• Zalo

Chuyên gia văn hoá: Thoá mạ, sỉ nhục PGS Phan Thị Hồng Xuân sẽ huỷ diệt ý tưởng sáng tạo

Thời sựChủ Nhật, 14/07/2019 19:08:00 +07:00Google News

Chuyên gia văn hoá cho rằng hành vi thoá mạ, đe doạ nữ PGS Phan Thị Hồng Xuân sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.

Chiều 12/7, sau khi PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM đề xuất sáng kiến “dùng lu chống ngập”, bà đã nhận rất nhiều bình luận khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm, đe doạ tính mạng.

Trả lời VTC News về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng việc thoá mạ, chỉ trích, châm biếm chua cay trước một đề xuất cá nhân sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.

ba xuan

 PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất chống ngập bị thoá mạ, đe doạ. (Ảnh Tự Trung).

- PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân vừa đề xuất ý kiến “dùng lu chống ngập” trong cuộc họp HĐND TP.HCM khiến dư luận tranh cãi gay gắt, thưa ông?

Đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân rất tích cực, đáng để chúng ta trân trọng, ghi nhận.

pham-ngoc-trung 3

 

Nếu một người không trăn trở, không tâm huyết, không lo cho người thì họ sẽ không đưa ra những đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.HCM.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Học viện Báo chí Tuyên truyền

Tôi cho rằng đó là tinh thần xây dựng, dám nghĩ, dám làm, dám nêu lên quan điểm của mình thì chúng ta phải cổ vũ, động viên và ủng hộ. Nếu một người không trăn trở, không tâm huyết, không lo cho người thì họ sẽ không đưa ra những đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.HCM.

Về vấn đề giải pháp đưa ra có khả thi hay không, có phù hợp tính chất kinh tế và chính sách văn hoá xã hội không thì cơ quan chức năng, các ban ngành TP.HCM sẽ thảo luận và xem xét.

- Nhưng vì đề xuất này, PGS Phan Thị Hồng Xuân lại phải nhận rất nhiều những lời thoá mạ, sỉ nhục và thậm chí là đe doạ, thưa ông?

Chúng ta không nên mạt sát, thoá mạ, chê bai, sỉ vả các ý kiến tâm huyết của các đại biểu HĐND TP.HCM.

Ở nước ngoài, các nghiên cứu khoa học còn có rủi ro thì nói gì đến ý kiến cá nhân của một người. Nếu những ai không đồng ý, họ có thể phản biện dưới góc độ khoa học, kinh tế, xã hội, văn hoá.

- Cần nhìn nhận về cách phản ứng của dân mạng thế nào, thưa ông?

Ứng xử của cư dân mạng cũng có cái tích cực. Họ tỏ thái độ trước thời cuộc chứng tỏ có sự quan tâm, nhiệt huyết đến một vấn đề được nêu ra.

Điều đó cho thấy những hướng tích cực, sự dân chủ của xã hội, một vấn đề đưa ra được nhiều người dân quan tâm, nhiều người bàn bạc, thảo luận.

Chúng ta khuyến khích đóng góp nhưng khi mỗi người đưa ra ý kiến, quan điểm mình phải tìm hiểu, nghiên cứu và có sự cân nhắc, không nên đóng góp theo kiểu “chợ búa” vì nó sẽ triệt tiêu những ý tưởng sáng tạo, nhiệt huyết.

Nếu ý tưởng đưa ra mà đúng ngay thì cần gì đến các cơ quan, ban ngành cùng nghiên cứu.

Ý tưởng đưa ra dù có sai thì mình phản biện cái sai để đến cái đúng. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cần suy nghĩ cách nêu lên ý kiến đó sao cho có văn hoá và khoa học, tạo ra không gian dân chủ để bàn bạc, sẽ tốt đẹp hơn cho đất nước.

Video: Phát biểu dùng lu nước để chống ngập gây tranh cãi của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân

- Các góp ý kiểu thoá mạ, sỉ nhục cá nhân sẽ nguy hiểm thế nào, thưa ông?

Nói kiểu thoá mạ, chỉ trích, châm biếm chua cay sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.

Một xã hội văn minh, mình phải tôn trọng những ý kiến đa phương, đa diện, đa chiều. Những ý kiến có tính tích cực xây dựng, đóng góp, chúng ta đều trân trọng để tìm ra chân lý, tiếng nói chung để xây dựng đất nước. Để xảy ra xung đột thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả mà sẽ tạo nên phức tạp, mâu thuẫn, căng thẳng trong xã hội.

Mọi người phải nhìn nhận lại, xem xét lại làm sao tiếp cận cho đúng đắn và văn minh.

Những hành vi xúc phạm, thoá mạ, đe doạ người khác đã được luật pháp quy định. Vì thế, những người có hành vi không đúng mực sẽ bị xử lý theo quy định.

- Thực trạng này liệu có khiến nhiều người sợ “vác tù và hàng tổng”, ngại đưa ý tưởng, đề xuất giải pháp đóng góp cho thành phố, đất nước?

Chúng ta chỉ trích, thoá mạ, đe doạ như thế sau này không ai dám đưa ra ý kiến cá nhân. Đó vấn đề rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên, với những người tâm huyết họ sẽ sẵn sàng lắng nghe để hoàn thiện ý tưởng của mình, xây dựng xã hội ngày phát triển hơn.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long:

Chúng ta luôn khuyến khích phê bình và tự phê bình, tranh luận một cách dân chủ. Chúng ta nên hiểu phản biện, tranh luận mang tính chất đóng góp, còn chỉ trích là vấn đề khác. Một vấn đề đưa ra tranh luận không phải lúc nào đám đông cũng đúng đắn.

Những chỉ trích, thoá mạ người đóng góp ý kiến, ý tưởng sẽ làm ảnh hưởng đến tính xây dựng của người khác, làm họ dè chừng, ái ngại. Khi đó, những ý kiến mang tính đóng góp, xây dựng sẽ bị triệt tiêu.

MINH ANH
Bình luận
vtcnews.vn