Chuyên gia Việt dự báo tương lai Ukraine sau biến loạn

Thế giớiThứ Hai, 24/02/2014 11:43:00 +07:00

(VTC News) -Chuyên gia uy tín Việt Nam nhiều năm làm việc tại Đông Âu nói cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa phương Tây và điện Kremlin tại Ukraine vẫn chưa đến hồi kết dù Nga đang tạm thua.

Trả lời phỏng vấn với VTC News về biến loạn chính trị Ukraine, cựu Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Nguyễn Đăng Phát nói: "Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Ukraine sẽ còn diễn biến cực kỳ phức tạp. Nếu như hồi cuối năm ngoái Nga tạm dẫn 1-0 khi Tổng thống Ukraine không đồng ý ký hiệp định gia nhập liên minh châu Âu EU thì hiện tại tình thế đảo ngược. Mỹ và phương Tây đang dẫn lại Nga 1-0 hoặc thậm chí là 2-0 với những biến loạn chính trị vừa qua."

-Thưa ông, xin ông cho biết nhận định của mình về hàng loạt thay đổi trên chính trường Ukraine từ hôm 22/2 đến nay?

 


 Cựu trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Nga, nhà báo Nguyễn Đăng Phát
Có thể nói Ukraine đang tạm bước sang thời kỳ hoàn toàn mới kể từ ngày 22/2. Những biến cố xảy ra rất nhanh trong ngày 21/2 và 22/2 dẫn đến một tình hình rất khác.

 

Về thực tế, kể từ ngày 22/2, đương kim Tổng thống Yanukovych đã không còn ‘đòn bẩy quyền lực’ nữa. Đảng các khu vực của ông vốn có nhiều phiếu nhất trong Quốc hội Ukraine nay cũng đã chia rẽ và có sự phân liệt. Tiếng nói của đảng này trong Quốc hội cũng không còn mạnh mẽ như trước.

Cũng cần nói thêm là những cuộc biểu tình bạo lực của phe đối lập đã thắng thế dẫn đến hàng loạt thay đổi như Tổng thống phải ký thỏa thuận hòa bình với phe đối lập, cựu nữ Thủ tướng Tymoshenko được thả, Quốc hội thông qua việc truất quyền Tổng thống, quyết định bầu cử sớm vào ngày 25/5, đưa Ukraine quay lại bản Hiến pháp 2004 v.v.

Bà Tymoshenko là thủ lĩnh đảng Tổ quốc, một trong ba đảng lớn dẫn đầu các cuộc biểu tình ở thủ đô Kiev.

Chủ tịch Quốc hội Ukraine, ông Oleksandr Turchynov cũng là người của đảng Tổ quốc và đã được bầu làm Tổng thống tạm quyền trong khi Tổng thống Yanukovych lên tiếng phủ nhận hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc Quốc hội Ukraine thông qua hàng loạt quyết định hôm 22/2 có vẻ hợp lệ nếu xét theo số đông ủng hộ, thế nhưng trình tự pháp lý đang có một số vấn đề.

-Theo ông, Quốc hội Ukraine chưa đúng ở điểm nào?

Trước hết, có thể thấy Quốc hội Ukraine nối lại hoạt động sau khi tình hình đất nước này hết sức căng thẳng, đặc biệt là những cuộc đụng độ đẫm máu khiến hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, gồm cả cảnh sát và người biểu tình.

Phe đối lập Ukraine đụng độ cảnh sát

Các tay súng, các lực lượng được gọi là tự vệ, dân quân của phe biểu tình nắm giữ trụ sở công quyền, đặc biệt là tòa nhà Quốc hội trong khi quân đội và cảnh sát rút về nơi đồn trú.

Theo nhiều nguồn tin, cái gọi là lực lượng tự vệ của phe đối lập đã đánh đập các nghị sỹ của đảng Các khu vực của Tổng thống Yanukovych. Hơn nữa, những nghị sỹ không ủng hộ quan điểm của phe đối lập cũng bị đánh đập, đe dọa.

Bề ngoài, Quốc hội Ukraine đã thông qua các điều luật nói trên theo đa số phiếu cần thiết. Thế nhưng việc đánh đập, đe dọa các nghị sỹ khiến nhiều người cho rằng trình tự pháp lý chưa được đảm bảo.

Hơn nữa, Ukraine chưa đến mức trong tình trạng khẩn cấp nhưng Quốc hội nước này sử dụng lại Hiến pháp năm 2004 mà chưa có chữ ký của Tổng thống Yanukovych, điều này theo tôi cũng là không đúng.

Từ thành phố Kharkov ở miền Đông, Tổng thống Yanukovych tuyên bố những quyết định của Quốc hội là không hợp pháp và tố cáo chính quyền đã bị phe nổi dậy giành lấy bằng vũ lực.

-Theo ông, các cuộc biểu tình kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay có gì khác so với cuộc Cách mạng Cam cuối 2004 đầu 2005 lật đổ  tổng thống đắc cử Viktor Yanukovych, một cựu đảng viên Cộng sản có gốc gác Nga để đưa một người có tư tưởng thân phương Tây là Viktor Yushchenko lên cầm quyền?

Cũng có phần giống ở việc biểu tình giành chính quyền, nhưng ý kiến cá nhân tôi cho rằng sự khác biệt lớn nhất lần này là biểu tình đồng loạt ở nhiều nơi. Nói cụ thể thì phe đối lập tổ chức biểu tình đồng bộ gây áp lực rất lớn lên chính quyền Tổng thống Yanukovych.
Đám đông đường phố không chỉ có ở thủ đô Kiev mà còn ở nhiều thành phố khác, đặc biệt là các thành phố phía Tây Ukraine, nơi lâu nay vẫn có xu hướng muốn theo phương Tây.

Phe đối lập chiếm giữ tòa nhà Quốc hội Ukraine

Như trước kia, các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra ở quảng trường Độc lập Maidan, thủ đô Kiev.

Những cuộc biểu tình này được liên kết dưới cái mà phe đối lập gọi là Maidan thống nhất toàn quốc.

Điều thứ hai là phe đối lập lần này dùng chiến thuật chiếm giữ các trụ sở công quyền ở Kiev cũng như các địa phương khác. Việc này gây cản trở, tê liệt ở mức độ nhất định cho chính quyền và tạo ra sự dọa dẫm. Trụ sở công quyền bị biến thành cơ sở để phe đối lập tiếp tục tạo ra những cuộc biểu tình dài ngày.

Điểm khác biệt rõ rệt nữa là các hành vi bạo lực đi kèm biểu tình. Những nhóm được gọi là dân quân được trang bị súng ống, chất nổ, bom xăng v.v  gây thương vong cho lực lượng chức năng và khiến tình hình thêm căng thẳng, gây ra không khí sợ hãi ở nhiều nơi.

-Ông nhận xét thế nào về ý kiến cho rằng điều mà ông Yanukovych cáo buộc phe đối lập ‘đảo chính’có sự đạo diễn của Mỹ và phương Tây?

Về mặt đạo diễn thì có lẽ hiện giờ hơi sớm để khẳng định. Nhưng rõ ràng Mỹ và phương Tây lâu nay không hề giấu diếm ủng hộ phe đối lập gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Yanukovych.

Tổng thống Ukraine đang mất dần quyền lực

Cụ thể là những ngày diễn ra bạo lực đẫm máu thì các đại diện Mỹ, phương Tây đều cảnh báo sẽ cấm vận Ukraine. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ là các biện pháp cấm vận, trừng phạt đều nhằm vào các quan chức Ukraine như dọa phong tỏa tài sản, không cấp thị thực cho những người nằm trong danh sách do Mỹ và phương Tây đưa ra.

Khi có bạo lực, chính quyền Ukraine bị gây sức ép để không dùng bạo lực trấn áp người biểu tình.

-Nghĩa là Mỹ và phương Tây lại dùng ‘lá bài nhân quyền’ để gây sức ép lên Tổng thống Yanukovych?

Đúng vậy, điều này là rất rõ ràng. Ngoài ra, một số nguồn tin chưa xác định nói rằng trong các cuộc bầu cử trước kia cũng như biểu tình hiện nay, những người tham gia đều nhận được tiền, thậm chí là vũ khí từ ngoài biên giới Ukraine chuyển đến. Chúng ta có thể gọi nôm na là người biểu tình Ukraine được ‘nuôi’ để theo phe đối lập.

-Ông dự báo thế nào về tình hình Ukraine sắp tới?

Kinh tế Ukraine lâu nay rất khó khăn, khủng hoảng triền miên. Chính trị Ukraine cũng vậy, rất khó khăn lựa chọn giữa ngả sang Tây hay sang Đông.

Thời gian tới đây, với việc Quốc hội Ukraine công bố ngày bầu cử Tổng thống thì nước này sẽ phải thành lập chính phủ mới và bầu cử. Đặc biệt cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới có lẽ sẽ rất khó đoán.

Khối đối lập với nhiều đảng phái sẽ ra tranh cử, hai ứng viên nặng ký hiện tại là cựu nữ Thủ tướng Tymochenko và cựu vô địch quyền Anh hạng nặng Vitaly Klitschko.

Cựu nữ Thủ tướng Tymochenko là ứng viên nặng ký cho cuộc tranh cử sắp tới

Như thế, biết đâu hai nhân vật cộm cán trong khối đối lập sẽ đụng độ với nhau. Khối đối lập không có hai ứng viên và một số ứng viên Tổng thống khác có thể sẽ xuất hiện cho thấy khối này sẽ không duy trì sự thống nhất trong cuộc bầu cử.

Hơn nữa, những diễn biến chớp nhoáng vừa qua dường như tạo đà cho các diễn biến cực đoan. Ví dụ như việc có nghị sỹ đề nghị cấm đảng Cộng sản hoạt động ở Ukraine, tôi cho rằng đây là hành động hết sức cực đoan và nếu được thông qua sẽ dẫn đến đụng độ chính trị rất lớn.

Có ý kiến trong Quốc hội Ukraine còn đề nghị cấm các cơ quan truyền thông nước ngoài phát những ý kiến chỉ trích bạo loạn, biểu tình, hành động này sẽ bị lên án là phi dân chủ.

-Vậy còn tình trạng vùng miền giữa phía Tây, nơi ngả theo phương Mỹ và liên minh châu Âu so với phía Đông, nơi có truyền thống ủng hộ Nga sẽ thế nào, thưa ông?

Những ngày qua, các lãnh đạo phe đối lập đều lên tiếng chống ly khai, bảo đảm sự thống nhất của đất nước. Điều này chứng tỏ sự phân cực Đông – Tây là tương đối rõ rệt và là mối lo của lực lượng chính trị Ukraine.

Báo chí phương Tây nói lượng người nói tiếng Nga ở Ukraine ngày càng giảm đi. Ngay ở vùng miền Đông vốn thân Nga, thế hệ thanh niên mới có vẻ ngày càng chấp nhận những giá trị phương Tây hơn là giá trị truyền thống. Thế nhưng, còn mất nhiều năm nữa để áp đảo được văn hóa Nga ở Ukraine.

Rồi cuộc bầu cử sẽ cho thấy điều này. Trong lần bầu cử trước, các lá phiếu bỏ cho ông Yanukovych và đảng Các khu vực – được cho là thân Nga vẫn nhiều hơn các đảng còn lại.

-Nghĩa là tiếng Nga, văn hóa Nga vẫn đang còn ảnh hưởng rất lớn tại Ukraine?

Đúng vậy, ảnh hưởng của Nga tại Ukraine vẫn còn rất lớn. Cuộc bầu cử sắp tới nếu được tổ chức nghiêm chỉnh, tôi cho rằng lịch sử vẫn có thể lặp lại.

-Ông vừa nhắc tới chuyện lãnh đạo phe đối lập lên tiếng chống ly khai. Phải chăng họ sợ rằng miền Đông Ukraine sẽ ly khai và gia nhập Nga giống như chuyện Nam và Bắc Ossetia trước kia?

Những ngày qua, các học giả trong và ngoài Ukraine cũng có nhắc tới điều này. Có không ít người cho rằng mô hình cấu trúc nhà nước Ukraine phải xây dựng theo mô hình liên bang, chứ không phải nhà nước thống nhất như hiện tại.

Điểm này phản ánh thực tế của Ukraine và chắc chắn sẽ còn là vấn đề không đơn giản dù vừa qua chính quyền đã mau chóng về tay phe đối lập thân phương Tây.

Cũng không ngẫu nhiên khi thoát vòng vây người biểu tình ở Kiev, ông Viktor Yanukovych chạy về Kharkov, thành phố lớn thứ hai đất nước nằm ở vùng đông bắc, giáp với Nga.Vị trí chính xác của ông Yanukovych ở đâu vẫn chưa ai biết, riêng điều này cho thấy ở vùng này vẫn có tiếng nói khác biệt với nửa còn lại của đất nước Ukraine.

-Vậy tương lai của ông Yanukovych sẽ thế nào, theo dự đoán của ông?

Ông Yanukovych đang ở phía Đông, nơi mà ông có những sự hậu thuẫn, che chở. Khi lên sóng truyền hình, ông này nói xe của ông bị bắn trên đường ra sân bay. Ông tiết lộ rằng điều này hoàn toàn trái với những thỏa thuận được ký với phe đối lập, trong đó có điều khoản đảm bảo an toàn thân thể.

Hiện tại, ông Yanukovych đang mất dần quyền lực và thực tế là mất quyền lãnh đạo đất nước vào tay quốc hội. Dinh thự của ông ở ngoại ô Kiev cũng bị thu hồi, một hình thức cho thấy ông không còn nắm được quyền của một Tổng thống.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng ông Yanukovych sẽ an toàn trong thời gian tới. Khi ông Yanukovych mất chức, quốc tế cũng sẽ có sự can thiệp để không xảy ra những tình huống cực đoan.

Về mặt chính thức, ông Yanukovych vẫn đang là Tổng thống hợp hiến của Ukraine.

- Vì sao quân đội Ukraine không xuất hiện sau hàng loạt biến cố chính trị vừa qua?

Tổng thống Yanukovych từng ra lệnh điều động quân đội song bị quốc hội bác bỏ và yêu cầu các lực lượng vũ trang gồm quân đội, cảnh sát phải quay lại nơi đồn trú. Ở những đất nước như Ukraine, quân đội tạm được coi là đứng ngoài chính trị.
>> Ukraine biến loạn: 'Cuộc chiến' phương Tây và Nga

Quyết định của quốc hội được đưa ra trong bối cảnh bị phe đối lập áp đảo. Họ làm như vậy để phe đối lập rảnh tay tiến hành biểu tình, gây áp lực lớn lên chính phủ. Tòa nhà quốc hội, trụ sở công quyền không có sự bảo vệ của lực lượng an ninh chính thức, thay vào đó là dân quân của lực lượng đối lập.

Xe chở súng ống cho lực lượng đối lập chạy tự do trên đường phố mà không bị kiểm soát, thậm chí, Tổng thống Yanukovych còn bị ngăn cản tại sân bay.
Thêm chi tiết đáng chú ý là lực lượng tinh nhuệ chuyên bảo vệ Tổng thống Ukraine cũng đã bị giải thể theo lệnh của quốc hội.

Phe đối lập đang thắng thế trên chính trường và quân đội Ukraine sẽ không tham dự khi họ chưa có lệnh.

-Mỹ và phương Tây đang thành công trong việc thay thế chính quyền thân Nga bằng một chính quyền khác ủng hộ gia nhập liên minh châu Âu EU. Phản ứng của Tổng thống Nga Putin sẽ thế nào, theo ông?

Nga không muốn đơn độc, bằng chứng là ông Putin chủ động điện đàm với người đồng cấp Obama của Mỹ trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine. Như vậy, Nga muốn phối hợp với các đối tác khác chứ không muốn tiếng nói của mình bị lạc lõng. Tình thế trước ngày 22/2 khác và sau đó là khác.

-Nhưng thưa ông, nhiều người nói ‘Mỹ ở xa, Nga ở gần’, và ngay cả thời nữ hoàng khí đốt Tymochenko lên nắm quyền, người Ukraine từng cảm nhận sự lạnh giá khi bị Nga cắt đường ống dẫn khí đốt?

Thực ra mà nói kinh tế Ukraine đang còn nhiều khó khăn và cần nhiều vốn vay bên ngoài. Nước này phải vay của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, vay các tổ chức nước ngoài và của Nga khá nhiều.

Nhưng trước hết, Ukraine sẽ ổn định thiết chế chính quyền. Khi ổn định chính trị thì các đối tác bên ngoài, trong đó có Nga mới bắt đầu làm việc thực sự với Ukraine.

Phe đối lập chiếm giữ cửa vào ngân hàng quốc gia Ukraine ở Kiev

Hiện tại, Nga đã dừng việc viện trợ thông qua hình thức mua trái phiếu trị giá 15 tỷ USD. Trước mắt, Nga mới giải ngân 3 tỷ USD và dự tính giải ngân tiếp 2 tỷ USD nhưng đã ngừng lại.

Chắc chắn các nhà lãnh đạo thuộc phe đối lập Ukraine sẽ theo đuổi định hướng liên kết với châu Âu sớm hơn so với lộ trình trước đây của ông Yanukovych nhưng họ vẫn sẽ hợp tác với Nga.

Dù là ai lên nắm quyền cũng sẽ không ‘cắt cầu’ hoàn toàn với Nga bởi như thế sẽ cực kỳ nguy hiểm cho tình hình tài chính. Không nhà lãnh đạo nào muốn đất nước bị nghèo đói, trong khi đó, ảnh hưởng kinh tế mà cụ thể là khí đốt của Nga với Ukraine là rất rõ rệt.
- Nghĩa là Nga vẫn sẽ tìm cách duy trì ảnh hưởng tại Ukraine?
Đúng vậy, tôi nghĩ rằng cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Ukraine sẽ còn diễn biến cực kỳ phức tạp. Nếu như hồi cuối năm ngoái Nga tạm dẫn 1-0 khi Tổng thống Ukraine không đồng ý ký hiệp định gia nhập liên minh châu Âu EU thì hiện tại tình thế đảo ngược. Mỹ và phương Tây đang dẫn lại Nga 1-0 hoặc thậm chí là 2-0 với những biến loạn chính trị vừa qua.

Biểu tình đi kèm bạo lực của phe đối lập gây ra không ít sức ép cho chính quyền Tổng thống Yanukovych

Tuy vậy, mọi chuyện vẫn chưa thể kết thúc ngay ở đây. Nga đang chấp nhận hiện tại khi tình thế khó có thể thay đổi tức thời. 
Nhưng tình hình hiện tại của phe đối lập cũng chẳng dễ chịu gì. Chủ tịch Quốc hội Ukraine nói ngân sách đang trống rỗng và không có tiền chi cho cuộc bầu cử sắp tới.
Liên minh châu Âu nói họ sẵn sàng giúp đỡ Ukraine hàng tỷ Euro nhưng từ lời nói đến hiện thực là cả một khoảng cách xa vời. 
Trong khi đó, Nga ở sát cạnh Ukraine và rõ ràng Matxcơva không hề muốn láng giềng của mình trở thành đồng minh thân cận của Mỹ,qua đó, Washington có cớ thành lập lá chắn tên lửa sát sườn Nga - điều lâu nay vẫn khiến hai cường quốc tranh cãi.
Bình luận
vtcnews.vn