• Zalo

Chuyện giờ mới kể về 'thầy giáo anh hùng'

Giáo dụcThứ Bảy, 13/07/2013 01:28:00 +07:00Google News

Hơn nửa thế kỷ trước, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn vượt rừng thiêng nước độc đến với vùng đất Mù Cả (Lai Châu), đem con chữ đến cho các em học trò người Hà Nhì

 Hơn nửa thế kỷ trước, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn vượt rừng thiêng nước độc đến với vùng đất Mù Cả (huyện Mường Tè - tỉnh Lai Châu), đem con chữ đến cho các em học trò người Hà Nhì ở nơi xa xôi bậc nhất vùng Tây Bắc.

Khó khăn, gian khổ đã không làm nhụt chí người trai trẻ. Xóa mù chữ, dựng ký túc xá dân nuôi đầu tiên của miền Bắc và những thành tích đáng nể trong giáo dục của người thầy giáo này chưa bao giờ là câu chuyện cũ đối với người Hà Nhì ở Mường Tè.
.

Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn trong cuộc nói chuyện với học trò cũ và thầy trò trường Mù Cả 
Mấy chục năm sau, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bôn, nay đã ngoài 70 tuổi, trở lại vùng đất Mù Cả bốn mùa sương núi phủ. Thế hệ học trò đầu tiên của ông đã mắt mờ, đầu bạc. Họ đã cùng nhau khóc những giọt nước mắt thấm đẫm tình thầy trò.

Vạch lối tìm đường đi dạy chữ

Những ngày cuối tháng 9/1959, bà con vùng Việt Bắc và Tây Bắc đã đón hơn 500 nhà giáo trẻ tình nguyện dấn thân vào những vùng lam sơn chướng khí để xóa mù chữ - “diệt giặc dốt” theo lời kêu gọi của chính phủ và Bác Hồ.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bôn cùng 18 đồng nghiệp khác đã vượt rừng, lội suối vào huyện Mường Tè - vùng đất xa xăm và hoang vu, nơi “một con gà gáy 3 nước Việt - Trung - Lào nghe tiếng” để dạy chữ. Mỗi người họ được tặng 1 chiếc áo bông, 1 chiếc chăn chiên và 30 viên “ký ninh” chống sốt rét.


Trong suốt 6 ngày đi bộ từ Lai Châu vào đến Mù Cả, thầy giáo Bôn đã phải vạch lá tìm lối mà đi. Hàng trăm vạn con vắt như giá đỗ đổ vung vãi ra đường, ngóc đầu ngoe nguẩy chực lao vào hút máu những chàng trai miền xuôi chưa bao giờ biết đến rừng núi.

Người đi cứ phải bôi dầu, bôi xà phòng vào chân rồi vừa đi vừa chạy. Cái tên xã Mù Cả ngày ấy còn mang nghĩa dân gian là…“mù tất cả”.

Không một người dân nào biết chữ, không có một “chi tiết thực tế” nào liên quan đến 2 chữ “y tế”. Các em bé Hà Nhì được sinh ra giữa núi rừng, hoang vu như cây cỏ, bé trai đến tuổi lấy vợ, bé gái đến tuổi thì lấy chồng.

Nhà nào cũng có ít nhất một cái bàn đèn thuốc phiện, mỗi buổi sớm ban mai, họ ra nương rẫy quanh nhà khênh xác hoang thú bị hổ sói moi ruột đem về chia đều cho cả bản… Một “thế giới khác” lem luốc và nhọc nhằn hiện ra trước mắt chàng trai trẻ miền xuôi.


Thế rồi, cái chòi nhỏ tranh tre nứa lá cũng được dựng lên. Thầy Bôn cùng ông Chủ tịch xã Hoàng A Hù vượt núi, đi khắp các bản Mù Cả, Xi Nế, Gò Cứ, Ma Ký… nằm lẻ loi giữa rừng già và lớp lớp núi cao, đến từng nhà, vận động bà con cho các em nhỏ đi học chữ.

Người lớn đều lắc đầu bảo: “Ố mạ tù nhạ” - “người Hà Nhì không biết học đâu, người Hà Nhì không có chữ vì cái chữ đã bị nuốt mất vào trong bụng rồi”.

Kiên trì vận động, cuối cùng, thầy Bôn cũng tổ chức được lớp học với gần bốn chục học sinh. Đó là những người Hà Nhì biết chữ đầu tiên của ở vùng đất Mù Cả - ngã ba biên giới.


Lần này, trở lại Mù Cả thăm quê hương thứ hai của mình, ông Bôn bồn chồn, xúc động lắm. Vừa bước xuống xe, những người học trò già mặc quần áo Hà Nhì sặc sỡ tua rua đã vây lấy ông, nắm tay, bá cổ rồi khóc nức nở.

Họ là bà Go Sừ (65 tuổi) - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 7, nguyên PCT Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu; là bà Pờ Phí Nhù (65 tuổi) - Nguyên Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè; là ông Lỳ Go Hừ (68 tuổi) - Nguyên Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Mường Tè; là ông Pờ Hờ Lòng (63 tuổi) - Nguyên Bí thư xã Mù Cả….

Tất cả 35 người trong lứa học trò đầu tiên của thầy Bôn đều trưởng thành, nhiều người học hành đỗ đạt, nhiều người ở lại tiếp gót nghề giáo của thầy. Họ đã góp không ít công sức xây dựng đất Mường Tè - Lai Châu.

 Thầy Bôn gặp lại các học trò của mình ở Mù Cả.
Thầy Bôn gặp lại các học trò của mình ở Mù Cả. 
Viết chữ lên trời, lên lá chuối, lên lưng trâu

Thuở ấy, muốn đi từ bản nọ sang bản kia của xã Mù Cả phải hết 1 ngày đường. Thấy dân cư quá thưa thớt, ông giáo Bôn tính chuyện tập trung học trò lại để học. Rồi ông kéo học sinh về “ký túc xá” của trường ở bản Mù Cả, vận động bà con đóng góp dựng lều lán cho con em mình ở, cho các em mang gạo đến trường tự thổi cơm đi học.

Ông Bôn tự hào kể lại: “Đó là mô hình ký túc xá dân nuôi đầu tiên của toàn miền Bắc, được nêu gương điển hình toàn quốc đấy. Học sinh lớp 3 đã biết tự sản xuất lúa gạo, rồi đến khi thu hoạch được hàng tấn thóc, lập thành những kho lúa khổng lồ lúc ấy. Nhà trường còn đổi thóc lấy đèn măng xông, máy phát nhạc phục vụ việc học, đổi lấy trâu bò để cày cấy nữa ”.


Thầy giáo Bôn còn tổ chức mô hình trường học hết sức khoa học và quy mô với vườn hoa có đài phun nước, vườn thuốc nam, vườn khí tượng, đài quan sát thiên văn, thư viện… Thầy trò trường Mù Cả còn lập hẳn một cái “bảo tàng” với đủ các mẫu hiện vật trưng bày.

Ông Bôn vui vẻ kể lại: “Ngày ấy tôi kêu gọi học sinh sưu tầm bàn đèn thuốc phiện đưa vào bảo tàng trưng bày, để học về tác hại của thuốc phiện. Lớp tôi có 35 học sinh thì chúng đem theo 35 cái bàn đèn thuốc phiện bằng đồng chạm trổ rất tinh vi đến. Thế mới biết, ngày ấy, Mù Cả nhiều người nghiện thế nào”.

Rồi đến “góc sinh vật” với đủ các loại con vật từ con chim, con lợn con, kỳ đà, tắc kè… được ngâm vào rượu 45 “độ” trong những chiếc bình thủy tinh nhỏ mà thầy Bôn đã cất công mang ở dưới xuôi lên mỗi lần đi công tác. Thầy còn dạy học sinh bắt các loại bướm, ép khô rồi đem vào phục vụ trực quan sinh động cho sách giáo khoa.


Bà Pờ Phí Nhù kể lại: “Ngày ấy, thầy trò còn dẫn nước về trường qua mấy quả đồi cao mà người dân không ai tin rằng có thể làm được. Giờ con suối ấy vẫn mang tên “Suối Thầy Giáo”.

Thầy còn làm đài phát thanh chạy bằng cái đèn măng xông. Cả bản đã khóc nức nở khi chiếc đài phát thanh của thầy giáo bắt được Đài Tiếng nói Việt Nam đấy”.


Bà Go Sừ thì sụt sùi nhớ lại: “Thầy giáo còn làm cả xà đơn, xà kép trong trường - những thứ mà trẻ con người Hà Nhì chưa bao giờ nhìn thấy. Những ngày đầu, không có bút, giấy gì cả, thầy Bôn đưa tay thế nào, chúng tôi đưa tay thế ấy viết thành chữ O, chữ A trong… không khí.

Rồi thầy dạy chúng tôi viết chữ lên lá chuối, viết ra cả mặt đất. Chỗ nào cũng viết. Thầy còn viết chữ lên lưng trâu cho chúng tôi ôn bài mỗi khi lên nương nữa…”


Áng trường ca bất tuyệt kể hàng đêm

Ông Bôn nhớ lại câu chuyện khiến ông buồn lòng suốt bao năm qua: “Thời kỳ dạy lớp 3, trẻ con trong bản có mang cho tôi 2 con quạ nhỏ, không hề có tí lông nào, nó bảo để thầy nuôi. Một con yếu quá, chết ngay lúc đấy. Còn 1 con, tôi nuôi nó lớn, mọc lông cánh đầy đủ. Tôi cứ đi đến đâu là nó đi đến đấy.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bôn
 

Nó ở đỉnh núi kia, cứ nhìn thấy mình mặc cái áo trắng cái là nó bay vù vù đến. Sau nó vào trong bản nó cắp cả thìa, cả đũa mang về trường. Dân họ thấy thì mới cười bảo: Nó mang về cho ông Bôn đấy!”.

Sau này, khi trở về xuôi, ông Bôn để con quạ lại cho mấy anh em giáo viên nuôi. Con quạ nhớ chủ ngẩn ngơ rồi bay đi nơi khác. Nửa tháng sau nó quay về cổng trường tìm người. Cậu giáo viên trẻ gọi nó không được, mới cầm súng trường ngắm rồi bắn chết.

Ông Bôn không ngờ con vật ấy vì trung thành mà lại chết thảm. Bao nhiêu năm, ông vẫn cứ trách mình sao không mang nó về xuôi? Đến giờ, bản Mù Cả vẫn lưu truyền câu chuyện ấy. Người Hà Nhì bảo nhau: “Ông ấy là thợ Giời đấy, con quạ là loài hoang mà ông ấy dạy được khôn như thế thì dạy con người còn khôn đến mức nào nữa”.


Ông giáo Bôn thương yêu học trò như ruột thịt của mình. Mùa đông Tây Bắc lạnh cắt da cắt thịt, ông chỉ có 1 chiếc chăn chiên và 1 chiếc áo bông. Trời rét như muốn đóng băng mọi thứ, ông lấy áo bông của mình khoác cho học trò. Ông cắt đôi tấm chăn chiên của mình rồi chia cho 2 học trò mỗi người 1 nửa.

Câu chuyện ấy đã đi vào chương trình giảng dạy trong SGK, làm nức lòng nhiều thế hệ học sinh một thời. Hai người học trò được thầy cho chăn ấy là Toán Pó Nhù và Pờ Phí Nhù. Bây giờ, mỗi lần nhắc đến thầy Bôn, họ đều ôm mặt nức nở. Bà Phí Nhù lại khóc: “Thầy quá là bố mẹ rồi thầy ơi. Không biết tả thế nào cho hết tình cảm cả”.


Từ nơi rừng núi Mù Cả hoang sơ và xa diệu vợi, trường học của thầy giáo Bôn đã trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời giáo dục cả nước. Năm 1962, ông Nguyễn Văn Bôn về Hà Nội báo cáo điển hình, được gặp Bác Hồ, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ông là vị anh hùng đầu tiên của ngành giáo dục phổ thông nước nhà. Đến năm 1963, Mù Cả là xã duy nhất của rẻo cao nước ta được công nhận xóa xong nạn mù chữ.

Những câu chuyện về thầy giáo anh hùng Nguyễn Văn Bôn và những người học trò của mình cứ miên man như một áng trường ca bất tuyệt của người Hà Nhì kể hằng đêm bên những chén rượu nồng nàn say men núi rừng Tây Bắc.


Theo Thanh Sơn/Lao Động

Bình luận
vtcnews.vn