Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Singapore ngày mai đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Đây sẽ trở thành một thời điểm đột phá trong quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng nhưng cũng có thể sẽ kết thúc thảm bại và đẩy 2 nước tới gần hơn tới bờ vực chiến tranh.
Để làm rõ hơn vị thế của Triều Tiên và Mỹ trước khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán đồng thời nhận định về một kết quả đàm phán như thế nào sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan, nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, nguyên phóng viên TTXVN từng nhiều năm lăn lộn tại các địa bàn Trung Đông, Nam Tư cũ và Mỹ, đã có những trao đổi với báo điện tử VTC News về hội nghị thượng đỉnh tại Singapore.
- Có nhiều ý kiến cho rằng Triều Tiên đang bị lép vế khi quyết định ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ tại Singapore vào ngày 12/6, xin cho biết quan điểm của ông về nhận định này?
Trước tiên phải nói rằng, nhận định Triều Tiên sẽ lép vế so với Mỹ khi ngồi vào bàn đàm phán đã có từ rất lâu rồi. Sau nhiều lần từ chối đàm phán đa phương 6 bên về vấn đề hạt nhân, Triều Tiên dường như ngay từ lúc đấy đã thể hiện mong muốn một cuộc đàm phán song phương với Mỹ và Washington hiểu rõ hơn ai hết mong muốn này của Triều Tiên. Như một lẽ đương nhiên, để lộ điểm yếu là mong muốn “đạt được thứ gì đó” từ Mỹ khiến Triều Tiên bị đưa vào thế yếu.
Chúng ta hãy quay trở lại thời điểm hôm 24/5, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố huỷ bỏ hội nghị thượng đỉnh, Triều Tiên đã tỏ ra vô cùng bối rối và lo ngại nguy cơ đàm phán sụp đổ.
Trước đó Bình Nhưỡng muốn “nắn gân” Mỹ, muốn tỏ ra đang ở thế thượng phong khi chỉ trích Mỹ-Hàn tập trận chung và đỉnh điểm là Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên bà Choe Son-hui có những lời chỉ trích nặng nề, có phần xúc phạm nhằm vào các quan chức cấp cao của Mỹ như phó Tổng thống Mike Pence hay cố vấn an ninh cấp cao John Bolton.
Những tưởng Mỹ sẽ nhún nhường, nhưng Tổng thống Trump khiến cả thế giới bất ngờ đưa ra tuyên bố huỷ bỏ đàm phán.
Triều Tiên gần như ngay lập tức phải “cầu viện” Hàn Quốc, bằng chứng là ngày 24/5 ông Trump huỷ bỏ đàm phán thì ngày 26/5 ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau ở Bàn Môn Điếm. Không nghi ngờ gì nữa,Triều Tiên đã chủ động liên lạc và đề nghị cuộc gặp mặt này, bàn về biện pháp cứu vãn Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chứ không phải các vấn đề liên Triều như truyền thông đưa tin.
Mỹ nắm bắt rất nhanh thế yếu ấy của Triều Tiên và không ngần ngại tuyên bố sau đó hai ngày rằng Washington sẽ quay trở lại bàn đàm phán nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm và những yêu cầu đã đưa ra với Bình Nhưỡng, đó là “phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, triệt để, có kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Có thể thấy rằng Triều Tiên rất mong cuộc gặp với Mỹ và có những mục tiêu rõ ràng khi muốn ngồi vào bàn đàm phán này, cụ thể là muốn Mỹ đảm bảo an ninh, cam kết bảo toàn chế độ, viện trợ kinh tế, bình thường hoá quan hệ quốc tế.
Hơn ai hết, Triều Tiên hiểu rõ trong xu hướng chung hiện nay, nếu Triều Tiên tiếp tục một mình một lối thì không có cửa phát triển và tồn tại, luôn đứng trước nguy cơ một lúc nào đấy bị Mỹ đánh úp.
Do vậy, Triều Tiên càng nôn nóng bao nhiêu, thì càng dễ để bộc lộ điểm yếu trước Mỹ bấy nhiêu.
- Vậy theo nhận định của ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có bao nhiêu cơ hội xoay chuyển cục diện về phía có lợi cho mình khi đàm phán với ông Donald Trump?
Nói về vị thế của hai nhà lãnh đạo khi cùng ngồi vào bàn đàm phán, nếu như ở trên phân tích cho thấy ông Kim jong-un và Bình Nhưỡng đang ở thế yếu hơn, thì ông Donald Trump và Washington tất nhiên ở thế thượng phong.
Ông Trump đi đến bàn đàm phán ngày 12/6 ở Singapore trong tư thế người được gây sức ép cho phía bên kia. Ông Trump đang ở “cửa trên”.
Trong cuộc đàm phán này, điều chắc chắn là mỗi một bên đều có chiến thuật ngoại giao của mình nhằm đạt được một cách tối đa mong muốn và áp đặt yêu cầu lên đối phương. Tuy nhiên từ nhận định của cá nhân, tôi cho rằng mọi nỗ lực xoay sở của ông Kim trên bàn đàm phán ngày 12/6 đều khó có thể thay đổi được ông Trump.
Bởi trên hết, ông Trump xuất thân là một tỷ phú, là một nhà đàm phán lão luyện. Kể từ khi ông nhậm chức tới nay, những gì ông hứa với cử tri Mỹ, thì ông kiên quyết thực hiện và thực hiện triệt để.
Từ siết chặt chính sách nhập cư để giảm gánh nặng ngân sách quốc gia, mạnh tay cắt giảm chi phí bảo hộ quốc phòng với các đồng minh quân sự, rút khỏi các hiệp định mà quốc tế mà ông không nhìn thấy lợi ích cho nước Mỹ hay gần đây nhất là sẵn sàng đối đầu với các đồng minh, đối tác truyền thống EU vì vấn đề áp thuế nhập khẩu không có lợi cho doanh nghiệp và lao động Mỹ ...
Từ cơ sở đó, có thể kết luận rằng, ông Trump không dễ thay đổi lập trường về vấn đề phi hạt nhân hoá hoàn toàn của Triều Tiên và ông Kim Jong-un cũng không có nhiều cơ hội để xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi cho mình trên bàn đàm phán song phương Mỹ-Triều lần này.
- Theo ông Triều Tiên kỳ vọng gì vào cuộc gặp với Mỹ lần này sau nhiều lần từ chối đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân?
Từ thời ông Kim Il-sung, ông Kim Jong-il và đến ông Kim Jong-un đều coi vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân là nhân tố đảm bảo an ninh số một cho Triều Tiên. Cả ba thế hệ lãnh đạo của Triều Tiên đều dốc toàn bộ sức lực, vật lực và trí lực cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, để giờ đây Triều Tiên đã tự tuyên bố mình là cường quốc hạt nhân.
Cũng vì vấn đề hạt nhân, vấn đề củng cố sức mạnh vũ trang mà từ thời ông Kim Il-sung (ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) đã đề ra thuyết “tiên quân” – tức là dồn tất cả trí lực, vật lực quốc gia vào phát triển quốc phòng.
Đây chính là danh dự và sức mạnh của quốc gia mà giờ đây ông Kim Jong-un đang mang ra đàm phán với Mỹ, xa hơn là để đổi lấy mục tiêu bình thường hoá quan hệ và phát triển kinh tế.
Tôi cho rằng ông Kim Jong-un đang làm một việc quá mạo hiểm khi đánh cược tất cả (với Triều Tiên sức mạnh quân đội và vũ khí hạt nhân là tất cả) cho cuộc đàm phán ngày 12/6. Mạo hiểm bởi không có gì đảm bảo các yêu cầu Bình Nhưỡng đưa ra sẽ được Washington đáp ứng.
Một động thái khác, vào giữa tháng 5 vừa qua, một cách không úp mở hai quan chức hàng đầu của Nhà Trắng là phó tổng thống Mike Pence và cố vấn an ninh cấp cao John Bolton tuyên bố Mỹ sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Theo mô hình của Libya.
Sau khi “cởi bỏ” chiếc áo giáp phòng bị cuối cùng là vũ khí hạt nhân, kết cục bi thảm với Libya thế nào thì cả thế giới đều đã thấy rất rõ ràng. Mặc dù vậy, trái với dự đoán sẽ ngay lập tức huỷ bỏ đối thoại, Triều Tiên sau khi phản ứng yếu ớt vẫn chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Tôi cho rằng Triều Tiên đã quá mạo hiểm khi đi đến quyết định này.
Tôi đánh giá cao những nỗ lực và quyết tâm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đi đến một quyết định như vậy có thể thấy ông ấy là một người rất thực tế, là người hiểu rõ và nắm bắt xu thế chung phi hạt nhân hoá của thế giới.
Tuy nhiên, tương lai về một kết quả đàm phán Mỹ-Triều sẽ không thể dự đoán trước được, bởi vấn đề phi hạt nhân hoá Triều Tiên không thể và không bao giờ chỉ giải quyết bằng 1 cuộc đàm phán, nó có thể diễn ra dai dẳng và tốn nhiều công sức mà không đi đến kết quả gì.
Kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là hai bên không tìm được tiếng nói chung và một cuộc đối đầu quân sự hay Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân cũng là một kịch bản không khó hình dung.
- Động thái của Trung Quốc và Nga trước cuộc đàm phán song phương Mỹ-Triều nên được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, thì không một quốc gia nào “dám” hoặc có thể đứng ra phản đối cuộc đàm phán Mỹ-Triều, mặc dù không hoàn toàn tán thành cuộc đàm phán song phương, hoặc mong muốn một đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Nguyên nhân bởi vì vấn đề Triều Tiên từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953 cho tới nay luôn là vấn đề gai góc của sinh hoạt quốc tế, đặc biệt là sau khi Triều Tiên tuyên bố trở thành cường quốc hạt nhân.
Cuộc gặp này trên danh nghĩa là bàn về vấn đề phi hạt nhân hoá, nên không một quốc gia văn minh và lành mạnh nào có thể đứng ra phản đối cuộc đàm phán này giữa Mỹ và Triều Tiên. Nga và Trung Quốc lại là 2 trên 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên dù thế nào cũng phải lên tiếng ủng hộ đàm phán Mỹ-Triều.
Nói về Trung Quốc, đây rõ ràng là đồng minh số 1 của Triều Tiên, nhưng kể từ khi Triều Tiên thử nghiệm thành công bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào tháng 12/2017 thì Trung Quốc bị đặt vào thế bắt buộc phải bỏ phiếu thuận với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc.
Từ trước tới nay, Triều Tiên vẫn luôn được coi như một chất xúc tác, tăng sức mạnh của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ. Sau một thời gian quan hệ nguội lạnh do Trung Quốc phải công khai thực hiện cấm vận Triều Tiên, đến nay quan hệ hai nước lại ấm lên và cải thiện nhanh chóng. Việc ông Kim Jong-un liên tiếp tới Trung Quốc ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc và sau đó là với Mỹ, cho thấy Triều Tiên coi Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất.
Nếu đàm phán Mỹ-Triều đi tới thành công, thì Trung Quốc được xem như là chất xúc tác quan trọng. Bởi một khi quan hệ Triều – Mỹ, Triều-Hàn được cải thiện, Triều Tiên được gỡ bỏ lệnh cấm vận, thì bên được hưởng lợi ích kinh tế lớn nhất tại thị trường Triều Tiên chính là Trung Quốc.
Còn với Nga bây giờ hay Liên Xô trước kia thì vẫn luôn là đồng minh số 2, 3 của Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng vấn luôn nằm trong chiến lược xây dựng quan hệ của Nga với Mỹ. Nga sẽ nhân cơ hội này ủng hộ và thúc đẩy bình thường hoá quan hệ Mỹ-Triều, bởi nếu thành công, lợi ích kinh tế của Nga ở khu vực Đông Bắc Á cũng sẽ được cải thiện.
Một khi quan hệ Mỹ-Triều-Hàn được cải thiện, Triều Tiên được gỡ bỏ lệnh cấm vận thì ngay lập tức những dòng nhiên liệu và khí đốt của Nga sẽ tràn ngập thị trường Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bản đồ năng lượng quốc tế sẽ thay đổi. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ hoan nghênh điều này vì có thể giảm bớt sự phụ thuộc từ Mỹ và Trung Đông.
- Xin cảm ơn nhà báo về cuộc trao đổi này!
Bình luận