"Còn quá sớm để nói Omicron dẫn tới nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn những biến chủng COVID-19 trước hay không dù có vẻ nó dễ lây lan và dễ lây nhiễm cho những người phát triển miễn dịch từ tiêm chủng hoặc từng nhiễm bệnh", Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quốc tế kiêm chuyên gia y tế công cộng, dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim cho hay.
Ông này nói thêm rằng, những lo ngại về Omicron đã gây ra phản ứng thái quá trên khắp thế giới. "Dựa trên những gì chúng tôi biết về cách các biến thể đáng lo ngại khác phản ứng với vaccine, khả năng bảo vệ của vaccine vẫn còn mạnh mẽ", ông Karim nói thêm.
Biến chủng Omicron được WHO xếp vào nhóm "đáng quan ngại" được phát hiện lần đầu ở Botswana hôm 9/11. Chỉ sau 2 tuần, biến thể này lây lan tới hàng loạt các quốc gia.
Với 32 đột biến ở protein gai, Omicron được đánh giá là biến chủng COVID-19 nguy hiểm nhất từ trước tới nay và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta).
WHO cho biết tổ chức này vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây lan hơn hoặc khiến bệnh nặng hơn so với biến thể COVID-19 khác hay không. "Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ gia tăng các trường hợp nhập viện ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do số lượng gia tăng các bệnh nhân nhiễm bệnh không phải chỉ là do nhiễm Omicron", theo WHO.
Tuy nhiên trong một thông báo, tổ chức này nhắc lại rằng các bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ tái nhiễm cao hơn nếu mắc biến chủng này. WHO đang làm việc với các chuyên gia để đánh giá tác động tiềm tàng của Omicron đối với những biện pháp ứng phó hiện nay nhằm chống lại COVID-19, bao gồm cả vaccine.
Trong khi đó, nhiều quan chức Nam Phi lên tiếng trấn an về sự xuất hiện của Omicron.
Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Angelique Coetzee cho biết siêu biến chủng Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và không có dấu hiệu gì nổi bật. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla khẳng định biến chủng Omicron không gây ra tình trạng bệnh COVID-19 nặng.
Bình luận