Theo chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh, nên bỏ hẳn thuế môi trường với xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc nền kinh tế còn khó khăn. Nếu vẫn muốn thu sắc thuế này, các bộ ngành phải có nghiên cứu và chứng minh bằng cơ sở khoa học rõ ràng, minh bạch.
"Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của các ngành sản xuất trong nền kinh tế và trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Xăng dầu dù có tăng giá thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng. Việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cơ bản chỉ làm tăng giá xăng dầu, không có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế", TS Bùi Trinh lý giải.
Ông Trinh phân tích thêm: Xăng dầu dù có tăng giá thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng. Nhưng vấn đề đặt ra là khi xăng dầu tăng giá sẽ không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá hàng hóa lên cao, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Giá các mặt hàng quá cao sẽ khiến người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không bán được hàng cũng không có động lực để phát triển sản xuất.
"Cuối cùng sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế", chuyên gia nhấn mạnh.
Vẫn theo TS Bùi Trinh, cũng cần làm rõ việc đánh thuế cao hơn nữa với xăng dầu thì có giảm việc sử dụng xăng dầu trong giao thông không? Việc giảm ô nhiễm môi trường trong giao thông vận tải phải có những giải pháp khác khả thi hơn như phát triển giao thông công cộng, phương tiện giao thông ít phát thải…
Trong khi đó, theo tính toán, ngành vận tải không phải là ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất. Ngành này thậm chí còn thải ra chất thải thấp hơn bình quân chung của nền kinh tế. Ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất chính là công nghiệp chế biến, chế tạo (thải ra mức thải cao hơn bình quân chung của nền kinh tế hơn 3 lần).
Bên cạnh đó là đứng về phía tổng cầu cuối cùng sản xuất hàng xuất khẩu thải ra khí nhà kính chiếm 51% tổng phát thải. Trong đó, sản xuất hàng xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 73% tổng xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh cần công khai minh bạch việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu bởi đây là nguồn thu lớn. Tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng đưa vào ngân sách phải chi trở lại để bảo vệ môi trường, giúp cho người dân có môi trường sống trong lành, không bị ô nhiễm.
"Những năm qua, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường rất lớn nhưng không rõ đã được sử dụng để thực hiện các dự án liên quan tới công tác bảo vệ môi trường thế nào, phải thật minh bạch, rõ ràng thì người dân mới ủng hộ", ông Trinh nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đồng tình khi cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Nhà nước nên có chính sách khoan thai sức dân, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hồi phục. Bên cạnh đó, ông Long cũng cho rằng cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu. Theo quy định, việc thu thuế bảo vệ môi trường phải chi cho bảo vệ môi trường, nhưng hiện nay chưa được công khai minh bạch.
"Thuế môi trường với xăng dầu là một nguồn thu không nhỏ, nên phải chi đúng mục đích, có hiệu quả tránh thất thoát, lãng phí. Bộ Tài chính nên minh bạch hiệu quả sử dụng trong việc thu chi hàng trăm nghìn tỷ đồng từ nguồn thuế này", ông Long nói.
Doanh nghiệp vẫn lao đao
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty vận tải Đất Cảng, bày tỏ lo lắng việc giá xăng dầu có thể sẽ tăng mạnh khi nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn hết hiệu lực. Theo ông Hải, nhằm mục đích giúp hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn. Nhưng từ 1/1/2023, thuế này sẽ được đưa trở lại mức trần với xăng (trừ xăng sinh học) từ 1.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 2.000 đồng/lít... Việc tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ khiến giá bán lẻ các mặt hàng này tăng tương ứng.
"Dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế, du lịch, thương mại... dần phục hồi nhưng vận tải hành khách, nhất là tuyến cố định còn nhiều nỗi lo. Nếu giá xăng dầu tăng mạnh sẽ khiến doanh nghiệp vận tải tiếp tục phải đối mặt rủi ro...”, ông Hải nói.
Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho biết ba năm gần đây doanh nghiệp vận tải quá khó khăn. Đầu tiên là dịch bệnh, kinh doanh đình trệ, xe cộ đắp chiếu. Tiếp đó là giá xăng dầu tăng cao bất thường, đa số nhà xe gánh lỗ. Nay hoạt động vận tải bắt đầu hồi phục thì lo giá nhiên liệu tăng, nguồn cung đứt gãy...
Nên tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế môi trường với xăng dầu như hiện nay đến hết năm 2023 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp
"Ngành vận tải đang quá khổ, lúc nào cũng trong tâm trạng lo âu. Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là sự ổn định để có thể hoạch định chiến lược kinh doanh lâu dài. Tôi cho rằng nên tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế môi trường với xăng dầu như hiện nay đến hết năm 2023 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp", ông Bằng chia sẻ.
Ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học, cũng cho rằng việc thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu quay lại mức kịch trần theo khung thuế sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, là nhiên liệu đầu vào quan trọng của ngành vận tải.
"Doanh nghiệp vận tải vừa lao đao vì dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nếu thêm giá xăng, dầu tăng cao thì kinh doanh sẽ rất trì trệ”, ông Học nói.
Bộ Tài chính đề xuất áp mức sàn thuế bảo vệ môi trường xăng dầu
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến đối với dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong 2023.
Theo đó, thay vì kiến nghị áp dụng thuế suất linh hoạt 4 mức thuế tùy theo diễn biến giá dầu thô thế giới thì Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng mức giá sàn trong khung thuế trong cả năm tới.
Cụ thể, thuế với xăng và nhiên liệu bay áp mức sàn 1.000 đồng/lít, thuế với dầu diesel 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hoả 300 đồng/lít, mỡ nhờn 300 đồng/kg.
Từ 2024, thuế với các mặt hàng này sẽ quay về mức kịch trần, tức là 4.000 đồng/lít xăng, nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít, dầu hỏa là 1.000 đồng/ lít, mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự báo 2023 giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ở mức 95-105 USD/thùng (giảm 12-20% so với ước giá bình quân năm 2022). Như vậy, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ước tính năm 2023 tuy có giảm so với ước giá bình quân 2022 nhưng vẫn còn ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và sử dụng xăng dầu tăng cao để phục hồi kinh tế sau đại dịch, dự báo sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2023 vào khoảng 14,50 triệu m3 (hoặc tấn), tăng khoảng 10% so với sản lượng tiêu thụ năm 2022.
Trong khi đó, theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 thì từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ dầu hỏa) sẽ trở về mức trần trong biểu khung thuế, từ mức giá sàn đang áp dụng hiện nay.
Bộ Tài chính cho rằng việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng từ mức sàn về mức trần từ ngày 1/1/2023 (giai đoạn cận kề Tết nguyên đán) sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và sẽ tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần phải có giải pháp để góp phần ổn định giá xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô trong 2023.
Bình luận