Trường hợp gia đình anh P.D.V ở xã Văn Hội huyện Ninh Giảng tỉnh Hải Dương có 9 người trong gia đình bị ung thư, trong đó 7 người ung thư đại tràng là một trường hợp rất hy hữu. Phân tích về trường hợp đặc biệt này, PV có cuộc trao đổi với PGS-TS Đoàn Hữu Nghị - Chuyên gia Ung bướu Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
- Thưa PGS Đoàn Hữu Nghị, những ngày qua, rất nhiều người quan tâm tới trường hợp một gia đình có 9 người bị ung thư, trong đó 7 người mắc ung thư đại tràng ở Hải Dương. Với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, ông nhận xét thế nào về trường hợp này?
PGS-TS Đoàn Hữu Nghị: Đây là một trường hợp rất hy hữu không những với Việt Nam mình mà ngay cả thế giới cũng hiếm.
Cách đây 17 năm, tôi và một đồng nghiệp ở bệnh viện K có công bố một công trình về ung thư đại tràng gia đình. Chúng tôi nghiên cứu trên 7 gia đình bị ung thư đại tràng. Trong 7 gia đình đó, gia đình nhiều nhất cũng chỉ có tới 4 người ruột thịt bị ung thư. Trường hợp này một gia đình có 7 người là rất hiếm.
Ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm điều trị rất tốt. Chính vì vậy, giới khoa học chúng tôi rất mong muốn bệnh nhân phát hiện sớm. Những người có quan hệ ruột thịt với 7 người bị ung thư đại tràng nên đi soi tràng sớm, tối thiểu cần xét nghiệm máu trong phân để tầm soát sớm ung thư đại tràng.
- Ung thư đại trực tràng thường có mấy dạng, thưa PGS?
PGS-TS Đoàn Hữu Nghị: Ung thư đại trực tràng là tên gọi chung của ung thư ruột kết và ung thư trực tràng. Loại ung thư này gây nên bởi sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư đại trực tràng thường gặp 2 dạng: dạng thông thường nhất là ung thư biểu mô tuyến, dạng thứ 2 là ung thư sát ngay hậu môn, gọi là ung thư biểu mô vảy.
Ngoài ra, có thể gặp các dạng khác: Ung thư hắc tố của trực tràng, U Lympho của trực tràng là dạng hiếm gặp hơn.
- Một bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thể trải qua bao nhiêu giai đoạn bệnh, thưa PGS ?
PGS-TS Đoàn Hữu Nghị: Ung thư đại trực tràng thông thường trải qua 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Khối U khu trú ở niêm mạc (chỉ phát triển trên niêm mạc). Ở giai đoạn này, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện chảy máu ( trong phân có máu) và khó chịu do viêm nhiễm niêm mạc.
Giai đoạn 2: U xâm lấn sâu hơn, đến lớp cơ và đến lớp thanh mạc. Khi xâm lấn vào lớp này, tình trạng bệnh bắt đầu phức tạp hơn.
Ở giai đoạn này, ngoài phẫu thuật, người bệnh phải sử dụng hóa chất.
Giai đoạn 3: Di căn ra hạch.
Giai đoạn 4: Di căn vào các nội tạng.
Bệnh nhân ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3 , giai đoạn 4) chiếm khoảng trên 50 %. Rất hiếm bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn 1.
Trước kia, ở giai đoạn 4 không thể kiểm soát được. Từ khi phát triển hóa trị liệu, giai đoạn 3 bắt đầu phải điều trị bằng hóa chất. Giai đoạn 4 ngoài điều trị hóa chất còn thêm các phương pháp hiện đại hơn như điều trị đích, điều trị miễn dịch, phức tạp hơn.
- PGS có thể cho biết tiên lượng đối với từng giai đoạn bệnh của ung thư đại trực tràng?
PGS-TS Đoàn Hữu Nghị: Giai đoạn 1, tỷ lệ khỏi bệnh lên tới hơn 90%.
Giai đoạn 2: Dao động từ 60-70%
Giai đoạn 3 : Còn khoảng 40- 50%
Giai đoạn 4: Tỷ lệ khỏi bệnh sống 5 năm khoảng 25%.
- Phương pháp điều trị ung thư đại tràng tốt nhất hiện nay là gì, thưa PGS?
Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nếu đã bị bệnh ung thư đại trực tràng thì có các phương pháp như:
- Phẫu thuật, cắt bỏ rộng rãi khối ung thư
- Phối hợp với xạ trị
- Kết hợp phẫu thuật và hóa chất, xạ trị- phẫu thuật- hóa chất
- Thưa PGS Đoàn Hữu Nghị, hiện tại có rất nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư trực tràng đã tự về nhà cắt thuốc nam để uống, không can thiệp hóa xạ trị. PGS nghĩ thế nào về tình trạng này ?
Ung thư trực tràng gần hậu môn nên viêm nhiễm nhiều. Thuốc nam có tác dụng nhuận tràng, đi phân dễ hơn. Vì có tác dụng tiêu độc giảm viêm, nên bệnh nhân có cảm giác nhẹ hơn, đỡ bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài uống thuốc nam không có tác dụng chữa ung thư. Vẫn phải hóa xạ trị. Có thể kết hợp thuốc nam cho nhuận tràng rất tốt. Tôi vẫn khuyên bệnh nhân ăn khoai, đu đủ, chuối đi ngoài dễ hơn.
- Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng, có trường hợp nào khiến PGS ấn tượng nhất?
Tôi từng làm luận án chuyên khoa cấp 2 vấn đề mổ an toàn, mổ hàng ngàn ca ung thư trực tràng rất an toàn. Sau khi bảo vệ chuyên khoa 2, tôi làm luận án tiến sĩ về phẫu thuật bảo tồn cơ tròn với ung thư trực tràng. Luận án thành công và sau này hướng dẫn nhiều học trò bảo toàn cơ tròn ung thư trực tràng.
Cách đây 40 năm, ở Hà Nội bảo tồn cơ tròn rất ít. Tôi là một trong những người đi tiên phong bảo tồn cơ tròn và những người mổ trong thời kỳ đó cách đây 40 năm họ vẫn khỏe mạnh, đi ngoài bình thường. Đó là những ca bệnh khiến tôi nhớ nhất.
- Rất cảm ơn sự chia sẻ quý giá của PGS- TS Đoàn Hữu Nghị - chuyên gia Ung bướu bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Đoàn Hữu Nghị có 40 năm kinh nghiệm làm việc về ngoại khoa, đặc biệt trong ngành ung bướu. PGS Đoàn Hữu Nghị nguyên là giám đốc Bệnh viện E - Hà Nội trong vòng 10 năm và nguyên phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện K trong vòng 6 năm. Bác sĩ Đoàn Hữu Nghị đã tu nghiệp tại 20 nước trên thế giới về ngành ung bướu và được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 2002.
Đến nay, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố chính thức trên các trang báo, tạp chí y học trong nước và ngoài nước. Năm 2010, bác sĩ Nghị được phong tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân. Hiện tại, bác sĩ Đoàn Hữu Nghị là ủy viên Hội phòng chống ung thư Việt Nam, và là phó chủ tịch Hội ung thư Hà Nội.
Bình luận