Trong cuộc bỏ phiếu ngày 15/1, nghị viện Anh bác bỏ bản dự thảo thoả thuận Brexit (thoả thuận Anh rời Liên minh châu Âu EU) được Thủ tướng Anh Theresa May vất vả đạt được sau hơn 2 năm đàm phán cam go với các lãnh đạo EU vào tháng 11/2018.
Kết quả 432 phiếu chống, cao gấp hơn hai lần phiếu thuận là 202 đã đẩy nước Anh vào một tình thế phức tạp mới. Kết quả phản đối áp đảo này không gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát về Brexit, nhưng điều đáng ngạc nhiên, trong số các phiếu chống có tới 118 phiếu của các nghị sĩ nằm trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền của bà Theresa May.
Theo nhà báo, chuyên gia các vấn đề quốc tế Phạm Phú Phúc, đây là một đòn đánh quá mạnh vào chính phủ của Thủ tướng May, đặt ra thách thức sống còn cho nước Anh khi mà thời hạn cứng rời khỏi Liên minh châu Âu chỉ còn chưa đầy 10 tuần nữa.
Tại sao thoả thuận bị bác bỏ?
Trước khi nói về những hậu quả và kịch bản tồi tệ nhất của Anh nếu ra đi tay trắng sau “cuộc ly hôn ồn ào và đắt đỏ” nhất lịch sử với Liên minh châu Âu, thì cần phải nói rõ, tại sao bản dự thảo thoả thuận của Thủ tướng May bị nghị viện Anh bác bỏ không thương tiếc như vậy.
Trong bản dự thảo dài hàng trăm trang, những điều khoản về thương mại, an ninh, môi trường phần lớn đều đã đạt được thống nhất về nguyên tắc, nhưng dự thảo tuyên bố thiết lập giới hạn về một mối quan hệ đối tác đầy tham vọng, sâu rộng và linh hoạt trong hợp tác thương mại, kinh tế cũng như trong các lĩnh vực khác và giai đoạn chuyển giao Brexit có thể kéo dài cho đến cuối năm 2020.
Nếu sau giai đoạn chuyển tiếp, Anh và EU chưa thể đạt được thỏa thuận thương mại và không có biện pháp thay thế nào được đưa ra thì Anh sẽ tiếp tục ở lại liên minh thuế quan EU và vùng Bắc Ireland sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung châu Âu nhằm tránh lập biên giới cứng với Cộng hoà Ireland.
Điểm mấu chốt này khiến bản thoả thuận này bị xem là “dải băng bịt mắt đẩy Anh vào bóng tối”, khiến các nghị sĩ Anh phẫn nộ và cho rằng bản dự thảo nói lên sự thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng May trong suốt 2 năm đàm phán. Phần lớn lãnh đạo các đảng đối lập cho rằng bản thoả thuận khiến Anh bị trói buộc chặt chẽ với EU và đây không phải là bản thoả thuận tốt cho nước Anh.
Trước cuộc bỏ phiếu, các nhà quan sát đã nhận định, thoả thuận Brexit của Thủ tướng May có đạt được hay không chủ yếu nằm ở việc bà có tập hợp được sự ủng hộ rộng rãi của chính giới Anh và nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền hay không, tuy nhiên quá nửa phiếu chống từ chính đảng Bảo thủ của Thủ tướng và việc Công đảng đối lập yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm bà May đã cho thấy kết quả quá rõ ràng: Bản thoả thuận hiện tại là sự thất bại thảm hại.
Những người lạc quan nhất cũng không dám hình dung chỉ trong chưa đầy 10 tuần nữa, Thủ tướng Theresa May có thể đạt được một bản dự thảo thoả thuận làm hài lòng tất cả các bên, từ đó giúp Anh không phải trắng tay rời EU.
Nhà báo Phạm Phú Phúc
Bản thân Thủ tướng May từng thuyết phục Hạ viện đây là bản thoả thuận tốt nhất có thể, nhưng với thất bại ê chề sau cuộc bỏ phiếu, bà May cũng phải thừa nhận: “Nghị viện đã quyết định và chính phủ Anh sẽ lắng nghe. Rõ ràng là các nghị sĩ đã không ủng hộ thoả thuận này nhưng cuộc bỏ phiếu tối nay không nói lên được là Nghị viện ủng hộ điều gì. Nó cũng không nói lên được bằng cách nào để thực thi quyết định mà người dân Anh quốc đã đưa ra trong cuộc trưng cầu ý dân do chính Nghị viện cho phép tiến hành. Các công dân EU sinh sống tại Vương quốc Anh và các công dân Anh sinh sống tại châu Âu xứng đáng có được câu trả lời rõ ràng sớm nhất có thể”.
Anh có thể 'thiệt đơn thiệt kép'
Với kết quả bỏ phiếu ngày 15/11, những người lạc quan nhất cũng không dám hình dung chỉ trong chưa đầy 10 tuần nữa, Thủ tướng Theresa May có thể đạt được một bản dự thảo thoả thuận làm hài lòng tất cả các bên bao gồm nghị viện châu Âu và nghị viện Anh, từ đó giúp Anh không phải trắng tay rời EU.
Kịch bản “Brexit cứng” – Anh rời EU mà không có thoả thuận là điều ko bên nào mong đợi, nhưng thực tế lại có nhiều khả năng xảy ra.
Có thể ví việc Anh rời EU như một cuộc ly hôn nhọc nhằn, khi mà hai người đã “hết tình cảm” được hai bên gia đình và con cái đồng ý cho ly hôn, quyết chia tay rồi, nhưng các cơ sở pháp lý không đủ để hai người chia tay trong êm đẹp, không đạt được đồng thuận về chia tài sản và quyền chăm sóc con cái… trong khi hoà giải hay quay lại với nhau đều không khả quan.
Nguy cơ “Brexit cứng” đang khiến Anh đối mặt với nguy cơ xoá bỏ những nỗ lực tăng trưởng của chính họ. Những hệ luỵ đầu tiên và không thể tránh khỏi là thương mại tự do và đầu tư nước ngoài.
Anh rời EU mà không có thoả thuận chắc chắn sẽ kéo theo hàng loạt mức thuế đánh vào hàng xuất khẩu của quốc gia này vào EU cùng những biện pháp hạn chế lao động.
Nói về thị trường lao động Anh sẽ bị ảnh hưởng ra sao, thì có thể khẳng định ngay rằng kinh tế Anh tăng trưởng mạnh mẽ một phần là nhờ vào lực lượng lao động chất lượng cao từ khắp các nước châu Âu đổ về. Hàng triệu công dân EU sinh sống và làm việc ở Anh này vừa đóng vai trò là nguồn lao động, vừa là nguồn tiêu thụ quý giá của đất nước.
XEM BÀI TRƯỚC TẠI ĐÂY:
Không còn nghi ngờ gì, nếu các thoả thuận về thị trường lao động giữa Anh và EU không đạt được sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân lực cho nước Anh và nước này mất đi một nguồn lực giá trị nếu hàng triệu công dân EU buộc phải ra khỏi biên giới Anh.
Hơn nữa, chế độ đi lại tự do trong EU không còn được áp dụng với Anh, chế độ bảo hộ công dân Anh như một công dân EU sẽ bị huỷ bỏ, người Anh mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm tốt nhất và các doanh nghiệp mất đi cơ hội tuyển dụng nguồn lao động chất lượng nhất.
Nền kinh tế của Anh sẽ bị gián đoạn và đình trệ không chỉ trong thời gian ngắn và sẽ kéo dài trong nhiều năm. Giới chuyên gia tính toán, Anh có thể mất hạng tín dụng AAA, kinh tế Anh sẽ tuột dốc trong 5 năm tới, chịu tổn thất đến 100 tỷ Bảng - tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), GDP sẽ giảm 4-10%, đồng Bảng mất giá 20%, gần 1 triệu người lao động mất việc… Anh cũng tự vứt bỏ đi lợi thế lớn nhất khi tham gia EU, đó là thương mại tự do trong khối.
Giờ đây đứng trước nguy cơ Brexit không thoả thuận, nền kinh tế và đồng tiền bảng Anh sẽ bị suy yếu bởi nhiều lý do, dễ thấy nhất là các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ vào EU, thay vì vẫn chạy vào Anh sẽ được chuyển sang cho các bước láng giềng, Đức, Pháp, Italia là các ứng viên hàng đầu.
Hậu quả nhãn tiền, người tiêu dùng sẽ phải mua hàng nhập khẩu giá cao và doanh nghiệp Anh có thể thiệt hại hàng chục tỷ USD tiền thuế nhập khẩu bổ sung mỗi năm.
Bên cạnh đó, London cũng sẽ không được hưởng những ưu đãi như thuế nhập khẩu ở mức thấp hoặc bằng 0% khi tiếp cận thị trường 58 nước tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU.
“Bóng ma Brexit” không chỉ khiến dòng vốn đầu tư vào Anh bị đóng băng mà còn khiến đồng bảng Anh bị suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt.
EU chịu tổn thất ra sao?
Về EU, việc để Anh ra đi mà không đạt được thoả thuận nào ràng buộc sẽ là tổn hại vô cùng lớn với liên minh này từ vấn đề tài chính, thương mại cho đến uy tín và tương lai của khối.
Brexit cứng sẽ tạo ra một rào cản thương mại lớn giữa Anh và EU.
Anh là một trong những thành viên đóng góp nhiều nhất cho ngân sách EU cùng với Pháp, Đức và Italia. Việc Anh rời đi sẽ khiến khối thâm hụt ngân sách, ảnh hưởng tới chính sách đầu tư của EU ra nước ngoài, chính sách thúc đẩy việc làm và chống khủng bố.
Việc Anh rời EU là một đòn giáng mạnh đối với khối. EU sẽ bị mất đi một thành viên chủ chốt và điều đó làm liên minh này bị suy yếu đi.
Nhưng điều đang lưu tâm hơn cả, ngay cả khi có thoả thuận thì Brexit đã châm ngòi cho cử tri của nhiều nước thành viên khác muốn rời bỏ Liên minh châu Âu như Italia, Hà Lan, Séc và gần đây là Pháp. Nếu giờ đây Anh đi khỏi mà không có thoả thuận, không có ràng buộc nào thì e rằng một phong trào “exit” ở châu âu sẽ thực sự bùng nổ.
Và trong một kịch bản ít bi quan hơn, Anh đạt được thoả thuận cuối cùng với EU và rời đi thì cũng sẽ tạo ra một tiền lệ xấu khuyến khích các quốc gia khác đòi hỏi nhiều hơn và được đối xử đặc biệt.
Sức hút từ Anh cộng với nguyện vọng được “tự chủ và tự quyết” khiến cử tri nhiều nước thành viên khác sẽ có thêm động lực rời EU. Điều này đang đặt EU đứng trước một tình thế rối ren, nguy cơ bị chia rẽ và phá vỡ từ bên trong.
Đoàn kết, tự do, thịnh vượng… từng là những tiêu chuẩn để đánh giá Liên minh châu Âu giờ đây đã mai một và hoàn toàn có thể bị quên lãng nếu Brexit cứng xảy ra.
“Chiến binh” Theresa May
Tới thời điểm này, nói về một sự hồi tâm chuyển ý của cử tri Anh để đảo ngược kết quả trưng cầu ý dân năm 2016 bằng một cuộc trưng cầu ý dân khác sẽ là bất khả thi với Anh.
Chính phủ và người dân Anh giờ đây chỉ có thể nỗ lực cho một cuộc chia tay diễn ra trong êm đẹp mà không còn sự lựa chọn nào khác.
Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Theresa May ngày 16/1.
Mặc dù Nghị viện Anh khiến bà May thất bại thảm hại với dự thảo thoả thuận Brexit, nhưng việc bà vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với số phiếu chênh lệch sát sao 325 tín nhiệm và 306 bất tín nhiệm cho thấy các nghị sĩ Anh vẫn muốn Thủ tướng May tiếp tục làm việc để có được bản thoả thuận có lợi nhất cho nước Anh.
Một chính phủ mới được bầu ra vào thời điểm then chốt này chỉ khiến nước Anh thêm hỗn loạn, tiến trình Brexit bị trở ngại.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà May đã lập tức họp với lãnh đạo các đảng đối lập, với hi vọng tìm ra được giải pháp tối ưu nhất, cùng đàm phán để soạn thảo được một bản thoả thuận làm vừa lòng các nghị sĩ Anh và nghị sĩ Liên minh châu Âu.
“Tôi hài lòng trước việc Hạ viện bày tỏ sự tin tưởng đối với Chính phủ. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường sự thịnh vượng, đảm bảo an ninh cho nước Anh. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện những cam kết đã hứa với người dân nhằm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân về Brexit và rời Liên minh châu Âu. Tôi tin tưởng mọi thành viên Hạ viện đều chia sẻ trách nhiệm này với chúng tôi và chúng ta có trách niệm để xác định đường hướng đảm bảo sự ủng hộ của Hạ viện đối với Chính phủ", Thủ tướng May nói.
Việc Thủ tướng Anh nhận được sự ủng hộ của nội các và nghị viện sẽ quyết định hoàn toàn sự thành công của thoả thuận Brexit.
Mặt khác, nói về các nghị sĩ EU, có thể thấy họ không vội, thậm chí sẵn sàng gia hạn thời hạn chót rời EU cho London. Bởi xét về mọi mặt, kịch bản hoàn hảo nhất với EU vẫn là Anh ở lại, hoặc Anh càng “dùng dằng” khó đi được bao lâu, thì EU lại được hưởng lợi bấy nhiêu.
Tuy vậy trước lời đề nghị có thể gia hạn cho thời hạn chót là ngày 29/3 để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) nếu Anh đưa ra được lý do hợp lý cho yêu cầu đó của người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu Margaritis Schinas, Thủ tướng Theresa May khẳng định Anh sẽ không thay đổi và sẽ tuân thủ ngày rời EU như đã định.
Trở ngại lớn nhất của Thủ tướng May hiện nay là đảng Bảo thủ cầm quyền không chiếm đa số tại Hạ viện, do đó, chính phủ của bà nhất thiết phải chiếm được sự ủng hộ của các đảng đối lập. Một bản thoả thuận khiến “vừa lòng” đôi bên là một thách thức với nữ Thủ tướng Anh, nhưng ngay cả khi rời đi tay trắng, có thể đây cũng là cái giá người dân Anh muốn trả cho “tự chủ”.
Người dân Anh sẽ được quyết định về đất nước, tài chính và đường biên giới của họ cũng như về chính sách nhập cư, không phải cạnh canh công ăn việc làm với người nhập cư khốc liệt như trước… Anh sẽ không cần phải chờ đợi cái gật đầu từ 27 nước thành viên khác cho những vấn đề của nước họ, càng không còn bị ràng buộc bởi những quy định đôi khi là cứng nhắc của EU cũng như không phải chia sẻ gánh nặng tài chính với các nước thành viên khác.
Bình luận