Thời gian gần đây, những bộ phim hay các đoạn video ca nhạc yêu đồng tính được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội dấy lên mối lo của các bậc phụ huynh và khán giả về tác động của những văn hoá phẩm này đối với tâm lý của giới trẻ nói riêng và cả cộng đồng nói chung.
Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM đã có những chia sẻ về vấn đề này.
- Gần đây, các clip ca nhạc, phim ảnh đề tài đồng tính đang trở nên thịnh hành và được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Việc này có tác động như thế nào đến tâm lý của khán giả, thưa chị?
Xem đi xem lại những clip yêu đồng tính sẽ nảy sinh sự ám thị, dẫn đến việc làm theo mà không hề hay biết.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đã chỉ ra tác động của truyền thông đến tâm lý con người, trong đó, hai cơ chế rõ nhất là cơ chế bắt chước và lây lan.
Cơ chế bắt chước có nghĩa là nếu những người đóng trong những đoạn phim, clip là những người nổi tiếng, có địa vị và sức ảnh hưởng thì một bộ phận giới trẻ sẽ bắt chước và làm theo. Việc này sẽ dẫn đến sự méo mó trong hành vi.
Ảnh hưởng thứ hai là cơ chế lây lan về mặt cảm xúc và ám thị. Khi một thông tin đến, đặc biệt trên truyền thông, sẽ được phát đi phát lại nhiều lần sẽ gây ám thị vào người xem. Khi một người bị nhiễm thông tin đó vào đầu, trong tâm lý của họ sẽ nảy sinh sự ám thị, dẫn đến việc làm theo mà họ không hề hay biết.
Họ sẽ có suy nghĩ cho rằng việc yêu người cùng giới là chuyện bình thường, thậm chí thú vị hơn cả yêu người khác giới dẫn đến hành vi muốn trải nghiệm cảm giác này.
- Chị có thể phân tích kỹ hơn về điểm tích cực và tiêu cực của những văn hoá phẩm có yếu tố đồng tính với khán giả?
Điểm tích cực của những văn hoá phẩm này là giúp khán giả có được cái nhìn khác về người đồng tính. Những clip được làm cẩn thận, mang tính giáo dục sẽ cung cấp các dữ liệu, khía cạnh tích cực về giá trị của người đồng tính để mọi người hiểu hơn về cộng đồng LGBT.
Tuy nhiên, nếu những văn hoá phẩm đó cung cấp thông tin không đủ, không rõ ràng, khiến khán giả hiểu sai về người đồng tính, ắt dẫn đến những hậu quả khó lường. Khi thông tin sai sẽ dẫn đến hành vi sai.
Clip: "Nơi này có anh" phiên bản đồng tính nam của BB Trần và người yêu
- Việc đưa nhiều nhân vật đồng tính vào phim, MV, clip để làm yếu tố gây cười, theo chị có ảnh hưởng gì về cách nhìn nhận của khán giả với cộng đồng LGBT?
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân đồng tính có thể do gene di truyền hoặc/và một số yếu tố mà họ chưa xác định được.
Đồng tính đôi khi là xu hướng mà đôi khi bản thân họ cũng không muốn. Vậy việc xỉa xói, bới móc, bêu xấu, đem ra làm trò mua vui đó cho thấy sự không đồng cảm với cộng đồng LGBT. Như vậy, việc sẻ chia thì không có, nhưng lại làm tăng thêm nỗi đau của họ.
- Có khán giả nhận xét các phim và đoạn clip có người đồng tính giả gái, giả trai gây cười đang lan truyền trên mạng là rất phản cảm, khiến họ có suy nghĩ khác về người đồng tính là những người bệnh hoạn, không bình thường, chị nghĩ sao?
Những sản phẩm “mua vui” này rất phản cảm, đôi khi cũng đem đến cái nhìn lệch lạc về người đồng tính, cho rằng cứ đồng tính là phải giết nhau, yêu đương mù quáng và đem đến cái nhìn thiếu thiện cảm cho nhóm người này.
Bản thân tôi cảm thấy rất tội nghiệp cho những người đồng tính thật sự. Họ rất muốn có một cuộc sống bình yên, cái nhìn cảm thông từ cộng đồng để có thể cống hiến cho xã hội như bao người khác.
- Bản thân cộng đồng LGBT khi xem những đoạn clip hay phim này sẽ có cảm xúc như thế nào, thưa chị?
Tôi sẽ không bàn đến những người đồng tính thoải mái chia sẻ về xu hướng tình dục của mình, vì phần đông trong số họ sẽ không có vấn đề gì với những văn hoá phẩm này.
Tuy nhiên, một số người đồng tính không thoải mái chia sẻ xu hướng tình dục của mình khi xem những đoạn clip này sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Đó là một sự khiếm khuyết trong cơ thể họ. Họ không thể lựa chọn giới tính và xu hướng tình dục của mình.
Việc đem cái xấu ra bêu rếu thì không xấu, nếu những điều đó xấu thực sự. Nhưng nếu chỉ đem cái khác biệt của cộng đồng LGBT ra để làm trò mua vui, dè bỉu thì sẽ gây tác động xấu đến cái nhìn của cộng đồng nói chung về cộng đồng LGBT.
Clip: Trailer gây tranh cãi của "Để Hội tính (Để Mai tính 2)"
- Với những tác động như trên, các văn hoá phẩm có nội dung cổ suý xu hướng tình dục đồng tính cần được kiểm soát như thế nào?
Về mặt nguyên tắc, những văn hoá phẩm cần có sự quản lý, giúp định hướng điều nên và không nên, tốt và không tốt. Điều này còn phụ thuộc vào các cơ quan thẩm định và trình độ của người thẩm định để đảm bảo chắc chắn là mang lại một giá trị nào đó cho khán giả. Những văn hoá phẩm phi giáo dục này cần được kiểm định và kiểm soát chặt chẽ.
Trong trường hợp những văn hoá phẩm này không thể được kiểm duyệt bằng con đường chính quy từ các cơ quan nhà nước, thì các cơ quan truyền thông báo chí và dư luận xã hội phải lên tiếng. Nếu dư luận xã hội không chấp nhận, thì đó cũng là một kênh để khán giả có thể tham khảo và nhìn nhận giá trị của những văn hoá phẩm này.
- Cám ơn chị về những chia sẻ.
Bình luận