Mười năm mới được thắp nén nhang lên mộ cha ở Huế, cháu nội vua Thành Thái khóc rũ trong vòng tay dòng họ, gia đình.
Hơn một tháng sau chuyến về Huế giỗ cha, ông nội và gặp lại dòng tộc, ông Nguyễn Phước Bảo Tài - cháu nội vua Thành Thái - trở về Sài Gòn. Ông tiếp tục đi phụ hồ ngày hai bữa kiếm tiền lo cho con gái trị bệnh bại não.
Gia đình ông Bảo Tài trong chuyến về thăm Huế. Ảnh: Đắc Đức |
Rít hơi thuốc dài trong giờ nghỉ trưa, ông Tài nói chuyến đi như một giấc mơ. Kể từ lần đưa cha về an táng ở An Lăng 10 năm trước, đây là lần thứ hai ông về thăm đất tổ, nơi thờ cúng của dòng tộc.
“Vợ chồng tôi lo kiếm cái ăn, chữa bệnh cho con ngẩng mặt lên không nổi nên chưa bao giờ nghĩ sẽ về đất tổ. Lần này không những tôi mà cả vợ con cũng lần đầu được ra Huế và biết đi máy bay là như thế nào”, ông Tài chia sẻ.
Đến Huế, vợ chồng ông vào ngay nơi chôn cất cha. Ông phủ phục trước mộ tạ lỗi khi 10 năm mới trở lại đốt nén nhang cho đấng sinh thành. "Hạnh phúc nào bằng khi mình ngồi lau chùi mộ phần cha, thắp nén nhang cho ông nội và tổ tiên. Tôi khóc vì sung sướng, vì thỏa được điều mình mong ước bấy lâu nhưng không thể thực hiện được", ông Bảo Tài kể.
Lần đầu thấy chồng khóc ngon lành nơi đông người, bà Nguyễn Bích Thủy cũng không cầm được nước mắt. "Lúc trước, ảnh cứ trách sao mình nghèo rồi thành đứa con bất hiếu, cả chục năm để mộ cha cô quạnh không hương khói. Vừa thấy mộ cha, ảnh đưa bé Tuyền cho tôi rồi chạy ào đến như đứa trẻ. Ảnh cứ tỉ mẩn lau chùi, dọn dẹp rồi khóc làm nhiều người cũng rưng rưng", bà Thủy nói.
Ông Tài là con út của hoàng tử Vĩnh Giu nên rất được cưng chiều. Trước khi mất và đưa về Huế chôn cất, hoàng tử Vĩnh Giu sống cùng vợ chồng ông trong căn nhà mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vận động xây tặng ở Cần Thơ.
Thời tiết ở Huế những ngày có ông Tài mưa lất phất. Sau ngày đầu ổn định chỗ ở, vợ chồng ông và bé Tuyền được phát áo dài khăn đóng để vào lăng cùng gia tộc viếng mộ tổ tiên, thực hiện các nghi lễ trong ngày giỗ tộc. Đã quen với những bộ áo quần lao động nhàu nát, nay mặc đồ truyền thống khiến vợ chồng ông cứ lóng nga lóng ngóng.
Trong buổi lễ ở An Lăng, gia đình ông còn gặp vợ chồng hoàng tử Guy Georges Vĩnh San (83 tuổi). Vị hoàng tử này là con trưởng của vua Duy Tân cùng vợ từ Pháp về thăm lăng cha, ông.
Vợ ông Bảo Tài và con gái bị bệnh. Ảnh: Duy Trần |
Trong những người ở Huế mà ông Bảo Tài gặp, hoàng tử Georges có họ hàng gần nhất do cha ông Tài là em ruột vua Duy Tân. Hoàng tử Georges sống cả đời bên Pháp, không nói được tiếng Việt nên chỉ bắt tay ông Tài, nựng bé Tuyền chứ không trao đổi được gì nhiều.
Ngoài ra, ông Bảo Tài còn được gặp các con, cháu, chắt của dòng tộc về dự đám giỗ ba vua (Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân). Trong đó có ông Trần Thọ Nguyễn Phúc - cháu ngoại của vua Thành Thái.
Ông Bảo Tài cho biết, cuộc sống của các hậu duệ vua tuy không khốn khó nhưng đa phần cũng phải cật lực mưu sinh. "Ra đây quan trọng là cái tình của dòng tộc, được một lần gặp bà con thân thuộc, sống trong đại gia đình là hạnh phúc rồi", ông chia sẻ.
Trong thời gian 4 ngày ra Huế, gia đình cháu nội Thành Thái được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô bố trí đi thăm Đại nội Huế, nơi ông nội ông từng sinh sống. Bé Tuyền cũng được giới thiệu khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Trung ương Huế để tìm cơ hội khám chữa bệnh.
Trước giờ ra máy bay về lại Sài Gòn, ông nhìn thật kỹ các bài vị tổ tiên, cố nhớ từng vị trí, cách bày biện lễ vật.
"Thế thời đã khác, chuyện cha ông làm vua chúa đã là dĩ vãng. Nói thật, thỉnh thoảng nghĩ tự hào chút thôi, chứ cuộc sống ta đối diện hàng ngày là phải kiếm tiền lo cho gia đình", ông Tài nhìn xa xăm.
Ông Bảo Tài và chứng minh nhân dân phải ngày trước phải nhờ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trợ giúp mới làm được do có nguyên quán ở Pháp, nơi ông nội và gia ông từng bị lưu đày. Ảnh: Duy Trần |
Chủ nhà nơi ông Tài thuê trọ hiện để gia đình ông ở tầng trệt, tiện cho việc di chuyển của bé Tuyền. Ông cũng được miễn một năm tiền trọ, được xoá nợ gần 10 triệu đồng trước đó, vì chủ nhà muốn họ chú tâm vào việc chữa trị cho con.
Hiện, cháu nội vua Thành Thái đi phụ hồ, được 200.000 đồng mỗi ngày. Vợ ông lao công cho một cơ sở gần nhà. Số tiền hai vợ chồng làm được dồn hết cho việc chăm sóc đứa con gái bị bại não, không di chuyển được.
Nguồn:Vnexpress
Bình luận