Ngày 18/3, Liên bang Nga tổ chức bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, ông Putin được cho là sẽ tái đắc cử một cách dễ dàng.
Để làm rõ hơn về khả năng tiếp tục lãnh đạo nước Nga và những chính sách trong thời gian tới của ông Putin, VTC News phỏng vấn nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, chuyên gia kỳ cựu về Nga và Liên Xô.
Ông Nguyễn Đăng Phát cho rằng: "Cho tới giờ phút này, ông Putin vẫn tỏ ra vượt trội hơn so với 7 vị ứng viên còn lại về khả năng đắc cử Tổng thống Nga.
Dù kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Nga gần như được mặc định nhưng những điều hấp dẫn, đáng theo dõi và nghiên cứu lại là vị trí thứ 2, thứ 3 và vị trí cuối cùng sau cuộc bầu cử này".
- Trong kỳ Bầu cử Tổng thống Nga hôm nay, ông Vladimir Putin tham gia tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, theo ông vì sao Tổng thống Nga lại làm như vậy?
Đây là lần tranh cử Tổng thống thứ 4 của ông Putin, nhưng không phải là lần đầu tiên ông tự ứng cử. Năm 2000, ông Putin ứng cử với tư cách Quyền tổng thống khi ông Yeltsin từ chức và bầu cử được tổ chức sớm. Đến năm 2004, ông Putin lại tự ra ứng cử và đến năm 2008, ông Putin thôi không làm tổng thống nữa do Hiến pháp Nga không cho phép có 3 nhiệm kỳ Tổng thống liên tiếp.
Lúc này, đảng Nước Nga Thống nhất giới thiệu ông Medvedev. Sau nhiệm kỳ Tổng thống của ông Medvedev và khi ấy ông Putin là Thủ tướng, đảng Nước Nga Thống nhất đề cử ông Putin. Cuộc bầu cử hôm nay là lần thứ 3 ông Putin tự ứng cử chứ không phải lần đầu tiên.
Video: Chuyên gia phân tích bầu cử Nga năm 2018
Tuy nhiên, lần tự ứng cử này của ông Putin rất đáng lưu ý bởi địa điểm ông chọn tuyên bố tái tranh cử chức vụ Tổng thống Nga là Nhà máy Ô tô Gorky (GAZ) mang tính biểu tượng, trước mặt người lao động, trước dân chúng. Điều này thể hiện sự gần gũi của ông Putin với xã hội, với dân chúng.
Ngay cả ngày 1/3 vừa qua, khi ông Putin đọc Thông điệp Liên bang tại hội trường lớn thay vì trong khu vực Điện Kremlin, động thái này cũng mang tính biểu tượng vì trước đây các nhà lãnh đạo phát biểu ở khu vực công cộng để thể hiện sự gần gũi với dân chúng.
Lần này khi tự ứng cử, ông Putin tin tưởng vào khả năng thắng cử của mình và tin tưởng chắc chắn vào việc đảng Nước Nga Thống nhất cũng như các cấp chính quyền của nước Nga ủng hộ mình.
- Vậy Đảng Nước Nga Thống nhất sẽ có vai trò và vị trí thế nào trong thời gian sắp tới, thưa ông?
Về đảng Nước Nga Thống nhất, tôi cho rằng đây không hẳn là đảng cầm quyền mà chính xác hơn là đảng của chính quyền.
Nếu là đảng cầm quyền, khi bầu cử Quốc hội, đảng này chiếm đa số họ sẽ đứng ra thành lập chính phủ.
Như một số nước ở châu Âu, sau khi tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, người đứng đầu đảng hoặc liên minh đảng thắng cử sẽ trở thành Thủ tướng.
Còn ở Nga không như vậy, do đó, kể cả trường hợp đảng Nước Nga Thống nhất chiếm đa số trong Duma, Tổng thống Nga vẫn có thể không mời chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất làm Thủ tướng Nga, mà tự ông sẽ lựa chọn Thủ tướng.
- Theo ông, trong số các ứng viên, ai sẽ là đối thủ nặng ký nhất đối với Tổng thống Putin?
Theo tôi, ông Putin không có đối thủ nên khó có thể nhận định ai là đối thủ chính. Cho tới giờ phút này, ông Putin vẫn tỏ ra vượt trội hơn so với 7 vị ứng viên còn lại về khả năng đắc cử Tổng thống Nga.
Tất nhiên, trong số 7 vị ứng của viên còn lại, điều đáng quan tâm là ai sẽ là người xếp thứ 2, thứ 3 và ai xếp chót – chính quyền Nga và bản thân ông Putin, nếu ông đắc cử, cũng sẽ quan tâm đến điều này. Bởi sau bầu cử, trong nền chính trị Nga, cơ cấu chính trị và tương quan các lực lượng chính trị ở nước Nga sẽ được định hình lại căn cứ trên tỷ lệ cử tri ủng hộ.
Ở đây tất nhiên có sự tương đối, vì khi bầu cử Hạ nghị viện của Quốc hội Nga, cử tri của đảng nào sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng ấy, còn khi bầu cử Tổng thống Nga thì một bộ phận cử tri lại cân nhắc về việc lựa chọn người xứng đáng đảm nhận chức vụ tổng thống bởi lãnh đạo nước Nga là công việc rất khó khăn và nặng nề.
Thậm chí, cử tri đảng này lại có thể bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống của đảng khác, ví dụ họ cho rằng ông Putin xứng đáng làm tổng thống thì họ sẽ bỏ phiếu cho ông Putin.
- Như vậy, gần như cuộc đua có kết quả từ khi chưa bắt đầu, theo ông, bầu cử ngày 18/3 có gì đáng quan tâm?
Sau bầu cử, căn cứ vào tình hình chính trị xã hội và tương quan lực lượng chính trị, tổng thống mới của nước Nga sẽ đưa ra các chính sách phù hợp chứ không chỉ quan tâm, chăm sóc duy nhất cho bộ phận bỏ phiếu cho mình.
Vì thế việc ai xếp thứ 2 và thứ 3 rất quan trọng, do đó các ứng viên còn lại sẽ tranh chấp vị trí thứ 2 và thứ 3 để trở thành lực lượng chính trị quan trọng, từ đó các cuộc bầu cử sau này ở địa phương và trong toàn quốc, bao gồm bầu cử Quốc hội, Thống đốc, các đảng này có lợi thế vì họ đang ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 trong trật tự của hệ thống chính trị Nga.
Việc ai xếp chót cũng quan trọng bởi chỉ số ấy được chú ý kỹ lưỡng, bởi bất cứ ứng cử viên của đảng nào xếp ở vị trí cuối cùng sẽ là cú giáng rất mạnh vào đảng đó, đấy là thất bại thảm hại và nó thể hiện sự chuyển biến lớn trong lòng xã hội Nga khi người dân Nga không ủng hộ tư tưởng của đảng đó nữa.
Tổng thống mới đắc cử và chính quyền mới của Nga cũng như chính phủ các nước khác đều sẽ phân tích điều này để thấy được xã hội Nga có những sự thay đổi rõ ràng. Cũng từ đấy, những cử tri hay những lực lượng ủng hộ vị ứng viên xếp chót này sẽ thấy vị cử tri đó cũng như bản thân họ không có chỗ đứng, không có vị trí trong nền chính trị Nga.
Do đó, dù kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Nga gần như được mặc định nhưng những điều hấp dẫn, đáng theo dõi và nghiên cứu lại là vị trí thứ 2, thứ 3 và vị trí cuối cùng sau cuộc bầu cử này. Đó mới là điều lý thú của bầu cử tổng thống tại Nga.
- Rất nhiều người tin rằng ông Putin sẽ tái đắc cử, liệu có phải khả năng này quá cao đến nỗi Tổng thống Nga không cần tham gia tranh biện trực tiếp trên truyền hình?
Luật Nga cho phép ứng cử viên tổng thống có thể không tham gia tranh luận trên truyền hình, năm 2012, Putin cũng không tranh luận trên truyền hình vì thực ra điều này không quá cần thiết đối với ông.
Bên cạnh đó, luật của Nga cho phép những người đang công tác tại các cơ quan nhà nước, như ông Putin là Tổng thống Nga hoặc những ứng viên đang làm giảng viên hoặc giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị Nga được nghỉ phép để tập trung cho việc vận động tranh cử.
Nhưng với những người ở vị trí lãnh đạo quan trọng như ông Putin hoặc giả sử Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Nga nếu nghỉ phép sẽ ảnh hưởng cực lớn đến công việc của đất nước.
Dù kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Nga gần như được mặc định nhưng những điều hấp dẫn, đáng theo dõi và nghiên cứu lại là vị trí thứ 2, thứ 3 và vị trí cuối cùng.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát
- Vậy ông Putin đã làm gì để vận động tranh cử trong thời gian qua, thưa ông?
Trong trường hợp của ông Putin, các hoạt động với tư cách Tổng thống Nga của ông rất nổi bật rồi và không cần vận động tranh cử trực tiếp. Chính sách, đường lối và chương trình hành động của ông Putin được ông trình bày ở nhiều diễn đàn quan trọng trước đây.
Bên cạnh đó, ông Putin trả lời các cuộc phỏng vấn với tư cách Tổng thống Nga và trên thực tế đây là công việc mà ông làm thường xuyên, chứ không phải vì bầu cử ông mới làm. Tất nhiên, trong các hoạt động với tư cách Tổng thống Nga, ông Putin có gửi đến những thông điệp có thể gọi là cương lĩnh tranh cử, điển hình như Thông điệp Liên bang.
Ở đây, bài phát biểu thể hiện cương lĩnh tranh cử ở chỗ nó tổng kết những thành tựu mà ông Putin đạt được không chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống vừa qua mà trong suốt 15 năm ông đảm nhận chức vụ này.
Ví dụ, về vũ khí, ông Putin khẳng định rằng đây không phải là những vũ khí từ thời Liên Xô để lại, mà đây là những vũ khí được Nga tập trung sức lực để nghiên cứu, đầu tư phát triển trong 15 năm trở lại đây.
Có thể coi Thông điệp Liên bang vừa rồi có liên quan đến việc tranh cử, như tôi từng phân tích, lẽ ra ông Putin có bài phát biểu này vào tháng 12/2017 nhưng lần này lại lùi tới thời điểm tháng 3/2018, việc lùi ngày này thực ra được luật pháp Nga cho phép.
- Như vậy, có thể nói không gì có thể ngăn cản chiến thắng của Tổng thống Putin. Theo ông, quan hệ của Nga với phương Tây trong nhiệm kỳ tới sẽ diễn biến thế nào, cụ thể là với Đức, Anh và Mỹ?
Quan hệ giữa Nga và Đức sẽ không có vấn đề gì quá lớn, 2 quốc gia này có quan hệ kinh tế rất tốt và giới doanh nghiệp Đức lại rất muốn giữ quan hệ bình thường bởi họ đầu tư và có cơ hội làm ăn lớn tại Nga.
Nga và Đức cần lẫn nhau ở mức độ sâu sắc, ví dụ về mặt năng lượng mà cụ thể là khí đốt, Đức rất cần đến Nga, do đó dù nhiều nước ở châu Âu phản đối dự án Dòng chảy Phương bắc của Nga nhưng Đức lại đồng ý ngay lập tức và khiến nhiều nước châu Âu khác phải nhượng bộ.
Trong bối cảnh hiện tại khi bà Angela Merkel tiếp tục nhiệm kỳ Thủ tướng Đức thứ 4 của mình hoặc ai là Thủ tướng Đức sau này đi nữa, quan hệ giữa Đức và Nga vẫn có sự gắn kết, khác với quan hệ giữa Nga và một số quốc gia ở châu Âu, bởi quan hệ kinh tế giữa Nga và Đức có quy mô lớn và điều này khiến các quan hệ khác tốt hơn.
Thời gian gần đây nổi lên vấn đề ồn ào giữa Nga và Anh, song trên thực tế, trong các quốc gia châu Âu, quan hệ giữa Nga và Anh vẫn ở trong tình trạng xấu nhất từ trước đến nay, cho nên dù có xảy ra căng thẳng thì đấy vẫn là điều dễ hiểu.
Hiện nay, sau vụ cựu điệp viên bị đầu độc, phía Anh đưa ra nhiều cáo buộc nhắm vào Nga, còn phía Nga yêu cầu phải có sự tham gia giám sát của tổ chức kiểm soát vũ khí hóa học. Quan hệ giữa Anh và Nga trở nên xấu đi và tất nhiên nước Nga sẽ có những biện pháp trả đũa.
Trong quan hệ Nga - Mỹ, từ trước đến nay, hai nước ít có quan hệ kinh tế, chưa kể đến các điều luật chống Nga được Mỹ duy trì từ nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, Nga ý thực được sẽ không có chuyện Mỹ bỏ hay nới lỏng cấm vận, thậm chí có thể Mỹ còn siết chặt thêm theo cơ sở luật nói trên cũng như các diễn biến tại Nga có chiều hướng gây bất lợi cho Mỹ.
Nhìn chung, quan hệ giữa Nga với phương Tây về cơ bản sẽ duy trì như hiện nay trong thời gian sắp tới và khó có sự cải thiện, bản thân ông Putin hay bất cứ ai khác khi đảm nhận chức vụ Tổng thống Nga đều sẽ đề cao vấn đề quốc gia dân tộc của nước Nga và không chấp nhận việc Nga trở nên lép vế trước các nước khác.
- Theo ông, liệu có khả năng Hiến pháp Nga được thay đổi trong nhiệm kỳ tới để ông Putin tiếp tục đảm nhiệm cương vị tổng thống sau năm 2024 hay không?
Tôi cho rằng, không có khả năng Hiến pháp Nga được sửa đổi trong nhiệm kỳ tới, nếu đắc cử, khi nhiệm kỳ này kết thúc, ông Putin sẽ ở tuổi 72 và đảm nhận 4 nhiệm kỳ tổng thống.
Dù vẫn được tín nhiệm, nhưng theo tôi ông Putin sẽ chuẩn bị nhân sự kế nhiệm. Ông Putin thường đưa ra những quyết định bất ngờ nhưng cần nói rõ là chỉ bất ngờ với dư luận, còn ông sẽ chuẩn bị rất kỹ cho các quyết định của mình.
Trong trường hợp Putin muốn tiếp tục giữ chức vụ Tổng thống Nga, ông vẫn có thể làm giống giai đoạn 2008 - 2012, giới thiệu một người làm Tổng thống và giữ chức vụ quan trọng như Thủ tướng hay vị trí Chủ tịch Hạ nghị viện hoặc Thượng nghị viện của Quốc hội Liên bang Nga.
Dù trường hợp nào xảy ra, chắc chắn ông Putin sẽ không để lại điều tiếng thay đổi Hiến pháp để tiếp tục giữ chức tổng thống, đặc biệt sau chừng ấy năm tận tụy phục vụ cho nước Nga.
- Vậy xét về khả năng chuẩn bị người kế nhiệm, ai sẽ là người được Tổng thống Putin tin tưởng, thưa ông?
Rất khó dự đoán ai sẽ là người kế nhiệm ông Putin sau nhiệm kỳ tới, có thể danh tính người này sẽ dần dần được dư luận nước Nga chỉ ra. Nhưng rõ ràng, người kế nhiệm bên cạnh tài năng phải là người mạnh mẽ, quyết đoán bởi lãnh đạo nước Nga là lãnh đạo đất nước rộng lớn – 1 liên bang có đến 85 chủ thể bao gồm các nước cộng hòa, cộng hòa tự trị... nhiều dân tộc với truyền thống văn hóa khác nhau.
Do đó, việc giữ cho Liên bang Nga thống nhất và chặt chẽ rõ ràng đòi hỏi người lãnh đạo phải mạnh mẽ. Trước đây, nhà lãnh đạo Stalin của Liên Xô cũng là người mạnh mẽ, nhưng có lẽ thời nay bên cạnh sự mạnh mẽ về thiết chế cũng cần sự mạnh mẽ, sáng suốt về việc phát triển kinh tế xã hội, cũng như không được để xảy ra xung đột sắc tộc bùng phát tại Nga.
Có thể kết luận, người kế nhiệm cần mạnh mẽ và quyết đoán để giữ vững thể chế liên bang của nước Nga, nhưng cũng cần phải mạnh mẽ và quyết đoán để phát triển kinh tế xã hội một cách đồng đều, bình đẳng giữa các khu vực và các dân tộc.
Ngoài ra, xét về mặt đối ngoại, người này phải phát huy được vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận