thể hiện vai Nguyễn Ái Quốc lần này sẽ do Minh Hải, một gương mặt mới đầy triển vọng của nhà hát Kịch Trung ương thủ vai hy vọng sẽ đem lại nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả.
Dự kiến, sau khi làm hậu kỳ tại Bắc Kinh bộ phim sẽ được trình chiếu vào dịp 2/9 năm nay. Do bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Thượng Hải, nên không thể tránh
Cấm trại trong cung điện ở Hoành Điếm
Phim trường Hoành Điếm tọa lạc tại khu công nghiệp hiện đại ở thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, là một trong hai phim trường lớn nhất của nền công nghiệp Điện ảnh - Truyền hình Trung Quốc. Đây là công trình của Tập đoàn kinh tế Hoành Điếm, khởi công xây dựng từ năm 1996 với số vốn đầu tư ban đầu 2,7 tỉ nhân dân tệ, để quay bộ phim đầu tiên Chiến tranh nha phiến của đạo diễn Tạ Tấn, đến nay, phim trường đã trở thành điểm làm phim quen thuộc của các đạo diễn tên tuổi hàng đầu khắp ba bờ đại dương: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Từ Khắc, Vương Gia Vệ, Ngô Tử Ngưu, Vưu Tiểu Cương, Đường Qúy Lễ... Có nhiều bộ phim quay và chế tác hậu kỳ ở đây đã trở thành tác phẩm điện ảnh tầm cỡ quốc tế: Chiến tranh nha phiến, Kinh Kha thích Tần vương, Tinh Võ anh hùng, Thiên địa anh hùng, Phi Thiên Vũ (phim hợp tác Trung-Hàn), Người hùng, Vô cực...
Đoàn làm phim “Vượt qua bến Thượng Hải” đến Hoành Điếm, lập tức được dẫn đến Công viên Minh –Thanh, một trường quay cung đình chuyên làm phim về thời kỳ Minh –Thanh của Trung Quốc. Từ xa cách khoảng 2km đã nhìn thấy mái cong lô xô kiểu cung đình. Cao vượt lên là 4 “lầu quan sát” ở 4 góc Trường quay. Toàn bộ diện tích 30 ha được bao bởi tường thành thời trung cổ. Trong đó, đoạn thành cổng hậu hoá ra lại chính là một khách sạn dành cho các đoàn làm phim. Bên ngoài chỉ nhìn thấy các cửa sổ như lỗ châu mai, nhưng thực ra là những cửa sổ của hành lang khách sạn. Toàn bộ khu vực chỉ được ra vào bằng cổng chính, có người gác.
Đoàn làm phim gồm cả Việt Nam và Trung Quốc được phân vào các phòng khách sạn, đúng là một nơi giống bị giam lỏng ở lãnh cung. Hàng ngày đi đến trường quay có xe đón. Còn ở khách sạn trong Trường quay cung Minh –Thanh thì không hề có người, chỉ có các đoàn làm phim cần mẫn làm việc. Cung Minh Thanh rộng bao la (30 ha) nhiều đền đài, cung phủ, phố cổ, vườn ngự uyển ngay trước mặt. Cảnh trí trong những phim cổ trang nổi tiếng của Trung Quốc như hiện ra trước mắt. Chắc chắn những Hoàn Châu cách cách, Tể tưởng Lưu Gù, Càn Long du Giang Nam… đều từ đây mà ra cả.
Tuy vậy, sự háo hức ban đầu nhanh chóng qua đi, việc ở trong một cung điện cổ trang có thú vị thật, nhưng cảm giác ấy nhường chỗ cho nỗi lo công việc và nỗi buồn mỗi khi không có việc lên trường quay. Phải ở lại khách sạn với 30 ha cung điện trống vắng, dù cho nhà lộng lẫy, vườn hoa đẹp tuyệt vời, các diễn viên và nhân viên vẫn thấy như đi tù. Nhưng chính kỷ luật thép của đoàn làm phim như vậy, khiến cho tiến độ làm phim được đảm bảo.
Làm bối cảnh ở Hoành Điếm “cực sướng”…
Đó là câu nói thường thấy của đạo diễn Triệu Tuấn. Ở đây, mọi thứ đều có dịch vụ đến từng chi tiết. Vật dụng nhà giàu, nhà nghèo từng thời kỳ đều có ngay. Mỗi ông chủ quanh đây đều chuyên cho thuê về một lĩnh vực nào đó. Từ chổi cùn rế rách đến đồ đạc, nội thất hoàng cung… giả. Có những ông chủ chuyên vật tư ánh sáng, ông chủ chuyên âm thanh, ông chủ cai thầu diễn viên phụ, nội thất, phục trang…
Trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải” có cảnh Nguyễn Ái Quốc đón giao thừa cùng với gia đình nhà tư sản họ Long tại Hạ Môn.
Cảnh quay này diễn ra vào đúng một ngày mưa. Đoàn làm phim đợi qua ngày thứ nhất, mưa vẫn giăng kín trời. Đến ngày thứ hai, không chờ được nữa đạo diễn quyết định cứ quay. Giao thừa vẫn có những thời điểm mưa chứ. Thế là diễn viên và đoàn làm phim triển khai quay trong mưa ở trường quay Hoành Điếm.
Vấn đề là giao thừa phải có pháo. Pháo hoa và pháo nổ chuẩn bị sẵn, phải mang vào chỗ có mái che để đốt. Nhưng quay xong, đạo diễn không ưng. Pháo một nơi, cảnh một nẻo là không được. Cho nên phải nổ pháo ở các cửa nhà “như thật”. Phải có làn khói mờ như thật, có ảnh chớp đúng như thật. Dính mưa, nên mấy lần đốt pháo vẫn không đạt. Pháo không giòn giã. Làm lại. Bối cảnh dựng xong có vẻ OK, diễn viên lại lạnh cóng phải nghỉ một chút. Làm lại tiếp. Cứ thế, pháo đốt hết thúng này đến thúng khác như đốt tiền…
Nếu ở Việt Nam, “vụ” này có lẽ “bó tay.com” vì dù có tiền cũng chả biết mua pháo ở đâu. Mua rồi cũng không biết xin phép chỗ nào?
Các diễn viên tham gia quay cảnh quay tuy vất vả nhưng ai nấy đều hoan hỉ như vừa tìm thấy một vật gì đã mất: “Thích nhất là nghe thấy tiếng pháo. Cứ ngỡ sống trong đêm giao thừa thật, chứ không phải ở trường quay”.
Thường xuyên có hàng chục đoàn phim tác nghiệp ở Hoành Điếm. Hôm khởi quay “Vượt qua bến Thượng Hải”, chúng tôi nghe thấy 3 đợt pháo nổ dài. Đó là lễ khởi quay của các đoàn làm phim sau khi cúng ở miếu Thần Tài trong trường quay. Hôm đó có 9 đoàn đã và đang quay phim tại đây. Sẽ có dịp tôi nói đến cung cách làm phim ở đây, những việc mà ngay cả giới chuyên môn ở Việt Nam cũng có thể rất cần biết đến. Đoàn làm phim “Vượt qua bến Thượng Hải” được coi là đoàn làm phim “bé xíu”, toàn đoàn hơn 90 người, với 16 xe ô tô, trong đó 2 xe tải chở đèn, 1 xe chở máy nổ, 1 xe tải phục trang. Tôi đã nhìn thấy một đoàn làm phim riêng xe tải chở đèn là 8 chiếc. Đồng nghiệp Trung Quốc nói: Ông Trương Nghệ Mưu về đây làm phim, riêng chở đèn là 20 xe tải lớn.
Khách du lịch đông như đi chợ…
Một đặc điểm không thích lắm cho các nhà làm phim ở Hoành Điếm là khách du lịch đông quá. Họ đi như đi chợ khắp nơi, tò mò xem quay phim. Việc đó có cái hay là tạo không khí hứng khởi cho diễn viên và nhân viên, truyền cảm xúc thiêng hoá khi hoạt động sáng tạo nghệ thuật vì có sự giao tiếp với nhiều người, nhưng cũng khiến cho việc quay phim thu tiếng nhiều khi rắc rối. Vé vào cửa mỗi trường quay là 120 tệ (khoảng 350.000 đồng), nhưng khách tham quan vẫn đến nườm nượp, do cách làm du lịch rất tài giỏi của các ông chủ trường quay.
Trong phim trường có Khu du lịch quốc gia 4A, gồm: Trung tâm mua sắm, Cụm rạp chiếu phim, Nhà hát biểu diễn, Phòng tập thể dục, Bowlling, Nhà hàng ăn uống và Khu công viên giải trí dành cho thiếu nhi. Ngoài ra còn có khu nghỉ mát phục vụ du khách phương xa đến tham quan, nghỉ dưỡng tại phim trường với hơn 10 khách sạn - nhà hàng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, số giường đủ phục vụ cho 8.000 khách. Trong phim trường còn có khu nhà nghỉ dành riêng cho diễn viên, nhân viên các đoàn phim.Các đoàn phim khi cần có thể tận dụng nguồn diễn viên quần chúng tại chỗ, với mức thù lao theo qui định: Diễn viên trẻ được đào tạo qua trường lớp diễn xuất = 40 tệ/ngày, làm việc 8 giờ (tương đương 80.000 VNĐ), các DV là người già, phụ nữ và trẻ em= 20 tệ/ngày.
Hiện nay, phim trường Hoành Điếm vẫn không ngừng tu bổ cảnh quang, nâng cấp các công trình và xây dựng mới nhằm phục vụ thỏa đáng các nhà làm phim nội địa, khu vực HK-ĐL, Hàn Quốc, Singapore... Tập đoàn kinh tế Hoành Điếm không hề giấu diếm tham vọng biến phim trường thành một “kinh đô điện ảnh Hollywood của phương Đông”, để thu hút giới làm phim quốc tế.
Ông cục trưởng mê đóng phim
Trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải” người ta còn bắt gặp một gương mặt “lạ hoắc” với giới điện ảnh nhưng lại khá quen với rất nhiều người. Đó là ông Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thoả. Theo kịch bản phim, Cục trưởng sẽ đảm nhận vai Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng - người cộng sự sát cánh bên Nguyễn Ái Quốc trong thời gian bôn ba xứ người. Ông Thỏa cũng là người cùng quê với Nguyễn Lương Bằng (xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).
Vừa từ sân bay về đến đoàn ông Thỏa được đưa ngay đến trường quay. Ông Thoả chỉ làm việc ở trường quay khoảng 2 ngày rồi bay về Việt Nam. Tại Thượng Hải những hôm ông Thỏa tới lại đúng vào những ngày mưa rét. Gió ầm ầm, lạnh khoảng 2 độ C. Sau khi hoá trang, phục trang xong, nếu chưa quay các diễn viên thường phải trùm áo dày, sùm sụp như những tấm chăn. Ông Thoả nói chuyện với diễn viên Minh Hải rất thoải mái, bảo trông cậu giống Nguyễn Ái Quốc, nhưng ông nghĩ anh vào vai khác vì thấy Hải nói cười giọng Bắc và thoải mái như không phải là sắp có cảnh quay.
Khi được gọi vào chuẩn bị cảnh quay, đó là cảnh Nguyễn Ái Quốc trò chuyện với Nguyễn Lương Bằng. Khi ông Thoả ngồi xuống và Minh Hải tiến đến, động tác đầu tiên của Hải là ngồi xuống, tay cầm điếu thuốc lá và cất tiếng nói, ông Thoả thoáng sững lại, ngạc nhiên… Cắt! Làm lại! Đạo diễn hét lên bởi nhìn ngay ra diễn biến tâm lý chưa sẵn sàng của diễn viên đóng vai Nguyễn Lương Bằng.
Sau cảnh quay, ông Thoả cho biết, khi Minh Hải diễn tác phong cầm thuốc lá, ngồi ghế và nói đúng giọng quen thuộc của Bác, ông thực sự ngạc nhiên vì Hải nói “giống thật”, chính điều đó làm ông phân tâm trong đúp đầu tiên. “Tự nhiên lúc đó mình cứ nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ trong đầu, không biết hồi năm 1933, chắc Bác đi lại, nói năng cũng gần như thế này” – ông Thỏa tâm sự.
Minh Hải quê gốc Nghệ An, nghiên cứu nhân vật từ rất lâu. Trước khi được mời đóng phim “Vượt qua bến Thượng Hải” anh cũng đóng vai Bác Hồ trong một vài vở kịch. Hải cho biết theo anh giọng nói của Bác Hồ sớm nhất được nhiều người biết là từ bản Tuyên ngôn Độc lập, khi đó là thời điểm năm 1945. Như vậy, nếu càng xa năm 1945 về trước, thì chất giọng Nghệ của Bác phải càng nặng, tất nhiên các âm Nghệ cũng phải được chọn lọc hợp lý. Nếu là nhân vật Nguyễn Tất Thành, thì lại càng nhiều chất giọng Nghệ hơn, do đó ngoại suy ra chất giọng Bác vào năm 1933. Vì là dân Nghệ An gốc, nên Minh Hải có thế mạnh là không cần luyện giọng, khi bắt chước giọng Bác, lại có chất Nghệ tự nhiên, nên người nghe khó nhận ra là bắt chước.
Trương Diễm Mẫn và khoản cát-sê tình bạn
Theo lịch quay, ngày 01/4 sẽ quay một số cảnh của diễn viên đóng vai Tống Khánh Linh trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải” tại trường quay Thượng Hải (Trung Quốc).
Khoảng 7 giờ sáng, Diễm Mẫn đã đến. Cô bay từ Bắc Kinh chuyến sớm nhất. Vừa từ sân bay đến khách sạn nơi đóng quân của đoàn làm phim, cô lập tức đến phòng hoá trang ngay. Chương Diễm Mẫn cao dáng dây dây như thiếu nữ, nếu không xem tiểu sử của cô trên mạng Net từ trước, thì chỉ có thể đoán cô khoảng 25 tuổi. Ăn mặc như một người sắp đi picnic, ấn tượng ban đầu là cô rất nhanh nhẹn và tươi cười. Khoảng hơn 9 giờ, từ khách sạn bước ra, cô đã là một người khác. Mái tóc mệnh phụ của những năm ba mươi, áo sa tanh xanh xậm sang trọng. Song, bóng dáng của nhân vật Tống Khánh Linh nhanh chóng được giấu đi khi người trợ lý phục trang khoác cho Diễm Mẫn cái áo khoác dày. Nhiệt độ ngoài trời hôm nay khoảng 5-7 độ. Gió lạnh hun hút và lắc rắc mưa.
Trên ô tô đi đến trường quay, có một số người khác. Giám đốc sản xuất và nhà tư vấn giám sát Trung Quốc cùng đi.
Một người trên xe hỏi: Cô có biết nhiều về Việt Nam không?
Diễm Mẫn nói rất thật thà: Không nhiều. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nhiều người Việt Nam. Hoá ra người Việt Nam cũng trắng trẻo không khác người Trung Quốc.
Diễm Mẫn nói: Tôi chỉ biết Việt Nam qua một vài phim của Mỹ.
Một người giải thích cho cô: Đó là thời kỳ Việt Nam chống Mỹ, và không gian Việt nói đến trong đó cũng chỉ có khu vực miền Nam Việt Nam, nơi không có mùa đông, đúng là người miền Nam da có đen hơn.
Tôi nói với cô: Những người trẻ tuổi ở Việt Nam phần lớn biết đến cô qua phim “Hiệp khách hành”
Diễm Mẫn có vẻ rất ngạc nhiên: Thế à? Đó là bộ phim đầu tiên tôi bước vào đời diễn viên.
Cô kể ra một loạt tên phim cô đã đóng từ đó đến nay. Bao nhiêu? Giờ cũng không nhớ nổi nữa.
“Nhưng có một vai đặc biệt với tôi… Đó chính là vai Tống Khánh Linh này”. Diễm Mẫn nói rồi cười rất to. Có vẻ như cô thực sự thích thú.
Vai diễn Tống Khánh Linh xuất hiện trong phim không nhiều, nhưng cũng như vai Nguyễn Ái Quốc, việc chọn người đóng Tống Khánh Linh khiến cho các nhà làm phim cân nhắc rất nhiều. Trung Quốc có một hai người đóng Tống Khánh Linh rất nổi tiếng. Nhưng những người làm phim “Vượt qua bến Thượng Hải” không thể nào nghĩ đến chuyện mời họ đóng phim. Gần đây nhất, diễn viên Hứa Tịnh đóng vai Tống Khánh Linh trong phim “Đại nghiệp kiến quốc” cũng để lại ấn tượng tốt. Nhưng thị trường điện ảnh Trung Quốc phát triển khá sâu, diễn viên có hạng bậc, lớp lang khá rõ. Thường thì cát-sê cho các diễn viên hạng hai, hạng ba của Trung Quốc như Hứa Tĩnh, Chương Diễm Mẫn tuy không bằng Chương Tử Di, Triệu Vi… nhưng tiền đóng phim của họ cũng phải bằng hoặc hơn toàn bộ kinh phí làm một bộ phim như “Vượt qua bến Thượng Hải”.
Nhà tổ chức sản xuất phía Trung Quốc đã mời khoảng 3 diễn viên thử vai. Cho đến khi bấm máy, tuần đầu tiên quay phim rồi, vẫn không biết liệu ai sẽ thật sự đóng vai này.
Cuối cùng, nhà tổ chức hiện trường Cù Kỳ Minh phải ra tay. Cù Kỳ Minh trước kia nguyên là quay phim. Anh đã quay những phim rất nổi tiếng, bắt đầu từ phim Tam Quốc, Đông Chu, Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp… Sau đó Cù Kỳ Minh trở thành nhà sản xuất phim ở Hoàng Điếm (Triết Giang). Khi tìm kiếm bối cảnh cho phim “Vượt qua bến Thượng Hải”, Giám đốc sản xuất đã gặp và mời Cù Kỳ Minh tham gia. Sau khi xem kịch bản, Minh nhận lời ngay. Trong giao ước giữa Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn với Cù Kỳ Minh, có việc anh tìm kiếm các diễn viên đóng các vai không phải người Việt Nam.
Tống Minh Vượng, nhà tư vấn giám sát sản xuất phim, bạn của Cù Kỳ Minh nói với tôi: “Diễm Mẫn đã khẳng định, nếu phim của Minh chịu trách nhiệm, thì không nói đến tiền”.
Tôi không biết nên hỏi Diễm Mẫn thế nào về vấn đề tế nhị này, mới chỉ mới loanh quanh về việc lý do cô đóng phim này. Cô đã nói ngay: Ban đầu là vì một khoản cát-sê là tình bạn. Sau đó thì vai diễn này cũng là một sự thử nghiệm mà không phải ai cũng có cơ hội…
Trong thế giới điện ảnh hôm nay tôi chứng kiến, có thương mại, cũng có tình và nghĩa. Không phải lúc nào người ta cũng làm việc vì tiền.
Trên trường quay Thượng Hải, khoảng 1 giờ chiều 1/4/2010, thực sự là một ngày rất lạnh. Đạo diễn hiện trường đã dàn khoảng 200 diễn viên quần chúng trên một đoạn phố dài hơn 100 mét trong trường quay. Chương Diễm Mẫn cởi bỏ áo ấm khoác ngoài. Cô mặc áo dài sa tanh xanh. Bấy giờ cô là Tống Khánh Linh sang trọng và quý phái bước lên tàu điện Thượng Hải…
Tại trường quay Hoành Điếm tôi đã chứng kiến những diễn viên tầm cỡ Chương Diễm Mẫn đến đóng phim. Một diễn viên kèm theo dăm ba người, hoặc chín mười người ăn theo. Người hộ vệ, người giữ chó, người hoá trang, người trông quần áo… Họ ở khách sạn hạng sang hơn ở Nghĩa Ô, một thành phố lớn cách Hoành Điếm 30 km. Còn hôm nay, tôi đã thấy Diễm Mẫn đến một mình, không kiểu cách. Cô ngồi thu lu trên ghế ở một góc đường trên trường quay và chờ đợi. Vai diễn tiếp theo của cô là khoảng nửa đêm. Từ chiều đến đêm, có lúc cô cũng lang thang cùng mấy bạn diễn khác. Rất nhiều người dân quanh đây đến đóng vai phụ, tranh thủ lúc nghỉ thay cảnh, đã đến xin chụp ảnh với Diễm Mẫn.
Liên tục tiếp chuyện, chụp ảnh nhưng Diễm Mẫn vẫn tươi cười. Cô nói trở về Hoành Điếm như trở về nhà. Bố mẹ cô người Triết Giang, bản thân sinh ra và lớn lên ở Giang Tô, học kịch nghệ ở đó, nhưng lại thành danh ở Bắc Kinh.
Hôm nay, Chương Diễm Mẫn cùng các diễn viên Việt Nam đợi đến lượt quay trong đêm, ai cũng ngáp ngắn ngáp dài. Các nhân viên và diễn viên Việt Nam có một thứ đặc sản mà các đồng nghiệp Trung Quốc rất thích, đó là cà phê tan Trung Nguyên. Nó như một dấu câu sửa lỗi chính tả cho đoạn văn đêm hôm vất vả này. Tôi thấy Diễm Mẫn vui thích hít hà rất lâu khi uống cà phê. Người phiên dịch nói với tôi: Cô ấy nói với mấy người kia, không ngờ Cà phê Việt Nam lại ngon đến thế…
Trong blog của cô (http://blog.sina.com.cn/u/1339878194), có một dòng tự bạch: “Lúc rỗi rãi, vui vẻ với bạn tốt, uống một ly cà phê, với tôi cũng là hạnh phúc…”
Có lẽ, đêm nay với cô cũng là một thời khắc hạnh phúc chăng? Cát-sê là tình nghĩa, vai diễn là cao quý, và … cà phê Việt Nam ngon.
Gần sáng, Chương Diễm Mẫn kết thúc cảnh quay, đi thẳng từ trường quay ra sân bay bay về Bắc Kinh và hứa lần sau có cảnh quay cô sẽ bay đến ngay nhưng phải báo cho kịp thời. Cô để lại hình ảnh vị phu nhân quốc mẫu đáng kính trong bộ phim Việt Nam về Nguyễn Ái Quốc. Việc cô đóng phim và cái cách cô nhận đóng phim này cũng thật là đáng kính trọng, chuyên nghiệp và nghĩa tình.
Bình luận