• Zalo

Chuyên gia Việt Nam nói về 'sai lầm lớn nhất' của ông Lý Quang Diệu

Thời sựThứ Ba, 24/03/2015 07:55:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chuyên gia Việt Nam nói về một trong những 'sai lầm lớn nhất' của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu như chính ông đã thừa nhận.

(VTC News) – Chuyên gia Việt Nam nói về một trong những 'sai lầm lớn nhất' của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu như chính ông đã thừa nhận.

Trả lời phỏng vấn VTC News, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nói về một trong những sai lầm của ông Lý Quang Diệu như chính ông đã thừa nhận. Ông Võ Trí Thành cũng phân tích những thách thức mà Singapore đang phải đối mặt.

TS. Võ Trí Thành 
- Khi nói đến sự phát triển Singapore người ta luôn gắn với hình ảnh nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu. Điều đó cho thấy vai trò của ông Lý Quang Diệu?

Năm 1965, Singapore tách ra khỏi Malaysia và thành lập một quốc gia riêng. Nói đến công lao của ông Lý Quang Diệu đối với đất nước Singapore có lẽ chỉ cần gói trong một câu, đó là ông đã đưa Singapore từ thế giới thứ 3 sang thế giới thứ nhất, đưa một nước từ nghèo nàn, chậm phát triển sang một một nước phát triển nhanh, trở thành biểu tượng của cả châu Á.

Singapore hiện nay còn là hình ảnh của một nơi đáng sống, nó là biểu tượng không chỉ về sự phát triển thuần túy về mặt kinh tế mà điều tôi muốn nói đó là biểu tượng đáng sống, gắn với những tư tưởng phát triển mới như: bền vững, thân thiện môi trường, thân thiện con người. 

Singapore chỉ khoảng 4,5 – 5 triệu người thôi, nhưng cộng cả khách làm việc thường xuyên ở đó, cũng như là khách du lịch thì số lượng người bao giờ cũng gần gấp đôi. 

 

Thật ra thì đến nay con trai ông là Thủ tướng Lý Hiển Long cũng chỉ đi theo con đường mà cha ông ấy đã vạch ra thôi.
 
Ông Lý Quang Diệu cầm quyền hơn hai mươi năm, sau đó là con trai ông, Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long cầm quyền. 

Bản thân cuộc đời làm lãnh đạo ở vị trí cao nhất ấy của ông Lý Quang Diệu đã khẳng định vai trò của ông trong việc phát triển của Singapore, chính ông ấy là người cầm lái. 

Thật ra thì đến nay con trai ông là Thủ tướng Lý Hiển Long cũng chỉ đi theo con đường mà cha ông ấy đã vạch ra thôi. 

Video: Lý Quang Diệu - Hành trình từ cậu bé tới Thủ tướng Singapore


Nguồn: Straits Times

- Singapore là một đất nước khá đặc thù, một đảo quốc nhỏ bé, không nhiều tài nguyên, không nhiều lợi thế, nhưng dưới sự dẫn dắt của ông Lý Quang Diệu họ đã tạo ra sự phát triển thần kỳ. Theo ông, chính sách phát triển của Singapore có những ưu điểm gì?

Theo tôi, sở dĩ họ làm được điều đó là bởi, thứ nhất, họ có khát vọng. Đặc biệt, khát vọng đưa dân tộc, đưa đất nước mình đi lên. Đi lên không chỉ là cố gắng tiến kịp, mà đi lên là đi ngang và vượt trước thế giới. 

Singapore phải có khát vọng và dưới sự dẫn dắt của ông Lý Quang Diệu đã chuyển hóa được ý chí, khát vọng thành sức mạnh của cả lòng người, của cả dân tộc đi theo. Tôi cho đó là cái cực kỳ quan trọng. 

Bởi vì với một đất nước khi mới thành lập, còn đang ở trong “vũng lầy” như Singapore thời đó thì người ta chỉ nghĩ đến cơm ăn áo mặc, chỉ nghĩ đến thoát nghèo đã là giỏi rồi. Nhưng ở đây, họ đã có một ý chí vươn lên mạnh mẽ, có khát vọng, chuyển hóa thành ý chí chính trị, thành sự đồng thuận từ sự kết nối tất cả những con người của quốc đảo này để làm nên sự phát triển vượt bậc.

Cái thứ 2, tôi nghĩ họ có ý chí chính trị. Có khát vọng là tốt nhưng sẽ thành hoang tưởng nếu không biến nó thành chính sách, nếu không chuyển biến thành việc thực thi chính sách. 

Vậy để tạo ra được một Singapore như ngày nay, ông Lý Quang Diệu đã xây dựng được một nhà nước có trách nhiệm, nhà nước minh bạch, nhà nước biết chia sẻ lợi ích cùng với quá trình tăng trưởng, cùng với quá trình phát triển của quốc đảo này cho tất cả.

Để có được một đất nước rợp bóng cây như ngày nay, một phần quan trọng là nhờ cố thủ tướng Lý Quang Diệu.  Ảnh: Thảo Nghi

Cho nên có thể nói, bộ máy hành chính công của Singapore mặc dù không phải không còn khiếm khuyết nhưng nó như một cái biểu tượng của một bộ máy đứng đầu thế giới. 

Một điểm nữa mà tôi cho là rất quan trọng, tức là gắn kết được cái đấy với bộ máy đó và chính sách ấy, biết chia sẻ ấy là có một sự đồng lòng, đồng sức, có một chính sách rất thích hợp để trọng dụng các nguồn lực, đặc biệt trọng dụng người tài bằng những chế độ, bằng những động lực thích hợp. 

Những động lực ấy lại gắn với khả năng sáng tạo của bộ máy Singapore, của con người Singapore. 

Cái thứ 3, sẽ không có Singapore như ngày nay nếu Singapore không trở thành nơi hội tụ của thế giới. Singapore rất cởi mở, có thể nói là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. 

Mở như vậy, hội tụ, tiếp thu tất cả những cái tốt nhất, những người giỏi đến làm việc ở Singapore, những công ty hàng đầu, những tập đoàn lớn nhất thế giới hầu hết đều có trụ sở ở Singapore. Như vậy, họ vừa là một nơi để hội tụ, qua đó họ tạo ra một nhu cầu để phát triển, họ lại học hỏi được rất nhiều. 

Video: Ông Lý Quang Diệu phát biểu đanh thép


Singapore còn có thể là một trung gian tốt để dịch chuyển về thương mại, đầu tư, mà cũng có lợi cho mình. Lấy một ví dụ như khu công nghiệp đầu tiên ở Bình Dương (Việt Nam) cũng là cái khu mà ông Lý Quang Diệu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành nhiều tâm huyết. 

Đó là Khu công nghiệp do Singapore làm, nhưng họ lại là trung gian để thu hút các nhà đầu tư ở nơi khác đến đấy chứ không phải chỉ là nhà đầu tư Singapore. Họ làm được thế chính là vì họ có lợi thế là nơi hội tụ, nơi quy tụ của cái gọi là nguồn lực tốt.

Vừa rồi tôi có sang Singapore, có trao đổi về Singapore thì được biết, chính ông Lý Quang Diệu từng nói thế này: Một trong những sai lầm, cái mà ông ấy đã bỏ lỡ đó là đưa trụ sở Liên Hợp Quốc về Singapore. Ông từng có cơ hội đó, nhưng đã bỏ lỡ. Như vậy, cái ý tưởng muốn đưa trụ sở LHQ về Singapore chính là hình ảnh của sự hội tụ, kết nối của thế giới.

Singapore có những bước tiến thần kỳ trong nhiều năm qua 

Cái thứ 4, cũng rất quan trọng, là với Singapore, những gì lợi thế họ luôn cân nhắc rất kỹ lưỡng, họ cố gắng phát huy tốt nhất lợi thế của họ. Bên cạnh đó, họ cũng luôn phát huy để Singapore luôn luôn là thủ lĩnh, là số 1 trong lĩnh vực mà họ có lợi thế. Các chính sách, tầm nhìn để mà họ có không chỉ là tận dụng được lợi thế, mà phải là số một. 

Ví dụ, họ phải là số 1 về Logistic, về dịch vụ,.. những cái đó họ phải làm giữ vị trí lúc nào cũng là số 1. Vị trí số 1 đấy không phải khi có được rồi thì áp lực ít đi, mà họ luôn luôn nhìn số 1 của mình trong áp lực, chuyển biến của thế giới và thời đại để luôn luôn giữ được vị trí số 1 đó. 

Thứ 5, tôi cho rằng đó là cái rất khôn khéo của Singapore, tức là gắn sự cởi mở của mình với sự ràng buộc, chia sẻ lợi ích với cả thế giới. Như vậy cả vị thế địa chính trị, cả kinh tế cùng với sự lớn mạnh của họ ngày càng có trọng lượng.

Cho nên Singapore đầu tư có thể nó liên kết với nhiều Quốc gia khác, chính những sự đầu tư, chính những thương mại, chính những cái gắn bó khác về hợp tác  tạo ra sự liên kết đủ chiều, tăng được vị thế, tăng được tiếng nói, tạo ra được một vị thế mà khó có một quốc gia nào có thể gây sức ép được để họ thay đổi cách thức mà họ nghĩ là tốt. Như vậy chính trong sự ràng buộc đó, cái độc lập, tự chủ của họ rất cao.

Video dấu ấn nổi bật trong cuộc đời ông Lý Quang Diệu 


- Như vậy, đất nước Singapore phát triển thần kỳ, gần như không có khiếm khuyết nào? 

Không, nói như vậy không có nghĩa là Singapore hoàn hảo, không có khuyết điểm. Thật ra Singapore hiện nay vẫn còn một số vấn đề mà theo tôi, họ cần phải có những đổi mới trong thời gian tới mới có thể giữ được vị thế như hiện nay.

- Ông có thể phân tích rõ hơn những 'khiếm khuyết' này?

Trước hết là vấn đề nội tại của Singapore. Đôi khi người ta nói Singapore chưa đủ dân chủ, mặc dù Singapore có nhiều đảng phái, nhưng về cơ bản vẫn là do đảng của ông Lý Quang Diệu chi phối và thống trị. 

Vậy Singapore cũng phải nghĩ trong sự chuyển biến, trong sự phát triển của dân tộc, tiếp tục ngọn cờ của đảng mà từ xưa đến nay dẫn dắt Singapore đi thì phải đổi mới Đảng ấy cho phù hợp hơn với yêu cầu hiện nay của Singapore cũng như nhận thức bên ngoài của Singapore, trong một thế giới bên ngoài cởi mở hơn thế giới mà Singapore liên kết.

Một thách thức nội tại của Singapore nữa là vấn đề chiêu hiền đãi sĩ. Nó không chỉ là vấn đề giáo dục của đất nước này vẫn còn phải cố gắng rất nhiều, bởi vì Singapore vẫn chỉ là một nước rất nhỏ, không phải tất cả các cơ sở dạy học là tiên tiến và cũng rất nhiều cách thức giảng dạy, cách thức đào tạo của Singapore còn khá nhiều tranh cãi. 

Nhưng cái quan trọng hơn là cũng có thời gian, thế hệ trẻ, những người tài, cũng đắn đo nhìn núi này trông núi nọ, cũng có thể không hoàn toàn thích làm ở Singapore. Một nhà nước rất chặt chẽ về mặt pháp quyền, nhưng đứng về mặt sáng tạo, đôi khi nó vẫn có những cái gò bó. Như vậy có thể Singapore mất đi động lực, sức hút đối với tài năng, đặc biệt là trong lớp trẻ.

Thứ 3,hiện nay các nước xung quanh cũng rất mở, họ cũng nỗ lực hết sức mình.Việc Singapore có sức hấp dẫn như trước đây, việc ứng phó với cạnh tranhtừ nước khác thì Singapore phải có điểm nổi bật, phải có những cáchthức nổi bật. Nói cách khác, Singapore có một lợi thế về địa lý, ưu thế về tiếng Anh, là một nơi đáng sống. Nhưng các nước khác họ cũng đều cónhững nỗ lực để có các trung tâm tiếng Anh, điều kiện sống cũng nỗ lựcđược cải thiện…

Clip: Lý Quang Diệu – người bạn của nhân dân Việt Nam


Như vậy, gắn với điều kiện đầu tư kinh doanh thương mại của các tập đoàn thì họ có thể đặt ở chỗ khác chứ không nhất thiết phải là Singapore, hoặc là người ta trực tiếp làm việc với các nước khác chứ không phải qua Singapore. Vậy rõ ràng đây là một áp lực chứ không phải là không. 

Như tôi đã nói, để giữ ở vị trí số 1, thì nếu lơ là đi một chút là anh có thể tụt xuống vị trí số 2 ngay, vậy thì làm sao để giữ trước cái áp lực nội tại như thế? Đó là những áp lực rất lớn của Singapore hiện nay. Vẫn tiếp tục giữ một cái hình ảnh, thương hiệu Singapore, nhưng cái thương hiệu ấy phải dẫn đầu, phải đổi mới. Đó là thách thức rất lớn đối với Singapore trong dài hạn.

- Singapore là một quốc đảo nhỏ bé với rất nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam, vậy chúng ta có thể học hỏi được gì từ chính sách phát triển của Singapore?

 

Từ dấu ấn cá nhân cho đến những lời kiến nghị, lời khuyên rất chân thành của ông Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam, đặc biệt là lời khuyên về sử dụng con người, về đào tạo giáo dục... chính là những bài học lớn mà Việt Nam có thể học được từ Singapore.
 
Ông Lý Quang Diệu là người sang thăm Việt Nam nhiều lần và chúng ta thấy bằng những công việc cụ thể, từ chỗ là hợp tác xây dựng, đặt nền móng cho sự phát triển bằng việc xây dựng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo được dấu ấn ở Việt Nam. 

Từ dấu ấn ấy, cho đến những lời kiến nghị, lời khuyên rất chân thành của ông Lý Quang Diệu cho Việt Nam, đặc biệt là lời khuyên về việc về sử dụng con người, về đào tạo giáo dục, rồi thì một cách thức mở cửa chơi với thế giới bên ngoài của một nước có nền kinh tế chưa đủ mạnh như Việt Nam thì đó cũng chính là những bài học của Singapore. 

Thực tế, không chỉ là bài học mà còn là quan hệ rất chân thành, những tình cảm rất chân thành của Singapore, của bản thân ông Lý Quang Diệu đối với Việt Nam. Chính nền móng ấy đã tạo ra sự hợp tác song phương, cùng với sự hợp tác trong cộng đồng kinh tế ASEAN và các cộng đồng kinh tế khu vực khác. 

Việt Nam – Singapore có quan hệ đối tác chiến lược, có hiệp định hợp tác kết nối giữa hai nước, tập trung vào rất nhiều lĩnh vực. Những lĩnh vực đó chúng ta cũng đều biết rồi, là những điểm Singapore có thế mạnh, Việt Nam yếu hơn và chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều. Ví dụ tiêu biểu nhất là về giáo dục đào tạo.

Xin cảm ơn ông!

Lan Uyên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn