Những ngày gần đây, Hà Nội vượt ngưỡng hơn 30.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, tương đương số bệnh nhân cần xin giấy xác nhận F0, giấy xác nhận điều trị khỏi bệnh COVID-19, gây áp lực về giải quyết thủ tục hành chính cho trạm y tế địa phương.
Chỉ riêng Trạm y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.000 người xin dấu xác nhận F0 hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Ngày cao điểm 3/3, trạm y tế tiếp 1.721 người, 11 nhân viên y tế tại trạm phải thay phiên nhau túc trực.
Trước thực tế này, mới đây UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho lực lượng cơ sở, giảm thiểu thủ tục hành chính trong quản lý F0 tại nhà.
Trả lời PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích, do liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội, người dân cần một loại giấy tờ để chứng minh rằng mình nghỉ làm vì nhiễm COVID-19.
"Các bệnh thông thường khác vẫn cần xác nhận của cơ quan y tế hoặc có chứng nhận của xã, phường, bệnh viện thì bảo hiểm mới chi trả. Vì thế, nếu chỉ test nhanh dương tính COVID-19 mà yêu cầu bảo hiểm y tế xác nhận là vấn đề khó.
Chúng ta phải linh hoạt hơn, tức là cơ quan, nhà máy, xí nghiệp có đội ngũ y tế xác nhận người lao động mắc COVID-19 thì cũng có thể chấp nhận được, không nhất thiết cứ phải ra trạm y tế xã, phường, bệnh viện. Việc này sẽ giúp giảm tải cho đội ngũ cán bộ y tế", ông Hùng cho hay.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng chỉ ra thủ tục cấp giấy chứng nhận F0 vẫn còn rườm rà quá mức. Nếu cứ giữ nhiều giấy tờ như vậy dẫn đến việc người dân không khai báo, nếu không bị nặng họ vẫn đi làm gây nguy cơ lây nhiễm nhiều người.
"Khi người ta xét nghiệm dương tính thì không cần phải ký quyết định cách ly, hết thời gian cách ly, dỡ bỏ cách ly… Cần bớt các thủ tục này đi thì người dân sẽ tuân thủ hơn trong phòng chống dịch và đỡ dồn áp lực cho y tế xã, phường", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Một vấn đề được PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nêu ra đó là phải tính đến việc không coi COVID-19 là đại dịch bởi bệnh nhóm A là bệnh lan rộng, diễn ra trên diện rộng và tỷ lệ tử vong cao.
Theo vị chuyên gia, hiện nay tỷ lệ tử vong do COVID-19, kể cả nhóm trẻ em chưa tiêm rất thấp, thống kê chỉ 0,1%, có nhiều nơi thấp hơn. Vì vậy, đây không phải là bệnh gây chết người quá mức như các bệnh khác. Tỷ lệ tử vong chủ yếu ở người già, những người mắc bệnh lý nền nặng nhưng nhìn chung tỷ lệ tử vong thấp, giống như các bệnh truyền nhiễm khác.
"Cho nên nếu giữ ở nhóm A thì dẫn đến nhiều phiền hà về vấn đề thủ tục, khai báo, cách ly, hạn chế các hoạt động kinh doanh, mở trường, đóng trường… Chủ yếu chủng Omicron hiện nay nhẹ, lây nhanh, số lượng người mắc nhiều nhưng về cơ bản chỉ vài ngày là khỏi, không gây ra quá tải cho các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu cứ giữ lại ở nhóm A sẽ còn vướng một cái là liên quan đến chế độ thanh toán điều trị bệnh dịch", ông Hùng nhận định.
Cùng quan điểm về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, hiện nay số người mắc COVID-19 quá nhiều, dẫn đến các doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, tỷ lệ F0 tử vong không cao, chủ yếu là người lớn tuổi có bệnh nền. Do đó, để bảo vệ lực lượng lao động, nên để F0 đi làm, ai mệt quá thì ở nhà, có thể làm việc được thì đeo khẩu trang làm việc.
Bác sĩ Khanh cũng cho rằng việc cấp giấy xác nhận F0 nên giao lại cho cơ quan quản lý người lao động. Khi nào người bệnh điều trị mới cần phường, xã, bệnh viện vào cuộc.
"Cơ quan phải có nhiệm vụ cấp giấy xét nghiệm giống như giấy xác nhận nghỉ ốm cho người lao động. Người dân lao động tự do thường không có nhu cầu xin giấy tờ này, còn công nhân, người lao động muốn xin giấy xác nhận để hưởng chế độ bảo hiểm thì có cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm. Cứ giao hết cho phường, xã thì người đâu mà làm cho nổi", bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích.
Bình luận